Công cụ phỏng vấn thứ 3 và 4 … kỹ thuật chống nói dối

(Tiếp bài trước: https://goo.gl/qAAgnd ) Hắn bốc điện thoại gọi nội bộ sang phòng Đòi nợ gặp trưởng phòng: “Anh! Em Cường cận đây. Sắp tới phỏng vấn lứa đầu tiên cho dự án mở rộng phòng. Trong tuần này anh có rảnh ngày nào không? Để em đặt lịch ứng viên. Cho em xin 2 ngày nhé”. Trao đổi với trưởng BP Đòi nợ xong, theo kinh nghiệm làm việc của hắn thì cứ phải làm cái email nữa cho chắc cú. Nhanh không kém gọi điện, hắn email cho anh trưởng BP và được phản hồi tức thì: “OK! Anh xác nhận”.

Lấy được lịch, hắn gọi điện cho ứng viên theo kịch bản riêng dành cho các ứng viên mới ra trường.

1. Chào ứng viên: Xin hỏi đây có phải là …. không? Anh là Cường gọi điện từ phòng nhân sự tập đoàn PT.
2. Báo thông tin: Anh gọi điện để báo rằng em đã qua vòng xem CV. Chúc mừng em.
3. Phỏng vấn sơ qua: Anh muốn trao đổi với em kỹ hơn một chút. Em cho anh xin mấy phút nhé? (Xem danh sách câu hỏi và bắt đầu các câu hỏi làm rõ CV. Từ đó để đánh giá sơ bộ thái độ, kỹ năng, kiến thức nghề.)
4. Đặt lịch phỏng vấn: Cám ơn em. Em có thể vui lòng cho anh hỏi: thời gian …. Em có rảnh để đến công ty chúng ta trao đổi trược tiếp không?
5. Nếu ứng viên không rảnh thời gian của lựa chọn 1: Vậy à? Tiếc nhỉ. Để anh đề nghị công ty tạo điều kiện gặp em buổi khác. Thời gian …. Thì sao ?
6. Nếu ứng viên vẫn không đáp ứng được lựa chọn 2 hoặc đã đặt lịch xong: Cám ơn em. Có gì thay đổi anh sẽ liên hệ với em sau. Hẹn gặp em trong thời gian tới.

Hẹn được tất cả ứng viên xong, hắn dùng công cụ gửi mail theo cấu trúc:

Kính gửi Anh/Chị Ho_ten

Xin chúc mừng Anh/Chị đạt kết quả tốt trong kỳ kiểm tra kiến thức chuyên môn vừa qua. Chúng tôi xin trân trọng kính mời Anh/Chị đến tham gia phỏng vấn tại công ty chúng tôi với nội dung như sau:
Vị trí tuyển dụng: Đòi nợi
Thời gian: Thoi_gian
Địa điểm: Phòng họp, Tầng x , tòa nhà Phan Thị, số 1 đường Thi Phạn, thành phố ….

Mọi chi tiết, anh chị vui lòng liên hệ
Họ tên: Mr Nguyễn Hùng Cường
Vị trí: Chuyên viên tuyển dụng
Điện thoại: 0988 833616
Email: cuongnh@phanthi...
để được biết thêm chi tiết.

Rất mong Anh/Chị thu xếp thời gian tham gia. Vui lòng xem trước:
- Các thông tin công việc tại: …..com/….
- Thông tin về tập đoàn tại: phanthi…

Trường hợp Anh/Chị không thể thu xếp được thời gian, xin vui lòng liên hệ lại chúng tôi theo số điện thoại/địa chỉ trên để xác nhận lại.

Trân trọng kính chào!
TP.NHÂN SỰ

Vèo một cái, mail đã được gửi đi với sự chuyên nghiệp nhất có thể. Hắn đắc thắng: “Thế chứ! Làm tuyển dụng mà không đầu tư công cụ thì có mà chết. Để cẩn thận, hắn ghi vào tờ giấy ghi chú: sẽ nhắn tin nhắc lịch ứng viên từ hôm trước.

Ngày hẹn phỏng vấn cũng đã đến. Trước giờ phỏng vấn 1 tiếng, hắn ngồi với trưởng bộ phận trong phòng họp và trao đổi trước một số kinh nghiệm cần phỏng vấn. Hắn nói về kỹ thuật chống nói dối. Theo hắn, một ngày mỗi người phải nghe 10 – 200 lời nói dối. Đối với người lạ mới gặp mặt họ sẽ nói dối ít nhất 3 lần trong 10 phút đầu gặp mặt. Người hướng ngoại có xu hướng nói dối nhiều hơn so với người hướng nội. Đàn ông nói dối về mình gấp 8 lần hơn là về người khác.

Các cách chống nói dối con người thường dùng là: kiểm tra huyết áp, hơi thở, phân tích mức độ căng thẳng của giọng nói, theo dõi cử động mắt. Tuy nhiên, phần lớn các cách này sẽ bị lừa nếu đối tượng có đủ thời gian chuẩn bị.

Đầu tiên, khi nói dối người ta thường ít nói về bản thân, lời nói thường có khuynh hướng phủ định vì trong tiềm thức họ cảm thấy mình có lỗi khi nói dối.

Tiếp theo, ngôn ngữ cơ thể.
- Người nói dối có tỷ lệ chớp mắt nhiều hơn, thường liếc mắt nhìn lên trái, lên phải.
- Tâm trạng bồn chồn, đôi chân không hướng về phía người đối thoại
- Có hành động đùa giỡn với máy móc, đồ vật, chỉnh lại quần áo, mân mê đồng hồ nếu có.
- Đặt rào chắn giữa bản thân mình với người nói chuyện: ví dụ khoanh tay
- Để tay lên miệng, hoặc vuốt mắt, sờ cổ, sờ tai hoặc đùa với trang sức. Ví dụ trước khi phát biểu tự nhiên đưa tay lên vuốt tóc là có thể chuẩn bị nói dối.
- Liếm môi hoặc cắn môi khi ngắt câu nói.
- Nuốt nước miếng hoặc hắng giọng trước khi nói.
- Ngả người ra sau, hoặc nghiêng đầu nhìn lên trên trước khi trả lời câu hỏi của người đối diện
- Thay đổi âm vực: tự nhiên âm thanh trầm hơn hoặc cao hơn.

Sau là thái độ, một người trung thực tỏ ra rất hợp tác và luôn đứng về phía ta. Họ rất nhiệt tình và thân thiện. Họ sẵn sàng nêu ra ý kiến và sự giúp đỡ. Còn người nói dối sẽ ngược lại.

Sau chia sẻ tổng quan về nói dối, hắn cho rằng kỹ thuật chống nói dối là 1 trong những kỹ thuật cần thiết và người tuyển dụng cần dùng. Có nhiều biến thể sử dụng như:
- 3Q: sử dụng cùng 1 câu hỏi cho 1 ứng viên ở 3 nơi, 3 người phỏng vấn và 3 thời điểm khác nhau.
- Hỏi đuổi: cùng 1 vấn đề nhưng đi sâu vào chi tiết để đo lường đúng sai. Ví dụ: Bạn có thích bóng đá không? Đội bóng bạn yêu thích là gì? Cầu thủ gần đây nhất ghi bàn của đội bóng là ai ?.
- Hỏi lái hỏi lại: cùng một vấn đề nhưng hỏi với những cách hỏi khác nhau
3 kỹ thuật này cùng với 3 cách phát hiện nói dỗi ở trên, nếu sử dụng nhuần nhuyễn sẽ cực kỳ hữu ích với những ai làm tuyển dụng. Như kỹ thuật 3Q ở trên, nguyên nhân dùng nó là do con người nếu không trung thực sẽ khó nói giống nhau về cùng một vấn đề khi ở các khung cảnh, thời điềm và người hỏi khác nhau.

Kinh nghiệm thứ 2 mà hắn chia sẻ : khi tuyển dụng các ứng viên mới vào nghề thì hẳn sẽ gặp các ứng viên có cái nhìn ảo tưởng, thiếu thực tế nên đừng nóng. Hãy cho họ cơ hội để về với thực tế.

Vừa dứt lời chia sẻ, em lễ tân vào phòng họp: “2 anh ạ. Có bạn ứng viên đến bảo để phỏng vấn”. Hắn bảo: “Em mời bạn ý ngồi ở bàn tiếp khách một chút. Rồi anh sẽ ra mời bạn ý vào phỏng vấn”.

Còn tiếp!
Nguyễn Hùng Cường | Kinhcan24
HRM Blogger / HRM Consultant / KM for HrShare Community at Blognhansu.net.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *