Doanh nghiệp có gắn kết hay không là do có phúc lợi?

Liệu bạn có biết: Mức độ gắn kết của nhân viên là từ để chỉ thái độ tích cực cùng thời gian gắn bó của nhân viên đối với công việc, văn hóa của tổ chức? Theo nghiên cứu tâm lý (nguồn sách Lẽ phải của phi lý trí): Nhân viên sẽ coi công ty như nơi trao đổi nếu như tất cả các khoản thu nhập bị quy đổi ra thành tiền, dẫn tới họ không gắn kết với tổ chức. Tổ chức nên có những khoản đãi ngộ tài chính gián tiếp hoặc đãi ngộ mang tính phi tài chính (tinh thần) để nhân viên được ghi nhận và gắn kết. Chính vì thế, doanh nghiệp cần có các khoản phúc lợi

1. Các khoản phúc lợi bắt buộc theo luật

Khi tìm hiểu luật, chúng ta sẽ thấy có những khoản chi phí liên quan đến lao động bắt buộc phải đóng như chi phí đóng BHXH. Sau đó BHXH sẽ chi trả cho người lao động các loại phúc lợi: Trợ cấp ốm đau; Trợ cấp thai sản; Trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp; Hưu trí; Tử tuất.

Nếu ta nhìn trên góc độ đãi ngộ thì 5 loại phúc lợi trên có thể coi là khoản phúc lợi doanh nghiệp doanh nghiệp lo cho nhân viên. Góc nhìn này rất nhân văn và nên khuyến khích.

2. Các khoản phúc lợi tự nguyện

Trước khi tiếp tục cùng tìm hiểu về các khoản phúc lợi tự nguyện, chúng ta cùng thống nhất định nghĩa phúc lợi là:
- Hạnh phúc và lợi lộc.
- Quyền lợi về vật chất mà Nhà nước hay đoàn thể bảo đảm cho công nhân và viên chức được hưởng.
- Lợi ích mà mọi người có thể được hưởng không phải trả tiền hoặc chỉ phải trả một phần.

Chi tiết các loại phúc lợi doanh nghiệp có thể đưa thêm cho nhân viên:

2.1 Phụ lợi ngoài Lương. Ngoài khoản thu nhập bằng tiền lương, tuỳ thuộc vào lợi nhuận của các quỹ Công ty sau khi đã phân bổ xong, nhân viên có tên trong danh sách lương đều được nhận các khoản (có giá trị bằng tiền hoặc quà tương đương) vào các dịp đặc biệt sau đây:
- Tết dương lịch
- Ngày Quốc khánh 2/9
- Ngày Quốc tế lao động 1/5
- Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 (cho cháu từ 1 tuổi đến 15 tuổi, không giới hạn số con)
- Ngày sinh nhật nhân viên
- Nhân viên khi kết hôn hợp lệ
- Nhân viên qua đời
- Người thân (cha, me, ruột, cha, mẹ vợ/chồng, vợ, chồng và con cái) của nhân viên khi qua đời
- Nhân viên khi ốm đau (nằm viện từ 1 ngày trở lên), sanh nở và tai nạn lao động
- Nhân viên Nữ vào ngày Quốc tế Phụ Nữ 8/3
- Con nhân viên là học sinh giỏi (từ lớp 1 đến lớp 12)
- Nhân viên được đi nghỉ mát một lần trong năm
- Ngoài ra, các nhân viên còn được phụ cấp thêm tiền ăn trưa, chi phí gởi xe và tùy theo cấp bậc nhân viên còn có các khoản phụ cấp như: chi phí điện thoại di động, máy điện thoại di động, công tác phí, chi phí đi lại

2.2 Phúc lợi chăm Sóc Y Tế và Bảo Hiểm. Tùy theo cấp bậc và chức vụ, công ty cung cấp các loại bảo hiểm khác như:
- Bảo hiểm khi đi công tác Nước ngoài.
- Bảo hiểm tai nạn 24/24
- Chăm sóc sức khoẻ và nằm viện phẫu thuật cho nhân viên và người thân của cấp quản lý, với các quyền lợi như sau:
+ Nằm viện phẫu thuật
+ Bồi dưỡng nằm viện
+ Khám chữa răng
+ Điều trị ngoại trú
+ Chi phí điều trị sau khi xuất viện và chi phí hỗ trợ mai táng
- Bảo hiểm nhân thọ: trả tiền cho gia đình NLĐ khi NLĐ qua đời. Có thể NSDLĐ hỗ trợ đóng một phần bảo hiểm hoặc toàn bộ khoản tiền bảo hiểm.
- Bảo hiểm mất khả năng lao động: trong một số công ty còn cung cấp loại bảo hiểm này cho những NLĐ bị mất khả năng lao động không liên quan đến công việc họ đảm nhận.

2.3 Phúc lợi khác. Ngoài các loại phúc lợi phổ biến như ở trên, tùy vào mức độ sáng tạo cũng như quan điểm, ngân sách của tổ hức, bạn có thể sáng tạo thêm như tôi thấy có công ty sửa xe thay nhớt cho nhân viên, có công ty thì tặng quần áo...

3. Lưu ý quy định của luật

Mặc dù chúng ta khuyến khích công ty càng có nhiều phúc lợi cho nhân viên càng tốt nhưng với vai là người xây dựng hệ thống, chúng ta cần phải chú ý đến quy định của luật.

Ví dụ như các khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: Chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; sinh nhật của người lao động; chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động; chi bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tự nguyện khác cho người lao động và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác: Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp. Nếu chi quá thì số tiền đó không được tính là khoản chi hợp lý.

Trong trường hợp doanh nghiệp bảo rằng tôi thích chi cho nhân viên thì sao?

Nếu doanh nghiệp sẵn sàng trích lợi nhuận sau thuế ra để chi cho nhân viên thì tôi thấy không có vấn đề gì. Ta cứ chi thoải mái. Còn trong trường hợp doanh nghiệp bỏ tiền ra mua cái gì đó cho nhân viên rồi tính chi phí hợp lý, khi tôi tìm hiểu, chúng ta vẫn cần phải tuân thủ theo quy định như giấy tờ đầy đủ. Hình như còn phải xuất cả hóa đơn cho nhân viên. Bạn nhớ phải chú ý phối hợp với bên kế toán để "hợp lý" cho các bên.

Bạn vui lòng đọc bài "Tối ưu chính sách lương 3P theo luật bằng các khoản phụ cấp và phúc lợi" để nắm thêm tinh thần và những điều cần nhớ.

4. Nguồn kinh phí tài trợ cho phúc lợi

Nếu thực sự để ý, bạn sẽ thấy số tiền tại trợ cho phúc lợi đã được tính toán trong quá trình làm chính sách lương 3P. Cụ thể nguồn được lấy từ:
- Thưởng P3: Sau khi tính ra được tổng thưởng P3, chúng ta tách ra thành các loại thưởng và quà theo các mức %. Tổng thưởng P3 = Thưởng KPI tháng + Thưởng doanh thu + Thưởng KPI quý + Thưởng KPI 6 tháng + thưởng KPI năm + Quà. Tùy vào từng vị trí và quan điểm thì sẽ có loại thưởng khác nhau chứ không nhất thiết phải có hết các loại thưởng. Kinh phí được tách ra thành Quà sẽ được công ty giữ lại và chuyển đối nó thành các phần thưởng tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp như các món quà.
- Ngân sách dự kiến của bộ phận: Như chúng ta đã biết, khi có được chính sách lương 3P, chúng ta sẽ tiến hành tính thử chính sách bằng cách nhập tất cả các loại chi phí theo chính sách vào bảng tính thử. Sau đó tính tổng chi phí và lấy ngân sách dự kiến của bộ phận - tổng chi phí. Nếu tồn = ngân sách dự kiến - tổng chi phí > hoặc = 0 thì chính sách lương 3P ổn và số người của bộ phận vừa đủ ngân sách.

Trong tổng chi phí này bao gồm 1 số loại chi phí bắt buộc theo luật như chi phí BHXH. Và nếu đến cuối năm tồn > 0 thì số tiền đó có thể được sử dụng để làm nguồn kinh phí tài trợ cho các khoản phúc lợi (bao gồm cả tài chính và phi tài chính).

Nguyễn Hùng Cường (kinhcan24)
Tư vấn xây dựng hệ thống QTNS bài bản

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *