BHXH không còn quyền khởi kiện công ty nợ tiền, giờ là Công đoàn ?

Haizz. Tin này muộn nhưng chắc có người chưa biết. Vì thế tôi up cho mọi người cùng nắm thông tin. Cụ thể đó là: BHXH không còn quyền khởi kiện công ty, giờ là Công đoàn nắm quyền đó. Cho nên nếu thấy Tòa đưa trát lên công đường mà người khởi kiện là Công Đoàn thì mọi người đừng có bất ngờ. Còn BHXH mà dọa khởi kiện thì mọi người nên ... Cái bọn điên này, lại thế nữa rồi ! ...

Xin lỗi cả nhà, vừa rồi có bọn ở ngoài nói oang oang là tôi mất tập trung. Chúng ta cùng quay lại chủ đề câu truyện. Ngày 14/4/2016, TAND Tối cao ban hành Văn bản số 105 về việc hướng dẫn thi hành Luật BHXH gửi TAND các cấp. Văn bản nêu rõ: theo quy định tại Khoản 9, Điều 22 của Luật Bảo hiểm xã hội, cơ quan BHXH chỉ có có quyền: Xử lý vi phạm pháp luật hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Chứ không có quyền khởi kiện.

Công văn Số: 105/TANDTC-PC&QLKH
V/v thi hành Luật bảo hiểm xã hội

Kính gửi:
- Các Tòa án nhân dân các cấp;
- Các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao.

Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 đã được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2014 (sau đây gọi là Luật bảo hiểm xã hội) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016, trừ quy định tại Điểm b Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018. Để áp dụng thống nhất các quy định của Luật bảo hiểm xã hội và pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm xã hội, Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân các cấp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao triển khai quán triệt trong cơ quan, đơn vị mình một số nội dung sau đây:

1. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp về bảo hiểm xã hội giữa người lao động, tập thể lao động với người sử dụng lao động

Theo quy định tại Khoản 7 Điều 3 của Bộ luật lao động năm 2012 thì: Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh giữa các bên trong quan hệ lao động. Tranh chấp lao động bao gồm tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động và tranh chấp lao động tập thể giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động. Như vậy, tranh chấp lao động bao gồm 02 loại: (1) Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động, (2) tranh chấp lao động tập thể giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động và chủ thể của tranh chấp lao động phải là các bên trong quan hệ lao động.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 200, Điểm d Khoản 1 Điều 201, Điểm c Khoản 1 Điều 203 của Bộ luật lao động năm 2012, Điều 31 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 thì tranh chấp về bảo hiểm xã hội giữa người lao động với người sử dụng lao động, giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động là tranh chấp lao động và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 205 của Bộ luật lao động năm 2012 thì:

1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải tiến hành giải quyết tranh chấp lao động.

3. “Trong trường hợp các bên không đồng ý với quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc quá thời hạn mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện không giải quyết thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

Như vậy, khi thụ lý, giải quyết các yêu cầu về bảo hiểm xã hội, các Tòa án cần lưu ý:

- Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết tranh chấp mà các bên không đồng ý với quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc quá thời hạn luật quy định mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện không giải quyết thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp tập thể về quyền. Trường hợp này, Tòa án thụ lý giải quyết và xác định đây là vụ án lao động.

- Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết tranh chấp mà các bên không đồng ý với quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và khởi kiện đối với quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thì Tòa án thụ lý giải quyết và xác định đây là vụ án hành chính.

Bhxhkhongkiencongty

2. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp về bảo hiểm xã hội giữa người lao động, người sử dụng lao động với cơ quan bảo hiểm xã hội

Theo quy định tại Khoản 8 Điều 18 và Khoản 2 Điều 20 của Luật bảo hiểm xã hội thì người lao động và người sử dụng lao động có quyền khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điều 118 và Điều 119 của Luật bảo hiểm xã hội thì người lao động và người sử dụng lao động có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính theo quy định của Luật này và Luật tố tụng hành chính đối với quyết định, hành vi hành chính của tổ chức bảo hiểm xã hội khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Khi có người khởi kiện đối với quyết định, hành vi hành chính của cơ quan bảo hiểm xã hội thì Tòa án thụ lý vụ án và xác định là vụ án hành chính.

Việc xác định thẩm quyền của Tòa án đối với vụ án hành chính thực hiện theo quy định tại Điều 29 và Điều 30 của Luật tố tụng hành chính năm 2010; kể từ ngày 01-7-2016 (ngày Luật tố tụng hành chính năm 2015 có hiệu lực pháp luật) thực hiện theo quy định tại Điều 31 và Điều 32 Luật tố tụng hành chính năm 2015.

3. Về quyền của cơ quan bảo hiểm xã hội đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động (trốn đóng bảo hiểm xã hội, chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội)

Theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 2 của Luật bảo hiểm xã hội thì người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Các hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp là những hành vi bị nghiêm cấm quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 17 của Luật bảo hiểm xã hội.

Theo quy định tại Khoản 9 Điều 22 của Luật bảo hiểm xã hội thì cơ quan bảo hiểm xã hội có quyền: Xử lý vi phạm pháp luật hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Như vậy, kể từ ngày Luật bảo hiểm xã hội có hiệu lực thi hành (ngày 01/01/2016), Tòa án không thụ lý đơn khởi kiện của Cơ quan Bảo hiểm xã hội đòi tiền bảo hiểm xã hội đối với người sử dụng lao động. Đối với những vụ án đã thụ lý trước ngày 01/01/2016 mà chưa giải quyết thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, trả lại đơn khởi kiện và hướng dẫn người khởi kiện thực hiện các quy định của Bộ luật lao động, Luật bảo hiểm xã hội và Luật xử lý vi phạm hành chính.

Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu các đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân các cấp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao nhận được Công văn này cần tổ chức quán triệt trong cơ quan, đơn vị mình để bảo đảm thực hiện nghiêm túc và thống nhất.

KT. CHÁNH ÁN
PHÓ CHÁNH ÁN

Như vậy, kể từ ngày Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực thi hành, Tòa án không thụ lý đơn khởi kiện của Cơ quan Bảo hiểm xã hội đòi tiền bảo hiểm xã hội đối với người sử dụng lao động. Đối với những vụ án đã thụ lý trước ngày 1/1/2016 mà chưa giải quyết thì tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, trả lại đơn khởi kiện và hướng dẫn người khởi kiện thực hiện các quy định của Bộ Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Xử lý vi phạm hành chính. Việc khởi kiện các đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH được giao cho tổ chức công đoàn.

Một thách thức khác được xác định rõ là cơ quan BHXH kiện doanh nghiệp nợ BHXH chỉ cần dựa vào số nợ, thời gian nợ, còn khi tổ chức công đoàn kiện doanh nghiệp nợ BHXH cần phải được người lao động ủy quyền. Nếu người lao động không biết về tình trạng nợ BHXH của doanh nghiệp, không ủy quyền, công đoàn cấp trên không nắm rõ về tình hình nợ BHXH của doanh nghiệp sẽ dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp nợ BHXH với số tiền lớn nhưng không ai đứng ra khởi kiện, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động.

Theo những gì tôi nắm được thì giờ Công Đoàn với BHXH vẫn còn loay hoay tìm cách hợp tác với nhau. Dự phải đến cuối năm may ra mới có được các vụ kiện được tòa thụ lí. Quay lại một tí với sự việc Lingo giải thể, theo thông tin này, giờ có báo cáo BHXH Quận, họ cũng không giúp được gì 256 anh em nữa rồi ( Công ty Lingo nợ tiền BHXH – tin xấu cho 256 anh em - http://goo.gl/itX3Bn ). Giờ phải báo với Công Đoàn và yêu cầu, ủy quyền Công Đoàn khởi kiện. (Lingo nợ BHXH 3 tháng với số tiền hơn 2 tỷ).

Tái bút, để mọi người hiểu rõ hơn, tôi đưa ra đây Điều 19. Quyền của tổ chức bảo hiểm xã hội cuẩ luật BHXH cũ 2006

Tổ chức bảo hiểm xã hội có các quyền sau đây:
1. Tổ chức quản lý nhân sự, tài chính và tài sản theo quy định của pháp luật;
2. Từ chối yêu cầu trả bảo hiểm xã hội không đúng quy định;
3. Khiếu nại về bảo hiểm xã hội;
4. Kiểm tra việc đóng bảo hiểm xã hội và trả các chế độ bảo hiểm xã hội;
5. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội và quản lý quỹ bảo hiểm xã hội;
6. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội;
7. Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Cái khoản số 3 của điều này đã bị xóa bỏ ở bộ luật mới 2014: Điều 22. Quyền của cơ quan bảo hiểm xã hội

1. Tổ chức quản lý nhân sự, tài chính và tài sản theo quy định của pháp luật.
2. Từ chối yêu cầu trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế không đúng quy định của pháp luật.
3. Yêu cầu người sử dụng lao động xuất trình sổ quản lý lao động, bảng lương và thông tin, tài liệu khác liên quan đến việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
4. Được cơ quan đăng ký doanh nghiệp, cơ quan cấp giấy chứng nhận hoạt động hoặc giấy phép hoạt động gửi bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép hoạt động, giấy chứng nhận hoạt động hoặc quyết định thành lập để thực hiện đăng ký lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với doanh nghiệp, tổ chức thành lập mới.
5. Định kỳ 06 tháng được cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở địa phương cung cấp thông tin về tình hình sử dụng và thay đổi lao động trên địa bàn.
6. Được cơ quan thuế cung cấp mã số thuế của người sử dụng lao động; định kỳ hằng năm cung cấp thông tin về chi phí tiền lương để tính thuế của người sử dụng lao động.
7. Kiểm tra việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội; thanh tra chuyên ngành việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
8. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và quản lý quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
9. Xử lý vi phạm pháp luật hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Đây chính là nguyên nhân của cái công văn trên.

One thought on “BHXH không còn quyền khởi kiện công ty nợ tiền, giờ là Công đoàn ?

  1. Pingback: Theo mọi người thì Thuế và BHXH đã liên thông với nhau chưa ? | Blog quản trị Nhân sự

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *