Xử lý tình huống công ty đuổi việc vô cớ – Nghỉ việc nửa ngày bị doanh nghiệp đuổi việc

Tình huống này khá hay cho cả 2 bên Nhân sự (HR) và nhân viên (người lao động). Mọi người vừa đọc tình huống vừa bình cùng tôi nhé.

Vụ “Nghỉ nửa ngày bị cho nghỉ việc”: Doanh nghiệp thỏa thuận bồi thường cho bà Tài ở tòa phúc thẩm

Sáng 5.7, tại Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh, Cty TNHH Thái Sơn S.P đã thỏa thuận đồng ý bồi thường cho bà Dương Thị Tài, vốn là công nhân Cty, số tiền 30 triệu đồng. Bà Tài chấp thuận và rút đơn khởi kiện công ty.

Bà Dương Thị Tài là người gửi đơn kêu cứu đến báo Lao Động, sau đó báo Lao Động phản ánh qua bài viết “TP.Hồ Chí Minh: Nghỉ việc nửa ngày bị Cty đuổi việc!”. Theo đó, bà bị Cty Thái Sơn S.P (địa chỉ: 143/1 h Ung Văn Khiêm, Q.Bình Thạnh, TP. HCM) cho nghỉ việc vì đã nghỉ nửa buổi làm. Cơ quan chức năng Quận 9 hòa giải bất thành, bà Tài kiện Cty ra tòa vì Cty đã chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật với mình. Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm, Tòa án Quận 9 đã tuyên bà thua kiện dù nhiều vấn đề không được Tòa Quận 9 làm rõ. Cty không bồi thường, bà làm đơn kêu cứu gửi đến báo Lao Động.

Nhận được đơn kêu cứu của bà Dương Thị Tài, biết được hoàn cảnh éo le của bà, qua báo Lao Động, luật sư Hồ Nguyên Lễ, văn phòng luật sư Luật Tín Nghĩa (Đoàn Luật Sư TPHCM) đã hỗ trợ pháp lý miễn phí cho bà Tài tại phiên tòa phúc thẩm.

Phiên tòa phúc thẩm dự kiến diễn ra vào ngày 2.6 trước đó nhưng sau đó bị hoãn đến ngày 5.7. Bà Tài cho biết, tại phiên tòa phúc thẩm, Cty đã chủ động hòa giải và bồi thường nên bà đồng ý và rút đơn kiện.

Bà Dương Thị Tài gửi lời cảm ơn đến báo Lao Động đã đồng hành với vụ việc của bà, cảm ơn luật sư Hồ Nguyên Lễ đã hỗ trợ pháp lý miễn phí giúp bà đòi được quyền lợi chính đáng của mình.

Chi tiết về vụ việc: Cty TNHH Thái Sơn S.P (TP.HCM): Nghỉ việc nửa ngày bị doanh nghiệp đuổi việc!

Một mình nuôi chồng và 2 con

Bà Dương Thị Tài (quê Quảng Nam), được Cty TNHH Thái Sơn S.P ký HĐLĐ 36 tháng (từ ngày 30.8.2013 đến ngày 29.8.2016) với mức lương chính là 3,024 triệu đồng/tháng. Năm 2013, chồng bà không may gặp tai nạn dẫn đến hậu quả bị tâm thần. Bà trở thành lao động chính của gia đình, làm việc nuôi chồng và 2 con ăn học. “Tôi làm việc không kể ngày đêm, không bỏ một bữa ăn tăng ca nào, ngày nghỉ chủ nhật Cty yêu cầu đi làm là tôi đi ngay. Thế nhưng chỉ vì nghỉ một buổi làm mà Cty đã cho tôi thôi việc” - bà Tài bức xúc.

Theo đó, vào ngày 8.6.2015, đứa con gái lớn chuyển trường từ Quảng Nam vào TPHCM nên bà nhờ đồng nghiệp thông báo với phòng nhân sự, xin nghỉ 1 buổi để đi làm thủ tục nhập trường cho con (Lời bình: Chắc do nhân viên nghỉ việc không kế hoạch, không báo trước, lại thông qua nhân viên khác nên phòng Nhân sự và ông chủ muốn răn đe những người khác nên mới quyết cho nhân viên nghỉ. Việc nghỉ không kế hoạch nếu không đúng trường hợp nghỉ đột xuất theo thỏa ước hoặc nội quy thì công ty có quyền không cho nghỉ và coi đó là vi phạm kỷ luật. Nhưng đây chưa phải là vi phạm kỷ luật để sa thải). Đến trưa, bà đi làm trở lại thì được bà Lê Thị Huệ - nhân viên phòng nhân sự Cty - thông báo bằng miệng rằng: Theo lệnh giám đốc, Cty sẽ cho bà Tài nghỉ việc, hẹn ngày 11.6.2015 đến để nhận lương và sổ BHXH. “Tôi đã năn nỉ để được đi làm trở lại nhưng không được đồng ý, sau đó bảo vệ Cty đã đưa tôi ra khỏi Cty mà không ra một văn bản gì” (Lời bình: việc này nhân sự khá khôn khi không đưa ra giấy tờ gì để tạo bằng chứng. Nhưng thực ra muốn đuổi việc ngay lập tức thì không thể làm cách đó được mà là như thế này: http://goo.gl/Ocsdtv) - bà Tài quệt nước mắt, nói.

Ngày 11.6.2015, bà Tài đến Cty để nhận lương và nhận sổ BHXH và đề nghị Cty ra thông báo chấm dứt HĐLĐ để làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp thì bà Huệ yêu cầu bà Tài làm đơn xin nghỉ việc, ký vào 2 biên bản có nội dung bà Tài làm hư hàng, 3 tờ giấy cam kết không khiếu nại Cty thì Cty mới trả sổ BHXH (Lời bình: Nhân sự xử lý chỗ này thông minh). Vì bản thân mình không mắc những lỗi đó nên bà Tài không chấp nhận (Lời bình: bà Tài rất tỉnh và hành động đúng. Nhưng nếu nhân sự không cho ký biên bản làm hư hàng thì có thể bà Tài đã ký rồi. Theo luật thì công ty không được phép giữ lại sổ BHXH của người lao động.). Cty giữ luôn sổ BHXH, không trả cho bà.

“Công việc ở Cty Thái Sơn S.P vất vả nhưng được cái gần chỗ trọ, tôi lại không biết đi xe máy. Tiền nhà trọ, tiền ăn cho cả gia đình, tiền học cho con đã đến kỳ đóng, tôi không thể mất việc dù chỉ 1 ngày. Nên sau khi bị bảo vệ mời ra khỏi Cty, tôi đã đi kiếm việc ở những chỗ khác. Từ đó đến nay, tôi chỉ được các Cty nhận vào làm thời vụ vì sổ BHXH không có, lại bắt xe buýt đi khá xa nên rất bất tiện. Đến giờ tôi vẫn không hiểu tại sao Cty lại đuổi tôi” - bà Tài nói.

Bỏ qua nhiều nghi vấn, tòa xử doanh nghiệp thắng kiện

Bà Tài làm đơn khiếu nại lên Phòng LĐTBXH quận 9, ngày 4.9.2015, cơ quan chức năng quận 9 tổ chức hòa giải vụ việc của bà Tài và Cty Thái Sơn S.P (Lời bình: Bà Tài xử lý rất đúng trình tự kiện công ty. Ai muốn biết trình tự thế nào, vui lòng xem ở link: http://goo.gl/XykOIU). Tại buổi hòa giải, Cty cho rằng, do trong quá trình làm việc, bà Tài thường xuyên làm hư hàng và nghỉ 1 buổi không phép nên Cty đã cho bà Tài nghỉ việc. Trước ý kiến của Cty, hội đồng hòa giải cơ sở quận 9 cho rằng: Theo quy định, khi NLĐ làm hư sản phẩm thì DN phải có biên bản ghi nhận sự việc, tuy nhiên DN đã không thực hiện việc lập biên bản đối với sự việc nên không thể quy kết NLĐ làm sai để giải quyết cho NLĐ thôi việc (Lời bình: Hội đồng hòa giải đúng ở điểm này). Cuộc hòa giải đã không thành, bà Tài sau đó khởi kiện ra tòa án quận 9.

Ngày 2.2.2016, TAND quận 9 đưa vụ án ra xét xử. Bản án sơ thẩm số 04/2016/LĐ-ST, TAND quận 9 nhận định: “Bà Tài đã tự bỏ việc, tự ý đơn phương chấm dứt HĐLĐ nên ngày 14.6.2015 Cty Thái Sơn ra quyết định cho thôi việc đối với bà Tài vì bà đã nghỉ việc không lý do tại Cty hơn 5 ngày/tháng là đúng quy định pháp luật” (Lời bình: Chỗ này công ty hẳn đã chế thêm. Tính từ ngày 9 - 14 bằng 5 ngày. Bảo người ta nghỉ từ ngày 9 đến ngày 14 thì làm quyết định thôi việc với lý do người lao động bỏ việc quá 5 ngày. Chỗ này mọi người nên lưu ý. Khi rơi vào trường hợp bị cho nghỉ việc thì đừng nghỉ luôn. Cứ đến công ty làm việc bình thường. Nếu bị bảo vệ đuổi ra thì phải ghi lại bằng chứng. Không nhân sự sẽ vin vào việc nghỉ quá 5 ngày để sa thải) Bà Tài bức xúc: “Quy định nghỉ việc 5 ngày/tháng theo Bộ luật Lao động 2012 (BLLĐ) chỉ được áp dụng cho trường hợp xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải. Và DN phải lập hội đồng xử lý kỷ luật, có biên bản kỷ luật, sự tham gia của CĐ, của NLĐ, chứng minh lỗi của NLĐ… Cty không hề thực hiện những bước này làm sao mà đúng được” (Lời bình: Bà Tài nói đúng về quy trình xử lý sa thải kỷ luật nhưng thực ra bà phải nói là tôi không hề nghỉ quá 5 ngày. Chứ bà nói thế, tức là bà chấp nhận mình đã nghỉ quá 5 ngày rồi. Nhân sự khôn hơn thì đã chế ra 3 tờ giấy mời họp xử lý kỷ luật rồi tiến hành họp mà không có bà. Lúc đó thì họ hoàn toàn đúng luật).

LS Hồ Nguyên Lễ (Đoàn Luật sư TPHCM) nhận định: Theo bản án thì cách áp dụng các điều luật của TAND quận 9 rất khó hiểu. Đơn cử, tòa căn cứ Điều 127 BLLĐ để xử lý nhưng điều luật này lại quy định về việc “Xoá kỷ luật, giảm thời hạn chấp hành kỷ luật lao động” là không phù hợp với nội dung vụ việc. Hoặc vận dụng Điều 186 BLLĐ quy định việc “tham gia BHXH, BHYT” vào vụ việc của bà Tài để làm gì?...

(Lời bình: Dưới đây là 2 điều 127 và 186

Điều 127. Xoá kỷ luật, giảm thời hạn chấp hành kỷ luật lao động

1. Người lao động bị khiển trách sau 03 tháng, hoặc bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương sau 06 tháng, kể từ ngày bị xử lý, nếu không tái phạm thì đương nhiên được xoá kỷ luật. Trường hợp bị xử lý kỷ luật lao động bằng hình thức cách chức thì sau thời hạn 03 năm, nếu tiếp tục vi phạm kỷ luật lao động thì không bị coi là tái phạm.

2. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương sau khi chấp hành được một nửa thời hạn nếu sửa chữa tiến bộ, có thể được người sử dụng lao động xét giảm thời hạn.

Điều 186. Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

1. Người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và pháp luật về bảo hiểm y tế.

Khuyến khích người sử dụng lao động, người lao động thực hiện các hình thức bảo hiểm xã hội khác đối với người lao động.

2. Trong thời gian người lao động nghỉ việc được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, thì người sử dụng lao động không phải trả lương cho người lao động.

3. Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì ngoài việc trả lương theo công việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và tiền nghỉ phép hằng năm theo quy định. )

Hiện bà Dương Thị Tài đã làm đơn kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND quận 9 lên TAND TPHCM đề nghị phúc thẩm.

Phiên tòa phúc thẩm dự kiến diễn ra vào ngày 2.6 trước đó nhưng sau đó bị hoãn đến ngày 5.7. Bà Tài cho biết, tại phiên tòa phúc thẩm, Cty đã chủ động hòa giải và bồi thường (số tiền 30 triệu đồng) nên bà đồng ý và rút đơn kiện.

(Lời bình:
- Bà Tài nghỉ từ 9/6/2015 - 5/7/2016 là được 13 tháng 4 ngày.
- 29/8/2016 : thời gian hết hạn hợp đồng
- Lương: 3,024 triệu đồng/tháng
--> Số tiền cần phải bồi thường: 3,024 x 19 tháng + (3,024/26)*4 = 57 triệu 921k
+ 14 tháng 20 ngày
+ 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động (tiền bồi thường)
+ 02 tháng lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động (nếu muốn chấm dứt ngay)
+ 01 tháng lương thứ 13

Suy ra: bồi thường 30 triệu là công ty đỡ thiệt hại rồi. Còn bà Tài hơi thiệt một tí)

Vụ này tương tự vụ của Giám đốc Nhân sự : http://goo.gl/9628bE. Trong bài viết về vụ Giám đốc này có cả quy trình xử lý kỷ luật đúng luật để mọi người tham khảo đấy.

3 thoughts on “Xử lý tình huống công ty đuổi việc vô cớ – Nghỉ việc nửa ngày bị doanh nghiệp đuổi việc

  1. Pingback: Điểm cần tránh nếu có ý muốn kiện công ty ra tòa lao động | Blog quản trị Nhân sự

  2. Pingback: YAN TV nợ BHXH hơn 11,37 tỉ đồng, Người lao động nên làm thế nào ? | Blog quản trị Nhân sự

  3. Pingback: Muốn đuổi việc ngay nhưng không muốn rắc rối pháp lý (đúng luật) ? | Blog quản trị Nhân sự

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *