Hợp đồng lao động là gì? 5 điều cần biết về hợp đồng lao động

Nếu bạn chuẩn bị đi làm thì nhất định phải biết và hiểu về hợp động lao động. Đây là một văn bản quan trọng giữa người lao động và người sử dụng lao động. Trong bài viết này, Blognhansu sẽ giúp bạn tìm hiểu cụ thể về hợp đồng lao động: khái niệm, nguyên tắc kết giao hợp đồng, các loại hợp đồng lao động…

Khái niệm hợp đồng lao động

Điều 13 Bộ luật Lao động 2019 định nghĩa hợp đồng lao động như sau:

“1. Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên của quan hệ lao động.

Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự điều hành, quản lý, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.

2. Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.”

5 điều cần biết về hợp đồng lao động

1. Hình thức hợp đồng lao động

Hình thức của hợp đồng lao động được quy định tại Điều 14, Mục 1, Chương III, Bộ Luật lao động 2019. Cụ thể như sau:

“1. Hợp đồng lao động được giao kết bằng văn bản và được làm thành 2 bản, người sử động lao động giữ 1 bản, người lao động 1 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 điều này.

Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.

2. Hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 1 tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18, điểm a khoản 1 Điều 145 và khoản 1 Điều 162 của Bộ luật này.”

2. Có bao nhiêu loại hợp đồng lao động?

Hợp đồng lao động được thành 3 loại chính:

  • Hợp đồng lao động có thời hạn
  • Hợp đồng lao động không thời hạn
  • Hợp đồng lao động theo thời vụ

2.1 Hợp đồng lao động có thời hạn

Dạng hợp đồng có xác định thời hạn kéo dài không quá 36 tháng kể từ ngày hợp đồng lao động chính thức có hiệu lực.

Trong thực tế, một số trường hợp sau khi đã hết hạn hợp đồng lao động, người lao động vẫn tiếp tục làm việc. Theo Điều 20 Bộ Luật lao động 2019 quy định, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hết hợp đồng lao động, hai bên phải ký hợp đồng lao động mới. Thời gian chưa ký hợp đồng lao động mới thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên được thực hiện theo hợp đồng đã ký kết.

Đối với trường hợp sau khi kết thúc 30 ngày mà hai bên không ký kết hợp đồng lao động mới, hợp đồng đã kết giao sẽ trở thành hợp đồng lao động không thời hạn. Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động và hướng tới việc sử dụng lao động dài lâu, hạn chế tình trạng người sử dụng lao động không ký hợp đồng dài hạn với người lao động, pháp luật còn quy định về số lần các bên được ký kết hợp đồng lao động có thời hạn.

Theo đó, trong trường hợp người lao động làm việc liên tục cho người sử dụng lao động thì chỉ được ký 2 lần hợp đồng lao động xác định thời hạn. Nếu tiếp tục làm việc thì hợp đồng ký lần thứ 3 phải là hợp đồng không thời hạn trừ một số trường hợp đặc biệt.

2.2 Hợp đồng lao động không thời hạn

Không giống hợp đồng lao động có thời hạn, hợp đồng lao động không thời hạn sẽ không giới hạn thời điểm chấm dứt hợp đồng.

Loại hợp đồng này được áp dụng với các công việc có tính chất thường xuyên không xác định thời điểm kết thúc. Hoặc sau khi người lao động đã ký 2 lần hợp đồng lao động xác định thời hạn liên tục tại một đơn vị làm việc.

2.3 Hợp đồng lao động theo mùa vụ

Hợp đồng lao động theo thời vụ được định nghĩa tại điểm c khoản 1 điều 22 Luật Lao động 2012 như sau:

“Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.”

3. Nguyên tắc khi kết giao hợp đồng lao động

Về nguyên tắc khi kết giao hợp đồng lao động, Điều 15 Bộ Luật lao động 2019 có quy định dưới đây:

  • Việc ký kết hợp đồng lao động dựa trên tính tự nguyện, bình đẳng, thiện trí và trung thực giữa hai bên (người lao động và người sử dụng lao động).
  • Tự do giao kết hợp đồng lao động nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội.

4. Một số quy định chung về hợp đồng lao động

Hợp đồng lao động là một trong những văn bản quan trọng nhất đối với bạn khi đi làm. Một số quy định chung về hợp đồng lao động bạn nên biết:

  • Nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động bao gồm: công việc phải làm, thời gian làm việc, địa điểm làm việc, tiền lương, thời hạn hợp đồng, điều kiện về an toàn lao động, vệ sinh lao động, chính sách bảo hiểm xã hội, …
  • Hợp đồng lao động có hiệu lực từ ngày giao kết hoặc từ ngày do hai bên thỏa thuận hoặc từ ngày người lao động bắt đầu làm việc (do thỏa thuận giữa hai bên).
  • Những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động bao gồm: Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tài sản hoặc tiền cho việc thực hiện lao động. Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.

  • Trong thời gian thực hiện hợp đồng lao động, người lao động và người sử dụng lao động có thể thỏa thuận sửa đổi nội dung của hợp đồng lao động. Trường hợp có sự thay đổi một trong trong những nội dung chủ yếu về điều kiện lao động thì người lao động có quyền ký kết hợp đồng lao động mới.
  • Chế độ giao kết hợp đồng lao động, thực hiện hợp đồng lao động, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động và chấm dứt hợp đồng lao động đều chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Lao động năm 2019.

FAQs - Những câu hỏi thường gặp khi ký hợp đồng lao động

Dưới đây là một số thắc mắc của người lao động về việc ký hợp đồng lao động. Cùng Blognhansu tìm hiểu nhé!

1. Quy định về mức lương thử việc như thế nào?

Lương thử việc theo quy định của pháp luật tối thiểu bằng 85% mức lương chính thức.

2. Thời gian thử việc tối đa là bao nhiêu ngày?

Thời gian thử việc tối đa là 180 ngày với người quản lý doanh nghiệp, tối đa 60 ngày với người có trình độ cao đẳng trở lên, không quá 30 ngày với người có trình độ trung cấp và 6 ngày với các công việc khác.

Người lao động chỉ được thử việc 1 lần cho 1 công việc và không áp dụng thử việc cho hợp động lao động có thời gian dưới 1 tháng.

3. Xin nghỉ việc trước bao nhiêu ngày là đúng luật?

Xem xét loại hợp đồng đã ký kết để xin nghỉ việc đúng luật:

  • Đối với hợp đồng lao động có xác định thời hạn, người lao động cần xin nghỉ trước tối thiểu 30 ngày.
  • Đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn, người lao động cần xin nghỉ trước tối thiểu 45 ngày.
  • Đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn dưới 12 tháng, người lao động cần báo trước ít nhất là 3 ngày.

Với một số công việc, ngành nghề đặc thù, thời gian báo trước được thực hiện theo quy định của chính phủ.

Vậy trường hợp nào người lao động có thể nghỉ mà không cần bảo trước? Dưới đây là một số trường hợp người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước với người sử dụng lao động:

  • Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hay không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, ngoại trừ trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động tại Điều 29 của Luật lao động.
  • Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp bất khả kháng.
  • Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo đúng quy định.
  • Bị người sử dụng lao động ngược đãi hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; bị cưỡng bức lao động.
  • Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định, ngoại trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
  • Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực gây ảnh hưởng đến quá trình thực hiện hợp đồng lao động.

Lời kết,

Trên đây là những chia sẻ về hợp đồng lao động mà Blognhansu muốn gửi đến bạn. Mong rằng bài viết đã cung cấp cho bạn nhiều thông tin hữu ích về chủ đề này. Nếu bạn có câu hỏi nào đừng ngần ngại để lại bình luận để Blognhansu giải đáp nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *