Bài dưới đây hay nên share. Bản thân mình cũng đã nhìn thấy có công ty trong tình huống tương tự. Bài viết có thể lấy làm ví dụ cho thuyết tâm lý "viên kẹo": khi bạn nhận được một cái gì đó thường xuyên thì bạn có xu hướng coi đó là hiển nhiên đáng được nhận. Nó cũng tương tự như thuyết "cửa sổ vỡ": khi một chiếc cửa sổ bị vỡ mà không được sửa thì ngôi nhà sẽ bị coi như không có chủ và những chiếc cửa sổ khác sẽ bị vỡ theo. Hay một thuyết khác tương đương là thuyết "quả táo thối": khi một giỏ táo có 1 quả táo thối nếu không vứt quả đó đi thì ta sẽ có 1 giỏ táo thối.
***
Anh bạn của anh mở công ty hồi năm 31 tuổi. Không biết ổng học ở đâu mà đối xử với nhân viên như em út trong nhà, không hề có cái kiểu khệnh khạng ra vẻ giống mấy ông sếp khác. Ổng không chỉ tạo điều kiện cho nhân viên cảm thấy thoải mái mà còn cho tụi nó đi học quá trời. Tiền đó ai đầu tư? Ổng đầu tư nhưng nhân viên coi đó là bình thường, là chế độ phải có nên không quan tâm. Cái Pantry lúc nào cũng đầy ắp đồ ăn, nào là mì, nào là Sô cô la, nào là sữa tươi, nào là ngũ cốc, nào là café, nước ngọt. Ổng sợ mấy đứa làm quá giờ sẽ đói bụngnên riết rồi nhân viên ú na ú nần hết. Tiền đó ai trả? Ổng trả luôn nhưng sấp nhỏ thì cứ ăn uống vô tư không nghĩ gì.
Đùng một cái công ty bị bể một dự án quan trọng. Thế là bao nhiêu tiền cuốn gói ra đi hết. Ổng chẳng đổ lỗi cho ai, chỉ âm thầm cày cuốc ngày đêm, chạy đầu này đầu kia để bù đắp cho phần tài chính bị thâm hụt.
Trong lúc mọi chuyện tệ đi như vậy, ổng cũng trả lương không chậm dù chỉ một ngày. Cuối cùng cả cái nhà cũng thế chấp vô ngân hàng luôn.
Từ lúc công ty bị eo hẹp về tài chính, nhiều chính sách buộc phải cắt giảm chỉ để nhân viên được phát lương đúng ngày và công thì được sống sót. Khi cái pantry bắt đầu thiếu vắng đồ ăn, các khóa học được tài trợ thưa thớt dần, các hoạt động hát hò vui vẻ không còn nữa là lúc bắt đầu xuất hiện những tiếng lèm bèm, những lời nói xấu sau lưng. Những đứa từng thề sống thề chết, quyết tâm phát triển cùng công ty, giờ đây quay sang đàm tiếu, lập group chat nói xấu sếp nhưng vẫn nhận lương đều đều. Cuối cùng bỏ đi gần hết.
Cũng may là trong đám đó còn có vài đứa rất trung thành và nghĩa khí ở lại làm việc tận tâm, tận tụy nên dần dần công ty vượt qua khốn khó và phát triển trở lại. Các chương trình đào tạo, các hoạt động vui chơi quay trở lại, cái Pantry lại đầy ắp đồ ăn như cũ. Ổng cũng chả oán trách mấy đứa đã bỏ ổng đi khi công ty có chuyện nhưng hằn sâu trong tâm trí là sự tổn thương vô cùng lớn. Giờ đây ổng vấn đối xử tử tế với nhân viên nhưng theo phong cách khác, sếp vẫn là sếp, còn nhân viên là nhân viên, không có chuyện huynh huynh muội muội như trước nữa vì sợ lặp lại vết xe đổ.
Anh kể câu chuyện này ra không phải là để chỉ trích mấy đứa nhân viên đó hay để tâng bốc anh chủ doanh nghiệp. Anh chỉ muốn nói cho mấy em vài điều quan trọng:
- Các em ra trường có bằng đỏ thì sao? Các em liệu làm việc và tạo ra giá trị như mấy đứa bằng trung bình không?
- Các em có tự làm việc độc lập và mang lại kết quả thật tốt mà không cần bất kỳ ai hướng dẫn hay không?
- Các em có khả năng tự tổ chức công việc, tự làm mọi thứ mà không cần ai giúp không?
- Hay hở một chút là cái này làm sao anh? Cái kia làm sao chị?
- Các em làm sai, các em có bỏ tiền ra để trả không hay công ty sẽ trả?
- Các anh chị quản lý bỏ thời gian chỉ các em làm việc, các em có phải trả lương cho khoảng thời gian người ta dành cho các em không?
Rõ ràng các em không có trả cáci gì hết, ngay cả khi mình làm sai. Rõ ràng công ty và các anh chị đi trước đang trả tiền và trả thời gian để giúp các em giỏi hơn. Còn giá trị các em mang lại cho công ty là gì khi làm việc như gà mắc tóc? Kết quả không thấy mấy còn hậu quả tùm lum tùm la.
Tiền các em được nhận khi chưa có đóng góp gì không phải là lương đâu các em à. Công ty đang bỏ tiền ra nuôi các em trong khi các em đang “HỌC VIỆC” đó. Ở đó mà bóc lột. Các em nói các em tốt nghiệp đại học nhưng sao trả lương thấp hơn phụ hồ. Người ta dù là phụ hồ nhưng người ta đang mang lại giá trị tương xứng với số tiền công ty trả cho họ. Họ làm việc rất tròn vai. Nếu so sánh thì ra làm phụ hồ 1 ngày xem khả năng của mình làm được bao nhiêu phần trăm so với người ta. Không làm nổi đúng không? Vậy thì đừng có so sánh khập khiễng nữa. Thứ cần được so sánh không phải là cái tên nghề, không phải vị trí, không phải là bằng cấp mà là bằng Giá trị Đóng góp. Em đóng góp cho công ty 1 thì công ty trả lại 1, người ta đóng góp 3 thì công ty trả lại 3. Không thể vì em có cái bằng to hơn, đpẹ hơn mà người ta trả 3 đồng khi em mang lại giá trị bằng 1, bằng 0, thậm chí là âm (khi phạm sai lầm khiến công ty mất tiền). Vô công ty với suy nghĩ “làm để lấy kinh nghiệm” mà đòi lương trên trời thì phi lý quá.
Vậy nên trước khi chê lương thấp hay cao, trước khi so sánh hãy tự hỏi “Mình mang lại giá trị gì cho công ty nếu được thuê về?”. Nếu khó trả lời thì hãy hình dung bản thân là chủ doanh nghiệp đi; các em sẽ trả cho cáci đứa chưa biết làm cái gì hết bao nhiêu tiền? 1 triệu, 2 triệu hay là Zero?
Bớt ảo tưởng, bớt sồn sồn lên chỉ trích người khác vì tự ái, bớt cái kiểu chụp hình statú đi post lung tung để có người cùng hùa theo. Thay vào đó hãy phân tích cho kỹ coi tại sao người ta lại nói vậy? Nếu mình bắt chước làm theo thì có cải thiện được khả năng phỏng vấn không? Có hết thất nghiệp không? Có giỏi hơn trong tương lai không? Còn không hiểu thì inbõ, trao đổi để đối chất thay vì nói sau lưng.
Thêm một cái nữa là nếu vô được công ty có sếp tận tình hướng dẫn, có đồng nghiệp đi trước giúp đỡ thì hãy biết ơn chứ không coi đó là điều hiển nhiên. Nên nhớ chả ai có bổn phận phải đối xử tốt với các em hết. Xui xui trúng ngay sếp mất dạy, đồng nghiệp thích đâm sau lưng thì chết mịa chứ ở đó mà “Hiển nhiên tôi phải được đối xử tốt”
Nguồn: Sưu tầm.
***
Bạn có thấy tâm lý viên kẹo thể hiện rõ trong bài không? Xin kể cả nhà nghe câu chuyện về hiện tượng tâm lý này.
Có một nhà nghiên cứu về tâm lý nọ. Một hôm ông ở nhà thì thấy có lũ trẻ chơi và làm ồn ngoài sân. Ông rất đau đầu và muốn đuổi lũ trẻ đi. Ông ra ngoài và nói với lũ trẻ: "Các cháu chơi vui vẻ làm ông rất vui nên không thưởng cho mỗi đứa một viên kẹo". Hôm sau lũ trẻ lại đến làm ồn trước nhà ông. Ông lại ra và chia cho lũ trẻ ít kẹo hơn và bảo: "Các cháu chơi không được vui vẻ như hôm qua". Lũ trẻ có chút thất vọng đi về. Hôm sau nữa, chúng lại đến, nhà nghiên cứu lại ra và cho lũ trẻ ít kẹo hẳn. Lũ trẻ không vui và nói với nhau: "Hừm! Rõ ràng là mình chơi rất nhiệt tình và còn làm ôn hơn hẳn mấy hôm trước. Vậy mà cuối cùng lại không được mấy. Mai không đến nữa".
Đây là hiện tượng tậm lý "viên kẹo": Khi bạn nhận được một cái gì đó thường xuyên thì bạn có xu hướng coi đó là hiển nhiên đáng được nhận. Và khi bạn không được nhận thứ đó nữa thì bạn oán trách và đòi hỏi.
Tôi đã từng gặp nhiều hiện tượng tâm lý kiểu này. Như:
- Hồi tôi còn trẻ, tầm năm 2015, tôi có làm anh chị phụ trách hướng dẫn cho các em thiếu nhi chơi và sinh hoạt hè. Để thu hút các em thì tôi cố chiều chúng. Và cuối cùng chúng có hành vi giống như trên. Đấy là kỷ niệm trong bài: TRIẾT LÝ CÁI KẸO
- Gần đây hơn là ví dụ năm 2022, giai đoạn trước tôi hay sử dụng quan điểm: Công ty là nơi để làm việc. Vì thế nếu đến đây để học thì phải trả tiền cho thầy dạy. Còn nếu làm việc thì nhận lương. Thống nhất quan điểm từ đầu cho đỡ đau đầu. Tuy nhiên, tôi vì muốn phát triển quy mô công ty cho năm 2022 nên đã áp dụng chiến lược Nhân sự "Từ thiện - Không quạu - Tuyển đủ - Đào tạo nhiều - Sa thải khi không đạt hiệu suất - Phù hợp". Tức là tôi chấp nhận đào tạo nhiều. Những mong mọi thứ tốt đẹp nhưng kết quả thì giống như ở trên. Tôi đã có kết quả của mục 4: Toang. Cụ thể:
+ Sếp: Vẫn chạy ăn sấp mặt nuôi thân và quân. Thời gian đào tạo không có. Lúc rảnh thì đào tạo và đào tạo trong giờ. Đào tạo ngoài giờ sẽ có người bảo bóc lột.
+ Lương: Tăng lương lên 30% tạo ra mức lương hơn so với trung bình thị trường.
+ Tuyển dụng: Việc tuyển người dễ hơn do mức lương tăng. Để nhanh đắp đầy định biên, việc tuyển dụng lúc đầu không kỹ. Ứng viên không đạt kỳ vọng cũng vẫn tuyển.
+ Dùng: Nhân viên trong thời điểm này cũng tương tự năm 2. Tức là ít người được đào tạo chuyên nghiệp để hiểu vào công ty cần làm việc ra kết quả mà họ chỉ nghĩ vào công ty là công ty phải trả tiền. Đến lúc giao việc thì đòi hỏi phải đào tạo. Do sợ nhân viên nghỉ việc nên sếp không ép việc. Sếp đau đầu nghĩ cách tạo động lực cho nhân viên mà không được tạo sức ép. Công ty mất đống tiền nhưng không thu được gì.
+ Giữ: Nhân viên đã chịu ở lại lâu do lương cao hơn thị trường, sếp không ép việc. Tuy nhiên do tuyển vào không kỹ, đa phần nhân viên có suy nghĩ và giá trị khác công ty, sếp không ép việc, người nhiều mà việc nhàn nên nhân viên bắt đầu "thành tinh", kết bè nhóm nói xấu, đối phó công ty.
+ Thải: Cũng vì để những người không phù hợp về giá trị của công ty, hưởng lợi quá nhiều từ việc giữ người nên họ bị dính vào thuyết "viên kẹo" từ đó đòi hỏi. Việc cho nhân viên thôi việc trở nên khó khăn do họ có bè có cánh.
Nếu muốn biết cụ thể chữ Toang của tôi, thân mời bạn đọc bài: Chiến lược QTNS “từ thiện không quạu” cho công ty mới và nhỏ không thành công (https://blognhansu.net.vn/?p=27246)
Vậy là bạn đã có cả lý thuyết lẫn ví dụ thực tế về tâm lý hay hiệu ứng viên kẹo rồi. Chúc bạn không rơi vào vết xe đổ của tôi.
Nguyễn Hùng Cường