3 bài báo 1 vấn đề: DN không đóng BHXH thì bị gì ?

Chiều nay tôi đọc được 3 bài báo nhưng cùng chung 1 vấn đề: DN không đóng BHXH thì bị gì ? nên update chung vào 1 bài luôn cho mọi người cùng theo dõi:

Bài 1: Không chốt sổ BHXH cho NLĐ có vi phạm? Ngày 25/11/2016 trên Báo Lao Động Thủ Đô
Bài 2: Doanh nghiệp nợ BHXH từ 3 tháng trở lên: Sẽ thanh tra đột xuất Ngày 15/12/2016 trên Báo Lao Động Thủ Đô
Bài 3: Liên đoàn Lao động lúng túng khi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm Ngày 19/12/2016 Trên VTV

Bài 1 nói về việc Công ty nợ BHXH nên khi người lao động nghỉ việc thì không chốt được sổ BHXH. Thế là họ trả sổ BHXH cho người LĐ rồi bảo tự đi chốt. Việc công ty không chốt sổ BHXH cho người LĐ sẽ bị phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động. Tuy nhiên bài 1 không khuyên người lao động nên làm gì. Tôi sẽ bình cụ thể hơn trong bài.

Bài 2 đại ý nói rằng để giảm số tiền nợ đọng BHXH, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các địa phương phối hợp với các cơ quan quản lý thanh tra việc chấp hành pháp luật BHXH, BHYT đối với những DN đóng không đủ cho số người thuộc diện bắt buộc tham gia, nợ tiền BHXH, BHYT, BH thất nghiệp kéo dài từ 3 tháng trở lên; cương quyết xử lý những DN cố tình chây ỳ; chủ động thành lập các đoàn thanh tra chuyên ngành để thanh tra đột xuất tất cả các đơn vị nợ đọng từ 3 tháng trở lên. Dự kiến hết năm 2016, mỗi tỉnh, thành phố xử phạt vi phạm hành chính khoảng 15 doanh nghiệp trở lên.

Bên cạnh đó, BHXH các địa phương sẽ cung cấp hồ sơ, phối hợp với LĐLĐ tỉnh, thành phố khởi kiện những đơn vị nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp ra tòa theo quy định. Dự kiến, đến 31/12, mỗi tỉnh, thành phố khởi kiện ít nhất 10- 50 doanh nghiệp có thời gian nợ trên 6 tháng; đồng thời, phối hợp các ngân hàng thực hiện thu nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại các doanh nghiệp...

Bài 3 thì theo Liên đoàn Lao động Việt Nam, đến nay trên cả nước đã nộp hồ sơ khởi kiện 12 doanh nghiệp nợ bảo hiểm tại 4 tỉnh, nhưng vẫn chưa có kết quả. Bởi vẫn chưa có quy định cụ thể là Liên đoàn Lao động sẽ khởi kiện theo trình tự thủ tục nào, tranh chấp lao động hay tố tụng lao động.

Gần 1 năm nay, Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa nhận được bất cứ bộ hồ sơ khởi kiện tập thể nào của Công đoàn cơ sở gửi lên.

Tôi sẽ bình tiếp ở phần cuối bài, thân mời mọi người đọc 3 bài trên:

Không chốt sổ BHXH cho NLĐ có vi phạm? 25/11/2016

Hỏi: Công ty tôi đang làm việc, mỗi tháng đều trừ 10.5% tiền bảo hiểm nhưng vẫn còn nợ chưa đóng cho cơ quan BHXH. Hiện, công ty nợ lương nhiều lao động nên nhiều người muốn nghỉ trước 30 ngày theo quy định hợp đồng. Công ty đã trả lại sổ BHXH cho một số lao động và bảo khi nào cần thì NLĐ tự đi chốt sổ. Xin luật sư cho biết, nếu NLĐ tự chốt sổ thì có ảnh hưởng gì đến phần tiền bảo hiểm đã đóng không? Công ty đó làm như vậy có đúng quy định pháp luật không?

Nguyễn Song Toàn (Láng Hạ, Đống Đa)

Trả lời: Theo quy định tại Khoản 2, 3 Điều 47 Bộ luật lao động 2012 thì:

“2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động".

Theo đó, khi chấm dứt HĐLĐ thì trong khoảng thời gian từ 7 tới 30 ngày công ty có trách nhiệm xác nhận thời gian đóng và chốt sổ BHXH, trả cho NLĐ. Nếu hết thời hạn này, mà công ty chưa làm thủ tục chốt sổ và trả sổ cho NLĐ là vi phạm pháp luật lao động. Việc chốt sổ khi chấm dứt HĐLĐ là trách nhiệm của công ty đó, NLĐ chỉ được tự đi chốt trong trường hợp công ty phá sản hoặc giải thể. Do đó, nếu công ty đó hoạt động bình thường thì NLĐ không thể tự động đi chốt sổ BHXH được.

Hành vi không xác nhận thời gian đóng và trả sổ BHXH cho NLĐ sẽ bị xử phạt như sau:

Điều 8 Nghị định 88/ 2015/ NĐ- CP quy định vi phạm quy định về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động.

1. Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: ...; không hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên”.

Ls Trịnh Nam Ninh
(Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

****

Doanh nghiệp nợ BHXH từ 3 tháng trở lên: Sẽ thanh tra đột xuất 15/12/2016

Tại Hội nghị Thông tin định kỳ về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) tháng 12/2016 diễn ra ngày 13/12, ông Nguyễn Trí Đại - Trưởng ban Thu BHXH Việt Nam cho biết: Đến hết tháng 11/2016, tổng số đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 75.358.567 người (đã bao gồm lực lượng vũ trang), đạt 100,6% kế hoạch được giao; tỉ lệ bao phủ BHYT toàn quốc đạt 81,3% dân số (75.160.331 người).

Đáng chú ý, dù tỉ lệ nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đã giảm 0,2% so với tháng 10/2016, nhưng vẫn còn chiếm 5,6% kế hoạch thu (13.135 tỉ đồng), trong đó số nợ BHXH, BH thất nghiệp chủ yếu tập trung ở khối doanh nghiệp.

Ông Đại cho biết, để giảm số tiền nợ đọng BHXH, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các địa phương phối hợp với các cơ quan quản lý thanh tra việc chấp hành pháp luật BHXH, BHYT đối với những DN đóng không đủ cho số người thuộc diện bắt buộc tham gia, nợ tiền BHXH, BHYT, BH thất nghiệp kéo dài từ 3 tháng trở lên; cương quyết xử lý những DN cố tình chây ỳ; chủ động thành lập các đoàn thanh tra chuyên ngành để thanh tra đột xuất tất cả các đơn vị nợ đọng từ 3 tháng trở lên. Dự kiến hết năm 2016, mỗi tỉnh, thành phố xử phạt vi phạm hành chính khoảng 15 doanh nghiệp trở lên.

Bên cạnh đó, BHXH các địa phương sẽ cung cấp hồ sơ, phối hợp với LĐLĐ tỉnh, thành phố khởi kiện những đơn vị nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp ra tòa theo quy định. Dự kiến, đến 31/12, mỗi tỉnh, thành phố khởi kiện ít nhất 10- 50 doanh nghiệp có thời gian nợ trên 6 tháng; đồng thời, phối hợp các ngân hàng thực hiện thu nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại các doanh nghiệp...

Theo Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu: Để giảm tỉ lệ nợ BHXH, BHYT, cơ quan BHXH đã xây dựng quy trình, từ đôn đốc thu, thanh kiểm tra cho đến phối hợp thanh tra chuyên ngành… Khởi kiện là một trong những biện pháp cuối cùng nhằm giảm tỉ lệ nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Với trách nhiệm của mình, cơ quan BHXH sẽ chuyển hết hồ sơ các đơn vị nợ cho CĐ khởi kiện, còn việc thụ lý các vụ kiện thuộc trách nhiệm của Tòa án nhân dân các cấp. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, đến hết tháng 11/2016, BHXH các tỉnh, thành phố đã lập hồ sơ trên 200 đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT từ 6 tháng trở lên gửi sang tổ chức CĐ các cấp để tiến hành khởi kiện.

L.N

****

Liên đoàn Lao động lúng túng khi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm ngày 19/12/2016

Tại Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa, bảng thống kê doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm ngày một tăng. Tính đến hết tháng 11 năm nay, đã có 1.100 doanh nghiệp nợ bảo hiểm với số tiền 180 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, gần 1 năm nay, Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa nhận được bất cứ bộ hồ sơ khởi kiện tập thể nào của Công đoàn cơ sở gửi lên.

Ông Ngô Tôn Tẫn - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Hầu hết Chủ tịch Công đoàn cơ sở đang hoạt động kiêm nhiệm, là người làm thuê cho người sử dụng lao động, do người sử dụng lao động trả lương, cho nên việc đứng ra khởi kiện ông chủ của mình chắc sẽ khó".

Trước tình trạng trên, Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố phải đứng ra đại diện cho Công đoàn cơ sở để khởi kiện doanh nghiệp. Theo Liên đoàn Lao động Việt Nam, đến nay trên cả nước đã nộp hồ sơ khởi kiện 12 doanh nghiệp nợ bảo hiểm tại 4 tỉnh, nhưng vẫn chưa có kết quả. Bởi vẫn chưa có quy định cụ thể là Liên đoàn Lao động sẽ khởi kiện theo trình tự thủ tục nào, tranh chấp lao động hay tố tụng lao động.

Tiến sỹ Trần Thị Thanh Hà - Phó Trưởng Ban quan hệ lao động - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay: "Tình hình thụ lý của tòa án đến bây giờ là vẫn chưa có câu trả lời về việc sẽ đưa các vụ khởi kiện do công đoàn thực hiện sẽ theo trình tự thủ tục nào. Đây là một trong vấn đề bất cập hiện nay, xuất phát từ chính các quy định pháp luật hiện hành".

Trong lúc chờ hướng dẫn của tòa án nhân dân tối cao thì con số nợ bảo hiểm xã hội hiện nay đã lên tới 14.700 tỷ đồng.

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết tháng 11 năm nay, tổng số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của các tỉnh, thành phố là hơn 13.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,6% so với kế hoạch thu. Để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, từ đầu năm nay, Luật BHXH mới đã quy định: Quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm được giao cho tổ chức công đoàn cơ sở. Quyền thì đã có, tuy nhiên việc liên đoàn lao động khởi kiện đang gặp không ít khó khăn.

VTV

Lời bình tiếp: Ở bài 1 tình huống nói rằng công ty nợ lương nhiều người. Chứng tỏ công ty cũng sẽ nợ BHXH. Công ty trả sổ BHXH cho người LĐ xin nghỉ và bảo tự đi chốt.

Đầu tiên phải khẳng định là cá nhân không thể tự chốt sổ BHXH được. Cả nhà tham khảo ở: Công ty nợ tiền BHXH, nhân viên có chốt được sổ không ? - https://goo.gl/KDwKjW . Tuy nhiên cá nhân vẫn có thể nếu:
- Công ty phá sản hoặc giải thể. Tôi chưa tìm được công văn hướng dẫn nên chúng ta cứ tạm chấp nhận thế. Nhà mình có ai có công văn hướng dẫn về việc chốt sổ BHXH cho công ty phá sản, giải thể thì vui lòng cho tôi xem với nhé.
- Hoặc công ty cam kết đóng hết bảo hiểm xã hội. (xem ở link trên)

Tiếp theo, tôi lại nhớ đến tình huống của công ty Lingo trong 3 bài viết:
- Giết một công ty bằng cách lật úp bàn tay… truyện nhân sự Lingo ( http://goo.gl/w3McdW )
- Người lao động nên làm gì khi công ty giải thể như trường hợp Lingo ( http://goo.gl/xlwDoq )
- Công ty Lingo nợ tiền BHXH – tin xấu cho 256 anh em ( https://goo.gl/6WA9I0 )
người lao động của công ty nên liên kết lại trước khi tình huống xấu xảy ra. Sau khi tập hợp được 1 số người, chúng ta sẽ làm các bước như trong bài: Quy trình khởi kiện công ty ra tòa đòi quyền lợi cho nhân viên - https://goo.gl/2lehdb

Chúng ta sẽ gặp phòng HR trước. Sau đó tất cả sẽ gặp chủ tịch công đoàn để nói chuyện. Yêu cầu CĐ đứng lên yêu cầu công ty hoàn tất nghĩa vụ. Việc này khó vì Chủ tịch công đoàn cũng ăn lương công ty nên tiếng nói sẽ rất yếu. Yêu cầu trả lương và đóng BHXH không được thì yêu cầu CT công đoàn khởi kiện. Nhưng chắc sẽ không được như trong bài 2 ở trên. Chúng ta nên tiếp tục tự vận động: lên nói chuyện với Sở Lao động. Ngoài sở ra, chúng ta phải cầm đơn lên UBND Quận, các báo như NLD, LD, LDTD... Và sau đó, chúng ta sẽ kiện ra tòa.

Xem ra lắm thủ tục nhưng đành phải thế.

One thought on “3 bài báo 1 vấn đề: DN không đóng BHXH thì bị gì ?

  1. Pingback: Tự chốt sổ ở công ty cũ, công ty nợ BHXH có được không ? | Blog quản trị Nhân sự

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *