Giết một công ty bằng cách lật úp bàn tay… truyện nhân sự Lingo

Chiều nay, tình cờ đọc được bài viết trên trang fanpage chính thức của Lingo. Tôi sẽ chả quan tâm nếu như nó không có truyện nhân sự trong đó. Vì dính tới nghề nên tôi đọc kỹ lại và cũng có đôi chút lời bình. Ai quan tâm tới 2 từ "nhân sự" thì kéo chuột đến cuối nhé. Chúng ta cùng bình luận với nhau. Giờ thân mời mọi người đọc bài viết:

MAJ Invest – Domingo Alonso – Vương Hữu Nghĩa và Lingo.vn – Sự lật mặt của nhà đầu tư.

Giết một công ty bằng cách lật úp bàn tay...

Sáng ngày thứ Ba 02.08.2016 mọi thứ bắt đầu như thường lệ với toàn thể nhân viên Công ty Cổ Phần Thương Mại Lingo, mọi người vẫn bắt tay vào công việc với cường độ cao để đáp ứng cho hệ thống mới cũng như dự án mới mà tổng giám đốc Phạm Kyle Anh Tuấn đã trực tiếp công bố với toàn thể nhân viên hai miền Nam Bắc.

10:46 – 02.08.2016: toàn bộ nhân viên nhận được mail yêu cầu tập trung tại văn phòng 2 miền để họp gấp với Hội đồng quản trị vào lúc 11:45.

11:45 – 02.08.2016: nhân viên được thông báo tin “hành lang” là nhà đầu tư sẽ thông báo một tin rất quan trọng và yêu cầu mọi người có hành vi ứng xử văn minh.

12:00 – 02.08.2016: Đại diện nhà đầu tư Maj ông Vương Hữu Nghĩa cùng Tổng giám đốc Phạm Kyle Anh Tuấn thông báo thông tin giải thể Công ty Cổ Phần Thương Mại Lingo.

13:00: trang báo đầu tiên đăng tải thông tin “Công Ty Lingo đóng cửa”

Đó là tất cả những gì tôi có thể tóm tắt về 02 giờ sụp đổ của một công ty – một ngôi nhà của 265 người - chúng tôi vẫn thường gọi vui là “Lingoees”

Đối với báo chí, người đọc, đối thủ cạnh tranh câu chuyện về sự sụp đổ chớp nhoáng của Lingo là một câu chuyện để giật tít, một câu chuyện phiếm ở hành lang, hay thậm chí là một tin vui vì loại được đối thủ cạnh tranh, nhưng đối với 265 người chúng tôi đó là tin “sét đánh”, là sự suy sụp và là cơn ác mộng mà tôi dám chắc đến giờ còn những người không dám tin .-Mỗi lần nghĩ đến là cơn bức xúc tột cùng lại nổi dậy.

Nói cho đúng và thành thật thì 265 người chúng tôi - chẳng ai biết lí do chính xác vì sao “họ” quyết định giải thể công ty, chỉ biết đại khái “à ... thì ... nhà đầu tư không tìm được nguồn vốn để duy trì hoạt động của Lingo...” thẳng thắn một cách “dối trá” và “lật lọng”. Nói rằng “dối trá” cũng đúng mà “lật lọng” cũng không sai, vì chính chúng tôi – những con người có công ăn việc làm ổn định ở những công ty ổn định trước đây được thuyết phục đầu quân về Lingo vì những lí do cũng rất “ổn định” mà ông Domingo Alonso, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị của Lingo đồng thời là người đại diện nhà đầu tư Maj Invest tại Vệt Nam.thuyết phục:“quỹ đầu tư này rất uy tín, đã đầu tư thành công vào thị trường Việt Nam cho nhiều Công ty với nguồn vốn dồi dào, định hướng phát triển trong 3 năm, 5 năm tới của Lingo là...”.

Quả thật trên thương trường, ai cũng biết Maj Invest là một quỹ đầu tư lớn của Đan Mạch. Trước đây, Maj Invest đã từng đầu tư vào Golden Gate, Bianfishco và VIBI và hiện tại họ đang có vốn đầu tư tại Công ty Giáo Dục Việt-Úc, công ty cổ phần nội thất AA và công ty VMG Media. Những lời “ru ngủ” cộng thêm công văn có chữ ký của Ông Domingo Alonso về số tiền đầu tư 3 triệu đô Mỹ cho Lingo cho đến hết năm 2016 ... đã làm chúng tôi căng sức ra làm việc trong 11 tháng trời, vài chục anh em “không ăn, không ngủ” và không biết đến ngày nghỉ cuối tuần vì mục tiêu phát triển Lingo. Không những vậy, tất cả mọi người làm việc trong áp lực bị các nhà cung cấp đòi tiền tứ phía... nào là tiền nợ nhà cung cấp, nợ các hãng vận chuyển, nợ tiền thuê kho, văn phòng, điện nước... ngay cả lương nhân sự gần 2 tháng chưa trả nhưng tất cả chúng tôi đều đồng lòng động viên nhau vượt qua khó khăn vì chúng tôi tin rằng Lingo có khả năng phát triển rất tốt trong tương lai và vì chúng tôi tin tưởng vào nhà đầu tư Maj Invest có uy tín và tiềm lực kinh tế dồi dào. Để rồi mọi thứ chúng tôi đã và đang cố sức xây dựng sụp đổ hoàn toàn trong 2 giờ đồng hồ vì... “họ” lật mặt... Chỉ mới đầu tư khoản ½ khoản tiền đã cam kết, nhà đầu tư phủi tay tuyên bố “nghỉ chơi”.

truyen nhan su lingo

Xem thường người lao động Việt Nam như cọng rơm sợi rác..

Ông Domingo Alonso chỉ thông báo cho chúng tôi biết công ty quyết định giải thể trong vòng 2 tiếng, yêu cầu mọi người nghỉ ngay lập tức và lương tháng 07 sẽ trả trong 2 tuần sau.

Người lao động chúng tôi chưa khỏi bàng hoàng vì tin sét đánh, lại có thêm một câu nói khác được phát biểu từ nhà đầu tư rằng sẽ không có bất kỳ một khoản trợ cấp nào cho nhân viên bao gồm cả thai phụ khi công ty giải thể vì họ đã làm đúng theo pháp luật nhà nước VN và cho dù không làm đúng luật đi nữa thì quỹ đã hết tiền. Thiết nghĩ một nhà đầu tư lớn có đạo đức sẽ không thể thốt ra những câu nói như hế này.

“Thế còn Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và y tế thì sao? Chừng nào các ông sẽ trả bảo hiểm cho nhà nước để chốt sổ?” Một nhân viên bức xúc lên tiếng. Họ đáp rằng “ Tôi chưa thể trả lời được trong lúc này, để tôi về kiểm tra lại với quỹ Maj Invest”. Bị đuổi ra khỏi công ty trong tích tắc, tiền trợ cấp từ người chủ đầu tư không có, tiền lương cũng chưa được trả, bảo hiểm thất nghiệp không lấy được... chúng tôi không tin rằng chúng tôi đã từng cống hiến hết mình cho những kẻ tư bản máu lạnh đến như vậy.

Nhưng sự kịch tính chưa dừng ở đó.... Chỉ một tiếng sau khi nhà đầu tư tuyên bố giải thể, toàn bộ các chủ nợ đã gọi đến đòi nợ các nhân viên... Bây giờ thì không một chủ nợ nào có đủ kiên nhẫn để nói chuyện với chúng tôi, họ đe dọa sẽ gọi giang hồ đến xin chúng tôi tí huyết, họ mắng vào mặt chúng tôi xối xả như thể chúng tôi là quân lừa đảo. Uy tín mà chúng tôi tâm huyết gây dựng bao lâu trên thị trường đã bị nhà đầu tư bôi đen... Xong! Tình trạng này thì còn tệ hơn là tay trắng ra đi.

Do áp lực của nhà cung cấp quá lớn, quỹ đầu tư Maj Invest đã tìm cách đàm phán trả nợ nhưng họ ép các nhà cung tối đa, chỉ trả 50% nợ. Đă có một số nhà cung cấp ức chế tìm kiếm đến thế lực đen để hỗ trợ đòi nợ thay. Kết quả là Domingo Alonso và Vương Hữu Nghĩa sợ xanh mặt và trả ngay không thiếu một đồng. Chỉ khi tính mạng bị đe dọa họ mới trả tiền, còn chúng tôi những nhân viên đã từng hết lòng vì họ khẩn thiết yêu cầu họ thanh toán trả nhà cung cấp vì chúng tôi bị đe dọa, nhưng lúc đó họ lại ngoảnh mặt làm ngơ.

Chưa kể các khách hàng vô tội của Lingo, họ đã thanh toán trước tiền cho Lingo để mua hàng, hoặc nhờ Lingo mang hàng của họ đi bảo hành... việc đóng cửa công ty đột ngột đã làm cho các khách không biết tìm tới ai để đòi nợ.

Sự thiếu chuyên nghiệp và thiếu ý thức trách nhiệm với người lao động, với đối tác kinh doanh, với khách hàng cuả Maj Invest đã làm cho chúng tôi thật sự bất bình.

Việc nhà đầu tư không tìm được nguồn vốn để tiếp tục duy trì Công ty Lingo là do sự chủ quan và yếu kém từ phía nhà đầu tư. Họ lạnh lùng từ chối hỗ trợ tài chính cho người lao động trong lúc mọi người phải tất tả ngược xuôi đi kiếm việc làm chỉ với lý do rất thách thức “Quỹ đã hết tiền, có đi kiện cáo cũng vậy thôi”. Từ lúc tuyên bố giải thể đến nay, ông Chủ Tịch Hội Đồng quản trị Domingo và quỹ đầu tư Maj Invest ở Đan Mạch không hề có thiện chí đàm phán cùng tập thể người lao động mặc dù chúng tôi dùng đến luật pháp Việt Nam để viện dẫn và những tiền lệ trên thị trường cho thấy công ty giải thể sẽ hỗ trợ nhân viên ít nhật là bao nhiêu. Ông ta tự cho rằng mình hiểu rõ pháp luật Việt Nam và khẳng định người lao động sẽ không được thêm một xu một cắt nào ngoài tiền lương họ nợ nhân viên.

Vậy ai sẽ phải chịu trách nhiệm về những tổn thất nặng nề về mặt tinh thần cũng như tổn thất kinh tế trầm trọng đối với 265 người lao động? Chúng tôi cũng có đôi lần tự bảo nhau cứ coi như chúng tôi gặp xui, tin nhầm bọn tư bản vô đạo đức. Nhưng như vậy thì quá hèn yếu. Chúng tôi đều là những người lao động có tâm huyết, có chuyên môn, có trí thức. Chúng tôi không cam tâm để bọn họ đối xử khinh rẻ như vậy. Chúng tôi rất bất bình về việc nhà đầu tư nước ngoài thâm nhập vào thị trường Việt Nam để kiếm lợi nhuận nhưng lại coi thường luật pháp Việt Nam, coi thường nhân công lao động người Việt Nam. Họ không thể chỉ bằng một quyết định giải thể doanh nghiệp mà hất toàn bộ 265 người lao động chúng tôi ra đường trong tích tắc, vậy 265 gia đình Việt Nam sẽ loay hoay vật lộn với cuộc sống ra sao?

Chúng tôi tin rằng cách hành xử thô thiển này của Maj Invest sẽ không xảy ra nếu Lingo được hoạt động ở Đan Mạch hay Châu Âu. Phải chăng, người lao động Việt Nam đang bị xem thường, bị rẻ rúng hoá trên chính quê hương của chúng ta?

Chúng tôi, những “Lingoees” sẽ không khuất phục trước bọn đầu tư tráo trở, chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng vì công lý, quyền lợi chính đáng của người lao động và danh dự của Người Lao Động Việt Nam...

Hãy chúc chúng tôi thành công cho dự án cuối cùng tại Lingo – “Dự án của Danh Dự và Niềm Tin”.

Lingoees.

Lời bình: Đoạn cuối khẩu khí hào hùng quá. Tôi nghĩ chỉ cần chiến đấu cho quyền lợi của người lao động Lingo là được rồi. Đọc truyện ở trên, tôi thấy tình huống xảy ra nhanh. Không biết các lãnh đạo Lingo và nhà đầu tư đã tham vấn luật sư, pháp chế hay nhân sự chưa nữa. Tôi nhớ đến 1 tình huống (case) cũng tương tự của Sfone: Ví dụ kinh điển về nghề HR – Sa thải toàn bộ lao động - http://goo.gl/2AdvFd. S-Fone đã chấm dứt hợp đồng lao động với tất cả nhân viên chỉ trong 1 ngày. Giá được cho lời khuyên trước khi sự việc xảy ra thì tôi sẽ khuyên: Lingo nên tuân theo luật. Cụ thể đó là quy trình giải thể như ở: Thủ tục với cơ quan nhà nước khi cắt giảm nhân sự số lượng lớn lao động dôi dư theo hình thức tái cơ cấu - http://goo.gl/RPoq5a . Do đây là giải thể nên các bước chỉ có như sau:

Bước 1: trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động cơ sở (công đoàn cơ sở) về việc cho người lao động thôi việc vì lí do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc lí do kinh tế.

Bước 2: xây dựng phương án lao động.
a) Danh sách và số lượng người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động;
b) Biện pháp và nguồn tài chính bảo đảm thực hiện phương án.

Khi xây dựng phương án sử dụng lao động phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.

Bước 3: gửi thông báo trước thời điểm cho người lao động thôi việc là 30 ngày tới cơ quan quản lí nhà nước về lao động cấp tỉnh (sở lao động- thương binh và xã hội).

Bước 4: ra quyết định cho thôi việc gửi tới người lao động sau khi đã đủ thời hạn thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lí nhà nước về lao động cấp tỉnh.

Bước 5: trả trợ cấp mất việc cho người lao động
1. Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại Điều 44 và Điều 45 của Bộ luật này, mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương.
2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
3. Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động mất việc làm.

Như vậy theo dữ liệu của bài, lãnh đạo công ty:
- yêu cầu mọi người nghỉ ngay lập tức và lương tháng 07 sẽ trả trong 2 tuần sau
- sẽ không có bất kỳ một khoản trợ cấp nào cho nhân viên bao gồm cả thai phụ khi công ty giải thể
- khẳng định người lao động sẽ không được thêm một xu một cắt nào ngoài tiền lương họ nợ nhân viên
Những khẳng định này là không đúng. Luật đã quy định rất rõ ràng. Và nếu công ty không trả được thì luật đã quy định rõ rằng sẽ phát mãi các tài sản còn lại và số tiền sẽ được ưu tiên giải quyết cho người lao động trước tiên. Bài có đoạn: "mặc dù chúng tôi dùng đến luật pháp Việt Nam để viện dẫn và những tiền lệ trên thị trường cho thấy công ty giải thể sẽ hỗ trợ nhân viên ít nhật là bao nhiêu". Nhân viên Lingo biết mà không chịu báo cáo cơ quan quản lý, luật pháp và niêm phong tài sản lại cố chịu để mong chờ bên đầu tư họ trả tiền thì có lẽ sẽ còn chịu thua thiệt.

Giờ việc đã xảy ra. Nếu là HR thì chúng ta nên làm gì?

Bước đầu tiên là ổn định tình hình nhân viên. Thực lòng mà nói, việc này không còn của nhân sự nữa mà là của công đoàn mới chính xác. Nhân sự có làm thì chủ yếu chỉ là do cái tâm. Vì rõ ràng, nhân sự cũng chỉ là nhân viên. Và khi sự việc xảy ra thì họ cũng như các nhân viên khác. Tuy nhiên việc này xảy ra mà nhân sự không hay biết thì rõ ràng HR ở đây có vẻ như chưa xây được cho mình mạng lưới thông tin hoặc chưa nhạy bén. Tôi cho là vậy. Và tôi đã từng nói về vấn đề này trong một bài viết tái cơ cấu: Tin đồn cắt giảm nhân sự … - http://goo.gl/LDqDuPTin đồn nhân sự … - http://goo.gl/47IpA8

Bước tiếp theo, theo tôi không phải là trao đổi với ban lãnh đạo hay chủ đầu tư mà nên trao đổi trực tiếp với cơ quan quản lý. Tại sao lại thế? Đơn giản, đây là một quyết định lớn mà đã là quyết định lớn thì người ta không đùa. Vì thế chắc rằng chúng ta khó đàm phán. Chúng ta báo cáo với đơn vị quản lý dù sao thì chúng ta cũng làm đúng phận sự của mình - nhân viên phụ trách mảng nhân sự. Chả lẽ thông báo đóng cửa công ty lại là lãnh đạo công ty. Việc trao đổi này chưa chính thức khi có văn bản đàng hoàng với con dấu mới là thông báo.

Trao đổi với đội quản lý xong thì vào trao đổi với lãnh đạo. Hỏi họ xem tình hình, các thông tin.

Tiếp theo là xử lý các vấn đề hậu thông báo như:
- Làm các quyết định như quyết định giải thể công ty, quyết định cho thôi việc ..
- Các thông báo như giải thể.
- Làm bảng lương cuối cùng
- Tiếp đón các đoàn thanh tra cũng như các đơn vị truyền thông.
- Chốt sổ BHXH. Đây là một vấn đề khó nếu như Lingo nợ bảo hiểm xã hội. Nếu còn tiền, Nhân sự nên yêu cầu được giải quyết vấn đề này. Việc chốt sổ này rất quan trọng vì thực tế doanh nghiệp còn nợ BHXH thì nhân viên sẽ không được chốt sổ. Và nếu không có sổ thì sẽ không được nhận BHTN và ảnh hưởng đế mai sau. Mọi người vui lòng đọc bài: Công ty nợ tiền BHXH, nhân viên có chốt được sổ không ? - http://goo.gl/DGuucC để biết rõ hơn.
- Trà hồ sơ nhân sự cho các nhân viên.
...

Song song với đó, tốt nhất Nhân sự nên nhanh chóng yêu cầu phong tỏa, kiểm kê tài sản của công ty (cái này phải có quyết định của cơ quan công an, tòa án ...). Chứ đợi công ty trả hết nợ cho đối tác lẫn tẩu tán vốn thì coi như người lao động và chính Nhân sự bị thiệt.

... Bài viết này tôi đã viết xong từ chiều qua. Tôi có hỏi ý kiến 1 chị bạn làm HR trong Lingo. Chị bảo để qua trưa mai hãy đăng. Chị giải quyết nốt vài việc đã. Hôm nào tôi sẽ gặp chị để xem những gì nhân sự làm có khác gì tôi nói không mới được.

Đây là nghị quyết của đại hội cổ đông:
truyen nhan su lingo 1

truyen nhan su lingo 2

truyen nhan su lingo 3

Đến thời điểm này tôi lại đọc được một bài bênh Lingo của anh Doanh Nguyen. Nguyên văn như sau:

Vụ nhân viên Lingo tố nhà đầu tư tệ bạc, ĐỪNG VỘI TRÁCH nhà đầu tư!

Từ đêm qua, bức "huyết thư” của nhân viên Lingo về 2 giờ sụp đổ của Lingo trong đó tố cáo nguyên nhân sụp đổ là do nhà đầu tư chơi không đẹp và máu lạnh cũng làm không anh ít anh em mất ngủ.

Theo mình, các bạn startup nên nhìn sự việc này như là một case study. Không nên vội trách nhà đầu tư tệ bạc với người lao động hay startup các bạn ạ.

Lý do ư?
1 - Theo các thông tin mình có được, ngày 2/8 ĐHĐCĐ Lingo họp và ra quyết định giải thể công ty, hoạt động của công ty Lingo ngừng từ ngày 3/8. Nên 265 anh em nghỉ việc từ ngày 3/8 là phù hợp. Trong vòng 3 tháng tới, Lingo sẽ tiến hành kiểm kê - thanh lý tài sản - giải quyết quyền lợi của các bên liên quan (Thuế - BHXH, người lao động, đối tác).

Chủ Lingo chọn GIẢI THỂ chứ không phải PHÁ SẢN là may mắn cho người lao động và tử tế với đối tác và nhà nước lắm rồi. Như vậy, không thể nói Lingo hay nhà đầu tư phủi tay với người lao động. Trong một doanh nghiệp làm ăn thất bát doanh nghiệp phải giải thể, chủ doanh nghiệp mất vốn đầu tư - người lao động mất việc làm là lẽ thường tình - không nên trách nhau. It's business. It's the law!

2 - Nhà đầu tư và startup cũng như vợ - chồng. Hai bên không thể gắn bó với nhau được nữa vì những lý do mà bên còn lại không thể chấp nhận, dù trước đó hứa là sẽ bên nhau mãi mãi thì họ phải ra quyết định chia tay. Chia tay sớm bớt đau khổ là tốt. Thủ tục chia tay như thế nào thì luật đã định, Lingo đang thực hiện thủ tục đó. Như vậy, it's business. It's the law!

3 - Hãy đặt mình ở góc độ nhà đầu tư. Họ có một danh mục đầu tư, họ phải mưu cầu lợi nhuận cho các cổ đông - ông chủ của họ. Một hạng mục đang tiêu tiều của họ như uống nước - hít không khí nhưng lại không đáp ứng được kỳ vọng đầu tư cuả họ. Họ phải nghĩ đến phương án cắt lỗ. Họ chấp nhận giải thể thay vì chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác tức họ chấp nhận mất vốn đã đầu tư thay vì mất thêm nữa. Họ cắt ngay lập tức thì chắc hẳn là một lý do nào đó hợp lý - là một quyết định tốt nhất của họ trong tình huống này. Mất tiền chắc chắn họ cũng đau khổ không kém. Đó là vấn đề kinh doanh.

4 - Tại sao họ không hỗ trợ nhân viên hay thông báo trước một vài tháng để nhân viên đi tìm việc làm mới? Khi đã quyết định khai tử hạng mục đầu tư. Họ sẽ khó chấp nhận phương án bỏ thêm tiền để nuôi một bộ máy 265 con người để làm những việc mà họ không cần trong khi pháp luật không bắt họ phải làm như vậy. Thật là vô lý.

5 - Các bạn đặt vấn đề đạo đức kinh doanh của họ ở đâu! Chúng ta có thể yêu cầu người khác đạo đức với mình được không! Xin thưa là không. Đạo đức là những thứ bản thân họ tự thấy và thực hành chứ không phải là sự ép buộc. Đối với nhà đầu tư, họ đã thể hiện trách nhiệm - đạo đức thông qua việc giải thể công ty, tức là sẽ thanh toán hết nợ nần trước khi chấm dứt cũng đã là đạo đức rồi. Nếu họ bao thêm việc làm cho 265 anh em, thì người quản lý hạng mục đầu tư này sẽ bị các cổ đông của họ cho nghỉ việc ngay lập tức vì đang phá hoại tiền của cổ đông. Nếu bạn là đại diện nhà đầu tư, bạn sẽ làm gì?
_
Cũng phải thẳng thắng thừa nhận, startup sống dựa vào máu nhà đầu tư thì phải chấp nhận cái chết bất đắc kỳ tử nếu vật chủ hết máu hoặc cắt đường dẫn máu hoặc tiêu hao máu nhanh quá vật chủ chuyển máu không kịp nên đuối. Nếu có một nguồn máu từ thị trường/khách hàng do chính mình làm ra đủ để duy trì sự sống thì sẽ không đến nỗi. Cái này mình cũng đã từng chia sẻ.
_
Chuyện nhà người ta, chúng ta nên tham khảo để rút kinh nghiệm và giúp 265 anh em tìm bến đỗ mới nếu có thể.
Còn đoàn kết để giúp họ quyết đấu với nhau thì không nên vì chưa biết bên nào tệ hơn bên nào. Dù đây là một câu chuyện rất buồn cho startup Việt và 265 anh em.
Doanh Nguyen

Lời bình: Như tôi nói ở trên, chủ doanh nghiệp có thể ra quyết định giải thể và cho thôi việc toàn bộ nhân viên ngay lập tức nhưng luật yêu cầu rất rõ ràng:

1. Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại Điều 44 và Điều 45 của Bộ luật này, mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương.
2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
3. Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động mất việc làm.

Cho nên nói như điều 4 của anh Doanh Nguyen là không đúng. Điểm 4 này dẫn đến điểm 5: thanh toán hết nợ nần trước khi chấm dứt cũng đã là đạo đức rồi. Như anh Doanh nói, khi nào họ chốt sổ BHXH cho nhân viên, trả đủ 2 tháng tiền lương kia thì chúng ta có thể nói họ có Đạo Đức.

3 thoughts on “Giết một công ty bằng cách lật úp bàn tay… truyện nhân sự Lingo

  1. Pingback: Người lao động nên làm gì khi công ty giải thể như trường hợp Lingo | Blog quản trị Nhân sự

  2. Pingback: Công ty Lingo nợ tiền BHXH – tin xấu cho 256 anh em | Blog quản trị Nhân sự

  3. Pingback: 3 bài báo 1 vấn đề: DN không đóng BHXH thì bị gì ? | Blog quản trị Nhân sự

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *