Cắt lương dứt khoát – sa thải như thế nào cho đúng luật thời cô vy?

Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 lịch ta năm cô vy thứ nhất, người người nhà nhà ở yên theo lời kêu gọi “yêu tổ quốc, yêu đồng bào” của nhà nước. Ở một góc thành phố, có thanh niên nọ, dù ở yên nhưng suy nghĩ thì lại lang thang với nhiều trăn trở về tình hình công ty của mình. Anh đang miên man với câu hỏi: “Cắt lương dứt khoát – sa thải như thế nào cho đúng luật thời cô vy?”.

Chả là, hôm trước anh đọc trên mạng thấy bảo cần phải có tư duy win win trong quá trình xây dựng Hệ thống Quản trị ở công ty ( http://blognhansu.net.vn/?p=22539 ). Tư duy cùng chiến thắng tức là: nếu lúc có lãi không lấy lãi đó chia cho anh em thì khi lỗ cũng đừng nên mang cái lỗ đó cho mọi người cùng gánh. Anh biết điều đó nhưng giờ vốn bắt đầu âm, dòng tiền bằng không mặc dù đã vay nợ và đàm phán với đối tác để hoãn khoản phải trả rồi. Bây giờ nếu không cắt giảm tiếp chi phí thì nguy cơ cao phá sản. Mà chi phí thì chả còn gì ngoài chi phí lương cả.

Vẫn phải cắt giảm nên anh tiếp tục hóng mạng xem cắt giảm chi phí lương như nào cho hợp tình. Muốn vậy thì anh cần phải phân loại nhân viên để biết công ty nên dừng hợp tác với ai và đầu tư vào ai ( http://blognhansu.net.vn/?p=22513 ). Nhân viên có 3 loại:

Nhân viên hàng đầu.
Nhân viên tốt.
Nhân viên kém.

Từ 3 loại nhân viên sẽ dẫn tới 5 phương án lương thời cô vy :
- Trả lương: 100% (duy trì hợp đồng lao động)
- Nợ lương tạm thời (duy trì hợp đồng lao động + nợ)
- Giảm lương tạm thời (duy trì hợp đồng lao động + điều chỉnh lương)
- Cắt lương tạm thời (tạm hoãn hợp đồng lao động)
- Cắt lương dứt khoát (chấm dứt hợp đồng lao động)

Nếu theo tư duy win win thì phương án tốt nhất là cắt lương + trả lương. Tức là cắt lương những nhân viên kém và dồn tiền trả lương cho những nhân viên hàng đầu. Cứ vậy cho đến khi không còn tiền thì đóng cửa doanh nghiệp. Khi nào có lại mở và mời anh em về tiếp.

Nói thì dễ nhưng làm quả không khó. Anh thanh niên phát hiện ra rằng luật lao động luôn bảo vệ người lao động. Không dễ gì để cắt lương – sa thải nhân viên TRỪ KHI THỎA THUẬN ĐƯỢC VỚI HỌ. Nhiều anh chị em CEO có chút tìm hiểu đăng đàn nói rằng trong luật có điều khoản để sa thải (chấm dứt hợp đồng lao động) đó là thiên tai dịch bệnh. Anh biết họ đã tra:

Điều 38 BLLĐ năm 2012 (lưu ý hết năm nay có luật lao động mới 2019) quy định:
"1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:
c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;”

Và có một số thì kỹ hơn là tìm hiểu nghị định (giải thích luật). Trong các nghị định có NDD05 nói rõ hơn điều 38
Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định:
Điều 12 : "quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động tại các điểm a và c khoản 1 điều 38 của bộ luật lao động được quy định như sau:
2. lý do bất khả kháng khác thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) do địch họa, dịch bệnh;
b) di dời hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”

Nghe có vẻ yên tâm. Anh quyết định sẽ làm theo cách đấy: cắt lương + trả lương. Mặc dù vậy, để yên tâm hơn, anh đi hỏi người có chuyên môn để đảm bảo rằng mình không sai luật. Anh ngồi vào bàn làm việc, mở cửa sổ chát và đặt câu hỏi:

Hỏi: Thời dịch bệnh nên làm ăn thua lỗ này, tôi muốn có đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ theo Điểm c Khoản 1 Điều 38 BLLĐ năm 2012 thì có được không?
Trả lời: Được nhưng phải có điều kiện cần và đủ.
- Điều kiện cần: Thực tế xảy ra thật. Tức là có dịch thật. Vừa rồi nhà nước công bố Covid19 là dịch bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam (theo quyết định số 447/QĐ-TTg ngày 1/4/2020) nên điều kiện cần đã xuất hiện.

- Điều kiện đủ: NSDLĐ đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc. Tức là NSDLĐ phải chứng minh được việc này. Để thực hiện điều kiện đủ này không dễ và có nhiều quy trình. Các bước làm như trong bài: Hết cách rồi! Không thể làm cho nhân viên nghỉ được... ( http://blognhansu.net.vn/?p=21740 )

Bước 0: Chuẩn bị các bằng chứng chứng minh doanh nghiệp bị ảnh hưởng (Báo cáo tài chính)
Bước 1: Trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động cơ sở (công đoàn cơ sở) về việc cho người lao động thôi việc vì lí do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc lí do kinh tế.
Bước 2: Xây dựng phương án sử dụng lao động.
Bước 3: Gửi thông báo trước thời điểm cho người lao động thôi việc là 30 ngày tới cơ quan quản lí nhà nước về lao động cấp tỉnh (sở lao động- thương binh và xã hội).
Bước 4: Ra quyết định cho thôi việc gửi tới người lao động sau khi đã đủ thời hạn thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lí nhà nước về lao động cấp tỉnh.
Bước 5: Trả trợ cấp mất việc cho người lao động

Anh thanh niên thở dài, click vào link trên box chat và đọc tiếp.

Nguyễn Hùng Cường | Kinhcan24
HRM Blogger / HRM Consultant at Blognhansu.net.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *