Câu hỏi 1: "Dạ Công ty em phát sinh tình huống như sau: Công ty sản xuất và có nhiều bộ phận được phân loại như sau:
+ Bộ phận sản xuất: khoán lương theo sản lượng thực hiện.
+ Bộ phận hỗ trợ sản xuất: (kho vận, xe nâng, ...): thực hiện theo KPI, lương tính theo hiệu suất công việc.
+ Bộ phận quản lý:
- HCNS, TCKT, ...: thực hiện như BP hỗ trợ sx
- Ban giám đốc: cơ cấu gồm 2 phần là lương cứng ( lương đóng bhxh+KPI) và lương khoán theo sản lượng.
Tuy nhiên gặp 2 vấn đề đó là:
1. Xây dựng đơn giá tiền lương cho từng loại sản phẩm do công ty sản xuất rất nhiều mặt hàng khác nhau.
2. Xây dựng cơ chế, cấu phần lương cho 3 bộ phận đảm bảo không phát sinh rủi ro về vận hành như:
- BP sản xuất đạt sản lượng nhưng chất lượng không đạt,
- BP hỗ trợ sản xuất như kho vận nếu cao điểm phải xuất hàng nhập hàng cao đột biến nhưng thấp điểm lại ít việc, áp KPI thì vẫn phải tính lương thêm giờ, ...
- Sản phẩm công ty theo mùa vụ nên nếu khoán thì sẽ có lúc lương thấp hơn tiêu chuẩn vậy thì có nên ban hành rõ đơn giá tiền lương theo từng vụ không ạ? Nếu làm thế thì NLĐ có cảm giác gì đó lấn cấn không khi biết cao hay thấp điểm thì mình sẽ bị đơn giá khống chế thu nhập ạ
Em xin ý kiến và kinh nghiệm của các anh chị trong tình huống này ạ. Em xin cảm ơn ạ"
Câu hỏi 2: "Thầy ơi, em đang gặp vấn đề lớn về hệ thống lương. Hiện tại bên em đang trả lương thời gian.
[Tập tin: bảng luong.xlsx]
[Tập tin: 4 Thang bảng lương.xlsx]
Công ty đang đóng mức BH khác với lương trả NLĐ hàng tháng. Các bộ phận cũng có kpi nhưng em thấy mạnh phòng làm 1 kiểu. Hàng năm có xây dựng kế hoạch doanh thu lợi nhuận, quỹ lương. Đơn vị của em là cty cổ phần 99% vốn nhà nước. Quỹ lương hàng năm xây dựng theo thông tư 28 về tiền lương mới sửa đổi thành thông tư 003 và áp dụng nghị dinh 44.
[Tập tin: 003-bnv.pdf]
Sếp toàn quyết điều chỉnh lương cho NLĐ theo ý mình, giờ mõi người có 1 mức khác nhau. Sếp đang áp lực yêu cầu phải chuyển đổi sớm sang lương hiệu quả công việc. Khối VP xây dựng thành 3p duoc, còn sản xuất thì em chưa biết làm sao. 1 số khu vực có sản phẩm rõ thì em chuyển lương SP hết. Còn lại ko có sp rõ ràng. Mà sếp ko chịu lấy tổng SP sx toàn nhà máy để chia cho các khu vực không có sản phẩm rõ ràng.
Thầy tư vấn giúp em cách nào để em chuyển đổi qua lương hiệu quả cho phù hợp với. VD như nhân viên Kế toán lương đang thỏa thuận 9tr. Nếu em tách ra theo 3P thì em phải tách thế nào cho phù hợp?"
Trả lời: Phương án, cơ chế trả lương cho các bộ phận trong nhà máy:
1. Bộ phận sản xuất:
+ 1 nhóm nhân viên khoán (chủ yếu là công nhân): khoán lương theo sản lượng thực hiện.
+ 1 nhóm nhân viên cơ hữu (chủ yếu từ trưởng nhóm trở lên): Thu nhập = P1 + P2 + Thưởng KPI + Khoán sản phẩm
Với việc thiết lập đơn giá theo mùa, đó là tùy vào quan điêm quản trị.
- Nếu nhân trị: Thiết lập đơn giá theo mùa. Lúc này cao điểm và thấp điểm sẽ gần như ăn như nhau.
- Pháp trị: Thống nhất 1 đơn giá. Cao điểm thì ăn nhiều. Thấp điểm thì ăn ít.
BP sản xuất đạt sản lượng nhưng chất lượng không đạt >> Do cơ chế khoán nên sẽ cần có thêm bộ phận KCS nghiệm thu chất lượng sản phẩm. + Xây thêm vị trí cơ hữu ăn cả lương cứng, khoán và kpi. Vị trí này chính là tổ trưởng để song kiểm duy trì chất lượng so.
Trong trường hợp sản xuất theo công đoạn, cần tính toán lương khoán theo công đoạn. Tức tính định mức lao động
Thu nhập = Số lượng sản phẩm hoàn thành (công đoạn) x Đơn giá sản phẩm (công đoạn)
Trong đó:
- Đơn giá sản phẩm (công đoạn) = Tổng số tiền làm ra sản phẩm (công đoạn)/ Tổng số sản phẩm (công đoạn) có thể làm ra
- Tổng số tiền làm ra sản phẩm (công đoạn) = Đơn giá theo giờ * tổng số giờ dùng để làm ra sản phẩm (công đoạn)
- Đơn giá theo giờ = Tổng lương trả trong tháng / Tổng số giờ công trong tháng
Ví dụ: Giả định quy trình sản xuất cho một sản phẩm may mặc đơn giản như áo thun.
- Quy trình sản xuất giả định:
+ Cắt: Cắt vải theo mẫu.
+ May thân áo: May các bộ phận thân trước và thân sau.
+ May tay áo: May ống tay áo.
+ Ráp tay vào thân: Ráp tay áo vào thân áo.
+ May cổ áo: May và ráp cổ áo.
+ Hoàn thiện: Kiểm tra, cắt chỉ thừa, ủi.
- Thời gian tiêu chuẩn cho mỗi công đoạn (cho 1 sản phẩm):
+ Cắt: 5 phút (0.083 giờ)
+ May thân áo: 15 phút (0.25 giờ)
+ May tay áo: 10 phút (0.167 giờ)
+ Ráp tay vào thân: 10 phút (0.167 giờ)
+ May cổ áo: 8 phút (0.133 giờ)
+ Hoàn thiện: 7 phút (0.117 giờ)
- Số lượng sản phẩm từng công nhân của 1 công đoạn ra được trong tháng là:
+ Cắt: Cắt vải theo mẫu. 1872 Sp
+ May thân áo: May các bộ phận thân trước và thân sau. 624 Sp
+ May tay áo: May ống tay áo. 936 Sp
+ Ráp tay vào thân: Ráp tay áo vào thân áo. 936 Sp
+ May cổ áo: May và ráp cổ áo. 1170 Sp
+ Hoàn thiện: Kiểm tra, cắt chỉ thừa, ủi. 1337,142857 Sp
- Đơn giá theo sản phẩm từng công đoạn:
Cắt: Cắt vải theo mẫu. 5.224
+ May thân áo: May các bộ phận thân trước và thân sau. 15.672
+ May tay áo: May ống tay áo. 10.448
+ Ráp tay vào thân: Ráp tay áo vào thân áo. 10.448
+ May cổ áo: May và ráp cổ áo. 8.358
+ Hoàn thiện: Kiểm tra, cắt chỉ thừa, ủi. 7.314
Từ các thông số trên, ta tính ra được lương cho từng công nhân trong công đoạn.
Chi tiết vui lòng xem file: Chinh sach va bang luong 3P co thuong theo san pham cong doan
2. Bộ phận hỗ trợ sản xuất: (kho vận, xe nâng, ...): Thu nhập = P1 + P2 + thưởng KPI
BP hỗ trợ sản xuất có kpi nên khi cao điểm sẽ có thưởng kpi. Vì thế không tính OT.
Trong trường hợp vẫn tính OT thì sẽ tính trên mức lương cứng cơ bản. Và kết quả sinh ra trong thời gian OT sẽ không ghi nhận vào kpi.
3. Bộ phận quản lý:
- HCNS, TCKT, ...: thực hiện như BP hỗ trợ sx
- Ban giám đốc: Thu nhập = P1 + P2 + thưởng hoàn thành chiến lược + thưởng lợi nhuận
Ví dụ chuyển đổi lương vị trí kế toán thành lương 3P. Vui lòng xem tại bài: "Hướng dẫn cách chỉnh sửa lương phòng Kế toán đang trả theo thời gian thành lương 3P". Tôi đi theo các bước như sau:
Bước 1: Xác định thang lương P1 cho phòng kế toán.
Bước 1.1: Đánh giá giá trị công việc.
Bước 1.2: Xác định thang lương P1.
Bước 2. Xác định thang lương P2 cho phòng kế toán.
Bước 3. Xác định mức thưởng P3 và tổng thu nhập cho các vị trí.
Bước 4. Sau khi có lương 3P, tôi bắt đầu so sánh với thực tế hiện đang có và điều chỉnh lại để tránh các bài toán phản kháng xảy ra.
Bước 5. Tối ưu chính sách lương 3P đã chốt theo luật.
Bước 6. Hoàn thiện chính sách lương ra văn bản và công bố, áp dụng.
Download file: Luong 3P phong ke toan.xls
4. Tính Quỹ lương
Bình thường, quỹ lương sẽ được tính bằng 1 số cách như sau:
- Quỹ lương = (Tổng chi phí lương + lợi nhuận trước thuế) / a | (a: số lần)
- Hoặc Quỹ lương = x% * doanh thu | (x: theo khảo sát thị trường)
- Hoặc Quỹ lương = Tổng lương dự kiến của từng nhân viên
Tuy nhiên trong câu hỏi 2, công ty là công ty nhà nước nên sẽ cần phải xây quỹ lương theo hướng dẫn (theo thông tư 03/2025 bộ Nội vụ hoặc nghị định 44/2025/NĐ-CP "Quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước"). Tôi cũng đã có viết bài hướng dẫn: "Cách xác định quỹ lương của các công ty nhà nước". Thông tư 03 làm rõ hơn cho nghị định 44, quỹ tiền lương được xác định theo 2 phương pháp sau:
- 1. Xác định quỹ tiền lương thông qua mức tiền lương bình quân. Quỹ tiền lương = Số lao động * Mức tiền lương bình quân.
- Hoặc 2. Xác định quỹ tiền lương thông qua đơn giá tiền lương ổn định. Phương pháp này chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp đã có thời gian hoạt động ít nhất bằng thời gian dự kiến áp dụng đơn giá tiền lương ổn định theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định này. Quỹ tiền lương = Tổng giá trị chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh * Đơn giá tiền lương ổn định.
Cách trả lương thưởng cho nhân viên:
Tiền lương = Lương theo hợp đồng lao động + tiền thưởng + phúc lợi. Trong đó:
- Tiền lương của người lao động được trả theo vị trí chức danh hoặc công việc, gắn với năng suất lao động và mức đóng góp của từng người vào kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;
- Tiền thưởng cho người lao động theo quy chế thưởng.
- Phúc lợi cho người lao động theo quy định của pháp luật.
Đọc kĩ thông tư và nghị định, ta thấy phần xác định lương trên hợp đồng lao động cho nhân viên và các vị trí thì vẫn để trống cho doanh nghiệp tự làm theo thỏa thuận (Tiền lương = Lương theo hợp đồng lao động + tiền thưởng + phúc lợi). Miễn sao nó trong quỹ lương được tính theo hướng dẫn của thông tư và nghị định. Vì thế chúng ta lại quay lại lên trên để chủ động lựa chọn cơ chế trả lương cho phù hợp.
Nguyễn Hùng Cường (kinhcan24)
Tư vấn xây dựng hệ thống QTNS bài bản