Hôm qua vừa viết bài: Hết hạn hợp đồng có phải trợ cấp thôi việc không? thì hôm nay mở mail ra có bạn hỏi Cường đúng nội dung nhưng có chút khác. Ở bài trước thì là hỏi về việc: "Cách tính 6 tháng thu nhập gần nhất như thế nào khi có 2 tháng cuối thay đổi lương?". Còn ở bài này, xin mời bạn cùng đọc câu hỏi:
"Chào anh Cường,
Em là đàn em trong nghề Nhân sự, vẫn đang mò mẫm với hệ thống pháp lý lao động của VN mình.
Mà em thắc mắc chỗ này quá ạ, em không tìm được căn cứ để giải đáp được thắc mắc của mình nên xin phép được trình bày với anh.
Hy vọng nếu anh có thời gian có thể hỗ trợ em với ạ.
__________________
Liên quan đến vấn đề Luật Lao Động, có phần chi trả trợ cấp thôi việc:
Theo Luật LĐ 2019, thì DN phải chi trả Trợ cấp thôi việc trong các trường hợp thuộc khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 Luật lao động, cụ thể là các phần tô đỏ dưới đây. :
1. Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 177 của Bộ luật này.
2. Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
3. Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
4. Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tại khoản 5 Điều 328 của Bộ luật Tố tụng hình sự, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
5. Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
6. Người lao động chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.
7. Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
8. Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải.
9. Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 35 của Bộ luật này.
10. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 của Bộ luật này.
11. Người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc theo quy định tại Điều 42 và Điều 43 của Bộ luật này.
12. Giấy phép lao động hết hiệu lực đối với người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.
13. Trường hợp thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc.
Và theo khoản 3 điều 12 thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH:
Điều 12. Hiệu lực thi hành
3. Tiền lương làm căn cứ tính trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động, bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác quy định tại điểm a, tiết b1 điểm b và tiết c1 điểm c khoản 5 Điều 3 Thông tư này của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc, mất việc làm.
Và Điều 46. Trợ cấp thôi việc luật lao động
1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.
Khoản trợ cấp thôi việc này được tính như sau : Trợ cấp thôi việc = 50% x [ thời gian tính trợ cấp thôi việc x Lương bình quân 6 tháng gần nhất ]
Trong đó: thời gian tính trợ cấp thôi việc = Tổng thời gian thực tế - Thời gian đóng BHTN .
Theo khoản 3 điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP:
Điều 8. Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm
3. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trong đó:
a) Tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm: thời gian người lao động đã trực tiếp làm việc; thời gian thử việc; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được người sử dụng lao động trả lương theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật mà được người sử dụng lao động trả lương; thời gian ngừng việc không do lỗi của người lao động; thời gian nghỉ hằng tuần theo Điều 111, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo Điều 112, Điều 113, Điều 114, khoản 1 Điều 115; thời gian thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 176 và thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo Điều 128 của Bộ luật Lao động.
b) Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian người lao động thuộc diện không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật nhưng được người sử dụng lao động chi trả cùng với tiền lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm thất nghiệp.
Hiện, Doanh nghiệp bên em đang đóng BHTN cho NV ngay khi vô hợp đồng chính thức nên phần thời gian tính trợ cấp thôi việc gần như luôn luôn lớn hơn hoặc bằng 2 tháng nhưng dưới 6 tháng (bị 2 tháng thử việc, không tham gia BHXH)
Em có đọc Nghị định 145/2020/NĐ-CP ban hành cuối năm 2020, áp dụng cho từ tháng 2.2021 về việc :
1. Thời gian thử việc được tính vào thời gian tính trợ cấp thôi việc. Phần này em hiểu rõ như viết ở trên.
2. Là phần trích bên dưới. Mục 3.-c thuộc mục 8. là việc 2 tháng thời gian trợ cấp thôi việc này mình có được làm tròn thành 1/2 năm hay không.
Điều 8. Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm Nghị định 145/2020/NĐ-CP
3. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trong đó:
...
c) Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng); trường hợp có tháng lẻ ít hơn hoặc bằng 06 tháng được tính bằng 1/2 năm, trên 06 tháng được tính bằng 01 năm làm việc
Có 2 trường hợp :
1- Làm tròn 2 tháng thử việc này thành 1/2 năm. Tương đương là hầu như tất cả các trường hợp lao động có từng thử việc ở DN bên em. Sau khi làm việc ở DN trên 1 năm ( thỏa điều kiện làm việc trên 12 tháng) và kết thúc thời gian lao động : dù nghỉ việc đơn phương, thỏa thuận hay hết HĐLĐ v.v... đều gần như đủ điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc.
Trợ cấp thôi việc = 50% x [ thời gian tính trợ cấp thôi việc x Lương bình quân 6 tháng gần nhất ]
= 50% x [ 1/2 năm x Lương TB 6 tháng]
= 25% Lương TB 6 tháng
2- Không làm tròn 2 tháng thành 1/2 năm được. Nếu hiểu theo hướng nghị định yêu cầu thời gian để tính trợ cấp thôi việc được tính theo năm ( đủ 12 tháng) ; phần tháng lẻ là quy định cho trường hợp tháng lẻ ra của trường hợp 14,15 tháng thì tính thế nào. Thì Cty em sẽ không cần chi trả phần trợ cấp thôi việc như t/h1.
Cùng là 1 câu văn nhưng hiện tại đang có 2 cách hiểu, nên em đang hoang mang không rõ đâu mới là đúng luật. Rất mong anh Cường hỗ trợ tư vấn giúp em với ạ.
Rất mong nhận được sự hỗ trợ từ anh.
Cảm ơn anh. "
Diễn giải câu hỏi dài nhưng đáng để đọc. Và như tôi nói ở trên đọc kết hợp với bài Hết hạn hợp đồng có phải trợ cấp thôi việc không? (http://blognhansu.net.vn/?p=24206) rất tốt. Vì trong bài tôi đã trích nguyên văn các điều luật cho mọi người dễ đọc. Có lẽ chủ nhân câu hỏi băn khoăn vì đọc mục 3.-c thuộc mục 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thấy rối rắm. Nếu tôi để như thế này sẽ dễ hiểu hơn:
Điều 8. Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm Nghị định 145/2020/NĐ-CP
3. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trong đó:
...
c) Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng); trường hợp có tháng lẻ ít hơn hoặc bằng 06 tháng được tính bằng 1/2 năm, trên 06 tháng được tính bằng 01 năm làm việc
Điều 46. Trợ cấp thôi việc luật lao động
1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.
Đặt 2 điều này vào đứng cạnh nhau, tôi sẽ diễn giải như trường hợp 1: Làm tròn 2 tháng thử việc này thành 1/2 năm. Tương đương là hầu như tất cả các trường hợp lao động có từng thử việc ở DN bên em. Sau khi làm việc ở DN trên 1 năm ( thỏa điều kiện làm việc trên 12 tháng) và kết thúc thời gian lao động : dù nghỉ việc đơn phương, thỏa thuận hay hết HĐLĐ v.v... đều gần như đủ điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc.
Trợ cấp thôi việc = 50% x [ thời gian tính trợ cấp thôi việc x Lương bình quân 6 tháng gần nhất ]
= 50% x [ 1/2 năm x Lương TB 6 tháng]
= 25% Lương TB 6 tháng
Tức chỗ viết "(đủ 12 tháng)" ý muốn bổ sung nghĩa cho "năm" trong mục 3.-c thuộc mục 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP. Nếu tôi là người soạn thảo luật thì tôi sẽ viết lại mục này cho rõ nghĩa: Đơn vị thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động là năm. Một năm làm việc được tính khi đủ 12 tháng; trường hợp sau khi tính năm làm việc để trợ cấp thôi việc, mất việc, nếu không đủ năm tức là còn có tháng làm việc để tính trợ cấp thôi việc lẻ ít hơn hoặc bằng 06 tháng thì được tính bằng 1/2 năm, trên 06 tháng được tính bằng 01 năm làm việc.
Tôi thấy cách diễn giải của tôi sẽ đúng luật vì luật lao động sinh ra để bảo vệ người lao động nên cái gì có lợi cho người lao động thì sẽ đúng luật.
Cuối bài, bạn sẽ theo cách hiểu nào:
1. Hiểu như tôi hiểu: cứ có thời gian hưởng trợ cấp mất việc, thôi việc là được hưởng?
2. Phải đủ 12 tháng hưởng trợ cấp mất việc, thôi việc thì mới bắt đầu kích hoạt điều khoản trợ cấp thôi việc?
Tái bút: Quay trở lại với câu hỏi của bài "Kết thúc hợp đồng lao động có được trợ cấp thôi việc không?". Nếu vê chuột đến đây thì hẳn bạn cũng đã rõ câu trả lời là có. Tóm lại cứ làm đủ 12 tháng trở lên thì người lao động sẽ có trợ cấp thôi việc miễn sao có thời gian trợ cấp thôi việc (không đóng BHTN) và kết thúc hợp đồng theo đúng như khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9, 10 Điều 34 Luật lao động..
Nguyễn Hùng Cường (mr)