Tại thấy một bài trên Fanpage của Talent Pool đưa ra một thuật ngữ mà tôi không biết : Kỹ thuật Focus Group nên tôi viết bài này. Sau khi tìm hiểu xong cứ tưởng nó cao siêu gì? Hóa ra nó cũng bình dị.
Focus Group là mộ trong những Kỹ Thuật Nghiên cứu thi trường phổ biến
+ Mục đích : Nắm bắt sự thật ngầm hiểu sâu sắn hơn trong một vấn đề 90% các Cty hàng tiêu dùng và dịch vụ sử dụng.
+ Cách thức: 8 – 10 người ngồi lại với nhau chia sẻ quan điểm về 1 vấn đề, ý tưởng hoặc sản phẩm.
+ Địa điểm: Thường được tổ chức trong phòng có vách ngăn bằng kính một chiều và được thu âm hay ghi hình + Ưu điểm:
- Dữ liệu khách quan, đa dạng và khoa học
- Hiểu chính xác vấn đề hơn
+ Nhược điểm:
- Kết quả thu được không có tính đại diện và chất lượng phụ thuộc hoàn toàn vào người phỏng vấn
- Nghiên về định tính hơn nên khó phân tích
Để hiểu hơn, xin mời cả nhà đọc bài: Sử dụng phương pháp phỏng vấn nhóm (focus group): Lời khuyên cho người mới bắt đầu của T. Phuong Anh Vu trong ncgdvn.blogspot.com
Trong các ngành khoa học xã hội, phỏng vấn nhóm là một phương pháp mới được phát triển gần đây so với các phương pháp thu thập dữ liệu khác như khảo sát, phiếu hỏi, và phỏng vấn trực tiếp. Mục đích của bài này là để cung cấp một cái nhìn tổng quan ngắn gọn về phương pháp phỏng vấn nhóm.
Lịch sử của phương pháp phỏng vấn nhóm
Phỏng vấn nhóm có nguồn gốc từ ngành tiếp thị của Mỹ (Fern, 2001). Khoảng giữa thế kỷ XX, các công ty quảng cáo đã thuê các công ty tiếp thị để khảo sát công chúng nhằm tìm ra những loại sản phẩm và dịch vụ hấp dẫn nhất. Mặc dù kết quả của các cuộc khảo sát này đã đem lại nhiều thông tin hữu ích, chúng không giúp giải thích lý do tại sao có những sản phẩm lại kém sức hút đối với một số người. Hơn nữa, chúng cũng không đưa ra được các đề xuất cần thay đổi các sản phẩm hiện có trên thị trường như thế nào để hấp dẫn người tiêu dùng nhiều hơn. Phỏng vấn nhóm vì vậy đã trở nên phổ biến vì nó cho phép những người tham dự giải thích các lý do đằng sau phản ứng của họ đối với sản phẩm. Sau đó, phương pháp này cũng được các chính trị gia sử dụng như những công cụ thiết lập chính sách nhằm đáp ứng "tiếng nói của người dân". Phải mất thêm một thời gian nữa thì giới nghiên cứu mới thừa nhận về tính hữu ích của phỏng vấn nhóm, và ngay cả khi tiềm năng của phương pháp này đã được nhận ra thì trong thời gian đầu phương pháp này cũng không có được các tiêu chuẩn cho việc thu thập dữ liệu.
Mục đích của phỏng vấn nhóm
Lúc đầu, giới học giả chấp nhận phương pháp phỏng vấn nhóm một cách khá miễn cưỡng. Cho đến những năm 80 của thế kỷ trước, phỏng vấn nhóm vẫn chỉ được sử dụng như là một phương pháp bổ sung cho các phương pháp khác (Fern, 2001). Thông tin thu thập được từ các cuộc phỏng vấn nhóm chỉ được sử dụng làm tiền đề để xây dựng các cuộc điều tra, hoặc được coi là cuộc phỏng vấn "thí điểm" cho một nghiên cứu lớn hơn với các phỏng vấn trực tiếp. Mãi cho đến cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990 các ngành khoa học xã hội mới công nhận phương pháp phỏng vấn nhóm như một nguồn dữ liệu quan trọng tự thân (Vaughn, Schumm, & Sinagub, 1996).
Phỏng vấn nhóm là phương pháp phỏng vấn trong đó một nhóm các cá nhân được tập hợp lại để thảo luận về một vấn đề cụ thể nào đó, và được phân biệt với các loại phỏng vấn tương tự khác như:
Nhóm danh nghĩa (nominal group) - các nhà nghiên cứu không tiếp xúc cá nhân với các thành viên của một tổ chức
Nhóm Delphi (Delphi group) - phỏng vấn nhóm không thường được thực hiện với các chuyên gia được đào tạo
Động não (brainstorming) - phỏng vấn nhóm không nhằm vào việc tạo ra những ý tưởng mới.
Thay vào đó, phỏng vấn nhóm được thiết kế để thu thập thông tin từ những con người bình thường. Mục đích của việc tổ chức phỏng vấn nhóm là để điều tra mối quan tâm, kinh nghiệm, hoặc thái độ / niềm tin liên quan đến một chủ đề đã được xác định rõ ràng.
Sử dụng phương pháp phỏng vấn nhóm trong nghiên cứu
Có nhiều cách sử dụng phương pháp phỏng vấn nhóm để tạo ra các dữ liệu. Merton & Kendal (1946) đưa ra 4 ứng dụng của phương pháp phỏng vấn nhóm như sau:
- Giúp tạo ra các giả thuyết nếu đó là một vấn đề mới chưa có người nghiên cứu. Các câu chuyện của người tham gia phỏng vấn nhóm có thể được sử dụng để tạo thành bảng hỏi hoặc biến thành các loại câu hỏi mang tính giả thuyết trong các cuộc điều tra.
- Kết quả phỏng vấn nhóm có thể giúp giải thích các câu trả lời thu thập được trong một cuộc khảo sát nếu phỏng vấn nhóm được thực hiện trong giai đoạn giữa của một dự án nghiên cứu hỗn hợp phương pháp (mixed method).
- Phỏng vấn nhóm có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc về những kết quả thống kê - đặc biệt là nếu có những kết quả bất ngờ xảy ra (Vaughn, Schumm & Sinagub, 1996).
- Phỏng vấn nhóm thường được thực hiện để hỗ trợ việc phát triển hoặc đánh giá chương trình. Phỏng vấn nhóm có thể cung cấp cho ta một cái nhìn sâu sắc và có giá trị vào việc đánh giá xem một chương trình hoặc dịch vụ đã đạt được mục tiêu mong muốn hay chưa.
Hiện nay dữ liệu phỏng vấn nhóm cũng đã cũng sử dụng độc lập để tạo ra kiến thức. Phỏng vấn nhóm được xem là một công cụ có giá trị để tìm hiểu các quan điểm được hình thành cũng như thể hiện như thế nào (Kitzinger & Barbour, 1999). Dữ liệu thu thập từ phỏng vấn nhóm có thể giải thích những câu chuyện, ý tưởng, thái độ, và kinh nghiệm đã hình thành như thế nào trong một khung cảnh văn hóa nhất định, đặc biệt là trong một nghiên cứu dân tộc học.
Phỏng vấn nhóm thường là một phương pháp tốt để tạo ra dữ liệu nếu câu hỏi cần nghiên cứu cần được giải quyết:
- Có liên quan đến những ý kiến thu thập và cảm nhận từ những người bình thường hoặc người tiêu dùng
- Có ảnh hưởng đến nhiều người theo cùng một cách tương tự như nhau
- Có thể được trao đổi thẳng thắn trong một cuộc tthảo luận nhóm
Phỏng vấn nhóm sẽ ít hữu ích nếu:
- Nghiên cứu cần có những trao đổi sâu và chi tiết
- Phản ứng của các cá nhân có thể khác nhau, và sự khác biệt này có thể khó nắm bắt
- Chủ đề phỏng vấn đòi hỏi phải có trao đổi riêng
Phương pháp
Chọn mẫu đối tượng tham gia
Hầu hết các nghiên cứu với phương pháp phỏng vấn nhóm sử dụng việc lấy mẫu chủ đích (purposive sampling) (Miles & Huberman, 1984), trong đó các nhà nghiên cứu lựa chọn người tham gia dựa trên mục đích của dự án và tiềm năng đóng góp của người tham gia. Ngoài ra, người tham gia có thể được lựa chọn ngẫu nhiên từ một nhóm lớn hơn gồm những người có thể cung cấp một cái nhìn sâu sắc về chủ đề. Ví dụ, nếu một ai đó muốn biết thêm về một tôn giáo nào đó thì lấy mẫu chủ đích (tức tìm ra một danh sách các thành viên của cộng đoàn và lựa chọn ngẫu nhiên từ danh sách đó) sẽ là cách tiếp cận phù hợp nhất. Đôi khi phỏng vấn nhóm cũng sử dụng phương pháp lấy mẫu thuận tiện (convenience sampling), tức chọn những người nào dễ tiếp cận nhất và nhanh nhất có thể được, nhưng chiến lược này không được khuyến khích.
Lấy mẫu chủ đích có thể được phân loại theo các chiến lược cụ thể. Patton (1990) đưa ra năm loại như sau:
1. Lấy mẫu trường hợp cá biệt (extreme or deviant case sampling) được sử dụng để xác định một nhóm nhỏ trong một cộng đồng lớn hơn. Ví dụ, người sử dụng ma túy có thể được chọn để phỏng vấn nhóm về vấn đề trao đổi kim chích.
2. Lấy mẫu trường hợp phổ biến (typical case) cung cấp một mặt cắt ngang (cross section) các thông tin tổng quát về một nhóm lớn hơn.
3. Lấy mẫu các trường hợp khác biệt tối đa (maximum variation case sampling) xác định các cá nhân có thể thích ứng với các bối cảnh và điều kiện khác nhau.
4. Lấy mẫu trường hợp kịch tính (critical case) chú trọng các cá nhân đại diện cho các trường hợp "nghiêm trọng" nhất nhằm mở rộng các kết quả tìm được sang các trường hợp khác có liên quan.
5. Lấy mẫu các trường hợp nhạy cảm hoặc quan trọng về mặt chính trị quan trọng thường được sử dụng để điều tra các vấn đề quan trọng thông qua việc lựa chọn những cá nhân có quan điểm cụ thể.
Điều quan trọng cần nhấn mạnh là bất kể phương pháp lấy mẫu, phỏng vấn nhóm không cung cấp các kết quả có thể khái quát được - tức là những kết quả không thể áp dụng cho tất cả các trường hợp tương tự như những người tham gia phỏng vấn. Đối với phương pháp này, biện pháp hữu ích để đo lường tính giá trị của nó là khả năng mở rộng (transferability), điều này yêu cầu các kết quả được trình bày theo cách nào đó để cho phép các nhà giáo dục khác phán đoán xem các kết quả nghiên cứu có thể áp dụng trong bối cảnh của họ hay không.
Tuyển chọn người tham gia
Tuyển chọn là quá trình tập hợp các thành viên trong nhóm sao cho họ cùng có mặt tại một nơi ở cùng một thời điểm. Có nhiều cách để làm điều này. Tốt nhất là bắt đầu với một danh sách thành viên. Một cách khác là tìm một đầu mối có hiểu biết về nhóm đối tượng mục tiêu. Sử dụng tiếp ví dụ đã nêu ở trên, các vị đứng đầu của của một giáo xứ có thể giúp cung cấp tên các giáo dân sẵn sàng tham gia cuộc phỏng vấn. Việc giới thiệu từ những người khác, hoặc thông qua truyền miệng, là một phương tiện tốt để thu thập một mẫu. Một người có quan tâm đến vấn đề nào đó cũng có thể cung cấp tên tuổi của những người tham gia tiềm năng khác. Cách tuyển chọn này được gọi là kỹ thuật chọn mẫu dây chuyền, hoặc còn gọi là kỹ thuật "trái cầu tuyết" (snowball) (Lindlof, 1995).
Những yếu tố khác cần cân nhắc bao gồm các yếu tố nhân khẩu học. Trong việc thực hiện các cuộc phỏng vấn nhóm, điều quan trọng là phải xem xét xem nhóm mà ta sẽ phỏng vấn có phản ánh đúng dân số mà ta quan tâm về các khía cạnh giới tính, dân tộc, tôn giáo, quan điểm chính trị, tình trạng kinh tế xã hội, tuổi tác, giáo dục, và bất cứ khía cạnh nào khác có thể có liên quan hay chăng. Nếu ta tiến hành một nghiên cứu để tìm hiểu về phụ nữ lớn tuổi người Mỹ gốc Phi và khả năng chịu đựng bệnh viêm khớp của họ, thì mẫu nghiên cứu cần bao gồm chủ yếu là phụ nữ lớn tuổi người Mỹ gốc Phi.
Một câu hỏi khác là liệu nên chọn một mẫu đồng nhất (tất cả mọi người đều giống nhau) hay mẫu không đồng nhất (tất cả mọi người là khác nhau). Hầu hết các nhà nghiên cứu đều muốn có một nhóm đồng nhất với chủ đề chung là các vấn đề sẽ được thảo luận (Vaughn, Schumm, & Sinagub, 1996). Trong phương pháp này, người ta tin rằng khi có quá nhiều quan điểm khác nhau thì có thể làm giảm mục tiêu tổng thể. Có thể đưa ra một ví dụ là một dự án nghiên cứu có mục đích tìm hiểu quan điểm của các cảnh sát về tòa án, vì vậy nhóm được chọn để phỏng vấn ở đây bao gồm các nhân viên cảnh sát được tập họp lại để thảo luận về hệ thống tòa án. Những người ủng hộ việc sử dụng nhóm không đồng nhất thì cho rằng các nhóm được phỏng vấn nên bao gồm các các ý kiến khác nhau, trong đó những người tham gia phải cảm thấy họ có thể trình bày quan điểm của họ mà không cảm thấy lo ngại vì mình có quan điểm không giống người khác. Theo định nghĩa thì một nhóm không đồng nhất phải bao gồm những người có quan điểm khác nhau. Nếu các nhà nghiên cứu muốn phát hiện những quan điểm khác nhau về hệ thống tòa án, họ sẽ mời một sĩ quan cảnh sát, một vị thẩm phán, một luật sư, đại loại như thế.
Điều quan trọng là phải xem xét liệu các thành viên trong nhóm đã biết nhau từ trước hay chưa, hay họ là những người hoàn toàn xa lạ. Mức độ quen biết giữa các thành viên chắc chắn sẽ tác động đến kết quả thảo luận nhóm. Hầu hết các nhà nghiên cứu muốn các thành viên trong nhóm không quen biết với nhau để cố gắng ngăn chặn những ảnh hưởng có thể có đến ý kiến của từng người.
Công sức của các thành viên của nhóm được phỏng vấn cần được bù đắp nếu có thể được. Nếu cuộc nghiên cứu không có tài trợ, các nhà nghiên cứu sẽ khó khăn để bồi dưỡng về tài chính cho các thành viên thảo luận. Tuy nhiên, các buổi thảo luận ít ra cũng cần phải có giải khát bao gồm đồ uống, bánh ngọt, và các đồ ăn nhẹ khác trong suốt phiên thảo luận. Một môi trường thoải mái sẽ thúc đẩy sự cởi mở và tinh thần sẵn sàng trao đổi, hai yếu tố quan trọng để một cuộc phỏng vấn nhóm thành công.
Ghi âm/ghi hình
Mặc dù ghi hình các cuộc phỏng vấn nhóm có thể là cần thiết (vì nếu không thì ta dễ dàng bỏ qua các hành vi giao tiếp phi ngôn ngữ), nhưng điều này không hoàn toàn thích hợp. Việc ghi hình xâm phạm nghiêm trọng vào quyền riêng tư của các cá nhân, và nhiều người tham gia có thể không muốn chia sẻ ý kiến và mối quan tâm của họ nếu họ nhìn thấy máy ảnh trong phòng và biết rằng mỗi cử động của họ có thể được ghi lại. Kinh nghiệm cho thấy việc ghi âm ít bị xem là xâm phạm và vì thế ít có khả năng bóp nghẹt cuộc thảo luận hơn. Nếu bạn định ghi âm, hãy sử dụng 2 máy ghi để phòng trường hợp một băng thu bị hỏng.
Cấu trúc của cuộc phỏng vấn
Các nhà nghiên cứu không đồng ý với nhau về số lượng thích hợp người tham gia cho một cuộc phỏng vấn nhóm thành công. Các điều phối viên có kinh nghiệm thường thích một nhóm khoảng 8-12 người (Kitzinger & Barbour, 1999), 6-12 (Lindlof, 1995), 6-8 (Krueger, 1998b), hoặc 5-6 (Green & Hart, 1999). Brown (1999) cho rằng một nhóm nên có khoảng 4-12 người nếu đó là nhóm là đồng nhất và từ 6-12 người nếu là nhóm không đồng nhất. Cần cân nhắc để dạt được sự cân bằng giữa sự cần thiết phải có đủ người để thảo luận sôi nổi và nguy cơ hỗn loạn nếu kích thước nhóm quá lớn.
Việc xác định cần có bao nhiêu nhóm để phỏng vấn cho một cuộc nghiên cứu thì khó khăn hơn so với việc xác định số lượng người tham gia cho mỗi nhóm, và không có ai có thể đưa ra quyết định này ngoài nhóm thực hiện nghiên cứu. Có lẽ cách tốt nhất là tiếp tục thực hiện các nhóm cho đến khi các chủ đề không còn lặp lại và không còn thông tin gì mới. Quá trình cũng tương tự như kỹ thuật so sánh thường xuyên (constant comparative technique) được sử dụng trong lý thuyết nền tảng (grounded theory) (Xem Glaser & Strauss, 1967; Strauss & Corbin, 1990; Strauss & Corbin, 1998).
Vai trò của người điều phối
Người điều phối có vai trò rất quan trọng cho sự thành công của nhóm phỏng vấn. Có một số mẹo đơn giản có thể giúp người điều phối thực hiện cuộc thảo luận suôn sẻ, trôi chảy, duy trì trật tự, và kết thúc một cách dễ dàng. Ngoài ra, vai trò của người điều phối cần bắt đầu từ khá lâu trước khi các cuộc thảo luận nhóm được thực hiện, vì chính họ (hoặc một trợ lý của họ) cũng là người tuyển chọn những người tham gia. Một lưu ý quan trọng là người điều phối cần phải là một người không có lợi ích liên quan đến kết quả nghiên cứu, hơn là một người nào đó trong nhóm nghiên cứu. Không có liên quan đến kết quả nghiên cứu sẽ giúp người điều phối giữ được tính khách quan và không tác động lên kết quả nghiên cứu theo ý mình.
Trước khi thực hiện phỏng vấn nhóm
Gọi điện nhắc nhở về cuộc phỏng vấn một ngày trước khi cuộc phỏng vấn để bảo đảm sự cam kết của những người tham gia tiềm năng. Thành viên của các nhóm cần được thông báo rằng cuộc thảo luận nhóm sẽ kéo dài không quá (ví dụ như )1 giờ 30 phút, và khung thời gian này phải được tôn trọng. Nếu thời gian quá dài, những người tham gia có thể cảm thấy nhàm chán hoặc bồn chồn. Việc cho mọi người biết trước thời gian kết thúc có thể sẽ giúp tăng sự cam kết và sẵn sàng tham gia.
Bắt đầu cuộc phỏng vấn nhóm
Người điều phối cần nhanh chóng thiết lập mối quan hệ với các thành viên bằng việc cảm ơn họ đã đến tham dự. Cần hướng dẫn mọi người về việc đeo thẻ tên (nếu có) và giải khát ngay từ khi họ mới đến. Một bước quan trọng trong quá trình nghiên cứu là đề nghị những người tham gia ký giấy chấp thuận trước khi cuộc phỏng vấn bắt đầu. Người điều phối (hoặc trợ lý) cần giải thích rằng các ghi chép và băng ghi âm nếu có sẽ được giữ hoàn toàn bí mật và tên thật của mọi người sẽ được giữ kín và thay bằng một bút danh. Ngoài ra, cần phải nhấn mạnh rằng sẽ không có những thông tin nào khác được sử dụng để nhận dạng cá nhân các thành viên.
Điều phối cuộc phỏng vấn
Hầu hết các học giả đều đồng ý rằng điều phối viên không cần là chuyên gia trong các chủ đề của cuộc thảo luận, và nếu tình cờ họ là chuyên gia, thì điều quan trọng là họ không chèn ý kiến riêng của họ vào các cuộc thảo luận (Baker & Hinton, 1999; Krueger, 1998; Vaughn, Schumm & Sinagub, 1996). Cần thăm dò để làm rõ câu hỏi nếu các thành viên trong nhóm có vẻ không sẵn sàng đưa ra ý kiến. Sau lời giới thiệu và nêu mục đích chung của cuộc phỏng vấn, cần có những câu hỏi "khởi động" để tạo điều kiện dẫn dắt đến phần thảo luận. Sau thời gian khởi động ngắn gọn, những nguyên tắc cần tuân theo của buổi thảo luận cần được đề cập và làm rõ, nếu cần thiết. Người tham dự cần được thông báo rằng câu trả lời của họ không được phán đoán là đúng hay sai. Công việc của người điều phối là làm cho các thành viên trong nhóm biết rằng họ hoàn toàn tự do đồng ý hoặc không đồng ý với câu trả lời của người khác.
Người điều phối cần nêu các câu hỏi mở có tính tổng quát. Khi mọi người trở nên thoải mái hơn trong việc đóng góp các câu hỏi, lúc ấy người điều phối có thể trở nên cụ thể hơn. Khi thời gian gần kết thúc hoặc hầu như không còn ý tưởng mới nào được cung cấp, người điều hành nên chuẩn bị kết thúc phiên họp bằng cách tóm tắt các ý chính của cuộc thảo luận để đảm bảo sự chính xác của những gì mà những người tham dự đã nói, cũng như ý nghĩa của những lời nói đó. Cuối cùng, người điều phối cần tuyên bố kết thúc, cảm ơn những người tham dự đã dành thời gian và đảm bảo rằng những câu trả lời của họ sẽ được giữ hoàn toàn bí mật.
Phân tích dữ liệu
Trước khi phân tích
Trước hết, người điều phối và một trợ lý cần phải thực hiện ghi chép trong quá trình phỏng vấn. Điều này là rất quan trọng bởi các điều phối viên không thể quan sát được tất cả các hành vi của nhóm vì họ còn phải điều hành cuộc thảo luận, tập trung vào việc gợi ý và kết nối, cũng như đảm bảo tất cả những người tham gia đều có cơ hội để nói lên ý kiến của mình. Ngay cả khi các cuộc thảo luận được ghi âm thì vẫn cần thực hiện các ghi chú. Các hành vi phi ngôn ngữ quan trọng có thể hỗ trợ trong việc diễn giải các phát biểu rất có thể bị bỏ qua nếu ta không có những ghi chú được thực hiện trong quá trịnh phỏng vấn.
Cuối cùng, trước khi thực sự tiến hành phân tích, cần kiểm tra lại từ các thành viên để đảm bảo rằng người điều phối đã thực sự hiểu đúng ý các thành viên trong nhóm. Cần dành lại một ít thời gian trước khi kết thúc và giải tán để làm rõ những câu hỏi cụ thể. Đây là thời gian để xác minh sự chính xác của những ghi chép thông tin trong thời gian một tiếng rưỡi trước đó.
Phân tích dữ liệu
Quá trình phân tích dữ liệu bao gồm việc tóm tắt lại nội dung cuộc thảo luận sau khi kết thúc càng sớm càng tốt. Do khả năng mọi người sẽ dễ dàng quên đi các chi tiết quan trọng, nên việc viết lại những ghi chép tại hiện trường càng sớm càng tốt sau cuộc phỏng vấn nhóm tập trung là diều bắt buộc. Ngoài ra, vì các nhà nghiên cứu đã có sẵn các câu hỏi nghiên cứu trong tâm trí trong quá trình tổng hợp thông tin, nên chủ đề nổi bật của các cuộc thảo luận đã bắt đầu xuất hiện từ lúc này.
Các băng ghi âm cũng nên được ghi xuống ngay sau các cuộc thảo luận càng nhanh càng tốt. Không cần chờ đợi cho đến khi tất cả các nhóm đã được phỏng vấn xong, vì việc ghi chép lại và thực hiện những phân tích ban đầu của các bộ băng ghi âm đầu tiên sẽ chỉ có thể làm cho việc điều hành các nhóm thảo luận sau đó được tốt hơn. Một số người cho rằng các nhà nghiên cứu không cần phải tự mình ghi lại phần thu âm các phiên thảo luận, nhưng những người khác lại khẳng định rằng chất lượng của các phân tích sẽ cải thiện nếu các nhà nghiên cứu tự tay ghi lại dữ liệu của mình. Phân tích dữ liệu định tính đòi hỏi phải đọc hiểu cẩn thận các bản ghi chép lại từ băng ghi âm, và khi các nhà nghiên cứu ghi lại dữ liệu của mình thì việc phân tích ở mức độ đầu tiên đã thực sự xảy ra.
Phương pháp mã hóa
Trước đây mã hóa trong khuôn khổ một nghiên cứu định tính thường có nghĩa là các nhà nghiên cứu dùng bút màu tô lên các từ với màu sắc khác nhau (người ta cho rằng một số học giả đã sử dụng bút chì màu để làm điều này) lên những bản sao của bản ghi chép gốc để đánh dấu các mã. Phương pháp này hoặc việc sử dụng kéo để cắt ra các mẩu giấy chứa các phạm trù khác nhau đều được sử dụng rộng rãi. Với sự tiến bộ về công nghệ phần mềm, ngày nay ta đã có sẵn các phần mềm quản lý dữ liệu để sử dụng.
Tuy nhiên, dù có dùng phần mềm máy tính hay tô màu chữ như trước đây, quá trình mã hóa về bản chất vẫn giữ nguyên. Dựa vào các câu hỏi nghiên cứu để làm định hướng, tất cả các dòng, đoạn văn, hoặc các phần khác của văn bản đều được mã hóa theo các chủ đề có liên quan. Khi chủ đề được phát triển, nhà nghiên cứu gán một định nghĩa tạm cho mỗi mã. Theo cách làm đó, khi xử lý bản ghi chép từ băng ghi âm, các định nghĩa sẽ được liên tục cập nhật, và đôi khi những mã mới sẽ phải được phát triển khi các thuộc tính của mã không phù hợp với văn bản. Ngoài ra, những loại mã ít được sử dụng sẽ bị loại bỏ còn một số khác thì được mở rộng thêm ra để bù cho những mã đã bị loại. Điều quan trọng cần lưu ý là kiểu phân tích này không phải là phân tích tuyến tính, mà là vòng lặp. Liên tục so sánh (constant comparison, Xem Glaser & Strauss, 1967) có nghĩa là các nhà nghiên cứu phải tiếp tục so sánh các phạm trù và mã phân loại mới của bản ghi chép từ băng thu âm với các phạm trù và mã hiện có để phát triển đầy đủ các thuộc tính của các phạm trù tổng quát bao gồm các mã số riêng biệt. Quá trình được lập đi lập lại cho tới điểm bão hòa, Một cách đơn giản, điểm bão hòa là khi nhà nghiên cứu cho rằng không còn có mã số hoặc phạm trù mới nào sẽ xuất hiện nữa và nếu ta cứ tiếp tục mã hóa bản ghi chép thì cũng sẽ chỉ lặp lại những chủ đề đã khám phá.
Kết luận
Phỏng vấn nhóm có tiềm năng trở thành một cách tiếp cận trung tâm trong nghiên cứu xã hội học và giáo dục, cho dù nó được dùng trong các nghiên cứu mang tính thực dụng như nghiên cứu đánh giá, hay trong các nghiên cứu với mục tiêu trừu tượng là xây dựng lý thuyết. Mục đích của bài tổng quan ngắn gọn này là giới thiệu nhanh về phương pháp và cung cấp cho độc giả những hiểu biết về những lợi ích cũng như những cảnh báo cần lưu ý khi sử dụng phỏng vấn nhóm. Trước khi tiến hành các cuộc phỏng vấn nhóm như vậy độc giả có hiểu biết rộng rãi hơn về các nhóm phỏng vấn và suy nghĩ chín chắn về các nhóm nào sẽ thích hợp cho công việc của mình. Tuy nhiên, có thể nói khi được thực hiện một cách chính xác, phỏng vấn nhóm có thể là một cách làm hiệu quả và hiệu suất cao có thể giúp ta hiểu rõ hơn về các tiến trình xã hội.
Nguồn của bài viết gốc ở đây: http://www-tcall.tamu.edu/orp/orp1.htm.