Dạo này nhiều anh chị em muốn kiện cáo công ty ra tòa. Tuy nhiên ra tòa thì phải cẩn thận kẻo tiền mất tật mang. Trên blog của tôi có một số bài về vấn đề này. Và đây là lưu ý mới nhất. Nếu có ý định tìm công lý nơi tòa án, ngoài việc biết trình tự kiện cáo ( http://goo.gl/D3mF28 ), chúng ta còn phải : đừng làm những hành động cho tòa thấy là chúng ta có ý chí muốn nghỉ việc. Tức là đừng viết đơn xin nghỉ, đừng viết mail nói ý muốn nghỉ, đừng đòi sổ BHXH, đừng đòi quyền lợi xin nghỉ khi nghỉ việc ... Mà hãy thể hiện rằng chúng ta muốn ở lại công ty làm việc. Ngoài ra còn phải lưu ý rất nhiều điều để việc kiện cáo có thể diễn ra ( http://goo.gl/kx74jP ) như:
Anh Nguyễn Đức Thông, nguyên nhân viên Công ty CP Deal (quận 1, TP HCM). Giữa tháng 7-2015, anh bị ông Trần Minh Dũng, giám đốc công ty, đột ngột cho nghỉ việc, cũng không thanh toán tiền lương nên anh kiện ra TAND quận 1. Tuy nhiên, chỉ có yêu cầu đòi bồi thường về việc bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ được chấp nhận, còn yêu cầu đòi lương thì tòa yêu cầu rút lại vì không có biên bản hòa giải không thành của hòa giải viên lao động.
Về lý do không có biên bản hòa giải, anh Thông giải thích: Trước khi kiện, anh đã đến Phòng LĐ-TB-XH quận 1 để nhờ hòa giải. Tuy nhiên, cho rằng văn phòng công ty đóng tại địa chỉ 853 Tạ Quang Bửu, quận 8 nên Phòng LĐ-TB-XH quận 1 hướng dẫn anh về quận 8 khiếu nại. Khi về quận 8, cán bộ Phòng LĐ-TB-XH quận 8 nói công ty đăng ký kinh doanh tại quận 1 thì phải hòa giải ở quận 1 mới hợp lệ (!).
Mọi người đọc lướt bài dưới đây để tích lũy kinh nghiệm nhé!
Người lao động bị làm khó
TAND quận Tân Bình, TP HCM vừa xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) giữa nguyên đơn là chị T.T.Y (quận 2, TP HCM) và bị đơn là Công ty TNHH V. (quận Tân Bình). Với lập luận nguyên đơn đã gửi email cho trưởng phòng nhân sự đề nghị chốt sổ BHXH, đề nghị ban hành quyết định cho nghỉ việc và gửi email cảm ơn đồng nghiệp đã giúp đỡ trong quá trình làm việc…, TAND quận Tân Bình cho rằng điều này thể hiện ý chí của nguyên đơn là đồng ý chấm dứt HĐLĐ. Từ đó, tòa bác yêu cầu của nguyên đơn, trong khi thực tế vụ việc không phải như vậy.
Thiếu khách quan
Cho rằng Công ty TNHH V. đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, chị Y. đã kiện ra tòa. Tại phiên xét xử, từ những nhận định đã nêu trên, TAND quận Tân Bình cho rằng chị Y. đã thể hiện ý chí chấm dứt quan hệ lao động với công ty. Mặt khác, chị Y. không muốn làm việc tại công ty nên mới yêu cầu chốt sổ BHXH và ra quyết định nghỉ việc để làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Người lao động ngại ra tòa nên cầu cứu đến báo chí khi xảy ra tranh chấp lao động | Ảnh: Bảo Nghi
Chị Y. không đồng tình với cách lập luận suy diễn chủ quan của hội đồng xét xử (HĐXX). Chị nói: “HĐLĐ của tôi còn hiệu lực. Khi đột ngột nhận được thông báo của công ty, tôi cần có chứng cứ về việc bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ nên mới yêu cầu công ty phải có quyết định cho nghỉ việc bằng văn bản rõ ràng. Mặt khác, tôi sợ bị mất việc làm, mất thu nhập nên đề nghị công ty nếu cho tôi thôi việc thì phải chốt và trả sổ BHXH để tôi bổ túc hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tòa án không thể vịn vào đó mà suy luận rằng tôi đồng ý nghỉ việc”.
Chị Y. cho biết mong muốn đưa sự việc ra tòa án để được bảo vệ theo đúng pháp luật. Tuy nhiên, chị đã thất vọng với HĐXX và sẽ kháng cáo bản án này.
Cần đặt mình vào vị trí người lao động
Trên thực tế, tại rất nhiều phiên xét xử lao động về tranh chấp đơn phương chấm dứt HĐLĐ ở tòa án các cấp, HĐXX thường hỏi: Tại sao không vào làm việc khi công ty cho nghỉ không đúng luật? Người lao động (NLĐ) đã bàn giao công việc, nhận tiền lương, đề nghị chốt sổ BHXH… nghĩa là có ý chí chấm dứt quan hệ lao động, còn thưa kiện làm gì?
Điều đáng nói ở đây là nhiều HĐXX không xem xét trong quan hệ lao động, NLĐ luôn ở thế yếu. Họ không thể vào làm việc khi bảo vệ công ty không cho phép. Họ không thể làm việc khi máy tính bị khóa, cắt internet. Thậm chí có trường hợp bị cô lập, cho vào công ty nhưng buộc ngồi một chỗ và bị giám sát chặt chẽ…
Mới đây, TAND TP HCM cũng đã tuyên bác yêu cầu của ông N.V.K (TP HCM) khi kiện Công ty B.S. ban hành quyết định sa thải trái luật. Trong quá trình làm việc, ông K. không có vi phạm gì nhưng bị công ty tạm đình chỉ công việc, cách chức và cuối cùng là chuyển công việc khác. Khiếu nại đến Công đoàn, ban giám đốc nhưng không được giải quyết nên ông K. không chấp hành lệnh điều động và bị sa thải.
Theo luật sư Nguyễn Đức Huy, Đoàn Luật sư TP HCM, việc tòa án dựa vào lý do NLĐ yêu cầu chốt sổ BHXH, ký nhận quyết định chấm dứt HĐLĐ có nghĩa là chấp nhận nghỉ việc và xem đây là trường hợp hai bên thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ là không đúng. Tòa án phải xem xét khi người sử dụng lao động (NSDLĐ) đơn phương ban hành văn bản chấm dứt HĐLĐ, thông báo chấm dứt HĐLĐ thì phải được hiểu là NSDLĐ thể hiện ý chí đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ.
Luật sư Huy nhấn mạnh: “Trong quan hệ lao động, NLĐ luôn ở thế yếu. Khi họ muốn nghỉ việc thì phải gửi đơn xin và phải được sự chấp thuận của NSDLĐ; ngược lại, khi NSDLĐ muốn cho NLĐ nghỉ việc, họ thường chỉ ban hành thông báo rồi ra quyết định một cách đơn phương, hoàn toàn không cần sự trả lời chấp thuận của NLĐ. Vì vậy, khi xét xử, tòa án các cấp phải thấy rõ điều này để không vô tình tiếp tay cho NSDLĐ chèn ép NLĐ”.
Trường Hoàng | nld.com.vn
Mọi người nhớ chỗ bôi đậm này: Với lập luận nguyên đơn đã gửi email cho trưởng phòng nhân sự đề nghị chốt sổ BHXH, đề nghị ban hành quyết định cho nghỉ việc và gửi email cảm ơn đồng nghiệp đã giúp đỡ trong quá trình làm việc…, TAND quận Tân Bình cho rằng điều này thể hiện ý chí của nguyên đơn là đồng ý chấm dứt HĐLĐ. Từ đó, tòa bác yêu cầu của nguyên đơn. Ví dụ như tình huống này thì khởi kiện mới thành công: Xử lý tình huống công ty đuổi việc vô cớ – Nghỉ việc nửa ngày bị doanh nghiệp đuổi việc - http://goo.gl/rFOwcw.
Pingback: Tổng hợp hỏi đáp 1 số thắc mắc về các bài viết chủ đề kiện cáo xử lý quan hệ lao động trên blog | Blog quản trị Nhân sự
Pingback: Muốn đuổi việc ngay nhưng không muốn rắc rối pháp lý (đúng luật) ? | Blog quản trị Nhân sự