Cách ký thỏa thuận bảo mật thông tin để công ty có thể thắng kiện khi ra tòa là gì?

Vừa rồi tôi có gửi bài viết "Thỏa thuận cam kết bảo mật thông tin trái pháp luật thì sẽ xử lý như thế nào?" cho các thành viên cộng đồng. Bài có nội dung về việc: "Công ty và người lao động ký thỏa thuận bảo mật thông tin. Người lao động làm cho công ty trong cùng lĩnh vực nên bị công ty kiện. Ra tòa, công ty bị xử thu kiện". Rồi tôi nhận được phản hồi của chị Nga về một bài báo có nội dung ngược lại: Công ty thắng kiện khi ra tòa tranh chấp.

Khi đọc bài thì tôi thấy ngày đăng cũng cũ từ 2018. Nhưng nội dung vẫn có thể tham khảo được nên đăng blog gửi cả nhà cùng tham khảo.

***

Cẩn trọng với "thỏa thuận bảo mật"
Bài và ảnh: MAI CHI | Báo Người Lao Động Điện Tử
19/06/2018 05:36

Nhiều tranh cãi liên quan đến việc ký thỏa thuận bảo mật thông tin trong quan hệ lao động đã được gợi mở sau một phiên tòa

Thỏa thuận bảo mật thông tin (NDA) là một dạng thỏa thuận giữa người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ), trong đó NLĐ cam kết không tiết lộ các bí mật, thông tin kinh doanh với bất kỳ ai nếu không được sự đồng ý của NSDLĐ. Mục đích của thỏa thuận này là nhằm bảo vệ bí mật kinh doanh, lợi thế về thương mại có tính độc quyền… mà NSDLĐ đã bỏ công sức và chi phí để xây dựng. Hiện nay, việc ký thêm NDA khi thực hiện ký kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) với NLĐ đang được các doanh nghiệp (DN) thực hiện khá phổ biến. Tuy nhiên, do vẫn chưa được quy định cụ thể trong luật nên một số điều khoản thỏa thuận trong NDA liên quan đến việc hạn chế quyền làm việc của NLĐ sau khi chấm dứt HĐLĐ, thẩm quyền giải quyết tranh chấp phát sinh… vẫn gây nhiều tranh cãi trong quá trình thực hiện.

Thẩm quyền của ai?

Phiên họp yêu cầu hủy phán quyết trọng tài về giải quyết tranh chấp giữa Công ty TNHH Recess (viết tắt là Recess - quận 1, TP HCM) và bà Đỗ Thị Mai Trang liên quan đến NDA diễn ra tại TAND TP HCM mới đây đã thu hút khá nhiều luật sư, giảng viên luật và những người nghiên cứu luật tham dự nhằm tìm lời giải cho các khúc mắc nêu trên.


Đại diện của bà Đỗ Thị Mai Trang trình bày ý kiến tại tòa

Trình bày tại tòa, ông Trần Văn Trí, đại diện theo ủy quyền của bà Trang, cho biết: ngày 10-10-2015, bà Trang ký HĐLĐ xác định thời hạn 12 tháng với Recess ở vị trí trưởng bộ phận tuyển dụng. Tiếp đó, ngày 21-10-2015, bà Trang ký tiếp NDA với Recess. Trong thỏa thuận này có điều khoản quy định trong thời gian 12 tháng sau khi chấm dứt tuyển dụng hoặc kết thúc việc làm với Recess, không xét đến nguyên nhân chấm dứt HĐLĐ, NLĐ không được làm những công việc tương tự ở các DN có cùng lĩnh vực kinh doanh, các đối thủ cạnh tranh hoặc những đơn vị liên kết, đối tác của công ty, nếu vi phạm, NLĐ sẽ phải bồi thường. Ngày 1-11-2016, bà Trang ký tiếp HĐLĐ xác định thời hạn 12 tháng với công ty và nghỉ việc vào ngày 18-11-2016.

Đến ngày 2-10-2017, phát hiện bà Trang đang làm việc cho một DN kinh doanh cùng lĩnh vực, công ty đã lập vi bằng và khởi kiện bà Trang tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), yêu cầu bồi thường 3 tháng tiền lương vì vi phạm thỏa thuận NDA. Sau đó, VIAC đã ra Phán quyết số 75/17 ngày 19-2-2018 buộc bà Trang bồi thường cho công ty hơn 205 triệu đồng. Cho rằng NDA là một phần không thể tách rời của HĐLĐ nên tranh chấp về NDA là tranh chấp lao động và sẽ do tòa án giải quyết, không thuộc thẩm quyền giải quyết của VIAC. Hơn nữa, thỏa thuận trong NDA hạn chế quyền được tự do lựa chọn việc làm của NLĐ, tức vi phạm điều cấm của pháp luật Việt Nam nên bà Trang đã gửi đơn ra tòa yêu cầu hủy phán quyết của trọng tài.

Bút sa gà chết

Sau khi xem xét vụ việc, tòa đã bác toàn bộ yêu cầu của bà Trang. Cụ thể, khi đề cập thẩm quyền giải quyết vụ việc của VIAC, tòa cho rằng trong NDA, 2 bên đã thỏa thuận chọn VIAC là nơi giải quyết khi có tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh. Hơn nữa, Recess đang hoạt động thương mại, mà theo quy định của Luật Trọng tài Thương mại, tranh chấp phát sinh giữa các bên, trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại thì thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài. Do vậy, việc VIAC thụ lý giải quyết vụ việc là đúng quy định.

Bên cạnh đó, tòa cũng nhận định NDA không vi phạm điều cấm của pháp luật Việt Nam (điều 35 của Hiến pháp, điều 49 Bộ Luật Dân sự, điều 5 của Bộ Luật Lao động và điều 9 Luật Việc làm) về quyền làm việc, quyền lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc, tự do làm việc cho bất kỳ NSDLĐ nào của NLĐ. Bởi tại điều 3.2 Bộ Luật Dân sự quy định: "Các bên có quyền tự do thỏa thuận không trái với các quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội để xác lập các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ các quyền đó". Tại thời điểm ký kết NDA, bà Trang có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, hoàn toàn tự nguyện và không bị ép buộc. Đồng thời, nội dung NDA cũng không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội nên theo nguyên tắc tự nguyện, tự do cam kết, thỏa thuận NDA có hiệu lực và phải được các bên tuân thủ.

Lời bình: Theo như vụ án này thì muốn ký thỏa thuận bảo mật thông tin sao cho công ty có thể thắng kiện khi ra tòa thì nên:
- Sử dụng căn cứ là luật dân sự và luật thương mại.
- Đưa điều khoản sử dụng trọng tài thương mại thay vì tòa án.

Nguyễn Hùng Cường (kinhcan24)
Tư vấn xây dựng hệ thống QTNS

Tái bút 12/03/24: Xin mời cả nhà đọc án lệ về vụ việc này ở đây "Án lệ số 69/2023/al về Giải quyết tranh chấp thỏa thuận bảo mật thông tin và không cạnh tranh"

5 thoughts on “Cách ký thỏa thuận bảo mật thông tin để công ty có thể thắng kiện khi ra tòa là gì?

  1. Bùi Tuấn Ngọc 08.03.2024 at 07:45 - Reply

    Anh Cường cho hỏi là về phía người lao động khi được yêu cầu ký thỏa thuận như vậy thì người lao động cần thương thảo thế nào để cả hai bên đều đạt tình và lý:

    – Phía công ty: họ quan tâm là bảo mật thông tin và hạn chế người giỏi làm cho đối thủ cạnh tranh.

    – Phía người lao động: thế mạnh về kinh nghiệm và lĩnh vực chuyên môn mới giúp họ có được thỏa thuận tốt với nhà tuyển dung.

    Rất mong được nhận ý kiến chuyên môn từ anh.

    • Câu hỏi của anh Ngọc hay quá! Chắc anh đang hỏi cho trường hợp ít năm kinh nghiệm (còn non) cần phải dựa vào lợi thế kinh nghiệm cùng ngành để thỏa thuận. Còn bảo mật thông tin thường hay được dùng cho các vị trí đòi hỏi nắm giữ những bí mật của công ty (đã có nhiều năm kinh nghiệm). Những người ở vị trí này thì nên rèn cho mình năng lực làm việc cho đủ mọi ngành nghề.

      Cho nên nếu NLĐ đang còn non thì nên thỏa thuận với công ty rằng đưa điều khoản bảo mật thông tin vào hợp đồng lao động là được!

  2. Bùi Tuấn Ngọc 08.03.2024 at 10:05 - Reply

    Cảm ơn phản hồi của anh. Nâng độ khó lên nữa, thực tế các công ty đều đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề, trích nội dung “DN có cùng lĩnh vực kinh doanh, các đối thủ cạnh tranh hoặc những đơn vị liên kết, đối tác của công ty” là coi như bao hết các doanh nghiệp ở Việt Nam luôn rồi. Từ xa như đối tác (không có liệt kê cụ thể), đơn vị liên kết đến gần như cùng lĩnh vực, đối thủ (cũng không liệt kê) thì coi như xin ở bất kỳ đâu cũng đều rơi vô các trường hợp này.

    Như vậy thì yếu tố cưỡng ép đã xuất hiện, người lao động có tự do chọn cũng không có thể chọn. Thế chăng, NLĐ nên yêu cầu phía công ty phải liệt kê cụ thể các danh sách công ty không được chấp nhận thì mới gọi là công bang.

    Một vài ý xin cộng đồng HR cùng đóng góp them.

    • Em cám ơn anh! Đoạn gợi ý này của anh rất hay. Nếu là em thì em sẽ làm theo như anh hoặc sẽ đề nghị công ty ghi vào trong thỏa thuận: Không làm cho công ty trong lĩnh vực kinh doanh chính là … trong … năm. Rồi sau đó sẽ đàm phán mức thu nhập cao hơn vì giả đỉnh như thời gian sau nghỉ mình sẽ làm cho đối thủ.

  3. Hùng Cường 09.03.2024 at 16:33 - Reply

    Dạ, cám ơn anh Cường nhiều.

    Công ty TNHH Recess là Lazada Vietnam, một công ty có bề dày kinh doanh và quản lý các vấn đề thuộc về Legal & Compliance. Toà án Việt Nam không như Mỹ với tranh luận đối kháng, mà tập trung vào chứng cứ luật hình. Vì vậy, người lao động sẽ khó khăn khi tranh chấp tại toà.

    Chúc anh cuối tuần bình an, vui vẻ.

    Sang.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *