Thời hạn (hiệu) khiếu kiện, hoà giải, khởi kiện tranh chấp lao động với công ty

Bạn H có hỏi:"Anh Cường ơi, em không biết gửi mail vào đâu nên em gửi luôn qua đây nhé. Em đang tìm văn bản pháp luật quy định về thời hạn NLĐ sau khi nghỉ việc sau bao lâu thì tiếp tục được khiếu nại khiếu kiện NSLĐ về các hành vi sai trái hoặc vi phạm quyền và lợi ích của NLĐ và sau bao lâu thì không được khiếu nại nữa. Anh có thông tin không thì cho em xin nhé.
Em cảm ơn anh"

Haizz. Việc này lên google hỏi là ra ngay. Thôi cũng là ôn lại kiến thức nên tôi trả lời bạn luôn, để bạn khỏi mất công tìm hiểu.

Bộ luật Lao động tại Điều 201, về “Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động (HGVLĐ)” quy định: Tranh chấp lao động (TCLĐ) cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của HGVLĐ trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, trừ các TCLĐ sau, không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải bao gồm:

- Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
- về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
- giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
- về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế;
- về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu hoà giải, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải. Và tại phiên họp hoà giải phải có mặt hai bên tranh chấp. Các bên tranh chấp có thể uỷ quyền cho người khác tham gia phiên họp hoà giải.

Tại phiên họp hoà giải phải có mặt hai bên tranh chấp. Các bên tranh chấp có thể uỷ quyền cho người khác tham gia phiên họp hoà giải.

Hoà giải viên lao động có trách nhiệm hướng dẫn các bên thương lượng. Trường hợp hai bên thỏa thuận được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành.

Trường hợp hai bên không thỏa thuận được, hòa giải viên lao động đưa ra phương án hoà giải để hai bên xem xét. Trường hợp hai bên chấp nhận phương án hoà giải, hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải thành.

Trường hợp hai bên không chấp nhận phương án hoà giải hoặc một bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, thì hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải không thành.

Biên bản có chữ ký của bên tranh chấp có mặt và hoà giải viên lao động.

Bản sao biên bản hoà giải thành hoặc hoà giải không thành phải được gửi cho hai bên tranh chấp trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản.

Trong trường hợp hoà giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành hoặc hết thời hạn giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều này mà hoà giải viên lao động không tiến hành hoà giải thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.

Riêng Điều 202 quy định về thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động giải quyết TCLĐ cá nhân là 6 tháng, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm; thời hiệu yêu cầu toà án giải quyết TCLĐ cá nhân là 1 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

Điều 207 BLLĐ quy định, thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền là 1 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

tranh-chap-lao-dong-ca-nhan

Vấn đề về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự nói chung và thời hiệu khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân nói riêng đã được pháp luật quy định. Tuy nhiên, trong thực tiễn giải quyết các vụ án tranh chấp lao động tại Tòa án vẫn còn có những nhận thức chưa thống nhất về xác định thời hiệu khởi kiện.

Điều 155, Điều 159 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện. Bắt đầu thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Điều 202 Bộ luật lao động năm 2012 quy định: Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

Tôi xin nêu một vụ án: Bà H là công nhân của Công ty cổ phần X từ năm 1992, có ký hợp đồng lao động. Ngày 25/4/2012, bà H có đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động với công ty cổ phần X. Ngày 25/5/2012, Giám đốc công ty cổ phần X ra quyết định số 26 đồng ý cho bà H được chấm dứt hợp đồng lao động kể từ ngày 01/6/2012. Ngày 25/6/2012 bà H nhận được quyết định chấm dứt hợp đồng lao động nêu trên. Đến ngày 21/6/2013, bà H nộp đơn đề nghị giám đốc công ty cổ phần X giải quyết tiền trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động cho bà, Công ty X đã có giấy nhận đơn đề nghị nhưng vẫn không giải quyết.

Ngày 02/6/2014, bà H có đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án huyện Y buộc công ty cổ phần X phải trả cho bà 26.000.0000 đồng tiền trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 42 Bộ luật lao động sửa đổi, bổ sung năm 2007. Quá trình giải quyết tại Tòa án, bà H. trình bày: Sau khi nhận được Quyết định số 26 chấm dứt hợp đồng lao động của Công ty cổ phần X, bà đã nhiều lần đến Công ty gặp Giám đốc đề nghị giải quyết tiền trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động cho mình và được phía công ty hứa hẹn sẽ giải quyết, bà đã chờ nhưng không thấy kết quả, ngày 21/6/2013 bà tiếp tục có đơn đề nghị Công ty giải quyết quyền lợi của mình nhưng vẫn không được giải quyết nên ngày 02/6/2014 bà đã khởi kiện yêu cầu Tòa án huyện giải quyết quyền lợi cho bà. Phía Công ty cổ phần X trình bày: Năm 2012 Khi bà H đến yêu cầu giải quyết trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, Công ty đã trả lời không giải quyết vì bà H đã vi phạm thời hạn báo trước, tự ý nghỉ việc nên Công ty không có trách nhiệm chi trả tiền trợ cấp thôi việc cho bà. Việc trình bày của Công ty X không được bà H thừa nhận.

Đối với vụ án trên có 2 quan điểm:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Thời hiệu khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân của bà H đã hết vì ngày 26/6/2012 bà H nhận được quyết định số 26 của Công ty cổ phần X chấm dứt hợp đồng lao động với mình, bà đã biết được quyền và lợi ích của bà bị xâm phạm nhưng đến ngày 02/6/2014, tức là sau gần 2 năm bà mới có đơn yêu cầu Tòa án giải quyết, như vậy là đã hết thời hiệu khởi kiện theo quy định tại Điều 202 của Bộ luật lao động năm 2012 (có hiệu lực từ ngày 01/5/2013). Trong trường hợp này, Tòa án huyện cần ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án lao động đối với yêu cầu của bà H.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Đối với yêu cầu khởi kiện của bà H vẫn còn thời hiệu khởi kiện vì sau khi nhận được Quyết định số 26 ngày 25/5/2012 của Công ty cổ phần X đồng ý cho bà H được chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 01/6/2012, ngày 21/6/2013, bà H có đơn đề nghị Công ty cổ phần X giải quyết tiền trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động cho bà nhưng không được giải quyết. Lúc này, bà H mới biết được quyền lợi hợp pháp của mình bị vi phạm, nên thời hiệu khởi kiện phải được tính từ ngày 21/6/2013. Ngày 02/6/2014, bà H có đơn yêu cầu Tòa án giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của mình là vẫn nằm trong thời hiệu khởi kiện, Tòa án cần tiếp tục giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

Theo tôi, quan điểm thứ hai là đúng bởi không thể tính thời hiệu khởi kiện từ ngày bà H nhận được Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, bởi trong Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động này không thể hiện trách nhiệm của bên sử dụng lao động trong việc thanh toán các khoản liên quan đến quyền lợi của người lao động. Vì chỉ khi có Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động mới làm phát sinh quyền lợi của người lao động. Tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật lao động sửa đổi, bổ sung năm 2007 quy định " Khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp...người sử dụng lao động có trách nhiệm trợ cấp thôi việc; cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng lương..."

Đối với Công ty cổ phần X có giải quyết hay không giải quyết quyền lợi cho bà H đều không thể hiện các căn cứ để chứng minh. Đối với bà H ngày 21/6/2013 bà có đơn đề nghị (Công ty cổ phần X đã có giấy nhận đơn) nhưng Công ty cổ phần X đã không tiến hành giải quyết cũng như không có văn bản trả lời về việc đã giải quyết quyền lợi cho bà H. Lúc này quyền lợi của bà H bị xâm phạm mới được thể hiện một cách rõ ràng và bắt đầu được tính thời hiệu khởi kiện. Do vậy, Tòa án huyện Y tiếp tục các trình tự, thủ tục theo luật định để giải quyết vụ án, bảo đảm được quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động.

Nguồn tham khảo: Nguyễn Thị An | CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG

Vậy là rõ nhé:
- Hòa giải: 6 tháng
- Tòa án: 1 năm
Tuy nhiên ... còn tùy vào tòa nữa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *