Thỏa thuận cam kết bảo mật thông tin trái pháp luật thì sẽ xử lý như thế nào?

Đây là tình huống về việc 2 bên ký cam kết bảo mật thông tin và không cạnh tranh. Nhưng rồi sau đó vi phạm (người lao động). Vậy khi kiện ra tòa thì thế nào? Câu trả lời là 50 - 50. Thân mời cả nhà cùng đọc bản ản về một tình huống như này!

Bản án số 03/2023/LĐ-PT ngày 24/01/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa v/v Yêu cầu bồi thường do vi phạm hợp đồng lao động.

✍🏻 Tóm tắt vụ việc
- Ông Nguyễn Đình D và công ty Công nghệ TT ký Hợp đồng lao động và Thỏa thuận cam kết bảo mật thông tin và không cạnh tranh, cụ thể:
+ Người lao động có nghĩa vụ: “Bảo mật thông tin: Người lao động tuân thủ và cam kết thực hiện đúng, đủ các thỏa thuận, điều khoản đã ký với Công ty trong Thỏa thuận cam kết bảo mật thông tin và cạnh tranh”.
+ Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày nhân viên thôi không còn là nhân viên của Công ty, nhân viên không làm việc hoặc công tác cho bất kỳ cá nhân/đơn vị/doanh nghiệp/công ty dưới bất kỳ hình thức nào để làm việc hoặc thực hiện bất kỳ dự án nào tại nhà máy Công ty TNHH Lọc hóa dầu NS.
- Ngày 01/03/2021 ông D nghỉ việc tại công ty TT.
- Ngày 15/06/2021 ông D ký Hợp đồng lao động với công ty NS vào vị trí công tác như khi làm việc tại công ty TT.
- Công ty TT cho rằng ông D vi phạm Thỏa thuận và Hợp đồng đã ký với công ty TT nên đề nghị Tòa án buộc ông D bồi thường.
- Bản án sơ thẩm số 01/2022/LĐ-ST ngày 27/09/2022 của Tòa án nhân dân thị xã NS chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của công ty TT, buộc ông D bồi thường cho công ty số tiền 251.800.000 đồng.
- Ngày 04/10/2022 ông D làm đơn kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm, đề nghị cấp phúc thẩm xét xử lại theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của công ty TT.

✍🏻 Nhận định của Tòa án
- Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Nguyễn Đình D bởi:
+ Các thỏa thuận mà các bên ký kết không phù hợp với quy định tại Điều 35 của Hiến pháp về quyền lựa chọn nghề nghiệp, việc làm, nơi làm việc của công dân; Điều 5, Điều 10 của Bộ luật Lao động về quyền tự do lựa chọn việc làm nên không có giá trị pháp lý.
+ Công ty TT không chứng minh được ông D đã sử dụng hoặc đã làm lộ bí mật gì của công ty.
+ Công ty NS không cùng ngành nghề kinh doanh, không là đối thủ cạnh tranh với công ty TT trong hoạt động sản xuất.
- Sửa Bản án sơ thẩm thành: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của công ty TT.

🚨 Lưu ý
- Theo khoản 2 Điều 21 Bộ luật Lao động năm 2019 về nội nội dung hợp đồng lao động thì: Người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm. Tuy nhiên nếu Thỏa thuận trái với quy định của pháp luật thì sẽ không có giá trị pháp lý.
- Theo điểm a khoản 1 Điều 5 Bộ luật Lao động năm 2019 thì: Người lao động có quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp.
- Theo khoản 1 Điều 10 Bộ luật Lao động năm 2019 thì: Người lao động được tự do lựa chọn việc làm, làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm.

Chi tiết bản án: Tranh chap thoa thuan bao mat thong tin canh tranh.pdf

Nguồn: TS Bình: Quản Lý Nhân Sự

2 thoughts on “Thỏa thuận cam kết bảo mật thông tin trái pháp luật thì sẽ xử lý như thế nào?

  1. 1- Không quy định thông tư rõ nội dung thế nào là “tiết lộ thông tin”; và cty nào là cty đối thủ.
    2- Tiết lộ thông tin ở mức độ nào và hậu quả ntn và có thiệt hại trực tiếp hay gián tiếp gì chưa.?
    3- một khi hợp đồng dân sự chưa ghi rõ các điều khoản thì sẽ áp dụng Bộ Luật Dân Sự quy định… từ đó luận chứng hơn luận cung, và ai đưa ra được bằng chứng buộc hoặc chạy buộc thì người đó thắng…

    Bên cty cũ khó chứng minh, vì có gì cty mới sẽ xác nhận để chứng minh ctu mới chả thèm cái thông tin gì.

    Nguyễn Hào Kiệt,

  2. Hùng Cường 11.03.2024 at 10:35 - Reply

    Dear Mr.Cường,

    Quan điểm cá nhân của tôi về vấn đề này như sau:
    1. HĐLĐ là HĐ dân sự 2 bên có thể thoả thuận các điều khoản nhưng phải phù hợp với các quy định của PL. Nếu trái thì vô hiệu.
    2. Việc chứng minh thiệt hại thuộc về bên khởi kiện. Thực tế để chứng minh thiệt hại là cực kỳ khó. Phải có bằng chứng chứng minh thiệt hại thực tế đã xảy ra phù hợp với số tiền đền bù thiệt hại.

    Lưu Đức Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *