Bảo hiểm XH, Y tế, Thất nghiệp phải nộp cho năm 2018 theo tỷ lệ mới nhất là bao nhiêu?

Hôm nay có anh chị hỏi và cũng tiện đang làm ngân sách toàn công ty nên đưa lên blog cho bản thân khỏi quên và cộng đồng cùng biết: Tỷ lệ trích nộp các khoản Bảo Hiểm năm 2018 không có sự thay đổi thay đổi so với năm 2017. Cụ thể từ 1/6/2017, chúng ta có tỷ lệ sau:

Loại Bảo Hiểm tham gia (34,0%) = Doanh nghiệp (23,5%) + Người lao động (10,5%)
- Bảo Hiểm Xã Hội (25,5) = 17,5 + 8
- Bảo Hiểm Y Tế (4,5) = 3 + 1,5
- Bảo Hiểm Thất Nghiệp (2) = 1 + 1
- Kinh Phí Công Đoàn (2) = 2 + 0

Chúng ta nhìn vào hình để rõ hơn:

Có ai đặt câu hỏi: Tại sao lại như vậy? Trước đây tỷ lệ đóng BHXH là 18%, giờ xuống 17,5% thì theo quy định nào? Nếu có, thì giống tôi. Dưới đây là câu trả lời:

Trước kia, tức là trước 1/6/2017, chúng ta có các tỷ lệ đóng BHXH như sau:

Hình trên được đăng trong bài: Mối quan hệ giữa tiền lương – bhxh – thuế tncn & Thu nhập doanh nghiệp ( https://goo.gl/kWfm2N )

Hình 2 được đăng trong bài: Mức tối đa được đóng BHXH và BHTN tối đa là bao nhiêu ? ( https://goo.gl/x2fs8Q )

Hình 3 được đăng trong bài: Tỷ lệ đóng BHXH, BHYT, BHTN qua các năm là bao nhiêu ? ( https://goo.gl/8LJbSo )

Hình 4 từ bài: Mức đóng bảo hiểm xã hội mới nhất năm 2015 đối với lao động, doanh nghiệp ( https://goo.gl/awgHqF )

Trong 18% đóng BHXH là có 1% đóng BH Tai nạn lao động. Đây là căn cứ theo Nghị định Số: 37/2016/NĐ-CP (NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG VỀ BẢO HIỂM TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP BẮT BUỘC) ngày 15 tháng 5 năm 2016. Nghị định có Điều 4. Mức đóng và phương thức đóng của người sử dụng lao động

Mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp quy định tại Khoản 3 Điều 44 Luật an toàn, vệ sinh lao động được quy định như sau:

1. Người sử dụng lao động hằng tháng đóng như sau:
a) Mức 1% trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động quy định tại các Điểm a, b, d, đ và e Khoản 1 Điều 2 Nghị định này.
Trường hợp người sử dụng lao động là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm hoặc khoán được thực hiện hằng tháng, 03 tháng hoặc 06 tháng một lần.

b) Mức 1% trên mức lương cơ sở đối với mỗi người lao động quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 2 Nghị định này.

2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, Chính phủ quyết định mức đóng thấp hơn mức đóng quy định tại Khoản 1 Điều này.

Sau đó, Nghị định Số: 44/2017/NĐ-CP ( QUY ĐỊNH MỨC ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI BẮT BUỘC VÀO QUỸ BẢO HIỂM TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP ) ra đời ngày 14 tháng 04 năm 2017 đã điều chỉnh:

Điều 3. Mức đóng và phương thức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

1. Người sử dụng lao động hằng tháng đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật an toàn, vệ sinh lao động với mức như sau:

a) 0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động được quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp lao động là người giúp việc gia đình.
b) 0,5% trên mức lương cơ sở đối với người lao động được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội.

2. Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán thì mức đóng hằng tháng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này; phương thức đóng được thực hiện hằng tháng, 03 tháng hoặc 06 tháng một lần.

3. Căn cứ vào khả năng bảo đảm cân đối Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Chính phủ xem xét điều chỉnh mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại khoản 1 Điều này từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.

Như vậy tức là chúng ta có 1% BH Tai nạn lao động giảm xuống còn 0,5%. Từ đó 18% đóng BHXH xuống còn 17,5%. Do đó chúng ta sẽ thấy có nơi nói BHXH phải đóng 17% có nơi nói BHXH đóng 17,5% như hình:

Đến ngày ngày 22 tháng 05 năm 2017, BẢO HIỂM XÃ HỘI TP. HỒ CHÍ MINH có công văn giải thích rõ ràng như hình ở đầu bài:

Công văn Số: 1012/BHXH-QLT
V/v mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ ngày 01/06/2017

Kính gửi: Các đơn vị sử dụng lao động.

Căn cứ Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2014; Luật Vệ sinh, an toàn lao động số 84/2015/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 25/06/2015; Căn cứ Nghị định số 44/2017/NĐ-CP ngày 14/04/2017 của Chính phủ quy định mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh thông báo mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện từ ngày 01/06/2017 của người sử dụng lao động hằng tháng là 0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động./.

KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC

Vậy là chúng ta đã rõ tại sao lại còn 17,5% rồi! Chúc mọi người ngày chủ nhật vui vẻ!

Bonnus thêm cho ai kiên nhẫn đọc đến đây: Mức xử phạt vi phạm quy định đóng BHXH, BHYT, BHTN

Các trường hợp chưa đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN là vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT do đó đều bị xử phạt, cụ thể:
3.1. BHXH, BHTN:
Theo NĐ 95/2013/NĐ - CP ban hành ngày 22/08/2013 và chính thức có hiệu lực ngày 10/10/2013 quy định rõ mức xử phạt vi phạm quy định về đóng BHXH, BHTN:
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
- Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;
b) Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định;
c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
- Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

3.2. BHYT: Mức xử phạt bằng lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ( hiện tại lãi suất cơ bản vẫn đang áp dụng ở mức 9%/năm).

Nguyễn Hùng Cường | Kinhcan24
HRM Blogger / HRM Consultant at Blognhansu.net.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *