Chính xác lúc này là nửa đêm. và tình cờ mình đọc được stt này của chị Nam Phương. Chị Nam Phương OCD chắc cũng nhiều người biết. :)
Nam Phương: Sao tỷ lệ những cán bộ nhân sự có tâm thế và tư duy của một người đau đáu góp phần vào công cuộc XÂY DỰNG ĐỂ TRƯỜNG TỒN mà tôi gặp trên mỗi bước đường lại thấp thế nhỉ?
Thật buồn là người ta cứ nhồi những ai không làm được chuyên môn kỹ thuật vào phòng nhân sự làm bảng tính lương và lo tuân thủ pháp luật dăm năm rồi lên làm HR manager.
Thật buồn là thầy cô ngành HR ở trường đại học vẫn tiếp tục nhồi vào tiềm thức sinh viên những khái niệm từ 20 năm trước kiểu như "xây dựng MTCV bằng phân tích công việc theo kiểu phỏng vấn người giữ vị trí", hoặc mấy khái niệm mới như dùng KPI cho quản trị nhân sự thì chỉ loay hoay tầm chương trích cú cho các em học thuộc theo Kaplan. Chưa có sinh viên HR nào biết mô hình chuỗi giá trị dùng để làm gì cho nghề nhân sự.
Giá mà nhà trường truyền đạt được hơi thở của HR thế kỷ 21, khi mà câu chuyện về sự sống còn của doanh nghiệp đang đặt bài toán vô cùng thú vị cho người làm nghề nhân sự.
Giá mà các CEO hiểu được bản chất quản trị nhân sự, khi mà họ đang phải đầu tư vào các cán bộ quản lý có ý thức quản trị để giữ được nhân tài chứ không phải vào túi tiền để trả lương cao cho nhân viên.
Những CEO demo được và huấn luyện được cấp dưới của mình cách ứng xử của một nhà lãnh đạo sao vẫn hiếm hoi đến vậy?
Thú thật là sau khi đọc stt này, tôi cũng giật mình. XÂY DỰNG ĐỂ TRƯỜNG TỒN là quyển sách thì tôi đọc rồi dù chưa ngấm hết. Tôi phải đi đọc lại nó thôi.
Còn mô hình chuỗi giá trị thì là đây:
Giới thiệu
Chuỗi giá trị (Value chain) là một mô hình thể hiện một chuỗi các các hoạt động tham gia vào việc tạo ra giá trị của sản phẩm và thể hiện lợi nhuận từ các hoạt động này. Các chuỗi hoạt động này có thể diễn ra theo thứ tự nối tiếp nhau hoặc theo thứ tự song song. Mô hình này phù hợp ở cấp độ đơn vị kinh doanh (business unit) của một ngành cụ thể. Chuỗi giá trị được đề xuất bởi Michael Porter.
Thành phần
Chuỗi giá trị bao gồm 3 thành phần:
1- Hoạt động chính: Bao gồm các hoạt động diễn ra theo thứ tự nối tiếp nhau. Nhóm hoạt động này liên quan trực tiếp đến việc tạo ra giá trị cho sản phẩm. Các hoạt động trong nhóm này gồm:
+ Vận chuyển đầu vào (Inbound Logistics): Nhận hàng, vận chuyển, lưu trữ nguyên liệu đầu vào
+ Chế tạo (Operations): Tạo ra sản phẩm
+ Vận chuyển đầu ra (Outbound Logistics): Vận chuyển thành phẩm, lưu giữ trong các kho bãi
+ Tiếp thị và bán hàng (Marketing and Sales): Giới thiệu sản phẩm, bán sản phẩm
+ Dịch vụ (Service): Bảo hành, sửa chữa, hỗ trợ khách hàng
2- Hoạt động hỗ trợ: Bao gồm các hoạt động song song với hoạt động chính nhằm mục đích hỗ trợ cho việc tạo ra sản phẩm. Đây là các hoạt động gián tiếp góp phần tạo ra giá trị cho sản phẩm. Các hoạt động trong nhóm này gồm:
+ Mua hàng (Procurement): Mua máy móc thiết bị và nguyên liệu đầu vào
+ Phát triển công nghệ (Technology development): Cải tiến sản phẩm, quy trình sản xuất
+ Quản lý nguồn nhân lực (Human resource management): Tuyển dụng, đào tạo, phát triển, và đãi ngộ
+ Cơ sở hạ tầng doanh nghiệp (Firm infrastructure): Quản lý, tài chính, kế toán, pháp lý...
3- Lợi nhuận: Lợi nhuận là phần chênh lệch giữa doanh thu và chi phí. Doanh nghiệp sẽ được coi như là có lợi nhuận nếu như doanh thu bán hàng lớn hơn chi phí bỏ ra. Trong mô hình chuỗi giá trị thì doanh thu chính là giá trị bán ra của các hàng hóa và các giá trị này được tạo ra thông qua các hoạt động được thể hiện trên mô hình về chuỗi giá trị. Chi phí chính là các khoản tiêu hao để thực hiện các hoạt động trên.
Ý nghĩa
Mô hình chuỗi giá trị đã chỉ ra mối quan hệ giữa các hoạt động trong doanh nghiệp và cho thấy cách thức tạo ra giá trị sản phẩm của một doanh nghiệp. Thông qua mô hình, có thể thấy rằng các hoạt động gián tiếp cũng tham gia vào quá trình tạo ra giá trị cho sản phẩm bên cạnh các hoạt động trực tiếp. Ngoài ra, mô hình còn là cơ sở để cho nhà quản trị đánh giá, xem xét để đưa ra các quyết định về thuê các đơn vị bên ngoài thực hiện một số hoạt động trong chuỗi giá trị (outsourcing).
Cuối cùng, cái tôi quan tâm nhất mô hình chuỗi giá trị dùng để làm gì cho nghề nhân sự ? Nó để làm gì nhỉ ? Cách hiểu đơn giản nhất của tôi là: Các hoạt động của nghề nhân sự cũng tạo ra lợi nhuận. Tức là nhân sự là một hoạt động trong chuỗi các hoạt động để tạo ra lợi nhuận hay giá trị.
Không hiểu cách hiểu này có đúng không nhỉ? Mong các cao nhân ghé qua đây chỉ giáo giúp với ạ.
Tái bút 17/10/2016: Tôi đã hiểu hơn một chút, thân mời cả nhà đọc thêm bài bổ sung: Mô hình chuỗi giá trị và vai trò của nhân sự trong đó - https://goo.gl/fq9cnr
Hương hoàn toàn đồng ý về khái niệm chuỗi giá trị và đồng cảm với những trăn trờ của chị Nam Phương. Thật sự là ngành quản trị Nhân lực đang được đánh giá còn hạn chế. Đôi khi do bị đánh giá như vậy nên “lửa” trong người dần dần mất.
Chắc em chưa hiểu hết được ý của bài này. Nhưng em rất thích những quan điểm của chị Nam Phương!
Pingback: Kinh nghiệm xây dựng KPI bài 3: BSC – Chiến lược và cuộc họp hội đồng kiến trúc Doanh nghiệp | Blog quản trị Nhân sự
Trong quá trình mình đi làm thì luôn nhận thấy 1 điều “Nhân sự là yếu tố quan trọng và sống còn của doanh nghiệp”. Các hoạt động về kinh doanh, marketing, sản xuất đều cần có nhân sự phù hợp. Vậy thì nhân sự là hoạt động xuyên suốt nằm ở trong tất cả mọi hoạt động của công ty. Chính vì vậy nên chắc chắn rằng quản trị nhân sự là việc làm vô cùng quan trọng để cho guồng máy hoạt động hiệu quả. Và như vậy thì mới tạo ra lợi nhuận.
Đúng không anh Cường?