Năm mới đọc Hàn Phi Tử nghĩ về Cây gậy và củ carot trong công ty. Một công ty muốn có thể tạo động lực cho nhân viên thì có nhiều cách. Đó có thể là thưởng Tết, đó có thể là thưởng năng suất, đó có thể là liên hoan công ty .... Nhưng chung quy quẩn lại thì sẽ quay lại cái gốc của mọi vấn đề đó là "Lợi" và "Hại": Nếu muốn thúc đẩy người ta làm được 1 việc gì đó thì dùng "lợi" để dụ người. Nếu ta không có đủ "lợi" để dụ người thì phải dùng "hại" để dọa người. Và trường hợp ta không có đủ cả 2 (tức là người không ham cũng không hãi) hoặc những cái ta có (lợi và hại) không đủ để thúc đẩy người thì sẽ phải hoặc giết bỏ hoặc dùng nhân trị. Nhưng theo tôi thì nên loại bỏ vì không ai đủ bao la, đủ dũng cảm, đủ nhân để có thể làm lay động lòng người. Chúng ta sẽ bàn thuyết Nhân trị trong 1 dịp nào đó sau này.
Trước đây tôi thấy có 1 công ty đưa ra 1 thông báo. Thông báo của phòng Hành Chính. Đại loại thông báo nói rằng sẽ thưởng cho những ai đến sớm 100k. Đây là một chính sách tốt vì nó thúc đẩy việc duy trì nội quy của công ty. Nhưng theo tôi thì không nên vì:
- 1. Nhân viên ăn lương thì phải làm theo nội quy nên việc tuân theo nội quy là đương nhiên.
- 2. Thưởng những việc như thế này thì giống như việc thừa nhận công ty cho phép nhân viên đi muộn.
- 3. Công ty sẽ không thể có đủ tiền (lợi) để khuyến khích.
- 4. Cái lợi này (100k) không đủ để (dụ) người hay đi muộn đi sớm hơn.
Vì vậy nên dùng cái hại để dọa thì tốt hơn. Nhưng luật lao động không cho phép công ty trừ tiền hay có hình thức nào đó phạt bằng tiền. Vậy thì phải làm thế nào ? Đó có thể là "cán bộ nào đi muộn sau x lần (theo đúng luật) và có biên bản cảnh cáo thì sẽ bị đuổi việc. Toàn bộ số tiền lương của người đó sẽ được chuyển cho những người khác trong phòng do họ làm thêm việc. Việc này sẽ được công khai thông báo trên toàn công ty". Liệu bạn đọc được thông báo này thì bạn có đi làm muộn nữa? Nếu có thì rõ ràng công ty không nên giữ bạn lại vì bạn đang có ý muốn đi. Tất nhiên có thể bạn sẽ phản biện bằng việc nói rằng công việc này đòi hỏi phải thế. Ok tôi đồng ý và chính sách này nên linh hoạt. Ví dụ như nó sẽ không áp dụng cho sale chỉ áp dụng cho khối back chả hạn.
Nếu như ở bài viết này Thuyết nhân trị – pháp trị và các công việc phòng nhân sự phải làm … p5 tôi đã chỉ ra những chính sách nào nên là nhân trị chính sách nào là pháp trị thì ở bài viết này tôi muốn đề cập đến việc đưa pháp trị vào doanh nghiệp. Đây là một việc lớn, thay đổi hay áp dụng văn hóa mới sẽ không đơn giản. Ngày xưa Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc nhờ 1 phần vào Pháp trị và mất nước cũng là 1 phần do Pháp trị. Tôi tự hỏi nếu áp dụng vào hiện tại doanh nghiệp, liệu 1 công ty có thể hưng thịnh nhờ văn hóa pháp trị ? Điều đó chưa được kiểm chứng nhưng tôi tin bạn đang hiểu sai ý tôi nói. Bạn đang nghĩ rằng tư tưởng pháp trị đó là áp dụng luật một cách chặt chẽ vào công ty. Điều đó đúng nhưng chưa đủ.
Cái nền tảng của tư tưởng pháp trị là : "lợi" & "hại", "bản tính con người là tham lam độc ác". Như vậy pháp trị không chỉ là pháp luật mà là tất cả những hành động áp dụng nền tảng đó thì được gọi là pháp trị. Các hành động đó có thể là: nội quy (pháp luật), là chính sách khen thưởng, là sự công khai minh bạch, là thẳng thắn trao đổi ....
Nhưng thực sự với thời điểm hiện tại áp dụng pháp trị có vẻ hơi khó. Áp dụng thuyết z cũng khó. Áp dụng Nhân trị cũng khó... Tôi thấy áp dụng cái gì cũng khó. Vì đơn giản hiện tại ở Việt Nam: việc > người nên một người có thể có nhiều việc. Vì vậy người không sợ mất việc. Mà đã không sợ mất việc thì không thể áp dụng bất cứ thuyết nào. Hơn nữa bản chất con người Việt Nam là gì để áp dụng nữa cũng là bài toán cần phải bàn.
Dù sao thì tôi nghĩ áp dụng thuyết pháp trị vào công ty Việt Nam có lẽ là ổn nhất trong các thuyết. Còn giờ là 1 số câu truyện trong pháp trị. Mời các bạn cùng tham khảo:
"Pháp luật không hùa theo người sang, không khinh rẻ người hèn. Khi đã thi hành pháp luật thì kẻ khôn cũng không từ, kẻ dũng cũng không dám tranh. Trừng trị cái sai không tránh kẻ đại thần, thưởng cái đúng không bỏ sót kẻ thất phu"
“Ông thầy thuốc khéo hút mủ ở vết thương người ta, ngậm máu người ta không phải vì có tình thương cốt nhục, chẳng qua làm thế thì có lợi. Cho nên, người bán cỗ xe làm xong cỗ xe thì muốn người ta giàu sang. Người thợ mộc đóng xong quan tài thì muốn người ta chết non. Đó không phải vì người thợ đóng cỗ xe có lòng nhân, còn người thợ đóng quan tài không phải ghét người ta, nhưng cái lợi của anh ta là ở chỗ người ta chết”.
“Pháp luật thay đổi theo thời thì trị; việc cai trị thích hợp theo thời thì có công lao... Thời thế thay đổi mà cách cai trị không thay đổi thì sinh loạn... Cho nên, bậc thánh nhân trị dân thì pháp luật theo thời mà thay đổi và sự ngăn cấm theo khả năng mà thay đổi”
"Nước Tống có người nhà giàu. Trời mưa, tường hư hỏng. Người con nói: "Nếu không xây tường thì sẽ bị kẻ trộm ăn trộm". Cha của người hàng xóm cũng khuyên như vậy. Đêm ấy, quả nhiên trong nhà mất của. Nhà ấy khen người con là khôn, mà nghi cha của người hàng xóm."
"Ngày xưa, Trịnh Vũ Công muốn đánh Hồ, bèn gả con gái cho người Hồ. Nhân đấy, nhà vua hỏi quần thần:
– Ta muốn dùng binh, nên đánh ai?
Quan Kỳ Tư nói:
– Nên đánh Hồ.
Nhà vua bèn giết Quan Kỳ Tư, nói:
– Hồ là nước anh em của ta, tại sao nhà ngươi lại nói nên đánh? Vua nước Hồ nghe tin ấy, cho nước Trịnh là chỗ thân thiết với mình nên không để phòng. Nước Trịnh đánh úp và lấy Hồ."
"Ngày xưa, Di Tử Hà được vua nước Vệ yêu, theo pháp luật của nước Vệ, ai tự tiện đi xe của nhà vua là bị tội chặt chân. Được ít lâu mẹ Di Tử mắc bệnh. Có người nghe tin đang đêm đến báo với Di Tử Hà. Di Tử Hà trái lệnh, đi ra bằng xe ngựa của vua. Nhà vua nghe tin cho là người hiền, nói:
– Thực là người có hiếu! Vì mẹ mà phạm tội bị chặt chân.
Di Tử Hà đi chơi với nhà vua trong vườn quả. Di Tử Hà ăn quả đào thấy ngon, không ăn hết, dâng nhà vua. Nhà vua nói:
– Tử Hà thật yêu ta! Quên cái miệng của mình mà nhớ đến ta. Đến khi Di Tử nhan sắc kém, lòng vua yêu bớt đi, lại phạm tội. Nhà vua nói:
– Nó đã có lần tự tiện đi xe ngựa của ta, lại có lần bắt ta ăn quả đào thừa của nó.
Cho nên việc làm của Di Tử không khác, nhưng lần trước được khen là hiền, lần sau lại phạm tội. Đó là vì lòng yêu ghét hết sức thay đổi. Cho nên được nhà vua yêu thì cái khôn của mình càng làm cho mình được thân, bị nhà vua ghét thì cái tội của mình càng làm cho mình bị ruồng bỏ."