Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng cạnh tranh, việc tuyển dụng nhân sự không chỉ là tìm kiếm và lấp đầy các vị trí trống mà còn là cơ hội để doanh nghiệp nâng cao năng lực tổ chức. Lập kế hoạch tuyển dụng bài bản và hiệu quả là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp duy trì sự ổn định và phát triển bền vững. Vậy làm thế nào để xây dựng một kế hoạch tuyển dụng nhân sự hoàn chỉnh, tránh được các sai sót không đáng có? Cùng Blognhansu tìm hiểu nhé.
Tại sao cần lập kế hoạch tuyển dụng nhân sự?
1. Đáp ứng nhu cầu hoạt động kinh doanh
Lên kế hoạch tuyển dụng nhân sự bài bản giúp tìm ra những ứng viên chất lượng, sở hữu kỹ năng, kinh nghiệm phù hợp với vị trí mà công ty đang cần. Từ đó, doanh nghiệp sẽ xây dựng được đội ngũ nhân sự với năng lực tốt, năng suất cao, đẩy mạnh hoạt động và hiệu quả kinh doanh, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
2. Tối ưu chi phí tuyển dụng
Trong kế hoạch nhân sự, các chi phí cần thiết đã được dự tính, nhờ đó, giảm tình trạng lãng phí thời gian, tiền bạc trong quá trình tuyển dụng.
Bên cạnh đó, kế hoạch cụ thể cũng giúp tăng hiệu quả tuyển dụng, giúp công ty có được những ứng viên chất lượng tốt, giảm tỷ lệ nghỉ việc và các chi phí đào tạo hoặc tuyển mới.
3. Xây dựng đội ngũ nhân sự bền vững
Để xây dựng được đội ngũ nhân viên vững mạnh thì quá trình tuyển dụng cần được chú trọng ngay từ ban đầu. Kế hoạch tuyển dụng chuyên nghiệp sẽ giúp công ty có được những nhân viên đa dạng về chuyên ngành, kỹ năng. Điều này mang tới lợi ích cho nguồn nhân lực và toàn bộ tổ chức.
4. Đảm bảo tính nhất quán
Kế hoạch tuyển dụng đã thống nhất về hình thức, tiêu chí đánh giá ứng viên. Vậy nên, các ứng viên được đánh giá một cách công bằng, khách quan, tránh được nhưng bất đồng trong quá trình tuyển dụng. Nếu không có kế hoạch nhân sự và các tiêu chí cụ thể, việc đánh giá ứng viên dễ đi theo hướng cảm tính, khiến ứng viên bất mãn và hình ảnh của nhà tuyển dụng cũng bị ảnh hưởng.
5. Nâng cao trải nghiệm ứng viên, tăng uy tín cho thương hiệu tuyển dụng
Nếu theo đúng kế hoạch thì các bước trong quá trình tuyển dụng sẽ diễn ra nhịp nhàng, hiệu quả và mang lại trải nghiệm tốt cho ứng viên. Nhờ đó, góp phần xây dựng thương hiệu tuyển dụng của công ty ngày càng vững mạnh, nâng cao uy tín của doanh nghiệp và tăng khả năng thu hút nhân tài trong dài hạn.
Thời điểm lập kế hoạch tuyển dụng nhân sự
Nên lập kế hoạch tuyển dụng vào thời điểm nào? Dưới đây là một số thời điểm lý tưởng để lên kế hoạch tuyển dụng:
Khi tổ chức có sự thay đổi: Doanh nghiệp đang cần mở rộng, thực hiện dự án/chiến lược mới hoặc cần tuyển dụng theo mùa - đây là lúc cần lên kế hoạch tuyển dụng để đáp ứng các mục tiêu kinh doanh.
Lập kế hoạch hàng năm: Đầu năm hay giai đoạn cao điểm tuyển dụng sau tết hàng năm là lúc cần có kế hoạch tuyển dụng.
Khi tỷ lệ nghỉ việc, tỷ lệ luân chuyển nhân sự cao: Cần lên kế hoạch để lấp đầy khoảng trống về nhân sự, đồng thời thực hiện các giải pháp để giữ chân nhân tài.
Khi có biến động trên thị trường: Người làm công tác nhân sự cần nắm bắt những biến động trên thị trường lao động để điều chỉnh kế hoạch tuyển dụng nhân sự phù hợp.
Những thành phần không thể thiếu trong bản kế hoạch tuyển dụng
Những thông tin quan trọng trong bản kế hoạch tuyển dụng bao gồm:
- Thời gian cần tuyển dụng
- Vị trí cần tuyển
- Số lượng nhân sự cần tuyển
- Yêu cầu đối với ứng viên
- Mô tả công việc, nhiệm vụ cụ thể của các vị trí
- Mức lương dự kiến cho nhân sự mới
- Ngân sách cho hoạt động tuyển dụng
- Phương án phân bổ nhân sự vào vị trí, phòng ban phù hợp
- Đề xuất tuyển thêm hoặc cắt giảm nhân sự
- Đề xuất các thành viên trong hội đồng tuyển dụng.
- Chữ ký của người lập kế hoạch, trưởng phòng Hành chính – Nhân sự, trưởng bộ phận cần tuyển dụng, ban lãnh đạo công ty.
Việc xây dựng kế hoạch tuyển dụng giúp các doanh nghiệp dự trù được kinh phí, thời gian và luôn trong thế chủ động về nguồn nhân lực.
Sai lầm cần tránh khi lên kế hoạch tuyển dụng
1. Coi nhẹ kế hoạch tuyển dụng
Đôi khi kế hoạch tuyển dụng chưa được chú trọng mà chỉ coi như một thủ tục hành chính trong công ty. Điều này sẽ ảnh hưởng khá lớn đến quá trình triển khai, các thành viên trong tổ chức sẽ không tuân thủ kế hoạch đề ra và không theo dõi thời hạn, tính hiệu quả.
2. Không xác định được mục tiêu và nhu cầu tuyển dụng
Một sai lầm điển hình của nhà tuyển dụng là không xác định được vị trí nào, chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu công việc ra sao. Số lượng cần tuyển cho các vị trí và thời gian tuyển cũng không rõ ràng.
3. Xác định thời gian tuyển dụng chưa phù hợp
Đối với một số vị trí công việc, nhà tuyển dụng cần có thời gian để đánh giá sâu về chuyên môn, kinh nghiệm của ứng viên để lựa chọn được người phù hợp nhất. Nếu kế hoạch đặt thời gian quá gấp gáp thì sẽ không đảm bảo chất lượng ứng viên.
4. Không phân tích tình hình thực tế
Sai lầm tiếp theo khi lên kế hoạch nhân sự là không phân tích hoặc phân tích sai tình hình thực tế. Điều này dẫn đến việc tuyển dụng không đáp ứng được yêu cầu công việc, ứng viên không hòa nhập được với môi trường và văn hóa doanh nghiệp.
5. Không đánh giá hiệu quả tuyển dụng
Bất cứ công tác nào trong doanh nghiệp cũng cần đánh giá để xem hiệu quả ra sao, có đạt mục tiêu kỳ vọng không. Sau khi triển khai kế hoạch, doanh nghiệp cần nhìn lại những điều đã làm được và chưa được để rút kinh nghiệm, cải thiện cho những đợt tuyển dụng tiếp theo.
Lời kết,
Lập kế hoạch tuyển dụng nhân sự là nền tảng cho sự thành công của quy trình nhân sự. Một kế hoạch bài bản không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa nguồn lực mà còn nâng cao giá trị thương hiệu trong mắt ứng viên. Vì vậy, hãy đầu tư thời gian và công sức để xây dựng một kế hoạch tuyển dụng chuyên nghiệp, sát với nhu cầu của doanh nghiệp và mang lại hiệu quả cao.