Phòng nhân sự, một bộ phận quan trọng trong mỗi tổ chức, không chỉ đơn thuần là nơi quản lý hồ sơ nhân viên mà còn đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng và duy trì môi trường làm việc hiệu quả. Với sự phát triển nhanh chóng của doanh nghiệp và sự thay đổi liên tục trong nhu cầu nhân lực, việc hiểu rõ các vị trí công việc trong phòng nhân sự trở nên đặc biệt quan trọng. Trong bài viết này, cùng Blognhansu tìm hiểu các vị trí công việc trong phòng nhân sự nhé.
Các vị trí công việc trong phòng nhân sự
1. Hành chính nhân sự tổng hợp
Nhân sự tổng hợp là vị trí công việc khá rộng. Tùy theo vào quy mô của công ty, phạm vi công việc của vị trí này sẽ khác nhau. Các nhân sự tổng hợp chịu trách nhiệm quản lý công việc hàng ngày, bao gồm duy trì và cập nhật hồ sơ nhân sự, đăng tin tuyển dụng, phỏng vấn, quản lý lương thưởng và phúc lợi… Họ đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý nhân sự và thực thi việc tuân thủ các chính sách của tổ chức, các quy định pháp luật.
HR Generalist sẽ báo cáo cho các chuyên viên cấp cao hoặc nhà quản lý nhân sự (HRM, HRD... ). Bên cạnh những người làm nhân sự tổng hợp, các công ty lớn thường tuyển dụng các chuyên viên nhân sự (cấp Specialist). Trong khi đó, các công ty nhỏ hơn thường chỉ tuyển dụng một số nhân viên nhân sự tổng hợp.
Các chức danh vị trí công việc hành chính nhân sự tổng hợp phổ biến:
- HR Admin
- HR Executive/HR Specialist
- HR Generalist
- HR Assistant
2. Tuyển dụng
Bộ phận này có nhiệm vụ chính là thu hút, sàng lọc và lựa chọn nhân tài mới cho các vị trí tuyển dụng trong tổ chức. Họ sẽ đưa ra kế hoạch tuyển dụng, tìm kiếm và xác định các vị trí tuyển dụng. Đồng thời, viết mô tả công việc, danh sách công việc, duyệt CV, tiến hành phỏng vấn, đưa ra những chính sách/chế độ phù hợp và đàm phán lương với ứng viên.
Các chức danh công việc phổ biến trong chức danh tuyển dụng bao gồm:
- Recruiter/Recruitment Specialist
- Talent Acquisition
- Headhunter
3. Lương thưởng và phúc lợi
Bộ phận quản lý lương thưởng và phúc lợi chịu trách nhiệm thiết lập các gói lương, thưởng, phúc lợi cạnh tranh để đáp ứng các ngân sách nhân sự và quản lý bảng lương hiệu quả. Ngoài ra, để thu hút và giữ chân nhân tài, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng đội ngũ quản lý hệ thống tổng đãi ngộ (Total Rewards).
Các gói lương thưởng, tổng đãi ngộ nên được cập nhật, điều chỉnh kịp thời để phù hợp với nhân viên mới và đội ngũ nhân viên hiện tại. Bộ phận này cũng phải đảm bảo đội ngũ hiểu rõ gói lương thưởng, phúc lợi của họ và có thể trả lời các câu hỏi phát sinh.
Các chức danh lương thưởng và phúc lợi phổ biến:
- Payroll Specialist
- C&B Specialist/C&B Supervisor/C&B Manager
- Total Rewards Manager
4. Đào tạo và phát triển
Bộ phận L&D (Learning & Development) chịu trách nhiệm tối đa hóa hiệu suất của nhân viên. Bằng cách tổ chức các chương trình đào tạo cho nhân viên mới và đào tạo nội bộ cho nhân viên hiện tại nhằm đáp ứng các mục tiêu của tổ chức.
Các trách nhiệm của bộ phận này bao gồm phân tích nhu cầu đào tạo (TNA), tìm kiếm, lựa chọn và phát triển các chương trình đào tạo phù hợp, đo lường và đánh giá hiệu quả của chương trình đào tạo...
Các chức danh công việc đào tạo và phát triển phổ biến:
- Training Specialist
- Instructional Designer
- T&D Specialist
- L&D Specialist/L&D Supervisor/L&D Manager
Cấu trúc phòng nhân sự
Cấu trúc phòng nhân sự trong một tổ chức có thể thay đổi tùy thuộc vào quy mô, ngành nghề và chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hầu hết các phòng nhân sự đều có một số chức danh và vai trò cơ bản để đảm bảo hoạt động hiệu quả như giám đốc nhân sự, trưởng phòng tuyển dụng, trường phòng đào tạo và phát triển, chuyên viên nhân sự, nhân viên hành chính nhân sự…
Dưới đây là một cấu trúc điển hình của phòng nhân sự theo quy mô:
1. Doanh nghiệp nhỏ và vừa
Tại các doanh nghiệp nhỏ, đứng đầu bộ phận nhân sự là HR Manager. HRM sẽ quản lý 1-2 thành viên như nhân sự tổng hợp, chuyên viên tuyển dụng... Một số chức năng khác có thể được thuê ngoài nếu cần thiết.
Tại các doanh nghiệp quy mô vừa, HR Manager hoặc HR Director có thể quản lý các leader của từng mảng cụ thể trong nhân sự. Bên dưới các nhà quản lý cấp trung là chuyên viên như C&B Specialist, L&D Specialist, Talent Acquisition Specialist…
2. Doanh nghiệp lớn
Đối với doanh nghiệp lớn hay tập đoàn đa quốc gia, cơ cấu phòng nhân sự sẽ được chuyên môn hóa và phúc tạp hơn. Bên cạnh các các vị trí cơ bản như trong các doanh nghiệp vừa thì một số vị trí bổ sung thêm có thể kể tới như CHRO, HRBP, Training/L&D Manager, Organizational Development Manager, Total Rewards Director…
Lời kết
Trong một tổ chức, phòng nhân sự đóng vai trò trung tâm trong việc duy trì sự hoạt động trơn tru và phát triển bền vững của doanh nghiệp. Các vị trí công việc trong phòng nhân sự, từ Giám đốc Nhân sự đến Nhân viên Chế độ và Phúc lợi, đều có những nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể, góp phần quan trọng vào việc xây dựng một môi trường làm việc hiệu quả và hài hòa.
Việc hiểu rõ cấu trúc và chức năng của từng vị trí không chỉ giúp tổ chức tối ưu hóa quy trình quản lý nhân sự mà còn hỗ trợ nhân viên trong việc phát triển nghề nghiệp và đạt được sự hài lòng trong công việc.