[Case Study] Lựa chọn phương pháp đào tạo nào?

Không biết mọi người giải bài toán dưới đây thế nào? Rất mong cả nhà cùng vào comment. Thanks!

Câu chuyện dưới dây do một trợ lý giám đốc phụ trách đào tạo của một công ty miêu tả.

Trong hơn một năm, công ty chúng tôi đã cử các nhóm gồm khoảng 20 quản đốc và tổ trưởng tham dự các khoá đào tạo hai ngày do một trường đại học giảng dạy. Cứ hàng tháng một nhóm lại được cử đi học. Chương trình đào tạo được giáo viên của trường kinh doanh thiết kế và nội dung chủ yếu là về các nguyên lý cơ bản của quản lý như lập kế hoạch, tổ chức, khích lệ và kiểm soát. Vào cuối chương trình đào tạo, chúng tôi yêu cầu học viên đánh giá khoá học bằng phiếu câu hỏi đơn giản về những gì họ đã học được và liệu họ có hài lòng với khoá học không. Chúng tôi có hợp đồng hợp tác ba năm với trường và trong giai đoạn 3 năm, chúng tôi hy vọng tất cả các quản đốc và tổ trưởng đều tham dự vào chương trình đào tạo này.

Dường như không ai đặt câu hỏi liệu việc đào tạo có hiệu quả không. Không ai phàn nàn và các ý kiến trả lời phiếu câu hỏi tỏ ra rất tốt. Chúng tôi chỉ bắt đầu đặt câu hỏi khi một trong số giáo viên trẻ cho biết anh ta nghĩ việc đào tạo là lãng phí tiền bạc và thời gian của công ty và nhà trường. Với sự ủng hộ của người giáo viên này, chúng tôi đã đánh giá lại việc đào tạo. Anh ta gợi ý sử dụng mẫu ngẫu nhiên cứu cùng với chương trình đào tạo vô hại để thử nghiệm. Chúng tôi quyết định tổ chức chương trình hai ngày về ngữ pháp câu vì ngữ pháp câu dường như là một môn học cần thiết, nhưng không phải là một kỹ năng quan trọng cho người quản đốc hay tổ trưởng.

Hai giáo viên giỏi được mời giảng dạy về ngữ pháp câu, nhưng chúng tôi không cho họ biết là chúng tôi đang thử nghiệm để đánh giá đào tạo. Họ đã thiết kế một chương trình đào tạo hai ngày rất thú vị và thoải mái. Việc trình bày của họ cũng hết sức đa dạng với nhiều hoạt động trên lớp. Trong khi một giáo viên giảng giải nghĩa, người giáo viên khác minh hoạ trên giấy hoặc sử dụng đèn chiếu, ... Vào cuối đợt giảng dạy thử nghiệm này, chúng tôi yêu cầu người tham dự đánh giá về khoá học, sử dụng phiếu đánh giá tương tự như những lần trước.

Kết quả đánh giá thật đáng ngạc nhiên. Chúng tôi cũng đoán rằng người học sẽ đánh giá khoá học này vui nhộn hơn các chương trình đào tạo quản lý khác. Nhưng chúng tôi lại không dự đoán được các quản đốc và tổ trưởng cho rằng chương trình vô hại này lại bổ ích và có giá trị hơn các chương trình đào tạo quản lý. Một câu hỏi cụ thể được đặt ra là họ đánh giá như thế nào về lợi ích chương trình này đối với sự phát triển nghề nghiệp lâu dài của họ. Kết quả đánh giá cho thấy đa phần học viên cho rằng khoá học về ngữ pháp câu có giá trị hơn nhiêù so với khoá học về lập kế hoạch, tổ chức, khích lệ và kiểm soát. CHúng tôi đã rất đau đầu về kết quả này. Rõ ràng là việc biết cách lập kế hoạch, tổ chức, khích lệ và kiểm soát đối với các nhà quản lý. Nhưng kết quả vẫn là kết quả, học viên họ không nghĩ như vậy.

Câu hỏi:
1. Bạn có thể giải thích thế nào về kết quả của việc thử nghiệm này? Nên rút ra những kết luận gì?
2. Dựa trên kết quả thử nghiệm, người trợ lý giám đốc phụ trách đào tạo nên có những thay đổi gì trong việc đào tạo ở công ty này?

One thought on “[Case Study] Lựa chọn phương pháp đào tạo nào?

  1. Nguyễn Tiến Cường 22.03.2017 at 13:20 - Reply

    Tôi nghĩ có 2 vấn đề (đây là đứng trên phương diện người đi học để nói)

    1. Thứ nhất là về yếu tố tâm lý: Thường thì khi được học một vấn đề ít liên quan, hoặc không liên quan đến công việc mình làm sẽ có tâm lý thoải mái, không căng cứng đầu óc nên dễ tiếp thu hơn. Hiểu đơn giản giống như học để tăng thêm vốn sống. Còn nếu học chuyên môn nghiệp vụ có liên quan trực tiếp đến công việc của mình thì tự dưng sẽ có một áp lực nào đó đè xuống – có thể ít hoặc nhiều – khiến đầu óc bị căng cứng, bị ức chế nên người học ít có tâm lý thoải mái thường phải gồng mình lên, do vậy dễ gây mệt mỏi, chán nản. Tôi cũng là người được công ty cho đi học nhiều lần, cái cảm giác này không xa lạ gì. Còn phiếu điều tra kết quả sau khóa học. Đương nhiên vì cảm giác mệt, áp lực, không thích, bị ép phải học vì công việc….. nên họ ghi cho có thôi. Tất nhiên họ sẽ ghi tốt hết bởi vì nếu ghi có chỗ nào không tốt họ sợ người khảo sát sẽ hỏi này nọ phiền phức hoặc tệ hơn là đánh giá họ năng lực nhận thức kém, không lĩnh hội được những gì giảng viên truyền đạt. Điều này sẽ dân đến những ảnh hưởng không tốt trong công việc họ đang làm tại công ty.

    Thứ 2: Tôi có nghe câu nói rằng: “Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng”. Hiểu đơn giản là con người ta đễ nắm bắt, dễ bị thu hút, dễ bị ấn tượng và nhớ lâu đối với các thông tin có âm thanh-hình ảnh-mầu sắc hơn nhiều so với những với những thông tin có tính chất học thuật. Trong một khóa đào tạo mà dạy theo kiểu nhồi sọ, thầy giảng thì thao thao bất tuyệt, trò thì ngồi im như ngồi thiền thì làm sao hiệu quả được. Con người chỉ ghi nhớ tốt thông tin khi có các điều kiện sau:
    + Bị ấn tượng mạnh về thông tin nhận được.
    + Có những cảm xúc nhất định về thông tin nhận được, được trao đổi cảm xúc về thông tin nhân được
    + Tâm lý thoải mái, không gò bó khi tiếp nhận thông tin
    + Input và Output: được trao đổi với người khác về thông tin tiếp nhận được
    + Tiếp nhận được nhiều các yếu tố về âm thanh, hình ảnh, mầu sắc minh họa cho thông tin đang được học
    ……
    Tôi không phải người làm công tác đào tạo, và chưa bao giờ được làm công tác này. Nhưng đứng trên phương diện người đi học đào tạo tôi thấy rằng đơn vị đào tạo nào làm được càng nhiều các yếu tố trên thì người tham gia đào tạo sẽ khá hào hứng (không quan trọng nội dung đào tạo là gì). Còn nếu ít hơn hoặc tệ hại là không có, chỉ áp dụng mô hình đào tạo thuần thúy thì đừng đừng nói tại sao nó không hiểu quả vì con người là một sinh vật có hồn, có cảm xúc, có tâm trạng chứ không phải một cái máy ghi âm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *