Tình huống QTNS: khi học viên không hài lòng…

Chiều qua, tôi gặp một tình huống hay về QTNS. Và tôi là 1 phần trong tình huống đó. Là một người tư vấn về QTNS, chuyên viết các bài tình huống mà không lưu lại ký ức lại thì quả lấy làm tiếc. Mọi người nghĩ sao khi:
- Nhân viên của mình giao tiếp, nói năng, hạnh họe và như ban ơn cho khách hàng?
- Đồng nghiệp không hề hỗ trợ gì về công việc khi mình có bệnh phải vắng mặt?
Nếu bị 1 trong 2 đã thấy buồn. Bị cả 2 thì còn buồn hơn. Viện sau đai học trường KTQD HN bị cả 2. Thật đáng buồn. Có lẽ đó là 1 trong các lý do mà vì sao KTQD giờ phải tuyển sinh cao học 2 đợt để cho đủ chỉ tiêu.

Việc như thế này: Tôi học cao học Quản trị Nhân lực ở trường Kinh tế Quốc Dân. Do vừa học vừa làm nên tôi học khóa diễn ra cả ngày thứ 7 và chủ nhật. Lớp này còn được gọi là cử nhân thực hành. Vì không phải cán bộ lớp, không có việc gì phải lên khoa nên tôi ít biết thông tin. Thời gian đi nhanh, thoắt cái đã qua 2 năm. Còn tôi đã bảo vệ xong, giờ chỉ còn nộp quyển. Số tôi cũng hơi đen khi rơi vào lớp với đội ngũ cán bộ tạm gọi là “khá lởm”, anh em thì li tán chỉ nghĩ cho xong việc của mình.

Do không nắm được thông tin, lớp trưởng chỉ làm cho có nên tôi nghe phong phanh rằng hạn nộp quyển là 28/12. Sở dĩ tôi nói vậy vì có thấy bức ảnh chụp thông báo của lớp khác về hạn 28, còn lớp mình thì không thấy thông báo nào. Cuối năm công việc bận, tôi lại tham việc nên song song làm 4 công ty (tư vấn) do đó mãi đến 24 tôi mới thu xếp lên viện sau đào tạo lấy 1 số văn bản phục vụ cho việc đóng quyển (bản nhận xét, phản biện của hội đồng bảo vệ luận văn). Mọi việc phát sinh ở thời điểm này.

15h30 (tức 3h30) tôi bắt đầu lên trường. 20 phút sau, tôi ở văn phòng Viện sau đại học. Khi bước vào tôi không thấy cô chủ nhiệm của tôi (cô Ngân) đâu, liền hỏi cô bên cạnh với thái độ nhẹ nhàng và bình thường:
- Thưa cô! Cô cho em hỏi cô Ngân có ở đây không ạ?
Cô ngồi bên cạnh (cô béo nhất của phòng, ngồi gần cửa sổ, bên trong):
+ Cô ý đi khám bênh rồi. Tuần sau em đến!
- Tuần sau ạ? Nhưng em thấy bảo hạn nộp quyển luận văn là 28. Liệu tuần sau có được không cô?
+ Tôi không biết!
Tôi suy nghĩ nhanh: “phải tìm hiểu thông tin đã” rồi trả lời:
- Vâng. Em cám ơn cô. Để em gọi cho cô Ngân.

Trao đổi xong, tôi nhìn quay một lượt, rồi nhìn tổng thể chỗ cô Ngân đang ngồi xem có thông tin hay thông báo, tài liệu mang tên mình không? Trên bàn, tôi thấy có 2 quyển luận văn của 2 bạn cùng lớp. Trong phòng có một số học viên lớp khác đang chụp bản nhận xét của họ. Tôi ra ngoài, gọi điện cho bạn cùng lớp hỏi thông tin nhưng cũng không có thêm gì. Tôi gọi trực tiếp cho cô chủ nhiệm nhưng không được (nhấc máy). Liền sau đó, tôi nhắn tin cho cô.

Rồi tôi vào lại văn phòng sau đại học, ngồi nhìn mọi người (học viên) và chờ xem có phản hồi của cô Ngân không? 16h30 (4h30) trôi qua, tôi phải đi làm trong khi không có thông tin gì. Tôi suy nghĩ: Lạ thật, chỗ này có nhân viên nghỉ mà không bàn giao cũng không ai hỗ trợ. Giờ về, mai quay lại thì mất công và chưa chắc đã được việc. Chờ đến tuần sau thì hạn nộp có khi hết. Tôi cần làm gì đó. Nghĩ xong, tôi bước gần bàn cô Ngân và hỏi cô bên cạnh:
- Thưa cô! Em có liên hệ với cô Ngân nhưng không thấy trở lời. Em muốn liên hệ nhờ trợ giúp, không biết em nên hỏi ở đâu ạ?
Cô bên cạnh sẵng giọng, hạnh họe:
+ Tôi không biết! Tuần sau em đến.
- Nhưng 28 là hết hạn. Hôm nay mới thứ 2, tuần sau thì sang tháng rồi ạ!
+ Đó không phải việc của tôi. Cậu thế nào thì đó là việc của cậu. Sao cậu không đến từ tuần trước? (Sẵng dọng hơn, bất cần, mặc kệ).
Trong đầu tôi: Cái gì! 28 hết hạn, 24 đến là trước 4 ngày. Ai biết được thông tin mà đến trước. Tôi bắt đầu cáu và nghĩ đến cái tương lai quá hạn. Và tôi cáu, giơ tay chỉ vào cô:
- Thưa cô, với tất cả sự tôn trọng. Cô đừng nói vậy. Thà cô đừng nói gì còn hơn.
+ Em cút ra khỏi phòng tôi!
Hình như cô đang nghĩ ai cũng là các bạn sinh viên non nớt, nói gì nghe nấy. Ai cũng phải quỵ lụy cô thì phải? Cô đang nhầm. Trường kinh tế quốc dân giờ tự chủ về kinh tế. Học viên cao học không phải ai cũng non nớt. Tôi cũng đã đi làm hơn chục năm, vai vế không bằng ai nhưng cũng có chút tự tin về việc đóng góp cho xã hội. Tôi đi học không phải ăn xin. Học phí đóng cho trường giờ đã khoảng 50 triệu. Tôi hoàn toàn tuân thủ mọi quy định của khóa học. Còn cô giáo vụ đang hạnh họe thì cũng chỉ là một nhân viên quản lý lớp bình thường. Ngoài kia, tôi thấy nhiều người làm việc này.
- Cô lấy quyền gì đuổi em ra khỏi phòng? (Tôi quyết ăn thua đủ).

Thấy việc căng, một cô giáo vụ khác chạy ra giúp đỡ tôi. Việc cũng xong, tôi đã đạt được mục đích của mình: photo giấy tờ tôi cần. Nhưng cái tôi mất là tôi đã bức xúc – điều mà tôi cố tránh bao năm. Tôi thực không muốn mình cáu, bức xúc. Ngẫm sâu hơn với góc độ học thuật, khi một công ty có:
- Nhân viên của mình giao tiếp, nói năng, hạnh họe và như ban ơn cho khách hàng?
- Đồng nghiệp không hề hỗ trợ gì về công việc khi mình có bệnh phải vắng mặt?
Có lẽ công ty đó đang có vấn đề. Liệu nguyên nhân ẩn sâu trong tình huống này là gì?

1. Với bệnh: “Nhân viên của mình giao tiếp, nói năng, hạnh họe và như ban ơn cho khách hàng”, chúng ta sẽ giải quyết thế nào? Nếu với góc nhìn kinh doanh, có lẽ nhân viên của Viện dường như không hề có văn hóa phục vụ khách. Hay sâu hơn thì quan điểm về kinh doanh của Viện không hướng tới khách hàng. Khách hàng – học viên – giống như con cá. Khi đã mắc câu (đăng ký học) thì đã nằm trên thớt, họ muốn làm gì thì làm. Họ nghĩ cá dưới nước nhiều vô kể nên không cần phải quan tâm, cứ câu được con nào là thịt con ý.

Góc nhìn về Quản trị nhân sự, dường như những nhân viên kiều này ăn lương hành chính. Hàng tháng cứ cầm cả cục mang về không cần biết thế nào miễn sao đúng kế hoạch lãnh đạo đặt ra là được. Tôi gặp kha khá căn bệnh kiểu này. Trả lương theo thời gian làm việc dẫn tới hệ quả vô cùng khủng khiếp đó là công ty cuối năm lỗ vốn nhưng nhân viên thì cứ đòi tăng lương. Sáng nay tôi vừa đến tư vấn cho một công ty như vậy. Cuối năm tổng kết công ty lỗ hơn 500 triệu. Tôi đưa ra hướng: tái cơ cấu, cắt giảm tất cả những bộ phận chây ì, chỉ giữ lại bộ phận lõi tạo ra lợi nhuận. Để tránh tình trạng vậy, tốt nhất nên gắn lương đến công việc và khách hàng.

2. Với bệnh: “Đồng nghiệp không hề hỗ trợ gì về công việc khi mình có bệnh phải vắng mặt”, đây là một trong những bệnh ăn theo của căn bệnh trên. Lương không gắn với công việc thì tôi làm nhiều làm gì? Giúp đỡ người khác có làm tôi hơn được cái gì đâu. Nhân viên vẫn là nhân viên mà thôi. Ẩn sâu trong vấn đề này là tình trạng “bằng mặt nhưng không bằng lòng” của các nhân viên với nhau.

Tại sao nhân viên lại không giúp đỡ nhau khi có người vắng mặt? Tình trạng này thể hiện rõ ràng rằng hệ thống QTNS của Viện đang có vấn đề. Nhân viên không thỏa mãn (hài lòng) với tổ chức. Bài toán “bằng mặt nhưng không bằng lòng” sẽ khó giải nếu như quản lý trực tiếp (Viện trưởng) không thực hiện chức năng Quản trị Nhân sự của mình.

Thật buồn. Tôi đang tính học tiến sỹ ở KTQD. Nhưng sau việc này, tôi sẽ cân nhắc lại.

Up cho cả nhà biết mô tả công việc của 1 giáo vụ là như nào:

- Triển khai thực hiện kế hoạch phân bổ, điều động giáo viên hàng năm, hàng tháng cho các trung tâm EQi Schools hoặc theo phân công của cấp trên
- Triển khai việc đánh giá chất lượng ứng viên vị trí giáo viên trong quá trình tuyển dụng, Đánh giá giáo viên trong quá trình giảng dạy
- Quản lý học viên và giáo viên tại các địa điểm đào tạo theo hợp đồng dịch vụ đào tạo đã ký với công ty; kiểm tra Follow up, theo dõi và tổng kết giờ dạy của giáo viên.
- Quản lý học viên tại các điểm liên kết: danh sách học viên; thông tin học viên; bài kiểm tra trình độ đầu vào; các bài kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ; tình trạng từng học viên trong lớp; số khóa học; lịch sử lớp học...
- Thực hiện các nhiệm vụ về tuyển dụng giáo viên theo phân công của cấp trên
- Là đầu mối tổng hợp các ý kiến về giáo viên từ khách hàng, đối tác, các bộ phận khác trong công ty theo phân công của quản lý cấp trên
- Thực hiện các công việc khác theo phân công của Trưởng phòng Đào tạo–Quản lý giáo viên

Nguyễn Hùng Cường
HRM consultant at Blognhansu.net

One thought on “Tình huống QTNS: khi học viên không hài lòng…

  1. Một câu chuyên buồn mang tên tư duy về cách làm việc!
    Nếu thay đổi công việc gắn với kết quả liệu tư duy này có thể thay đổi hay nhân viên sẽ nghỉ dẫn đến khủng hoảng nhân sự, hoặc vẫn làm mà kết quả vẫn không có gì thay đổi Anh nhỉ?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *