Mấy năm gần đây, đánh giá tính cách thông qua các công cụ như MBTI, DISC dường như là một trào lưu. Và tôi tự nhận là một trong những người phổ biến trào lưu đó. Dưới đây là một số bài tôi đã viết:
- Kỹ thuật phỏng vấn …. ( https://goo.gl/zUQ15d )
- Tại sao nhân sự lại cần dùng DISC ? ( https://goo.gl/TEFxKG )
- Các mẫu người thường thấy của nhà tuyển dụng khi phỏng vấn ( https://goo.gl/b5YZ7N )
- 10 công cụ dùng trong phỏng vấn … ( https://goo.gl/jbVXwI )
Trong bài Các mẫu người thường thấy của của nhà tuyển dụng khi phỏng vấn, tôi có liệt kê ra một mẫu: Mẫu người thích dùng công cụ: là những người hở ra 1 tí là dùng bài test, đánh giá như DISC, MBTI … Nhiều khi tôi nghe đến phát chán. Họ mới gặp rồi đã phán anh này có tính cách này, chị kia thuộc nhóm nó. Tôi không dám phán như vậy. Vì tôi hiểu, mỗi người ở mỗi thời điểm, mỗi môi trường sẽ có một kiểu hành xử, tính cách riêng. Tôi hay khuyên tất cả mọi người nên lưu ý rằng khi dùng các trắc nghiệm tâm lý cần chú ý rằng trắc nghiệm đó chỉ đúng ở thời điểm họ đang kiểm tra. Và không chắc tương lai, khi làm lại trắc nghiệm, kết quả lại giống như lần cũ. Trắc nghiệm tâm lý còn có một tác dụng phụ rất xấu là gây ám thị cho người làm. Ám thị tốt thì không sao nhưng ám thị xấu thì rất khổ. Ví dụ bạn chắc nghiệm ra tương lai mình sẽ không hạnh phúc, có thể bạn sẽ thế thật vì bạn nghĩ vậy.
Tôi đã từng đi họp với các thầy cô phòng đào tạo của trường Đại học Nhân văn Hà Nội về việc ứng dụng trắc nghiệm tâm lý trong giảng dạy sinh viên và định hướng nghề nghiệp cho các em. Một thầy giáo xuất thân từ ngành Tâm lý đã phản đối cho đến khi có đến khi có đầy đủ các nghiên cứu khoa học ở Việt Nam. Từ sau buổi họp đó, tôi không rõ là trường có áp dụng vào không nhưng tôi đồng ý với thầy giáo phản biện.
Với tôi, công cụ nên biết nên dùng nhưng lạm dụng đến độ trở thành một mẫu người như trên thì đúng là quá dở. Liệu MBTI có đáng tin tưởng như chúng ta xúc cơm đổ vào mồm ? Hôm qua tôi đọc được 1 bài của anh Ngô Minh Uy và tôi nghĩ mọi người nên đọc qua nó.
Về tính khoa học của công cụ đo lường tính cách MBTI
Từ năm 2003 tôi là người đã được biết đến MBTI và đã dịch sang tiếng Việt bảng tự đánh giá này và dùng cho một số chương trình đào tạo về nhân sự của các công ty, và cũng dùng bản này để đánh giá tính cách nhân sự của một số công ty. Nhưng dần dà tôi nhận thấy có cái gì đó sai sai, ở chỗ mình cứ dùng nhưng chẳng thấy có cơ sở gì hết, và cũng nghe tin có công ty to mua từ Mỹ công cụ rồi về VN tự dịch ra và đánh giá hằng trăm nhân sự và kết quả là toàn công ty có 2-3 loại/ kiểu tính cách. Tốn tiền rất nhiều nhưng đầy lo lắng vì không hiểu sao công ty mình người ngợm sao mà nó có 2-3 loại.
Năm 2005, tôi cùng vài anh em nữa đã dùng bản đó và đánh giá các em học sinh chuẩn bị thi đại học tại Cần Thơ trong chương trình tư vấn mùa thi. Gian hàng của chúng tôi (lúc đó tôi là trưởng phòng đào tạo của một trường du lịch) lúc đó thu hút học sinh kinh hoàng là nhờ cái trắc nghiệm đó. Nhưng khi về lại Saigon tôi thấy nó không ổn, nếu mình đưa ra lời tư vấn em thuộc dạng này và phù hợp với nghề này nghề kia. Cuối cùng tôi đã “im” luôn, không gởi kết quả đến các em học sinh như đã hứa. Cái này là một cái dở của bản thân khi ngày đó đã không cố để gởi cho các em một thư mà không nói em nên theo ngành gì.
Sau này tôi vẫn dùng cho đào tạo theo dạng: Giới thiệu với các anh chị một dạng công cụ đo lường tính cách con người theo hướng phân loại, và bản này chỉ để giới thiệu mà thôi. Và tôi đã nhận thấy có khá nhiều chỉ dẫn về việc thiếu chứng cứ khoa học của MBTI. Từ đó tôi không dùng nữa.
Cũng theo khuynh hướng đó, hiện tại dường như tất cả các kiểu (không chỉ trong ngành tâm lý) có khuynh hướng phân loại con người thành các kiểu đều bị đặt câu hỏi và có vẻ nó đúng là không được đầy đủ chứng cứ khoa học. Theo hướng đó, rất có thể cái đề xuất của Jung ngay từ đầu đã thiếu cơ sở khoa học, nhưng được chấp nhận vì ông ấy là một trong những nhà tâm lý học khai phá. Tôi nghĩ khi đặt vấn đề về lý thuyết của Jung không phải là bác bỏ Jung nhưng chính đó là tinh thần khoa học. Chính Jung cũng là người đã rẽ hướng khác và chống lại Freud khi cho rằng Freud không có khoa học khi thúc đẩy phân tâm học đó còn gì. (Aristoteles đã từng nói “Thầy đã quý. Nhưng chân lý còn quý hơn”)
Lại nữa, các kiểu phân loại và đặt con người vào trong các nhãn dán bệnh lý như ICD hoặc DSM cũng đã được các nhà tâm thần học đặt lại câu hỏi, và NIMH đã có chính sách chuẩn bị cho một bản loại khác dùng để chẩn đoán bệnh lý mà không phải theo kiểu cách gắn nhãn bệnh lý khi tiếp một bệnh nhân. Cái này mấy anh em bên Y khoa chắc rõ hơn. Tôi đồng ý với hướng đó, vì bệnh lý về tâm thần của con người khó mà có thể chốt lại là A hay B hay X hay Y, vì nó luôn có những tác động thay đổi hằng giờ hằng ngày. Cũng khuynh hướng đó nên tôi thấy nhiều anh chị em làm tâm lý có biết chút ít về ICD hoặc DSM thì rất hay đưa ra chẩn đoán cho bệnh nhân, dù bản thân họ cũng chưa hiểu thấu đáo những chẩn đoán đó có nghĩa là gì. Kiểu như đi ăn tiệc rồi có người bên cạnh biết mình làm tâm lý xong họ kể một lô những thông tin về người nhà và hỏi không biết nó bị gì. Thế là anh chàng cô nàng tâm lý nói luôn như anh chị kể thì tôi nghĩ là bị trầm cảm/ lo âu/ tâm thần phân liệt/ tự kỷ/ tăng động… rồi.
Quay lại vấn đề MBTI, tôi giới thiệu dưới đây những kết luận của tác giả David J. Pittenger được đăng trên tạp chí Career Planning & Placement. TS. David J. Pittenger là Phó giáo sư và là Trưởng khoa tâm lý của trường Marietta Hoa Kỳ.
1. Công cụ này không nên dùng trong tham vấn kế hoạch nghề nghiệp (career planning counseling). Các nghiên cứu hiện tại cho thấy không có chứng cứ cho tính hữu ích của nó. “Kiểu loại (Type) có thể đơn giản là một ví dụ cho việc rập khuôn”.
2. MBTI đặc con người vào trong 16 hộp (16 kiểu người), và đó chỉ cho thấy đó là nỗ lực biến cái sự phức tạp về nhân cách của con người thành cái gì đó giả tạo và giới hạn. Điều này làm giảm đi sự chú ý về tính duy nhất và tiềm năng của từng người cá nhân.
3. MBTI trở nên phổ biến nổi trội vì một lý do không liên quan đến độ tin cậy và độ giá trị của nó (validity and reliability)
4. Các nhà xuất bản đã làm rất tốt việc quảng cáo và mô tả các kiểu tính cách nghe như ai cũng có thể chấp nhận được những mô tả cho từng kiểu. Chẳng hạn bạn nghe rằng “bàn là người sáng tạo và là người giải quyết vấn đề giỏi, bạn sẽ tin ngay mô tả đó, dù thật sự chẳng hiểu mình có đúng là như thế không”. Cái này gọi là hiệu ứng Barnum (Barnum Effect) – Khuynh hướng chấp nhận một thông tin nào đó là đúng, là sự thật, bất kể nó có thật sự đúng hay không.
5. Bởi vì những mô tả rất đơn giản của MBTI nó sẽ khiến nhiều người dể dàng dùng sai cho những chuyện liên quan đến con người. Chẳng hạn có những ông giám đốc tin rằng kiểu này thì chỉ phù hợp với loại công việc này. Hoặc người nhân viên sẽ nói tôi là người kiểu này nên tôi không làm được chuyện này chuyện kia.
Bài ở đây: indiana.edu/~jobtalk/Articles/develop/mbti.pdf
Ngoài ra, có những thứ cần phải đặt câu hỏi, mà tôi tin là có người đã trả lời hoặc sẽ tìm cách trả lời có khoa học, nhưng các tổ chức xuất bản và quảng bá MBTI đã đang chiến thắng trong cuộc chiến này theo hướng thương mại chứ không liên quan đến khoa học. Những câu hỏi đó bao gồm:
- Ngoài MBTI ra còn có các công cụ khác cũng có vẻ giống như vậy như Jungian, Keirsey Personality Test (Có cuốn sách Please Understand Me I và II bản tiếng Việt xuất bản được một thời gian cũng nhiều năm rồi)… Vậy những cái test này giống và khác nhau như thế nào
- Thật sự lý thuyết gốc của Jung có vẻ không được dùng chính xác bởi Myers-Briggs? Vậy nó là gì và tại sao lại như vậy
- Tại Việt Nam có thể cho làm bản tự đánh giá (self-scored) như bên TGM nhưng cái mô tả trên website thì được dịch từ nguồn không phải của MBTI. Vậy có đáng tin không?
- Khi đào tạo, MBTI có hai dạng: một là người quản lý (administrator) và hai là người diễn giải (interpreter) nhưng có vẻ người ở VN bị nhầm lẫn, tức lấy cái administrator và quảng cáo làm cho các bạn VN hiểu thành interpreter. Vậy có đáng tin không?
Ngày nay, các nhà tâm lý học hoặc những ai đang dùng các công cụ được gọi là liên quan đến tâm lý học cần chú ý đến tính hữu ích được chứng minh bởi các nghiên cứu khoa học và thật sự có lợi trong thực tế khi áp dụng, chứ không phải chỉ chú trọng đến tính dễ dàng nhận diện một vào con người trong tổ chức.
Đọc thêm bài này để biết rõ hơn: teamtechnology.co.uk/myers-briggs-criticisms.html
Saigon, 15/09/2016
Ngô Minh Uy
Xí mê, đây là phần tôi đã viết thêm dưới comment nhưng nghĩ thôi bỏ luôn lên đây luôn.
Nói thêm chút: Các anh chị, nhất là những ai đang theo ngành tâm lý học cần lưu ý:
1. Đã là Tâm lý học thì nó là KHOA HỌC. Mà khoa học thì cần chứng cứ, không thể nói tôi thấy nó hợp lý và nó là khoa học được. Dù có những thứ là khoa học nhưng nếu không có chứng cứ thì được xem là không khoa học. Vậy nên nếu ai vẫn cứ tin là khoa học thì tự đi làm nghiên cứu hoặc thuê người khác làm nghiên cứu để có thể đưa ra chứng cứ.
2. MBTI được hai tác giả khai sinh không phải là dân khoa học tâm lý, và dựa trên lý thuyết của Jung. Nhưng cần biết: Trong khi Jung cho rằng kiểu của mỗi người chỉ là tham khảo để biết điều chỉnh bản thân và kiểu tính cách có thể thay đổi qua thời gian còn hai mẹ con bà này thì lại cho rằng kiểu của MBTI là chắc chắn và cố định không thay đổi. Điểm này cho thấy họ không thật sự theo lý thuyết của Jung. (Cái này có đề cập trong đường dẫn thứ 2 trong bài viết ở trên)
3. Ngay cả lý thuyết của Jung cũng đã và đang được đặt dấu hỏi. Vì thời đó không có các công cụ kiểm chứng tính khoa học như bây giờ, nên rất có thể lý thuyết đó đúng với thời điểm lịch sử đó nhưng không đúng với bây giờ nữa.
Tạm tạm vậy. Bạn nào thấy có chứng cứ về độ tin cậy và độ giá trị của MBTI thì cần nhớ rằng nó đã được xây dựng không khoa học ngay từ đầu.
Nguồn: facebook.com/notes/uy-ngo/về-tính-khoa-học-của-công-cụ-đo-lường-tính-cách-mbti/1773314606241719
Dear anh Cường
Bài này rất đúng ý D, cám ơn đã chia sẻ
bài hay