Báo cáo kết quả kinh doanh đáng thất vọng của hàng loạt doanh nghiệp và nỗi lo suy thoái kinh tế Mỹ báo hiệu công thức sa thải lao động của Mark Zuckerberg sẽ được lặp lại với quy mô lớn hơn.
Gần đây, thông tin hàng nghìn công nhân thuộc công đoàn Samsung Electronics tại Hàn Quốc đã quay lại làm việc sau 25 ngày đình công đã thu hút được sự chú ý của giới truyền thông. Điều đáng nói ở đây là công nhân không giành được bất kỳ sự nhượng bộ nào từ Samsung, bất kể là tăng lương hay gia tăng thêm quyền lợi.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Samsung Electronics đang bị chỉ trích vì các sản phẩm của hãng trông giống bản sao của Apple mà chẳng có đột phá, khiến đích thân Chủ tịch Lee Jae Yong nổi giận, phải yêu cầu bộ phận thiết kế xem xét lại các kế hoạch.
Tờ Business Insider (BI) cho rằng với tình hình kinh tế ngày càng khó khăn hiện nay thì người lao động đã không còn quyền lực như trước và các ông chủ mới là bên có tiếng nói.
Trong khi Hy Lạp đã thông qua luật cho phép một số ngành nghề thực hiện chế độ tăng ca giờ làm, qua đó doanh nghiệp có thể tăng giờ làm chính thức thêm 2 tiếng mỗi ngày hoặc 8 tiếng thay ca, thì ở Hàn Quốc, tập đoàn nổi tiếng Samsung cũng đã yêu cầu nhân viên đi làm cuối tuần để thúc đẩy năng suất.
Như một hệ quả tất yếu, việc công đoàn của Samsung Electronics phải quay lại làm việc sau 25 ngày đình công vô ích là một kết quả đã được dự đoán từ trước.
Không dừng lại ở đó, tờ BI và hãng tin CNBC còn nhận định báo cáo kinh doanh ảm đạm của hàng loạt tập đoàn cùng nỗi lo suy thoái kinh tế tại Mỹ sẽ kích thích một làn sóng sa thải mới của doanh nghiệp nhằm đảm bảo sự hài lòng của cổ đông, tương tự như những gì Mark Zuckerberg đã làm với Meta.
Intel đi đầu
Mới đây, Intel thông báo sa thải 15.000 lao động vì chậm chân trong mảng trí thông minh nhân tạo (AI) trước các đối thủ. Thêm nữa cuộc chạy đua công nghệ Mỹ-Trung cũng khiến thị trường Trung Quốc, vốn chiếm 27% doanh số năm 2023 của công ty chịu ảnh hưởng.
Tuy nhiên theo BI, đây chỉ là phát súng đầu tiên cho làn sóng sa thải hàng loạt sắp diễn ra trên toàn cầu khi các CEO tích cực cắt giảm chi phí để làm đẹp báo cáo tài chính trước cổ đông sau khoảng thời gian kinh doanh khó khăn.
Minh chứng rõ ràng nhất là báo cáo thị trường việc làm ở Mỹ thấp hơn so với kỳ vọng, qua đó cho thấy doanh nghiệp đang có dấu hiệu sẵn sàng cắt giảm nhân lực.
Nền kinh tế số 1 thế giới chỉ tạo ra 114.000 việc làm trong tháng 7, thấp hơn nhiều so với mức bình quân 215.000 việc làm suốt 12 tháng qua. Trong khi đó tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 4,3%, cao nhất kể từ năm 2021.
Điều này khiến nhà đầu tư lo ngại FED đang hạ lãi suất quá muộn có thể khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
"Báo cáo thị trường lao động Mỹ đã dọa sợ thị trường chứng khoán, làm trầm trọng thêm lo ngại nền kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc nhanh hơn", bản phân tích của ngân hàng Nhật Bản Nomura ghi rõ.
Đồng quan điểm, giáo sư Peter Cappelli của trường đại học University of Pennsylvania's Wharton School cho rằng bên cạnh lý do sa thải lao động nhằm cắt giảm chi phí, động thái này còn được sử dụng như một biện pháp cảnh cáo, kéo nhân viên trở lại công ty làm việc trước xu thế muốn làm việc từ xa hiện nay của nhiều người.
Theo giáo sư Cappelli, người lao động tại những thị trường phát triển đã gia tăng đáng kể quyền lực hậu đại dịch nhờ đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như tình trạng thiếu nhân công trầm trọng. Tuy nhiên khi kinh tế dần khó khăn, tình hình bắt đầu đổi chiều.
"Người lao động chưa bao giờ thực sự có tiếng nói vĩnh viễn trên thị trường đâu", ông Cappelli nhận định.
Tệ hơn, câu chuyện của Intel và Samsung có thể chỉ là điểm khởi đầu cho một làn sóng sa thải quy mô hơn trước.
Ví dụ như Starbucks đã báo cáo lượng khách hàng đến chuỗi cà phê này giảm mạnh, khiến doanh số sụt giảm lần đầu tiên kể từ năm 2020. Thậm chí doanh số các cửa hàng của Starbucks tại Trung Quốc còn giảm mạnh đến 14% trong quý II/2024, cao hơn nhiều so với mức giảm 2% tại Mỹ.
"Niềm tin người tiêu dùng tại Trung Quốc đang khá yếu", CEO Christopher Kempczinski của McDonald’s đồng cảm khi doanh số của hãng cũng giảm tại Trung Quốc nhưng không tiết lộ con số cụ thể.
"Các bạn đang chứng kiến ngành thức ăn nhanh và nhiều mảng tiêu dùng khác đang phải đối mặt với khó khăn. Thực tế là chúng tôi đang chứng kiến sự thay đổi thói quen tiêu dùng khi mọi người chỉ quan tâm đến mặt kinh tế của các sản phẩm", CEO Kempczinski bổ sung khi báo cáo doanh số toàn cầu của chuỗi đồ ăn nhanh này giảm 1,3% trong quý II/2024 so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, hãng Apple cho biết doanh số của họ tại Trung Quốc, thị trường chủ chốt sau Mỹ, giảm 6,5% trong quý II. Thương hiệu Johnson&Johnson thì cho biết kinh doanh của hãng tại quốc gia 1,4 tỷ dân đang khó khăn và có kết quả dưới mức kỳ vọng.
Giám đốc tài chính Kofi Bruce của General Mills thì cho biết niềm tin của người tiêu dùng đang yếu và doanh số của hãng tại thị trường Trung Quốc đã giảm với tỷ lệ 2 con số trong quý vừa qua.
"Chúng tôi không còn kỳ vọng mức tăng trưởng 2 chữ số như thời trước đại dịch Covid-19 nữa", giám đốc tài chính Andre Schulten của P&G than thở.
Đồng cảnh ngộ, thương hiệu khách sạn Marriott International cũng hạ mức tăng trưởng doanh thu bình quân mỗi phòng nghỉ (RevPAR) trong năm nay xuống 4% do các thị trường như Mỹ, Canada hay Trung Quốc đại lục đều có nhu cầu yếu.
Một cái tên đình đám khác nữa là Coca Cola cũng chung cảnh ngộ khi doanh thu ròng từ hoạt động kinh doanh tại thị trường Châu Á Thái Bình Dương đã giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái xuống chỉ còn 1,51 tỷ USD trong quý II/2024.
Công thức của Mark Zuckerberg
Theo BI, tình hình kinh doanh khó khăn sẽ khiến nhiều doanh nghiệp học theo công thức của mark Zuckerberg tại Meta, đó là sa thải lao động để chiều lòng cổ đông.
Suy cho cùng, bài học Meta của Mark Zuckerberg tăng trưởng 200% giá cổ phiếu trong năm 2023 khi đuổi việc 20.000 lao động đã cho thấy các công ty sẽ được lợi gì khi chiều lòng cổ đông.
Năm 2023, tổng vốn hóa thị trường của Meta đã lên hơn 1 nghìn tỷ USD, khiến tổng tài sản nhà sáng lập Mark Zuckerberg vượt 142 tỷ USD.
Thành công của Facebook khi cắt giảm nhân sự năm 2023 đã kéo theo hàng loạt công ty như Google, Microsoft hay Tesla học tập. Hơn 250.000 lao động công nghệ đã bị đuổi việc trong năm ngoái trong sự tung hô của nhà đầu tư với các CEO.
"Mark Zuckerberg cuối cùng cũng là một doanh nhân tư bản chính hiệu", báo cáo của hãng phân tích MoffettNathanson khen ngợi.
Trước tình hình đó, năm 2024 được dự đoán sẽ là một năm khó khăn nữa của người lao động.
*Nguồn: BI, Fortune
Băng Băng Theo An ninh Tiền tệ