Bài viết dưới đây khà phù hợp với quan điểm của tôi. Nhưng sau một thời gian khởi nghiệp, điều hành công ty, tôi bị thực tế vả cho sấp mặt. Không thể kiếm được ở Việt Nam một bạn mới ra trường mà có thể làm được việc. Được việc tức là chỉ cần nói 1 ít, hướng dẫn 1 ít thôi, chủ yếu là hướng dẫn về văn hóa là làm triển khai được công việc. Mặc dù tới thời điểm này vẫn giữ quan điểm "Công ty là để làm việc, để làm ra tiền không phải nơi đào tạo" nhưng tôi vẫn dành thời gian đào tạo. Vì thị trường nó vậy. Có đào tạo thì công việc triển khai mới tốt hơn chứ ít bạn có thể tự ngộ và tự nâng cấp bản thân.
Xin mời cả nhà đọc bài
Nguyễn Hùng Cường (kinhcan24)
***
Tôi thấy ở Việt Nam, sinh viên ra trường xong là mong đợi đi làm để được … học tiếp, nên apply vào đâu mà được dắt tay chỉ việc, được training, được các sếp thông cảm chúng em còn trẻ người non dạ thì là tốt nhất. Còn nơi nào mà không thế, mà vào làm một cái đã bị vào việc ngay, rồi làm không được bị chỉnh tí, hay chưa dạy dỗ gì đã bắt làm này làm nọ là thế nào cũng bị mang lên Threads bóc trần sự thật rằng công ty này thật tệ.
Ở Canada (tôi cứ ví dụ Canada thôi vì tôi đâu biết nước khác thế nào), khi đã được nhận vào làm là bạn phải biết làm việc rồi. Vì bạn phải đóng tiền để trường dạy bạn làm nghề chứ công ty không có dạy vì không phải là cái trường.
Công ty là để làm việc, để làm ra tiền.
Bạn phải làm được việc công ty mới trả lương cho bạn vì bạn mang lại lợi ích cho công ty. Bạn phải thuyết phục được nhà tuyển dụng rằng bạn là người làm được việc. Trong thời gian thử việc bạn phải tự làm được việc nếu không muốn bị out. Công ty trả tiền cho bạn chứ không phải bạn đóng tiền để được đi học, được dạy dỗ.
Đường đời của bạn bắt đầu từ đây. Bạn là người lái nó chứ không ai lái giùm bạn nữa. Xã hội họ công bằng mà. Việc bạn chọn trường nào, trường gì, học gì là việc của bạn. Nhưng đã được nhận vào làm là chỉ để làm.
Nhưng sao ở Việt Nam tôi thấy việc này nó lại sai sai sao ấy.
Tôi thấy các công ty khi tuyển fresh thường là luôn chuẩn bị tư tưởng chấp nhận các bạn “không biết gì”. Các bạn senior thì phải có trách nhiệm nặng nề train, dạy dỗ kèm cặp để các bạn nhỏ, mới, được lớn lên, được trưởng thành. Thậm chí ngày trước tôi còn cho hẳn việc training nhân viên thành nghĩa vụ của các bạn senior và việc này được cho vào trong đánh giá performance của các bạn ở các tầng trên.
Tất nhiên nó cũng còn do hệ thống giáo dục nữa. Âu cũng là tình hình chung ở Việt Nam. Cho nên việc đi làm mà không biết làm gì này mới xảy ra ở nước ta thôi. Tại anh tại ả tại cả đôi bên. Nó có điểm yếu, nhưng chính vì thế tôi lại thấy đây là một đặc ân mà chỉ ở Việt Nam các bạn mới có được. Chuyện này không có ở mấy nước phát triển. Tất nhiên cũng sẽ có người cấp trên hướng dẫn, nhưng chỉ là hướng dẫn qui trình, quy định cho quen, và thỉnh thoảng có training cập nhật các kiến thức mới chứ không ai dạy nghề cho bạn ở đây cả.
Nhưng ở Việt Nam, các bạn mới đi làm trong một năm đầu rõ ràng là được hướng dẫn, dạy nghề rất nhiều. Các bạn mới đi làm cần hiểu rằng sự thật là, đi làm để làm chứ không phải đi làm để đi học, nhưng mới vào làm khoảng 1 năm đầu là các bạn không thể tự làm được, luôn phải có người hướng dẫn kèm cặp dạy dỗ để các bạn thành nghề. Nhưng lại rất ít người trân trọng việc đó. Khi phỏng vấn thì rất khó để được nhận vào, nhưng vào làm một cái là lên Threads nói xấu công ty ngay vì nghĩ là mình xứng đáng hưởng nhiều lợi ích hơn nhiều. Trong khi thật sự vẫn là đang học nghề được nhận lương!
Thậm chí tôi đọc thấy “Công ty kia nhận tao làm intern mà trả tao trợ cấp thấp quá có nên làm không chúng mày?”. Xong quá trời bạn vào trả lời : “Thôi đi, thôi ngay đừng làm”. “ Làm truyền thông QC cực lắm trả cao hãy làm, mấy công ty đó toàn bóc lột intern”. Mới là intern (thực tập sinh) thôi, là được học nghề, là được dạy dỗ thêm, là ngáo ngơ có thể làm hư làm hỏng vì chưa rành nghề, mà đã như vậy rồi á ? Vậy intern là gì? là để thực tập, để học cách làm việc hay để làm gì mà tư tưởng các bạn lạ vậy?
Các bạn cũng có cho đi, nhưng cái nhận lại là nhiều lắm vào thời gian này.
Nên là,
Bớt lệch lạc nha các bạn.
Nguồn: Mai Hien Nguyen