Cuối năm vợt được cái thuật ngữ về lương được cải biên cho đúng tính chất hệ tâm linh.
- Lương thân: là lương nuôi thân.
- Lương tâm: lương theo cái tâm. Làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít.
- Lương tuệ: lương trí tuệ. Cuối năm lấy 1 phần từ lợi nhuận.
Thích nhất phần lương tâm. Nhiều người cái này để gà mổ mất. Mở mang đầu óc quá. Tự dưng tội lại nghĩ đến một số đơn vị đào tạo về quản trị có gắn thêm yếu tố tâm linh vào. Bạn có biết đó là đơn vị nào không?
Sở dĩ tôi nói là vợt vì tình cờ đọc được thông qua câu hỏi của bạn Tina trong Group kế toán trưởng: "Nhóm mình có bạn nào làm công ty có tính lương theo thân tâm tuệ không cho mình xin ít thông tin với ạ"
Nếu đọc kỹ, hẳn bạn sẽ thấy lương 3T này không khác gì lương 3P.
Cấu trúc lương 3P như sau: Thu nhập = lương theo vị trí công việc P1 + lương theo năng lực làm việc P2 + thưởng hiệu quả công việc P3
Trong đó:
- Lương theo vị trí công việc P1 là lương được trả theo điểm giá trị công việc trong tổ chức.
- Lương theo năng lực P2 chính là mức lương tương ứng với mức độ lành nghề ở vị trí đang làm.
- Lương cơ bản = lương P1 + lương P2. Lương cơ bản phải ngang bằng lương thị trường (ở mức chấp nhận được của lao động, lớn hơn lương tối thiểu và ít nhất là đủ sống).
- Thưởng hiệu quả công việc P3 là các loại thưởng cho người lao động. Thưởng P3 = thưởng hoàn thành công việc + thưởng hoa hồng + thưởng khác.
Như vậy:
- Lương thân = lương cơ bản = lương P1 + lương P2.
- Lương tâm = thưởng hiệu quả công công việc + thưởng hoa hồng.
- Lương tuệ = thưởng khác (thưởng thêm khi công ty vượt kì vọng).
Ở góc nhìn ngược lại:
- Lương P1 + P2 = lương thân
- Thưởng P3 = lương tâm + lương tuệ
Nếu bạn chưa biết lương 3P là gì thì có thể sẽ thấy lương 3T kia giống như cách trả lương hỗn hợp như phổ biến các công ty đang làm.
Cấu trúc lương hỗn hợp = lương cứng + lương mềm
- Lương cứng là khoản trả cố định hàng tháng. Lương này có thể gọi là lương cơ bản sao cho đủ sống và chấp nhận được. Lương cứng có thể được coi là lương thân.
- Lương mềm là các khoản thưởng, không được trả cố định hàng tháng. Các khoản thưởng bao gồm nhưng không giới hạn: thưởng hoàn thành công việc, thưởng kpi, thưởng lợi nhuận... Lương mềm giông giống lương tâm + lương tuệ.
Tóm lại, giống như tôi nói ở trên lương 3T chỉ là một thuật ngữ cải biên.
Khi đã hiệu được thế nào là lương Thân Tâm Tuệ rồi thì cách tính cũng đơn giản. Chúng ta chỉ cần mở quy chế lương ra rồi dò theo đó là được. Tôi thấy mỗi công ty sẽ có một số chỗ khác biệt nhỏ nhưng về tổng thể cấu trúc sẽ giống như ở trên.
Trong trường hợp nếu chưa có quy chế lương rõ ràng, chúng ta sẽ nương theo những gì ở trên và bắt đầu tiến hành xây dựng (viết) ra quy chế tính lương cho công ty. Cách làm lương 3P khá tương tự như lương hỗn hợp mặc dù có chút phức tạp hơn ở chỗ P1 và P2. Trong một bài viết tôi không thể viết chi tiết hết được (dự kiến là phải cả một quyển sách dày tầm 700 - 1000 trang). Cho nên, xin gửi bạn mục lục các bài viết dưới đây để bạn lần theo:
- Cách xây dựng thang bảng lương hợp lý đối với doanh nghiệp nhỏ? (cách xây dựng chính sách lương 3P nhanh) | http://blognhansu.net.vn/?p=22409
- Các bước xây dựng hệ thống lương 3P |
- Các phương án triển khai xây dựng Hệ thống lương 3P | https://blognhansu.net.vn/2022/01/20/cac-phuong-an-trien-khai-xay-dung-he-thong-luong-3p/
Update 18/3/2024: Thế nào hôm nay tôi đọc lại dòng trạng thái ngày xưa trên FB thì thấy hoá ra bản thân đã từng đề cập đến lương tâm tuệ.
Stt này từ 2020:
Vừa nhận được tài liệu thấy có thuật ngữ "lương thâm niên". Thế mới thấy việc của mình còn nhiều. Vẫn có những tổ chức đào tạo và chia sẻ về việc người lao động ở tổ chức lâu năm thì sẽ trở thành "ma cũ" và họ cần có "lương thâm niên". Công ty nào mà học theo cái này thì ắt sẽ bị bệnh: "ma cũ bắt nạt ma mới", "sống lâu lên lão làng", "không cần làm nhiều chỉ cần ở lâu là lương sẽ cao". Từ đó tổ chức ngày càng trì trệ mà không hiểu tại sao.
Đề xuất: bỏ lương thâm niên. Tất cả những gì được gọi là trung thành sẽ được tri ân bằng một cái ôm covi ngày thành lập công ty.
#taitaonhansu
Lời bình cho stt: Trên là đề xuất của tôi về việc bỏ thâm niên. Nhưng đó chỉ là quan điểm của bản thân. Nếu tổ chức vẫn muốn thì đưa vào cũng không sao. Vì mỗi phương án đều có ưu nhược điểm. Ưu điểm của lương thâm niên là giữ chân được người lao động.
Nguyễn Hùng Cường (kinhcan24)