Văn hóa doanh nghiệp là yếu tố vô hình nhưng đóng vai trò quan trọng giúp doanh nghiệp tạo nên sự khác biệt trong hoạt động kinh doanh và tuyển dụng. Vậy văn hóa doanh nghiệp là gì và các yếu tố cấu thành nên nền văn hóa riêng biệt là gì? Cùng Blognhansu tìm hiểu nhé!
Văn hóa doanh nghiệp là gì?
Văn hóa doanh nghiệp là những giá trị cốt lõi, hành vi, niềm tin, thái độ được chia sẻ, đặc trưng cho các thành viên và ban lãnh đạo trong cách hoạt động hay thực hiện các nhiệm vụ kinh doanh. Thực ra, văn hóa doanh nghiệp bắt nguồn từ các mục tiêu, chiến lược, cấu trúc và cách tiếp cận của tổ chức đối với nhân viên, khách hàng và đối tác.
Đối thủ cạnh tranh có thể sao chép những điểm nổi bật của doanh nghiệp như sản phẩm, chiến lược, hệ thống. Nhưng có một thứ họ không thể, đó chính là văn hóa doanh nghiệp. Đây được coi là lợi thế cạnh tranh, mang tới sự phát triển bền vững cho một tổ chức.
Văn hóa doanh nghiệp được phản ánh trong những quy định như phúc lợi nhân viên, quyết định tuyển dụng, trang phục, … và nhiều khía cạnh khác.
5 yếu tố cấu thành văn hóa doanh nghiệp
Mỗi nền văn hóa sẽ có những nét độc đáo, riêng biệt. Và việc tích hợp những yếu tố cấu thành văn hóa doanh nghiệp tạo nên văn hóa doanh nghiệp khác biệt và bền vững.
1. Tầm nhìn
Một nền văn hóa xuất sắc luôn bắt đầu từ tầm nhìn đa nhiệm. Từ đó, doanh nghiệp có thể bao quát những mục tiêu xa hơn để vẽ ra lộ trình rõ ràng hơn để tiến tới thành công. Tuyên bố tầm nhìn nghe có vẻ đơn giản nhưng đó lại là yếu tố nền tảng của văn hóa doanh nghiệp.
2. Giá trị cốt lõi
Giá trị cốt lõi của doanh nghiệp chính là thước đo, tiêu chuẩn để căn chỉnh những hành vi, quan điểm nhằm đạt được tầm nhìn. Nhiều doanh nghiệp nhận ra giá trị của họ thông qua nhân viên, khách hàng hay thị trường. Vì vậy, nó góp phần tạo ra một nền văn hóa doanh nghiệp tuyệt vời.
3. Con người
Ai sẽ là người đưa ra tầm nhìn hay chia sẻ những giá trị cốt lõi? Nhân sự nào trong doanh nghiệp đủ khả năng để thực hiện giá trị? Điều đó giúp ta nhận ra rằng, con người chính là nhân tố quan trọng trong việc xây dựng nền văn hóa tích cực trong doanh nghiệp.
4. Sức mạnh của câu chuyện
Những bài học thông qua câu chuyện là sức mạnh vô hình giúp mỗi cá nhân trong doanh nghiệp hiểu và tiếp bước những thành tựu đó. Điều này giúp tạo nên văn hóa doanh nghiệp. Có thể nói đến câu chuyện thú vị của Steve Jobs, ông đã góp phần đưa Apple thành công như ngày nay.
5. Môi trường làm việc mở
Môi trường làm việc năng động, chuyên nghiệp cho phép mọi người thoải mái sáng tạo và thực hiện những ý tưởng “điên rồ”, độc đáo ngày càng trở nên phổ biến tại các doanh nghiệp hiện nay.
Đặc biệt là khi thế hệ gen Z đã và đang tham gia vào lực lượng lao động, họ có những kỳ vọng và mong muốn cao hơn. Vì vậy, việc xây dựng môi trường làm việc hiệu quả sẽ tạo nên nền văn hóa tích cực và thành công.
Vai trò của văn hóa doanh nghiệp
Theo một nghiên cứu của Deloitte, có đến 94% CEO và 88% nhân viên tin rằng văn hóa mang tính quyết định đối với thành công của doanh nghiệp, công ty. Trên thực tế, văn hóa thực sự tác động mạnh mẽ tới nhiều khía cạnh khác nhau của một tổ chức.
1. Tạo chất riêng cho doanh nghiệp (tổ chức)
Văn hóa của mỗi doanh nghiệp là khác nhau và điều này không thể bắt chước. Do đó, văn hóa tạo ra chất riêng cho doanh nghiệp, đó chính là tài sản di truyền, giữ gìn bản sắc của doanh nghiệp qua nhiều thế hệ thành viên. Như vậy mới mang lại khả năng phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, văn hóa doanh nghiệp giúp truyền tải những giá trị, ý thức, phong cách của tổ chức tới toàn thể nhân viên. Hướng tới cam kết vì mục tiêu, lợi ích của tổ chức tạo nên sự ổn định và lành mạnh trong doanh nghiệp.
Đây cũng là nền tảng để quản lý tổ chức, bằng cách đưa ra những chuẩn mực, đạo đức để hướng các thành viên biết mình nên nói gì và làm gì. Điều này giống như cách khẳng định lại mục tiêu chung của doanh nghiệp.
2. Thu hút và giữ chân người tài
Văn hóa doanh nghiệp không thể hình thành sau 1-2 ngày mà là một quá trình mang tính bền vững. Và văn hóa này ảnh hưởng sâu sắc tới quá trình tuyển dụng nhân sự của doanh nghiệp, giúp thu hút và giữ chân nhân tài gắn bó lâu dài với tổ chức.
Nhân viên mong muốn một môi trường làm việc mà ở đó tất cả mọi người đều đồng lòng, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau và luôn đặt lợi ích của tổ chức lên hàng đầu. Khi họ làm việc trong một môi trường với nền văn hóa tích cực, vững mạnh và phù hợp thì sẽ tạo nên động lực to lớn để cống hiến hết mình cho tổ chức.
3. Tạo nên sự chuyên nghiệp
Dễ dàng nhận ra văn hóa doanh nghiệp là yếu tố quyết định trong việc tạo ra một môi trường làm việc chuyên nghiệp. Khi tất cả nhân viên cảm thấy hài lòng với công việc và doanh nghiệp thì ai cũng sẽ dựa vào đó để tuân thủ và thực hiện. Điều này tạo ra tiếng nói chung cho tất cả mọi người.
4. Cơ sở để kiểm soát nhân viên (người lao động)
Văn hóa doanh nghiệp là cơ sở để tất cả thành viên trong tổ chức noi theo và thực hiện, cho dù đó là những nhà lãnh đạo cấp cao, CEO hay Chủ tịch.
Vì vậy, văn hóa doanh nghiệp lành mạnh và dung hòa được tất cả mọi người trong tổ chức sẽ hạn chế tối đa xung đột, căng thẳng đồng thời tạo ra sự gắn kết giữa các bộ phận/phòng ban trong công ty. Khi nhân viên có xu hướng tạo ra xung đột thì văn hóa chính là cơ sở để có thể thống nhất, hàn gắn và gắn kết với nhau hơn.
5. Gia tăng danh tiếng thương hiệu
Văn hóa doanh nghiệp tích cực sẽ bao gồm cả những giá trị đạo đức. Khi có đạo đức kinh doanh, doanh nghiệp sẽ cung cấp các sản phẩm/dịch vụ chất lượng và tập trung vào những tiêu chuẩn cao nhất.
Từ đó, tạo ra một môi trường làm việc lý tưởng cho nhân viên, tạo ra các sản phẩm tốt cho người tiêu dùng. Điều này giúp nâng cao danh tiếng thương hiệu trên thị trường, đảm bảo tăng trưởng thị phần và doanh thu cho công ty.
Lời kết,
Một doanh nghiệp có thể thất bại về chiếc lược nhưng nếu còn văn hóa doanh nghiệp thì vẫn còn cơ hội để đứng dậy. Vậy nên, văn hóa doanh nghiệp chính là lợi thế cạnh tranh hàng đầu, mang lại thành công bền vững cho doanh nghiệp đó.