Mô hình công ty mẹ – con có những loại nào?

Lâu lâu tôi lại gặp một câu hỏi hay và khó nhằn. Những câu hỏi này, tôi hay gọi chúng là món ngon không phải ai cũng được ăn. Ngon là vì nó phải ở mức độ nào đó mới được tiếp cận. Ngoài ra còn vì câu hỏi dường như rất lý thuyết. Mời cả nhà cùng đọc câu hỏi:

"Em chào các anh/chị
Sếp em có một số công ty cổ phần và vài công ty, đơn vị liên kết. Giờ sếp em muốn đi lên mô hình Tập đoàn (có các khối, công ty mẹ và các công ty con), giao em nghiên cứu, tìm hiểu các văn bản, quy trình, quy định để thực hiện.
Các anh chị có tài liệu, văn bản nào có thể cho em xin hoặc hướng dẫn cho em được không ạ.
Em xin cảm ơn
"

Không biết anh chị có câu trả lời? Tôi hay thường được hỏi tương tự như thế này khi đến tư vấn cho các doanh nghiệp lớn tầm cỡ 500 tỷ về quy mô doanh thu trở lên. Nếu không giải được câu hỏi, CEO sẽ đau đầu kinh niên. Rồi sau đó họ sẽ loay hoay chuyển đổi. Lúc thì doanh nghiệp hợp nhất, lúc thì doanh nghiệp chia tách.

Tự nhiên trong đầu tôi nhớ đến tập đoàn FPT dưới thời nguyên tổng giám đốc Trường Đình Anh. Hồi đó, anh CEO đã đưa ra một chiến lược là OneFPT - hợp nhất các công ty con của FPT thành một thể thống nhất. Tôi có theo dõi FPT ở giai đoạn này. Chắc những ai cùng lứa với tôi và có thói quen theo dõi tin tức các tập đoàn lớn sẽ biết đến OneFPT. Sau đọc thêm quyển FPT bí lục của anh Nam nên tôi càng nhớ hơn tình huống. Tôi đoán, lúc đó, khi mới lên nắm quyền FPT, anh Đình Anh thây FPT đang lỏng lẻo, các công ty con mỗi người một phách từ đó kéo hiệu suất làm việc xuống dưới kì vọng. Do đó anh CEO ra chiến lược OneFPT. Trong các chiến thuật, tôi vẫn nhớ có chiến thuật hợp nhất các bộ phận chức năng của các công ty con thành 1 thể thống nhất và sẽ kiểm soát, cung cấp dịch vụ cho các công ty con. Sau rồi chiến lược cũng thất bại do sự phản đối của các công ty con thành viên.

Kể chuyện OneFPT, ý tôi muốn nói rằng: Khi xác định mô hình vận hành công ty mẹ - con, chúng ta có 2 mô hình tương ứng với 2 loại chiến lược vận hành:
- Chiến lược vận hành phụ thuộc (cooperate): Là chiến lược các công ty con được tổ chức như là một phòng ban của công ty mẹ. Công ty mẹ sẽ có các ban vận hành chỉ đạo cũng như tác nghiệp trực tiếp chuyên môn tại các công ty con. Áp dụng chiến lược này sẽ tạo ra sự thống nhất giữa công ty con và công ty mẹ về hoạt động kinh doanh và cùng chung văn hóa. Tuy nhiên nó sẽ tạo ra sự cồng kềnh về mặt tổ chức.
- Chiến lược vận hành độc lập (holding): Là chiến lược các công ty con được tổ chức như là một công ty có đủ các phòng ban hỗ trợ cũng như trực tiếp. Các công ty gần như độc lập hoạt động và rất ít phụ thuộc vào các công ty mẹ. Công ty mẹ chỉ quản lý vốn, công nghệ và lãnh đạo đối với các công ty con. Chiến lược này sẽ làm giảm gánh nặng quản lý cho các ban trong công ty mẹ. Các ban công ty mẹ sẽ được tổ chức như là đơn vị tư vấn cho các công ty và không tác động nhiều đến quá trình ra quyết định của họ. Và nếu theo chiến lược àny, các công ty con cũng có thể khác văn hóa với nhau.

Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về mô hình holding, hãy đọc bài này: Mô hình vận hành công ty như thế nào?

Từ định nghĩa và ưu nhược điểm ở trên, chúng ta tiếp tục cùng tìm hiểu về việc xác định xem dấu hiệu nào để lựa chọn 1 trong 2 chiến lược. Do mỗi một mô hình hay chiến lược đều có điểm mạnh, điểm yếu do đó, chúng ta cần căn cứ vào các yếu tố sau để cân nhắc:
1. Chiến lược thương hiệu cho dòng sản phẩm hoặc chi nhánh (công ty con):
- Nếu chiến lược thương hiệu là Bảo trợ --> Mô hình vận hành giống kiểu cooperate và các công ty cùng chung văn hóa
- Ngược lại nếu là Độc lập --> Mô hình vận hành giống kiểu holdings và mỗi công ty có thể khác văn hóa với nhau.

2. Quy mô về doanh thu và người vận hành trong chu kỳ chiến lược của dòng sản phẩm hoặc chi nhánh:
- Quy mô lớn --> Chiến lược vận hành độc lập (Holding)
- Quy mô nhỏ --> Chiến lược vận hành phụ thuộc (Cooperate)

3. Năng lực quản trị của HO:
- Năng lực Mạnh --> Phụ thuộc
- Năng lực Yếu --> Độc lập

4. Năng lực quản trị của Chi nhánh hoặc dòng sản phẩm:
- Năng lực Mạnh --> Độc lập
- Năng lực Yếu --> Phụ thuộc

5. Chế độ kế toán:
- Hạch toán Độc lập --> Nên chọn vận hành độc lập (Holding)
- Hạc toán Phụ thuộc --> Nên chọn vận hành phụ thuộc (Cooperate)

Trong trường hợp nếu bạn hỏi tôi thế nào là lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu thì quả hơi khó. Nhưng chúng ta có thể thấy dấu hiệu:
- Về năng lực mạnh hay yếu: Nếu trên HO thấy mọi thứ rối, đau đầu thì khả năng năng lực quản trị của HO đang yếu. Nếu dưới chi nhánh xử lý mọi thứ ổn thỏa, chủ động và luôn muốn xin nhiều khoảng trống quyền hạn để hoạt động thì có thể tạm coi như năng lực quản trị của chi nhánh mạnh.
- Về quy mô lớn hay nhỏ: Vấn đề này cũng khó nói vì nhiều khi tôi thấy một công ty nhỏ có mấy người đã có thể vận hành độc lập, và có những nhà máy quy mô mấy trăm người vẫn phải phụ thuộc. Nhưng nếu vẫn phải phân định thì tôi tạm lấy mốc:
+ Quy mô nhân sự: Số người lớn hơn 20 là Lớn và nhỏ hơn 20 là Nhỏ.
+ Quy mô doanh thu hoặc sản xuất: Doanh thu hoặc giá trị sản lượng lớn hơn 10 tỷ là lớn và nhỏ hơn 10 tỷ là Nhỏ.
Tôi chưa có con số cụ thể nên chúng ta cứ tạm lấy mấy mốc đó ha.

Lưu ý: Việc lựa chọn chiến lược hay mô hình vận hành do ý chí chủ quan của ban lãnh đạo và đặc điểm của tổ chức quyết định phần lớn. Các yếu tố trên chỉ làm tham khảo hoặc gợi ý. Tôi đã thấy có tổ chức, mọi yếu tố được phân tích đều nghiêng về hướng Vận hành độc lập. Nhưng trên thực tế thì ban lãnh đạo tập đoàn đã lựa chọn hướng Vận hành phụ thuộc. Ví dụ như tập đoàn FPT ở trên. Tôi thấy có nhiều công ty con mang họ FPT nhưng họ vận hành một cách độc lập với đầy đủ ban bệ. Việc công ty con mang họ FPT chủ yếu là để tận dụng uy tín thương hiệu công ty mẹ.

Sau khi xác định được chiến lược vận hành rồi thì công việc tiếp theo sẽ đến là: Xây dựng hệ thống Quản trị cho phù hợp với chiến lược. Cụ thể ở đây, chúng ta lựa chọn và xây dựng cơ cấu tổ chức cho phù hợp. Cơ cấu tổ chức là cấu trúc sắp xếp các bộ phận, hoạt động của doanh nghiệp để đạt được mục tiêu chiến lược. Cơ cấu tổ chức thường có 3 mô hình:
- Thống nhất 1 chỉ huy: Cấp dưới chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên trực tiếp.
- Đa chỉ huy: 1 nhân viên có thể sẽ có nhiều quản lý.
- Hỗn hợp: Có chỗ sẽ thống nhất chỉ huy, có chỗ sẽ đa chỉ huy.

Như tôi thấy, mô hình vận hành là Độc lập, đa phần các công ty mẹ sẽ lựa chọn cơ cấu tổ chức là thống nhất chỉ huy đối với công ty con. Nhưng mô hình vận hành phụ thuộc, công ty mẹ sẽ chọn cơ cấu đa chỉ huy với các công ty con.

Có được định hướng cơ cấu tổ chức, công việc tiếp theo, chúng ta đi vào xử lý bài toán: "Công ty mẹ giám sát quản trị nhân sự công ty con như thế nào?". Thân mời anh chị cùng đọc.

Nguyễn Hùng Cường (kinhcan24)
Tư vấn xây dựng hệ thống QTNS bài bản

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *