Khám phá 4 khía cạnh trong Thẻ điểm cân bằng (BSC)

Thẻ điểm cân bằng (BSC) là công cụ quản trị được các nhà lãnh đạo áp dụng để cụ thể hóa và thực hiện ước mơ của mình. Vậy BSC là gì và cấu trúc của BSC là như thế nào. Cùng Blognhansu tìm hiểu trong bài viết này nhé!

1. BSC (Balanced Scorecard) là gì?

BSC (Balanced Scorecard) hay Thẻ điểm cân bằng/Bảng điểm cân bằng là hệ thống giúp doanh nghiệp cụ thể hóa mục tiêu, chiến lược của mình. Có thể hiểu, BSC vừa là một hệ thống quản lý, vừa là một hệ thống đo lường và là một công cụ trao đổi thông tin.

Ban đầu, thẻ điểm cân bằng (BSC) chỉ có mục đích là cân bằng các chỉ số tài chính với định hướng giá trị trong tương lai của doanh nghiệp, công ty. Giờ đây, BSC là nơi cung cấp thông tin nhanh chóng về tiến trình thực thi các mục tiêu cụ thể.

Hơn thế, BSC là bộ khung xương, là nền tảng để giúp đánh giá hiệu suất của tổ chức. Nó giúp doanh nghiệp quản trị chiến lược và đưa ra những giải pháp xử lý nhanh chóng, kịp thời.

2. Tìm hiểu 4 thước đo trong Thẻ điểm cân bằng (BSC)

Mô hình Thẻ điểm cân bằng (BSC) được hình thành bởi 4 yếu tố. Đây là 4 thước đo hiệu quả, năng suất hoạt động của doanh nghiệp. Bốn yếu tố này có sự liên kết và mối quan hệ hỗ trợ, tác động lẫn nhau.

2.1 Thước đo khách hàng (Customer)

Khách hàng là “nguồn sống”, là nhân tố ảnh hưởng đến sự sống còn của một doanh nghiệp. Tại sao vậy? Bởi họ là người sẽ tạo nên doanh thu cả hiện tại và trong tương lai. Đáp ứng nhu cầu, làm khách hàng thỏa mãn và lòng trung thành của họ chính là thành công của doanh nghiệp.

Thẻ điểm cân bằng (BSC) trong khía cạnh này dùng để đo lường thông qua việc giám sát mức độ thỏa mãn, hài lòng của khách hàng. Cụ thể: kiểm tra xem liệu các hoạt động có đáp ứng nhu cầu của khách hàng đòi hỏi hay không?, số lượng khách hàng mới là bao nhiêu, mức độ hứng thú của họ với sản phẩm như thế nào?, …

2.2 Thước đo tài chính (Financial)

Với thước đo tài chính, thẻ điểm cân bằng (BSC) giúp doanh nghiệp đo lường, kiểm tra các kết quả về mặt tài chính. Tài chính bao gồm lợi nhuận, tăng trưởng, vốn, nợ, dòng tiền hoạt động, hệ số vòng quay hàng tồn kho, …

Bên cạnh đó, thước đo này còn có các chi phí cố định, chi phí khấu hao, doanh thu, tốc độ tăng trưởng doanh thu, … Tài chính là nhân tố dễ dàng nhất để đánh giá hiệu quả của chiến lược và là mảnh ghép quan trọng trong công cụ BSC.

2.3 Thước đo quá trình nội bộ (Internal Business Processes)

Nếu khách hàng được xem như nguồn máu nuôi dưỡng thì nội bộ chính là trái tim của tổ chức. Một doanh nghiệp, công ty hoạt động được trơn tru phải nhờ vào quá trình làm việc, vận hành của nhân viên. Thước đo quá trình nội bộ dựa trên thẻ điểm cân bằng (BSC) giúp doanh nghiệp tự đánh giá, rà soát và rút ra bài học.

Hiểu đơn giản, thước đo này giúp đo lường chỉ số trong quá trình trọng tâm ở trong doanh nghiệp. Chẳng hạn hiệu suất, tỷ lệ sai sót, thời gian chu trình, … Ngoài ra, khía cạnh quá trình nội bộ còn bao gồm năng lực hoạt động, thời gian phản hồi đơn hàng, thay đổi kỹ thuật, …

2.4 Thước đo học tập và phát triển (Learning & Growth)

Đây là cách thức doanh nghiệp hướng dẫn, đào tạo nhân viên như giáo dục kiến thức, chương trình mới cho nhân viên, tạo kỹ năng mới, …

Thước đo học tập và phát triển còn là cách doanh nghiệp sử dụng các tri thức của nhân viên để đạt được hiệu quả tốt như mong muốn. Khía cạnh này là lợi thế để cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trên thị trường. Thước đo dựa trên thẻ điểm cân bằng (BSC) chính là nền tảng quyết định sự phát triển của doanh nghiệp.

3. Lợi ích của Thẻ điểm cân bằng (BSC)

BSC tạo nên một “bức tranh” liên kết và hài hòa trong doanh nghiệp. BSC kết nối sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, lĩnh vực trọng tâm với chỉ số đo lường.

3.1 BSC lập kế hoạch chiến lược hoàn chỉnh và chi tiết

Thẻ điểm cân bằng (BSC) là nền tảng để tạo ra một chiến lược. Đồng thời, BSC thể hiện được các mối gắn kết và quan hệ giữa các yếu tố với nhau. Đó là khách hàng, tài chính, quá trình nội bộ và học tập, phát triển. 4 yếu tố này tạo ra một bản kế hoạch, chiến lược cụ thể và hoàn chỉnh.

3.2 BSC gắn kết các dự án với nhau

Vai trò của BSC là đảm bảo cả hệ thống đi đúng hướng. Doanh nghiệp xác định được mục tiêu chung, từ đó đặt ra các chiến lược. Các dự án dễ dàng liên kết và tương hỗ lẫn nhau trong quá trình thực hiện.

3.3 BSC đẩy mạnh truyền thông trong doanh nghiệp

Khi doanh nghiệp đã có chiến lược và mục tiêu, việc triển khai truyền thông trở nên dễ dàng hơn. Thứ nhất, thẻ điểm cân bằng (BSC) giúp nhân viên hiểu rõ kế hoạch. Và thứ hai, BSC còn giúp đối tác nắm được chiến lược cơ bản, việc hợp tác vì thế mà bền vững, trơn tru.

3.4 BSC cải thiện hiệu suất báo cáo

Bạn biết không, BSC là đề cương giúp báo cáo chi tiết và nhanh gọn. Những nội dung trọng tâm đã được khái quát trong BSC.

Thẻ điểm cân bằng (BSC) là công cụ để doanh nghiệp nắm bắt tình hình, kết quả đạt được, sự cố phát sinh. Các nhà quản lý có thể đánh giá, kiểm tra được các hoạt động đang diễn ra và hiệu quả như thế nào. Từ đó, doanh nghiệp có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng và cải thiện hoạt động kinh doanh.

Lời kết,

Trên đây là 4 khía cạnh quan trọng của thẻ điểm cân bằng (BSC) mà bạn nên nhớ. Hiểu rõ về BSC là gì, lợi ích của BSC là điều cần thiết trong mỗi doanh nghiệp hiện nay.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *