Nhân sự là gì? “HR = Tuyển dụng”? – Sự thật thú vị xoay quanh nghề nhân sự

Người ta thường nói rằng: “Nghề nhân sự không thực sự dành cho những người hiền lành”. Quan điểm này gây nhiều tranh cãi và có nhiều ý kiến khác nhau. Vậy cùng Blognhansu tìm hiểu nhân sự là gì và có phải nhân sự chỉ đơn thuần nhằm mục đích tuyển dụng?

1. Nhân sự là gì? Thực chất nghề nhân sự (HR)

Theo Investopedia, “Human Resources (HR) is the division of a business that is charged with finding, screening, recruiting, training job applicants, and administering employee-benefit programs”.

Vậy nên, nhân sự (Human Resources - HR) là một bộ phận của doanh nghiệp, chuyên phụ trách tìm kiếm, sàng lọc, tuyển dụng ứng viên, đào tạo và quản lý các chương trình phúc lợi cho nhân viên.

Phòng Nhân sự trong tổ chức/doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng, là đầu mối giúp doanh nghiệp ứng phó với những thay đổi nhanh chóng trong môi trường kinh doanh hiện đại. Đồng thời, đáp ứng sự gia tăng nhu cầu tuyển dụng nhân sự chất lượng của thế kỷ 21.

Một ví dụ dễ thấy về vai trò của quản trị nhân sự là khi người làm nhân sự tìm được đúng người cho đúng việc vào đúng thời điểm (right person for right job at right time) thì doanh nghiệp/tổ chức và người lao động đều có lợi.

2. “Cha đẻ” của khái niệm nhân sự

Người đã tìm ra khái niệm nhân sự đó là John R. Commons - chuyên gia kinh tế học thể chế (institutional economist) của Hoa Kỳ. Lần đầu tiên, John R. Commons đề cập đến thuật ngữ “nguồn nhân lực” (human resource) trong tác phẩm “The Distribution of Wealth” (xuất bản năm 1893).

Tuy vậy, phải đến thế kỷ 19, bộ phận Nhân sự mới thực sự phát triển với nhiệm vụ giải quyết những bất hòa giữa người sử dụng lao động và người lao động.

3. Vai trò và ý nghĩa của bộ phận Nhân sự trong tổ chức/doanh nghiệp

3.1 Bộ phận Nhân sự gồm những vai trò như thế nào?

Có thể nói, hoạt động quản lý nguồn nhân lực bao gồm những mảng khác nhau. Vậy nên, các vai trò trong phòng nhân sự nhìn chung khá đa dạng. Một số vai trò phổ biến trong tổ chức nhân sự như:
+ Giám đốc nhân sự (HR manager)
+ Chuyên gia phát triển đào tạo (Training development specialist)
+ Chuyên viên nhân sự tổng hợp (Human resource generalist)
+ Chuyên viên tuyển dụng (Recruiter)
+ Chuyên viên phân tích nhân sự (Personnel analyst)
+ …

3.2 Ý nghĩa của công tác quản lý nhân sự trong doanh nghiệp

Quản lý nhân sự (Human resource management) sẽ đưa ra các phương pháp tiếp cận chiến lược và toàn diện - nhằm mục tiêu quản lý con người, môi trường làm việc và văn hóa.

Vai trò của những chuyên gia nhân sự là đảm bảo cho nhân viên nhận được sự hỗ trợ thích đáng từ các chính sách, chương trình và quy trình doanh nghiệp. Bên cạnh đó, họ cũng chịu trách nhiệm thúc đẩy một môi trường làm việc tích cực, tạo sự gắn kết giữa người sử dụng lao động và người lao động.

4. Nghề nhân sự là làm gì? Làm HR chỉ là tuyển dụng?

Phụ thuộc vào vị trí, kinh nghiệm mà người làm nhân sự sẽ được phân công công việc khác nhau. Chúng ta có thể khái quát mô tả công việc nhân sự sẽ phải thực hiện dưới đây.

4.1 Nhóm công việc tuyển dụng

Tuyển dụng là quá trình thu hút; sàng lọc và lựa chọn ứng viên phù hợp cho vị trí công việc cần tuyển trong doanh nghiệp. Thành công của hoạt động tuyển dụng được đánh giá bởi số lượng vị trí trống được lấp đầy hay thời gian cần thiết để tuyển dụng. Có thể nói, đây là hoạt động chính giúp củng cố lực lượng lao động của tổ chức.

Công việc của nhân viên tuyển dụng trong phòng nhân sự như:

+ Lập kế hoạch, triển khai công tác tuyển dụng đáp ứng nhu cầu phát triển của tổ chức/doanh nghiệp.

+ Đăng thông tin tuyển dụng trên các kênh phù hợp và cung cấp đầy đủ thông tin cho ứng viên, tiếp cận với ứng viên tiềm năng.

+ Sàng lọc CV và xếp lịch phỏng vấn cho ứng viên.

4.2 Nhóm công việc hành chính

Bộ phận hành chính nhân sự quản lý những trải nghiệm tổng thể của nhân viên. Nhân viên làm việc với các nhà quản lý để giải quyết các vấn đề của họ; xem xét đánh giá hiệu suất; thực thi các chính sách – quy trình của công ty; giám sát sự phát triển của tổ chức và điều tra nội bộ khi cần.

Mô tả công việc của nhân viên hành chính trong phòng nhân sự bao gồm:

+ Quản lý hợp đồng lao động của nhân viên, hồ sơ nhân viên, định biên nhân sự.
+ Hướng dẫn nhân viên mới về hợp đồng lao động; làm rõ về mức lương, chính sách phúc lợi của công ty.
+ Theo dõi và thực hiện các chế độ nghỉ việc hay hết hạn hợp đồng theo quy định.
+ Lập báo cáo theo định kỳ và thực hiện các công việc khác theo chỉ định của cấp trên.
+ Thực hiện chuyển phát, giao nhận văn thư, hợp đồng, hóa đơn cho công ty và các phòng ban, …

4.3 Nhóm công việc về lương thưởng và phúc lợi (C&B)

Phúc lợi là những lợi ích có thể không bằng tiền mặt, để tạo động lực làm việc và giữ chân nhân viên. Và bạn cũng biết lương thưởng là khoản tiền lương trả cho nhân viên. Nhân viên C&B trong phòng nhân sự sẽ xây dựng cấu trúc lương thưởng và đảm bảo cung cấp những lợi ích cạnh tranh để thu hút và giữ chân nhân tài.

Các công việc cụ thể như:

+ Thực hiện chấm công, quản lý việc nghỉ phép, nghỉ việc, …
+ Xây dựng bảng lương thưởng theo vị trí công việc và năng lực.
+ Xây dựng chính sách phúc lợi, đãi ngộ, khen thưởng, …
+ Xử lý những tranh chấp phát sinh trong quan hệ lao động tại nơi làm việc.

4.4 Nhóm công việc đào tạo và phát triển

Doanh nghiệp cần cung cấp cho nhân viên các công cụ cần thiết cho sự phát triển của họ. Trong đó, tổ chức cho nhân viên mới những khóa đào tạo định hướng giúp họ nắm vững nghiệp vụ cũng như hiểu rõ với văn hóa doanh nghiệp.

Ngoài ra, một số bộ phận nhân sự cũng cung cấp những buổi tập huấn kỹ năng lãnh đạo và phát triển chuyên môn. Đào tạo lãnh đạo có thể dành cho các giám sát viên; quản lý mới được tuyển dụng; …

Lời kết,

Nhân sự là gì? Mô tả về công việc nhân sự có gì? Chắc hẳn với bài viết này bạn đã hiểu hơn về nghề nhân sự rồi đúng không. Đừng quên theo dõi những chủ đề thú vị khác của Blognhansu nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *