Có lẽ trên đời, ai cũng có lúc suy nghĩ về cuộc đời. Làm Nhân sự, tôi càng có điều kiện tiếp xúc với nhiều người và mỗi người một cuộc đời khác nhau. Đôi khi tôi tự hỏi : tại sao mọi người lại khác nhau đến như vậy.
KC
Hai tư giờ để sống, hai tư giờ để yêu và cả cuộc đời để thất bại
Chúng ta cùng thi đỗ đại học.Chúng ta cùng học một lớp. Chúng ta cùng làm một nghề. Buổi sáng chúng ta cùng ăn phở (nếu có tiền!). Buổi trưa chúng ta cùng ngồi một quán cà phê gà gật. Vậy, tại sao có những người sau này ra đời rất hạnh phúc thành đạt, có người giàu sớm, có người cả đời chỉ ăn đong và than vãn đã bị đặt nhầm chỗ?
Phép chia của tám giờ vàng ngọc
“Tôi đã đi làm mười bảy năm, chuyển qua năm sáu công sở và nhảy việc gấp đôi chừng đó nghề.Rốt cuộc ba năm nay, tôi là một bà nội trợ ở Hà Nội, là một freelance thực sự còn nghiệp dư hơn cả nghiệp dư. Và mỗi ngày cố gắng lắm cũng chỉ làm việc được không quá hai tiếng đồng hồ.
Thế mà có người nói với tôi, hai tiếng đồng hồ mỗi ngày ấy, em không chỉ kiếm ra tiền nuôi được cả gia đình đùm đề, còn xây dựng được thương hiệu cá nhân, thực hiện cả chục cuốn sách một năm, và tạo những điều thú vị nhỏ cho bản thân cũng như những người không quen. Điều ấy một người làm việc tám tiếng một ngày trong giờ hành chính hầu như không phải ai cũng làm được.Thậm chí, họ làm việc tám tiếng chỉ đủ kiếm tiền sống. Còn cả đời họ lẫn vào đám đông. Cũng không mang cái gì có ý nghĩa cho ai cả”.
Tôi suy nghĩ mãi về cuộc trò chuyện đó. Hẳn nhiên, người đối diện có vẻ tán thưởng quá đà! Tôi tin bản thân tôi không hề giỏi hơn ai, có vô số người khác xuất sắc trong đời sống. Nhưng phép tính hiệu suất cho mỗi giờ làm việc trong lời khen đó có một điều cốt lõi, chính là nỗi băn khoăn suốt từ khi tôi bắt đầu nhận tháng lương đầu tiên ở báo Hoa Học Trò, ngày vừa tròn 20 tuổi: Điều gì làm nên thành công của một con người?
Chúng ta cùng thi đỗ đại học.Chúng ta cùng học một lớp.Chúng ta cùng làm một nghề. Buổi sáng chúng ta cùng ăn phở (nếu có tiền!).Buổi trưa chúng ta cùng ngồi một quán cà phê gà gật. Vậy, tại sao có những người rất hạnh phúc thành đạt, có người giàu sớm, có người cả đời chỉ ăn đong và than vãn đã bị đặt nhầm chỗ?
Tại sao có người yêu nghề và người chỉ nhăm nhe nhảy việc?
Mỗi khi có ai rủ đi đâu, làm việc gì, nhờ vả nọ kia, rủ đi học ngoại ngữ, hỏi vì sao đã lâu không thấy mặt? Câu trả lời đầu môi của chúng ta luôn là: Tớ bận lắm, dạo này tớ rất bận!
Nhưng, bận rộn không phải lý do cho mọi vấn đề. Bạn có biết, Newton, Anhxtanh hay thậm chí những họa sĩ vừa mở triển lãm, những bà mẹ hạnh phúc bên con, những người thành công hay thất bại trên đường đời, họ cũng chỉ có 24 giờ trong một ngày để sống?
Bạn làm gì vào lúc… ngoài giờ làm?
Ngoài tám giờ vàng ngọc, ai cũng được nghỉ. Bạn có biết, cuộc đời bạn thành đạt hay thất bại lại được quyết định bởi chính khoảng thời gian nghỉ ngơi, từ 8-10 giờ tối mỗi ngày không?
Hiển nhiên, làm việc và học tập vào sáng và chiều đã mang lại cho bạn bằng cấp, công việc, thu nhập, một cái tên chức danh rất kêu trên danh thiếp, thậm chí một CV cực đẹp. Còn sau giờ làm, chúng ta thường sẽ dành thời gian để… ăn!
Ăn với bố mẹ. Ăn tối với bạn bè và lê la quán xá thêm tiếng đồng hồ nữa. Ăn với người yêu, về nhà với con, đi làm rồi thì đi ăn với sếp. Có người bạn tôi thổ lộ, ban ngày anh ta có thể vắng mặt ở cơ quan, sếp họp mà không gọi anh ta cũng không cảm thấy làm sao cả. Thế nhưng nếu đi ăn buổi tối, tiếp khách tối mà sếp không gọi, anh ta cảm thấy mình mất giá trị vô cùng!
Nếu trót lên làm sếp nhỏ, những bữa giao tiếp, những cuộc gặp gỡ buổi tối càng nhiều hơn, quán bia cũng mở cửa ngày càng khuya. Có những khi tôi nghĩ, các anh đàn ông đi uống bia và tiếp khách thực chất là kéo dài ngày làm việc ra thêm một ca nữa, chứ đâu phải vui thú hay có lợi gì cho chính bản thân họ?
Thường sau ăn, chúng ta sẽ làm những việc vụn vặt! Khoảng 8-10 giờ tối sẽ được bạn lần lượt dành cho việc: Học tiếng Anh trong một vài năm, học thêm bằng cấp phụ trong vài năm, tán gái trong một vài năm, giao tiếp thù tạc trong 2-3 năm, chẳng hạn. Rồi sau đó, có thể sẽ có thú vui, hay một kênh thể thao ngốn hết những tối của chúng ta.
Tôi từng thấy, có người bị mắc chứng nghiện ti-vi.Cứ đi làm về là bật ti-vi rồi để đó, phải có tiếng ti-vi thì mới yên tâm. Mặc dù mắt không hề ngó đến ti-vi, và đến trước khi đi ngủ, hỏi hôm nay ti-vi phát cái gì, họ đã hoàn toàn quên mất. Não của họ hoàn toàn ngủ yên trong khoảng thời gian này.
Vào lúc bạn dành khoảng thời gian cá nhân 8-10 giờ tối cho những việc vụn vặt, đọc sách, yêu đương, làm những thú vui nửa vời, cuộc đời bạn sẽ là tập hợp của một chuỗi những thứ vụn vặt ấy. Bao giờ thì bạn phát hiện thấy say mê và sở trường, niềm đam mê mãnh liệt của bạn từ trong những chuỗi hoạt động vụn vặt ấy?
Hay bạn nghĩ, chỉ cần biết mỗi thứ một tí là đã đủ cho đời mình?
Tám giờ tối, bạn làm gì, sẽ quyết định bạn là ai trong đời này?
Tôi tin điều ấy!
Ít nhất, tôi tin rằng những người luôn trong tình trạng thất bại về quản lý thời gian chính là những kẻ thất bại sâu sắc nhất trong cuộc đời này.
Nếu bạn hy sinh những điều vụn vặt, và dành thời gian hai tiếng mỗi tối cho một niềm say mê, bất kỳ điều gì khiến bạn hứng thú, và trung thành với nó, chỉ sau năm mười năm, bạn sẽ biết bạn là ai trong đời sống. Đơn giản chỉ bởi, trong hai tiếng ấy bạn phát huy được năng lực lớn nhất trong lĩnh vực và công việc bạn say mê nhất.
Hãy đọc sách, sách văn học hay sách kỹ năng, thậm chí là sách lịch sử, những giờ buổi tối ấy mang lại cho bạn những của cải vô giá trong tâm hồn, trở thành bản lĩnh văn hóa của một con người trong xã hội.
Nếu bạn dịch sách, đủ để bạn trở thành một dịch giả giàu kinh nghiệmvà tâm huyết. Bạn có biết vì sao Việt Nam có rất nhiều người giỏi ngoại ngữ, hàng năm có hơn mười nghìn thạc sĩ, tiến sĩ giỏi ngoại ngữ từ nước ngoài về, nhưng dịch giả giỏi chỉ đếm trên đầu ngón tay không? Dịch giả giỏi có thương hiệu và cá tính càng hiếm hơn!
Nếu mê mô hình, mê du lịch, mê chụp ảnh, những giờ tự đào luyện buổi tối, dành riêng cho đam mê ấy sẽ khiến bạn không bao giờ nói “Tôi rất bận!” với những đam mê của mình. Nếu bạn mê tiền, điều này thật tuyệt vời, bạn biết dùng hai tiếng đó để tìm kiếm gì rồi, đúng không?
Tôi sợ hãi mỗi khi thấy ai đó nói rằng, họ dành hai tư tiếng để chuyên tâm vào điều gì đó. Cho dù đó là hai tư tiếng để yêu, để sống, để hùng hục làm việc. Bởi nếu không dừng lại để suy nghĩ, dành thời gian để đào sâu vào sở thích cá nhân, tôi e rằng, bạn chỉ có một danh thiếp đẹp mà thôi, bạn không là ai có bản sắc và có tư chất riêng trong đám đông áo nhạt nhòa đi quanh ta mỗi ngày.
Vì rõ ràng trên đời này có hai loại người quá khác xa nhau: Những người vì tiền mà làm việc, có tiền rồi mới đi làm thứ họ thích! Và những người vì làm những việc họ say mê mà ra tiền, và sự nghiệp!
Trang Hạ (Theo Cóc đọc số 46, 9/2012)
Nếu bạn đã đọc đến tận đây, tôi nghĩ bạn nên đọc thêm 2 bài viết này : ) Tôi tin nó sẽ giúp được bạn ít nhiều gì đó.
Nỗi niềm nhà tuyển dụng – Giới trẻ và những thói xấu
Nỗi khổ chung của người làm tuyển dụng khi tuyển fresher (sinh viên mới ra trường)
nhìn hình lại nhớ Bà nội quá
Em nghĩ ko phải vấn đề ở chỗ những ng lãng phí 8 h đồng hồ ấy ko biết sắp xếp thời gian, mà là vì họ nghĩ những thứ họ đang có là đủ rồi, tức là dục cầu đã ko còn thì ng ta ko cần phải phấn đấu nữa !!! Thêm cái nữa là có thể công việc đối với họ chỉ có khi là để kiếm tiền, nuôi gia đình, công việc ko phải là mục đích sống, lẽ sống của họ .
Bài viết thật hay….
http://nguonlucquocte.com
Quan trọng là sống có mục tiêu và sắp xếp thời gian hợp lý để thực hiện kế hoạch, đạt đến mục tiêu ấy/
Đọc bài này mình thấy được chữ “thấm”. Nhưng mà nếu thời gian chỉ dành để đọc sách, tìm kiếm đam mê hay nân cao kỹ năng thì đôi khi ngta lại bỏ lỡ hay mất đi nhìu thứ trong cuộc sống. Cái nào cũng có cái giá của nó. Nên mình nghĩ, nếu biết sắp xếp thời gian thì vừa có thời gian dành cho cuộc sống riêng, vừa có thời gian để trau dồi, theo đuổi đam mê.