Khi đi tư vấn và đào tạo xây dựng hệ thống QTNS, tôi luôn gặp một hiện tượng đó là có người nghe và không hiểu tôi nói gì. Hiện tượng này xảy ra nhiều đến mức mà nhiều khi tôi phải tự vấn lại bản thân là tôi có thực không biết chia sẻ không hay do giọng nói của tôi bị trầm quá, hay do chữ viết hay thứ khác. Do tự vấn nên tôi luôn tìm cách cải tiến để sao cho người nghe có thể hiểu những gì tôi nói. Nhưng tôi vẫn luôn gặp phải tình huống trên. Thế là sau khi tự vận vào thân để thay đổi, tôi tiếp tục tìm kiếm nguyên nhân đến từ bên ngoài.
Lang thang tìm hiểu tri thức từ tâm lý học cho đến sinh học, cuối cùng tôi cũng có lý do khách quan để bám víu. Một lý do hiển nhiên: Con người thường hay xử lý thông tin có lựa chọn (để lọt thông tin và bị não đánh lừa). Trong tâm lý học, chúng ta sẽ gặp các thuật ngữ như: Thiên kiến xác nhận.
Điều gì trong bộ não con người dẫn tới điều này?
I. Trong bài "Cách não ghi nhớ xử lý thông tin", tôi đã chia sẻ các bước xử lý thông tin của não như sau:
1. Quá trình xử lý thông tin:
- Thông tin được thu thập qua các cơ quan.
- Các thông tin này được truyền tới trung ương thần kinh.
- Trung ương thần kinh sẽ đưa ra quyết định hành vi dựa vào việc truy xuất thông tin tương tự.
- Song song với truy xuất, các thông tin này được chunking rồi mã hoá. “Chunking” là “quá trình tâm trí phân chia các phần thông tin lớn thành các đơn vị nhỏ hơn (khối) để dễ lưu giữ hơn trong trí nhớ ngắn hạn…
- Thông tin được mã hoá sẽ được trung ương thần kinh lựa chọn để lưu vào bộ nhớ ngắn hạn hoặc dài hạn.
2. Trí nhớ ngắn hạn (Short term Memories): Bộ nhớ ngắn hạn là nơi thông tin được cất giữ tạm thời trong khi được xử lý. Nó còn được gọi là bộ nhớ công tác hay bộ nhớ luân chuyển. Trí nhớ ngắn hạn chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn, khoảng 20-30 giây. Nó lưu trữ những thông tin tạm thời, sau đó thì hoặc là xóa nó đi hoặc là lưu vào trí nhớ dài hạn (Long-Term memories).
3. Trí nhớ dài hạn (Long term memories): Trí nhớ dài hạn của chúng ta phức tạp hơn một chút so với trí nhớ ngắn hạn. Bất cứ điều gì xảy ra cách đây hơn vài phút sẽ được lưu trữ trong bộ nhớ dài hạn. Tùy thuộc vào tần suất chúng ta nhớ lại hoặc sử dụng một phần thông tin nhất định, độ mạnh của trí nhớ khác nhau.
II. Khi thông tin đi vào não, bộ phận ra quyết định hành vi là trung ương thần kinh (não bộ và tủy sống). Não quyết định hành vi có nhận thức và Tủy quyết định các hành vi phản xạ. Tiếp đến, não đưa ra và truyền các quyết định qua hệ thần kinh ngoại biên tới các bộ phận trong cơ thể (phản ứng). Não cũng đồng thời gửi tín hiệu các khu vực sản sinh hormone. Các hormone này sẽ theo đường máu tới các tế bào phù hợp và tác động đến cơ quan. Từ đó, các cơ quan sẽ thay đổi trạng thái. Ngoài ra, hormone ảnh hưởng tới việc tiết ra một số hóa chất trong não. Những hóa chất này tác động đến các khu vực ra quyết định của não dẫn tới sự thay đổi của quyết định (phản ứng).
Chi tiết hơn, não bộ điều khiển chức năng của các cơ quan trong cơ thể, điều khiển lời nói, suy nghĩ, hành động, giúp con người phản ứng lại với các tình huống trong cuộc sống, điều hòa lại cơ thể khi stress, căng thẳng,… Cấu trúc não với các tổ chức khác nhau, mỗi cấu trúc lại có một chức năng riêng biệt, vừa độc lập vừa thống nhất với nhau tham gia chung vào chức năng điều khiển cơ thể của bộ não.
- Trung não tham gia điều khiển các cử động mắt, cầu não chịu trách nhiệm trong việc phối hợp cử động mắt, mặt, biểu cảm khuôn mặt, nghe và thăng bằng.
- Hành tủy chịu trách nhiệm kiểm soát nhịp thở, huyết áp, nhịp tim và cử động nuốt.
- Hệ lưới kiểm soát mức độ thức tỉnh, mức độ nhận thức về môi trường xung quanh và liên quan đến giấc ngủ.
- Trong 12 dây thần kinh sọ não, 10 dây xuất phát từ thân não, kiểm soát cử động mắt, biểu cảm khuôn mặt,vị giác, cử động nuốt, cử động mặt, cổ vai, lưỡi.
- Tiểu não giúp phối hợp các động tác, tạo nhịp điệu khi cử động như khi vẽ tranh, tập luyện thể thao,… Tiểu não giúp duy trì tư thế, cảm giác cân bằng, thăng bằng, kiểm soát trương lực các cơ và vị trí tay chân.
- Vùng hạ đồi: kiểm soát các chức năng như ăn, ngủ, tình dục, cảm xúc, điều hòa thân nhiệt, tiết các nội tiết tố (giải phóng hormone) và vận động.
- Thùy trán là thùy lớn nhất trong bốn thùy não. Thùy trán chịu trách nhiệm cho các chức năng như lời nói, trí tuệ, hành vi, kỹ năng vận động. Vỏ não trán trước đóng vai trò quan trọng về trí nhớ, sự thông minh, khả năng tập trung, tích cách.
- Thùy chẩm nằm phía sau não, chịu trách nhiệm quá trình cảm nhận màu sắc, hình dạng của con người.
- Thùy đỉnh phân tích đồng thời các tín hiệu nhận được từ các vùng khác nhau của não, từ đó tổng hợp đưa ra các thông tin, cảm nhận, ý nghĩa mới của sự vật.
- Thùy thái dương tham gia vào bộ nhớ thị giác, giúp nhận biết sự vật, khuôn mặt, tham gia vào bộ nhớ ngôn ngữ, phân tích cảm xúc và phản ứng của người khác, chịu trách nhiệm xử lý cảm xúc và kiểm soát hành vi.
- Hệ viền liên quan đến cảm xúc. Trong hệ thống này có vùng hạ đồi, môt phần của vùng đồi thị, hạnh nhân(Liên quan hành vi hung hăng. Các hạch hạnh nhân giúp cơ thể tạo ra một loạt các phản ứng khác nhau với các sự vật, hiện tượng trong môi trường sống, đặc biệt là các tình huống gây kích thích cảm xúc mãnh liệt. Nó có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát nỗi sợ và tức giận.) và vùng hải mã (liên quan đến khả năng ghi nhớ thông tin). Hồi hải mã giúp lưu giữ và lấy lại ký ức. Nó cũng giúp con người hình dung về các kích thước không gian.
- Tuyến yên kiểm soát nội tiết tố (hormone), chịu trách nhiệm kiểm soát và điều hòa quá trình tăng trưởng và phát triển, chức năng của các tuyến khác như tuyến giáp, tuyến sinh dục, tuyến thượng thận,…
- Bán cầu não trái chịu trách nhiệm về ngôn ngữ và lời nói, bán cầu não thì có vai trò chủ đạo hơn trong xử lý thông tin và xác định không gian.
- Thể chai: Thể chai gồm có 2 cấu trúc là hồi đai (cingulate gyrus) và hồi cận hải mã (parahippocampal gyrus). Chúng cùng nhau tác động đến tâm trạng, động lực thúc đẩy và khả năng phán đoán của con người.
Xem thêm tại bài: "Sinh học hành vi trong quản trị nhân sự (hành vi người lao động trong tổ chức trên góc độ sinh học)"
III. Từ góc nhìn sinh học ở trên, chúng ta tưởng con người và bộ não là đơn giản giống như cỗ máy nhưng thực tế không phải như vậy. Quá trình xử lý thông tin để đưa ra các quyết định của não phức tạp. Tôi tiếp tục tìm hiểu quá trình xử lý thông tin của não thông qua các nghiên cứu tâm lý học. Con người thường hay xử lý thông tin có lựa chọn (để lọt thông tin và bị não đánh lừa). Trong tâm lý học, chúng ta sẽ gặp các thuật ngữ như: Thiên kiến xác nhận (luôn tìm thông tin phủ nhận), hiệu ứng xác nhận (luôn tìm kiếm thông tin đồng tình - lời tiên tri tự ứng nghiệm).
Thiên kiến xác nhận (còn gọi là thiên kiến (thiên lệch) khẳng định) là một khuynh hướng của con người ưa chuộng những thông tin nào xác nhận các niềm tin hoặc giả thuyết của chính họ. Con người biểu hiện thiên kiến hoặc định kiến này khi họ thu thập hoặc ghi nhớ thông tin một cách có chọn lọc theo ý riêng của mình, hay khi họ diễn giải nó một cách thiên vị, thường đi kèm với sự từ chối xem xét các góc nhìn khác. Một số nhà tâm ly học giới hạn thuật ngữ này chỉ có nghĩa là sự thu thập bằng chứng có chọn lọc - Nguồn Wiki.
Có rất nhiều nghiên cứu chứng minh điều này. Ví dụ:
"Một nhóm ở Đại học Stanford đã tiến hành một thí nghiệm mà những người tham gia có cảm giác mạnh về án tử hình, một nửa tán thành còn nửa kia chống lại nó. Mỗi người tham gia được cho đọc bản mô tả hai nghiên cứu: một bài so sánh các bang của Hoa Kỳ có và không có án tử hình, và một bài so sánh tỉ lệ các vụ giết người ở một bang trước và sau khi đề xuất án tử hình ở nơi đó. Sau khi đọc một bản mô tả tóm tắt nghiên cứu, người ta hỏi họ liệu ý kiến của họ về vấn đề tử hình có thay đổi không.Tiếp đó, họ được cho đọc một bản trình bày chi tiết về quy trình thực hiện những nghiên cứu đó và phải đánh giá xem liệu nghiên cứu có tính thuyết phục và có được tiến hành tốt. Trên thực tế, các "nghiên cứu" đó đều là hư cấu. Một nửa số người tham gia được bảo rằng một nghiên cứu ủng hộ hiệu ứng ngăn chặn của án tử hình và nghiên cứu còn lại thì chống lại; trong khi nửa kia được thông báo những kết luận hoán đổi ngược lại.
Những người tham gia, dù là những người ban đầu ủng hộ hay phản đối tử hình, đều thể hiện sự thay đổi thái độ chút ít theo thướng nghiên cứu đầu tiên họ đọc. Một khi họ đọc bản mô tả chi tiết, hầu như toàn bộ họ quay về quan niệm ban đầu bất kể bằng chứng đưa ra là gì, chỉ ra các chi tiết ủng hộ quan điểm của họ và làm ngơ bất cứ những gì trái ngược với nó. Các đối tượng tham gia đều mô tả nghiên cứu ủng hộ quan điểm tồn tại từ trước của họ là ưu việt hơn so với nghiên cứu mâu thuẫn với nó, theo những cách chi tiết và đặc thù. Viết về một nghiên cứu dường như có vẻ bác bỏ hiệu ứng ngăn chặn của án tử hình, một người ủng hộ án tử hình viết, "Nghiên cứu này không xem xét một khoảng thời gian đủ dài", trong khi cũng về nghiên cứu đó người có quan điểm đối lập lại bình luận, "Không bằng chứng mạnh nào mâu thuẫn với các nhà nghiên cứu được trình bày". Những kết quả này minh họa một điều rằng, người ta đưa ra những tiêu chuẩn cao hơn về bằng chứng cho những giả thiết nào đi ngược với trông đợi thông thường của họ. Hiệu ứng này, đôi khi được gọi là "thiên kiến phản đối" ("disconfirmation bias") cũng được các thí nghiệm khác chỉ ra." Nguồn Wiki.
Gần đây tôi thấy có cái ảnh về lon cô ca không màu nhưng bị não lừa thành có màu:
Và ảnh này là ví dụ rất rõ cho việc "cái chúng ta thấy chưa chắc là cái thấy". Não đã tự động thêm màu cho bức tranh mặc dù thực tế không phải vậy. Tôi đã phải chớp mắt mấy lần mới điều chỉnh lại màu của lon cô ca trong mắt mình.
IV. Trong trường hợp thông tin không bị não xử lý lựa chọn, chúng sẽ được đưa vào các khu vực lưu trữ. Và từ đó chúng ta có FORGETING CURVE (Đường cong quên lãng). Đường cong này mô tả về sự quên kiến thức của chúng ta sau khi học tập. Cụ thể:
Chúng ta quên 50% kiến thức sau khi học 1 giờ;
Chúng ta quên 80% kiến thức sau 02 ngày;
Chúng ta quên 90% kiến thức đã học sau 06 ngày;
Chi tiết về việc làm sao để nhớ lâu hơn và ứng dụng trong đào tạo, thân mời bạn đọc bài này: "Triển khai “follow up” sau đào tạo như thế nào?"
Nguyễn Hùng Cường (kinhcan24)
Tư vấn xây dựng hệ thống QTNS bài bản