Văn hóa doanh nghiệp là yếu tố vô hình nhưng luôn tồn tại và đóng vai trò quyết định đến sự thành công hay thất bại của tổ chức. Vậy có các cấp độ văn hóa nào trong doanh nghiệp và vai trò của văn hóa doanh nghiệp như thế nào? Cùng Blognhansu tìm hiểu trong bài viết hôm nay nhé!
Văn hóa doanh nghiệp là gì?
Có rất nhiều khái niệm về văn hóa doanh nghiệp nhưng nhìn chung có thể định nghĩa “là tập hợp những giá trị và chuẩn mực về niềm tin, hành vi, cách nhận thức và phương pháp tư duy được mọi người trong công ty cùng công nhận, suy nghĩ và hành động như một thói quen”.
Văn hóa doanh nghiệp giống như tính cách và đời sống tinh thần của con người ảnh hưởng đến hành vi, lối sống của người đó. Hơn thế, xây dựng văn hóa công ty quyết định sự thành bại và tồn tại lâu dài của doanh nghiệp.
3 cấp độ của văn hóa doanh nghiệp
Chỉ khi bóc tách được các thành phần của văn hóa doanh nghiệp và tính chất đặc trưng của chúng, nhà lãnh đạo mới có thể đưa ra chiến lược phát triển trong các giai đoạn khác nhau của doanh nghiệp, nhất là văn hóa lấy con người làm trung tâm.
Theo Edgar Henry Schein - cựu Giáo sư Trường Quản lý MIT Sloan - một người nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực phát triển tổ chức và văn hóa doanh nghiệp, cấu trúc của văn hóa doanh nghiệp được chia thành 3 cấp:
1. Cấp độ 1: Cơ cấu hữu hình của doanh nghiệp
Cơ cấu hữu hình là những giá trị văn hóa hữu hình, bao gồm các sự vật và sự việc mà một người có thể nghe, nhìn và cảm nhận khi tiếp xúc với một tổ chức lạ. Các yếu tố này dễ thay đổi và ít khi thể hiện được những giá trị thực sự trong văn hóa doanh nghiệp.
Chẳng hạn, cơ cấu tổ chức phòng ban, các văn bản chính sách, kiến trúc văn phòng, mẫu mã sản phẩm, logo và khẩu hiệu, đồng phục nhân viên, …
2. Cấp độ 2: Các giá trị được tuyên bố hoặc chấp nhận
Đây là những giá trị được doanh nghiệp công bố rộng rãi, có thể nhận biết ngay từ văn bản, cách diễn đạt hay cách thể hiện của nhân viên. Sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, chiến lược và mục tiêu đóng vai trò là kim chỉ nam cho hoạt động của toàn bộ nhân viên trong doanh nghiệp.
3. Cấp độ 3: Các quan điểm chung
Cấp độ này là cao nhất và cũng khó nhận ra, điều chỉnh bởi chúng nằm sâu từ bên trong doanh nghiệp. Nó cũng ăn sâu vào suy nghĩ của hầu hết các thành viên và trở thành thói quen chi phối hành động. Ví dụ như văn hóa dân tộc, văn hóa kinh doanh, … Khi các thành viên cùng chia sẻ và hành động theo văn hóa chung, họ rất khó chấp nhận những hành vi đi ngược lại.
Văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò như thế nào trong thực tiễn
Dựa trên nghiên cứu của Deloitte, 94% giám đốc điều hành và 88% nhân viên tin rằng văn hóa mang tính quyết định đối với thành công của doanh nghiệp. Trên thực tế, văn hóa doanh nghiệp cũng ảnh hưởng tới nhiều mặt vận hành khác nhau trong tổ chức.
1. Thu hút ứng viên cho tuyển dụng
Nhiều chuyên gia nhân sự, trưởng phòng nhân sự đồng ý rằng văn hóa của công ty mạnh mẽ là một trong những lợi thế cạnh tranh rất lớn để thu hút ứng viên tiềm năng. Chắc chắn tất cả mọi người đều mong muốn làm việc trong một công ty có danh tiếng tốt, mà điều này do chính các nhân viên cũ và hiện tại thể hiện.
Một công ty có văn hóa tích cực sẽ thu hút các tài năng sẵn sàng làm việc, cống hiến hết mình cho tổ chức. Nhìn chung, văn hóa doanh nghiệp ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình tuyển dụng nhân sự.
2. Tạo ra nhân viên trung thành
Nền văn hóa tích cực không chỉ giúp nỗ lực tuyển dụng mà còn giúp doanh nghiệp giữ chân những tài năng. Điều này vô cùng có ý nghĩa khi tình trạng “chảy máu chất xám” đang trở nên phổ biến hiện nay. Khi thu nhập đạt đến mức độ nào đó, người ta sẵn sàng đánh đổi chọn mức thu nhập thấp hơn để được làm việc ở môi trường thoải mái, minh bạch và hòa đồng.
3. Hạn chế xung đột nội bộ
Văn hóa doanh nghiệp lành mạnh làm giảm đáng kể căng thẳng tại nơi làm việc, là chất keo gắn kết các thành viên trong tổ chức. Nó giúp các thành viên trong tổ chức thống nhất về cách hiểu vấn đề, đánh giá, lựa chọn và định hướng hành động. Khi nhân viên phải đối mặt với xu hướng xung đột lẫn nhau thì văn hóa chính là yếu tố giúp mọi người thống nhất.
4. Đẩy mạnh hiệu suất làm việc của nhân viên
Nhân viên sẽ tận tâm với công việc và đạt hiệu suất cao hơn khi có cảm giác đang làm công việc có ý nghĩa, đang cống hiến cho sứ mệnh chung. Và hơn thế là hãnh diện vì là một thành viên của tổ chức. Văn hóa doanh nghiệp làm giảm căng thẳng và áp lực, từ đó, củng cố sức khỏe và nâng cao hiệu suất làm việc của nhân viên.
5. Tạo chất riêng cho doanh nghiệp
Văn hóa trong mỗi doanh nghiệp là khác nhau và điều này thì không thể bắt chước. Do đó, văn hóa tạo ra chất riêng cho doanh nghiệp, đó chính là tài sản di truyền, giữ gìn bản sắc của doanh nghiệp qua nhiều thế hệ thành viên. Mục tiêu là mang lại khả năng phát triển bền vững.
Văn hóa doanh nghiệp giúp truyền tải những giá trị, ý thức hay phong cách của tổ chức tới toàn bộ nhân viên. Hướng đến cam kết vì mục tiêu, lợi ích của tổ chức giúp tạo nên sự ổn định và lành mạnh trong doanh nghiệp. Đây cũng được xem là nền tảng để quản lý tổ chức, bằng cách đưa ra những chuẩn mực, đạo đức để các thành viên biết mình nên nói gì, làm gì.
Lời kết,
Văn hóa doanh nghiệp có ba cấp độ rõ ràng giúp tổ chức vận hành tốt hơn. Nói không quá, văn hóa chính là “linh hồn” chi phối toàn bộ sức sống và sự phát triển của tổ chức. Trong bài viết tiếp theo, Blognhansu sẽ chia sẻ với bạn về cách thức xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Đừng bỏ qua nhé!