Đọc các bản án về lao động luôn cho chúng ta nhiều kiến thức hữu ích. Vậy tội gì chúng ta không đọc nhỉ. Đây là bản án năm 2018. Mặc dù nó từ năm 2018, có thể quá trình xét xử sẽ theo luật cũ 2012 chứ không phải 2019. Tuy nhiên chúng ta vẫn tạm tham khảo được.
Thân mời cả nhà cùng đọc.
Bản án số: 02/2018/LĐ-PT ngày 16-8-2018 của Toà án nhân dân tỉnh Thái Bình về tranh chấp hợp đồng học nghề, bồi thường chi phí đào tạo.
I. Nội dung vụ án:
Công ty Cổ phần B ký Hợp đồng học việc số 127/HĐHV 2014 ngày 01/12/2014 với anh Nguyễn Quang L với nội dung: Anh L tham gia học việc tại Công ty Cổ phần B từ 01/12/2014 đến 30/5/2017 và cam kết làm việc 24 tháng sau khi kết thúc thời gian học việc. Trong thời gian học việc anh L được Công ty Cổ phần B đào tạo nghề và tài trợ toàn bộ học phí, chi phí đào tạo, trợ cấp hàng tháng theo chương trình nhân viên học việc của Công ty.
Tuy nhiên đến ngày 22/6/2017 anh L đã tự ý không tiếp tục thực hiện Hợp đồng học việc nêu trên, không có L do và không được sự đồng ý của Công ty Cổ phần B, việc này trái với nội dung thỏa thuận trong hợp đồng tại điều 6 mà hai bên đã ký, vì vậy công ty yêu cầu anh L phải trả toàn bộ chi phí đào tạo là 43.500.000 đồng và trợ cấp nhân viên học việc là 82.127.000 đồng đã nhận của công ty. Tổng cộng là 125.627.000 đồng.
II. Bản án sơ thẩm số 01/2018/LĐ-ST ngày 12/01/2018 của Tòa án nhân dân huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình đã quyết định: Căn cứ vào Điều 61; Điều 62 Bộ Luật lao động; điểm a khoản 3 Điều 32; Điều 147; Điều 244 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
- Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu về chi phí đào tạo là 43.500.000 đồng của Công ty Cổ phần B đối với anh Nguyễn Quang L.
- Xử chấp nhận đối với yêu cầu về số tiền trợ cấp nhân viên học việc là 82.127.000 đồng của Công ty Cổ phần B đối với anh Nguyễn Quang L.
- Xử buộc anh Nguyễn Quang L phải hoàn trả cho Công ty Cổ phần B số tiền trợ cấp nhân viên học việc là 82.127.000 đồng.
- Ngoài ra, bản án còn tuyên về quyền, nghĩa vụ thi hành án,về án phí, thông báo quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.
III. Nhận định của toà phúc thẩm:
1. Xét yêu cầu kháng cáo của bị đơn, thấy: Theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty Cổ phần của Công ty Cổ phần B số 0101360697 đăng ký thay đổi lần thứ 11 ngày 16/5/2014 Sở kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội cấp thì có đăng ký ngành, nghề kinh doanh: Lập trình máy vi tính, sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính, dạy máy vi tính...Vì vậy, Công ty Cổ phần B và anh L ký Hợp đồng học việc số 127/HĐHV2014 ngày 01/12/201, nội dung đào tạo gồm: Nghiên cứu mã giải độc, các giải pháp chống mã độc; phát triển sản phẩm phòng chống mã độc; nghiên cứu phát triển sản phẩm an ninh cho nền tảng di động là đúng theo quy định tại khoản 1 Điều 61 Bộ luật lao động quy định về việc học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động.
2. Xét thấy, việc ký kết Hợp đồng học việc số 127/HĐHV2014 ngày 01/12/2014 giữa Công ty Cổ phần B với anh L là hoàn toàn tự nguyện, đúng quy định của pháp luật, không vi phạm đạo đức xã hội. Trong các điều khoản của Hợp đồng học việc có các nội dung: Anh L tham gia học việc tại Công ty cổ phần B từ 01/12/2014 đến 30/5/2017 với cam kết sẽ làm việc cho Công ty với thời hạn 24 tháng kể từ khi kết thúc thời gian học việc. Trong thời gian học việc anh L được Công ty đào tạo nghề và tài trợ toàn bộ học phí, chi phí đào tạo, trợ cấp hàng tháng theo chương trình nhân viên học việc của Công ty; anh L phải bồi thường cho Công ty Cổ phần B toàn bộ học phí và trợ cấp đã nhận nếu kết thúc chương trình học việc, anh L từ chối làm việc cho Công ty Cổ phần B hoặc làm việc không đủ thời gian đã cam kết. Sau khi kết thúc thời gian học việc anh L đã làm việc cho Công ty Cổ phần B, đến ngày 22/6/2017 anh L đã đơn phương không làm việc cho Công ty Cổ phần B theo thỏa thuận tại Hợp đồng học việc, nên phải bồi thường cho Công ty Cổ phần B toàn bộ khoản trợ cấp đã nhận. Anh L trình bày ngay từ tháng 12/2014 đã làm ra các sản phẩm cho Công ty Cổ phần B, nên Công ty phải trả công cho anh L và cung cấp cho Tòa án bảng theo dõi kết quả công việc mà anh L đã làm và báo cáo với Công ty Cổ phần B. Xét thấy, tài liệu, chứng cứ do anh L cung cấp cho Tòa án chỉ là bản photo, phía Công ty B cũng không thừa nhận nên không có giá trị chứng minh.
3. Xét yêu cầu kháng cáo của anh L về việc tiền công 22 ngày của tháng 6/2017 chưa được Công ty Cổ phần B trả nhưng Tòa án xem xét, thấy: Trong quá trình thụ L, giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm anh L không có yêu cầu phản tố về việc Công ty Cổ phần B chưa thanh toán tiền công 22 ngày của tháng 6/2017, Tòa án cấp sơ thẩm không xém xét giải quyết là đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Sau khi xét xử sơ thẩm anh L kháng cáo về yêu cầu này, nên Tòa án cấp phúc thẩm không có căn cứ để giải quyết. Anh L có quyền khởi kiện bằng vụ án lao động khác.
4. Từ những nhận định nêu trên, Hội đồng xét xử nhận thấy Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của công ty Cổ phần B là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Nên không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu kháng cáo của anh Nguyễn Quang L.
5. Về án phí: Vì yêu cầu kháng cáo không được chấp nhận, anh Nguyễn Quang L phải chịu án phí lao động phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
IV. Toà phúc thẩm xử: Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của anh Nguyễn Quang L, giữ nguyên bản án sơ thẩm số 01/2018/LĐ-ST ngày 12 tháng 01 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình
- Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu về chi phí đào tạo là 43.500.000 đồng của Công ty Cổ phần B đối với anh Nguyễn Quang L.
- Xử chấp nhận đối với yêu cầu về số tiền trợ cấp nhân viên học việc là 82.127.000 đồng của Công ty Cổ phần B đối với anh Nguyễn Quang L.
- Xử buộc anh Nguyễn Quang L phải hoàn trả cho Công ty Cổ phần B số tiền trợ cấp nhân viên học việc là 82.127.000 đồng.
Toà còn tuyên nội dung lãi chậm trả và án phí.
Nguồn: Ms Phươn Loan