Các thuật ngữ liên quan đến KPI trong góc nhìn chiến lược – chức năng

Giờ đọc bài chuyên môn khó hơn nhiều lần so với trước.

Ngày chưa có AI, khi đọc bài sẽ:
- Xét động nông sâu về chuyên môn. Tức xem bài viết kiểu chung chung hay đào sâu một vấn đề.
- Xét bối cảnh bài viết để biết họ đang đúng sai thế nào trong bối cảnh.
- Xét sự hữu ích của bài viết. Liệu nó có bổ sung cho bức tranh kiến thức của mình không? Hay đọc rồi quên?

Ngày nay, khi đọc bài thì sẽ:
- Xét xem đây là AI hay người viết. Nếu là AI thì bỏ qua và không xem xét gì thêm vì AI sẽ không có bối cảnh, không có nông sâu, không có hữu ích do đôi khi AI sẽ tổng hợp từ nguồn content SEO.
- Nếu là người viết thì quay lại xem xét tiếp.

Ví dụ như bài dưới đây. Tôi đoán bài này không phải do AI viết vì đây là lần đầu tiên tôi đọc thấy định nghĩa KPI và KRI kiểu này.

Do đặc biệt nên tôi tiếp tục cố gắng hiểu xem bài viết này nông sâu thế nào? Bài này ở ở mức độ nông tức là đưa ra định nghĩa, ưu nhược điểm.

Mặc dù ở mức độ nông như bài đưa ra những định nghĩa khác với những gì tôi trải nghiệm nên tiếp tục xét bối cảnh bài viết. Có vẻ như tác giả chưa từng tiếp cận sâu với các phương pháp làm KPI khác như JD - KPI, BSC - KPI, Wining kpi... Vì mỗi một phương pháp có các thuật ngữ liên quan đến KPI với kiểu định nghĩa khác nhau. Chính vì chưa tiếp cận sâu nên tác giả mới có vẻ viết như "đinh đóng cột".

Bài viết này dường như đang viết trên bối cảnh hoặc góc nhìn: Chiến lược - chức năng. Những gì tôi được biết thì:
- Thước đo hiệu quả chiến lược là: KGI - Key goal indicator.
+ Mục tiêu:
Giúp công ty tạo được lợi thế cạnh tranh so với đối thủ
Đảm bảo có sự liên kết về chiến lược hoạt động của công ty giữa các cấp
+ Đặc điểm:
KGI chiến lược được xác định từ những mục tiêu chiến lược của cty
KGI chiến lược là công cụ giúp phân biệt được định hướng của cty/vị trí so với các cty/vị trí tương tự trong ngành
KGI chiến lược sẽ thay đổi khi định hướng hoạt động của cty thay đổi
KGI chiến lược được xác định từ cấp HĐQT và TGĐ và phân bổ xuống. Tỷ trọng sẽ được giảm dần từ cấp cao xuống cấp nhân viên do ảnh hưởng của các vị trí phía dưới tới chiến lược chung không còn nhiều

- Thước đo hiệu quả chức năng: KPI - Key performance indicator.
+ Mục tiêu:
Đảm bảo phản ánh hết các chức năng quan trọng mà vị trí cần phải thực hiện trong công việc hằng ngày
Giúp quản lý xem xét hết các đóng góp trong việc hoàn thành của nhân viên trong năm
+ Đặc điểm:
KPI chức năng phản ánh các mục tiêu chức năng của công việc. Các mục tiêu này đi từ bản chất công việc không thay đổi từ cty này sang cty khác. Do đó không bị chi phối khi công ty thay đổi định hướng.
Tỷ trọng KPIs chức năng sẽ tăng dần khi đi từ cấp quản lý cấp cao xuống nhân viên do các vị trí này tập trung nhiều vào các KPI chức năng để đảm bảo hoàn thành công việc chuyên môn hằng ngày.

Còn trong bài viết, họ định nghĩa:
- Thước đo hiệu quả chiến lược là: KPI - Key performance indicator.
- Thước đo hiệu quả chức năng: KRI - Key result indicator.

Khi nhắc đến KRI tôi thường nhớ tới phương pháp BSC hoặc winnin kpi với định nghĩa: KRI - chỉ số kết quả chính yếu. Bạn muốn biết thêm, vui lòng xem bài: Phân loại thước đo chiến lược (KRI, PI, KPI) cách thức đánh giá hiệu quả chiến lược

Thân mời cả nhà cùng đọc bài!

MỐI LIÊN HỆ GIỮA KPI & KRI TRONG QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP TOÀN DIỆN

📍Về tính chiến lược
Các chỉ số KPI thường được phân bổ từ trên xuống theo hình tháp ngược: KPI toàn công ty -> bộ phận -> đội nhóm -> cá nhân. Mỗi cá nhân hoàn thành chỉ tiêu KPI của mình thì toàn doanh nghiệp đạt mục tiêu. KPI giúp cả doanh nghiệp cùng tiến về phía trước theo một mục đích chung và định hướng chung.

Tuy nhiên, ngoài những mục tiêu chiến lược, doanh nghiệp luôn tồn tại những hoạt động, nhiệm vụ mang tính phát sinh thường xuyên theo chức năng cố định của mỗi cá nhân, bộ phận. Như vậy để quản trị doanh nghiệp toàn diện không lỗ hổng, KRI ra đời với mục đích này, và KRI không mang tính chiến lược.

📍Về các hoạt động đo lường
Các chỉ tiêu được cho là phục vụ chiến lược sẽ khác nhau, phụ thuộc mục tiêu, hướng phát triển, đặc thù lĩnh vực,… của từng doanh nghiệp. KPI với mục đích đo lường hoạt động mang tính chiến lược, hầu như bao gồm những hoạt động tạo ra lợi nhuận chính trong chuỗi giá trị của tổ chức.

Còn KRI đo lường những hoạt động mang tính duy trì thường xuyên. Không thể nói là các hoạt động của KRI hay KPI quan trọng nhiều hay ít, mà ở mỗi giai đoạn phát triển khác nhau của tổ chức, những hoạt động chiến lược hay hoạt động thường xuyên sẽ đóng góp nhiều hay ít giá trị hơn.

📍Về tính thay đổi
Do mang hai tính chất và mục tiêu hoàn toàn khác biệt, KPI thường thay đổi theo từng tháng, quý, năm, phụ thuộc vào chiến lược hoạt động của tổ chức ở các mốc thời gian. Ngược lại, KRI mang tính ổn định hơn, hầu như ít có thay đổi.

Như vậy, để quản trị doanh nghiệp toàn diện, hai chỉ số KPI và KRI đều là xương sống của tổ chức, cần thiết được xây dựng và áp dụng hiệu quả. Các doanh nghiệp cần ban hành quy chế đánh giá và thực hiện dựa trên các yếu tố thực tiễn của mỗi doanh nghiệp: nguyên tắc theo dõi, đánh giá chỉ số, quy đổi kết quả thực hiện thành một hệ điểm chung để có thể so sánh giữa các kỳ, giữa các thành viên.

Quy chế đánh giá của KPI và KRI có thể triển khai kết hợp vào quy chế lương thưởng, đặc biệt là chỉ số KPI đánh giá hiệu quả làm việc của từng nhân viên trong tổ chức.

Nguồn: EOD Vietnam

Nguyễn Hùng Cường (kinhcan24)
Tư vấn xây dựng hệ thống QTNS bài bản

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *