Cách chuyển hóa các định hướng kế hoạch của CEO thành bản đồ chiến lược theo mô hình BSC

Tôi có chị học viên. Chị rất tâm huyết học hành. Và hôm nay chị nhắn tin hỏi: "Thầy Cường ơi, mình đang cảm thấy khó khăn trong việc xác định các chiến lược của Công ty. Như các bài giảng của thầy thì CEO sẽ là người đưa ra các chiến lược. Nhưng thực tế khi mình làm việc với CEO thì khi các CEO nói về định hướng/kế hoạch công việc trong năm tới của Công ty, mình không chuyển hóa nó thành các chiến lược BSC. Thầy có thể hỗ trợ mình việc này không?"

Trong quá trình đào tạo, tôi cũng đã hướng dẫn anh chị em giải quyết bài toán này. Có lẽ chị quên nên tiện tay tôi viết lại.

Đầu tiên, chúng ta cùng thống nhất khái niệm chiến lược. Hiểu đơn giản, chiến lược là cách thức giúp công ty phát triển và đạt được tầm nhìn. Còn định nghĩ chi tiết hơn, chiến lược là tập hợp các ý tưởng cần thực thi, mục tiêu cần đạt, các kế hoạch hành động và chính sách phân bổ nguồn lực để hoàn thành chiến lược.

Vì thế, chỉ cần nghe CEO "nói về định hướng/kế hoạch công việc trong năm tới của Công ty" là ta có thể hiểu đây là chiến lược. Ví dụ các chiến lược:
- Nâng cao năng lực khai thác thị trường
- Nâng cao năng lực bán hàng
- Nâng cao hiệu quả R&D
- Liên kết với công ty A - tận dụng uy tín, thương hiệu và hệ thống
- Giảm chi phí quản lý
- Cắt giảm nhân sự chi nhánh miền trung

Sau khi đã nắm được định nghĩa chiến lược, thì chúng ta bắt đầu làm theo các bước sau:
1. Lấy hết các định hướng chiến lược. Muốn vậy thì cần phải hỏi ban lãnh đạo và các trưởng bộ phạn về chiến lược công ty cũng như từng chức năng. Tôi tin việc này sẽ dễ dàng. Kết quả chúng ta có thể sẽ ra 1 bảng kế hoạch như thế này:

Anh trên là một ví dụ về kế hoạch hay chiến lược của công ty mà tôi sưu tầm được từ lâu. Tôi tin, công ty nào cũng tồn tại chiến lược không ở dạng này thì là dạng khác. Bạn hãy cố tìm nhé.

Tuy nhiên, không phải ai hay công ty nào cũng nói hoặc viết ra chiến lược một cách rành rọt. Vì thế, nếu được bạn nên dẫn dắt công ty cùng họp và thiết lập ra dòng chảy chiến lược với các bước nhỏ:
- Phân tích SWOT.
- Xác đinh chiến lược tổng thể của công ty.
- Xác định chiến lược dòng sản phẩm (SBU/ PL). Bao gồm các chiến lược:.
+ Chiến lược R&D sản phẩm.
+ Chiến lược thương hiệu.
+ Chiến lược phát triển thị trường.
+ Chiến lược cạnh tranh.
+ Chiến lược marketing mix (sản phẩm, giá, phân phối, xúc tiến).
- Xác định chiến lược cấp chức năng.
+ Chiến lược sản xuất (hoặc dịch vụ).
+ Chiến lược vận hành (nếu có chi nhánh hoặc công ty con).
+ Chiến lược nhân sự.
+ Chiến lược các đơn vị khác.

Để biết rõ hơn, bạn vui lòng đọc bài: Nếu công ty không có chiến lược thì nên làm thế nào để bắt đầu xây hệ thống Đãi ngộ 3P?

2. Sau khi có được các ý tưởng chiến lược cần làm cho năm tới, chúng ta đưa các ý tưởng đó vào 1 văn bản gội là bản đồ chiến lược. Bản đồ chiến lược được xây dựng dựa trên mô hình BSC (Balanced Scorecard - thẻ điểm cân bằng). Tức là bản đồ này sẽ có 4 khía cạnh (một số nơi gọi là viễn cảnh): Tài chính, khách hàng, nội bộ, phát triển. Và các chiến lược trên bản đồ cần phải kết nối với nhau nhân quả.

- Khía cạnh tài chính: Đây là nơi tập hợp các chiến lược liên quan đến tài chính và trả lời câu hỏi công ty cần làm gì để gia tăng lợi ích cho cổ đông.
- Khía cạnh khách hàng: Ở viễn cảnh này, chúng ta tập hợp chiến lược liên quan đến marketing, thị trường, khách hàng và trả lời câu hỏi: Công ty cần làm gì để gia tăng giá trị cho khách hàng.
- Khía cạnh Nội bộ: Thông thường, mỗi bộ phận ở khối sản xuất hoặc hỗ trợ sẽ có ít nhất một chiến lược như các chiến lược về nghiên cứu phát triển sản phẩm, các chiến lược về sản xuất, các chiến lược về hệ thống, các chiến lược về trách nhiệm xã hội của tổ chức. Chúng ta sẽ đưa các chiến lược này vào khía cạnh nội bộ. Câu hỏi cần trả lời ở khía cạnh này: Chúng ta cần làm điều gì xuất sắc để tổ chức mang lại giá trị cho khách hàng và lợi ích cho cổ đông?
- Khía cạnh Học hỏi và Phát triển: Những chiến lược về nguồn lực vô hình cần triển khai để thúc đẩy các chiến lược ở trên (vận hành xuất sắc, gia tăng giá trị cho khách hàng, mang lại lợi ích cho cổ đông) sẽ được đưa vào khía cạnh này.

Chi tiết hơn, bạn vui lòng đọc bài: Có ý tưởng chiến lược hãy tập hợp chúng lại vào bản đồ chiến lược với 4 viễn cảnh Tài chính – Khách hàng – Nội bộ – Phát triển

Khi xong, chúng ta ra kết quả:

Ví dụ như hình là bản đồ chiến lược theo BSC được chuyển đổi từ bản kế hoạch (ý tưởng) cần làm trong năm (trên).

3. Trong trường hợp nếu thấy viễn cảnh nào đó ít chiến lược hoặc có chiến lược chưa được kết nối nhân quả với chiến lược khác, chúng ta lại tiếp tục trao đổi với ban lãnh đạo hoặc các quản lý (thành viên của hội đồng chiến lược).

4. Xong bản đồ chiến lược rồi, ta đi vào thiết lập và hoàn thiện thẻ điểm cân bằng (KPI chiến lược) cho tổ chức. Cách đơn giản nhất mà tôi tin ai cũng sẽ làm là đi hỏi ban lãnh đạo và các quản lý về chỉ tiêu của mình cho năm tới. Các chỉ tiêu đó có thể hiểu là KPI chiến lược.

Trong trường hợp ban lãnh đạo cũng như quản lý chỉ đưa ra được một vài chỉ tiêu chiến lược đơn giản và không thể nói thêm, mọi thứ không thực sự rõ ràng. Đặc biệt, khi đối chiếu với các ý tưởng trong bản đồ chiến lược, ta vẫn thấy có một số chiến lược chưa có chỉ tiêu, cách tốt nhất là giúp họ tìm ra được KPI chiến lược.

Nếu bạn có năng lực để yêu cầu ban lãnh đạo và quản lý họp chiến lược thì tiếp tục triển khai, còn không thì lại ngồi với từng người. Tôi khuyến khích nên họp tất cả hội đồng chiến lược. Vì như thế các thành viên khác sẽ biết chỉ tiêu chiến lược bộ phận khác và họ sẽ có phản biện hoặc góp ý.

Khi bắt đầu họp chung (hoặc ngồi riêng từng người), chúng ta đi theo các bước:
Bước 1: Dựa vào bản đồ chiến lược, nhặt các ý tưởng chiến lược hay còn gọi là mục tiêu chiến lược phù hợp với từng bộ phận. Ví dụ như chiến lược xúc tiến: "Tối ưu công cụ tìm kiếm" là của bộ phận Marketing.
Bước 2: Từ các mục tiêu chiến lược, đi lần lượt từng mục tiêu. Với từng mục tiêu, đặt và trả lời câu hỏi: Chiến lược (mục tiêu) ... đạt kỳ vọng về số lượng, chất lượng, chi phí, thời gian là như thế nào?
Bước 3: Sau khi có các kỳ vọng (được diễn đạt bằng lời), chúng ta bắt đầu phiên đổi ra các thước đo với hàm ý tương tự kỳ vọng.
Bước 4: Có các thước đo chiến lược (KPI) rồi thì dựa vào tham chiếu (ngành, năm trước của công ty) và dựa và các công thức logic để ra được các chỉ tiêu chiến lược.

Chi tiết: Vui lòng đọc bài "Để xây hệ thống đãi ngộ 3P, ngoài ý tưởng, bản đồ, cần có thêm cả KPI chiến lược nữa"

Vậy là xong. Hi vọng bạn đã biết cách chuyển hóa các định hướng kế hoạch của CEO thành bản đồ chiến lược theo mô hình BSC.

Nguyễn Hùng Cường (kinhcan24)
Tư vấn xây dựng hệ thống QTNS bài bản

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *