Doanh nghiệp sử dụng Thẻ điểm cân bằng (BSC) như thế nào?

Thẻ điểm cân bằng (BSC) chỉ mang tới lợi ích cho doanh nghiệp nếu được áp dụng và sử dụng đúng cách. Vậy làm thế nào để đưa BSC vào hệ thống một cách hiệu quả? Cùng Blognhansu tìm hiểu trong bài viết này nhé!

1. Thẻ điểm cân bằng (BSC) là gì?

“BSC (Balanced Scorecard) là một hệ thống quản lý được phát triển để giúp một tổ chức thiết lập , theo dõi và thực hiện chiến lược kinh doanh”.

Hiểu đơn giản, Thẻ điểm cân bằng (BSC) là một mô hình quản trị chiến lược ở cấp độ cơ bản nhất, định hướng cho doanh nghiệp trong quá trình thiết lập, triển khai, theo dõi và đo lường kết quả của chiến lược đặt ra.

“Balanced” trong BSC thể hiện sự cân đối các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, yếu tố tài chính và phi tài chính, chi tiêu đầu vào và đầu ra của kết quả hay các hoạt động hướng ra xã hội và hoạt động được thực hiện cho nội bộ.

2. Áp dụng Thẻ điểm cân bằng (BSC) như thế nào để mang lại lợi ích cho doanh nghiệp?

Thẻ điểm cân bằng (BSC) sẽ là một công cụ quản trị hữu ích trong doanh nghiệp nếu biết cách áp dụng hợp lý.

Bước 1: Kiểm soát các dữ liệu trong mô hình BSC

Nếu bạn thực hiện đo lường mọi thứ nhưng không phải từ góc độ chiến lược, nghĩa là bạn đang lãng phí thời gian và công sức của chính mình. Vậy nên, nếu doanh nghiệp của bạn đang có quá nhiều dữ liệu cần đưa vào BSC, hãy bắt đầu bằng việc xác định rõ chiến lược và đặt nó lên một trang giấy. Việc này sẽ giúp bạn dễ dàng tư duy về cách đặt những dữ liệu của doanh nghiệp vào Thẻ điểm cân bằng (BSC).

Bạn có thể tham khảo quy trình đặt dữ liệu vào BSC như sau:

- Giới hạn số lượng các yếu tố mục tiêu trong BSC. Chỉ nên để khoảng 10 - 15 mục tiêu cho tổng toàn bộ 4 thước đo. Bởi nếu quá nhiều, doanh nghiệp có nguy cơ bị mất tập trung vào hệ thống chiến lược cốt lõi.

- Chuẩn bị sẵn những câu hỏi cho từng yếu tố mục tiêu trước mỗi cuộc họp. Đừng quên nhấn mạnh vào tình trạng của các con số có thể đo lường được.

- Tổng hợp tài liệu của tất cả các yếu tố mục tiêu cùng các câu hỏi và gửi tới nhân viên 1-2 ngày trước khi diễn ra cuộc họp. Bên cạnh đó, yêu cầu họ nghiên cứu nghiên cứu trước.

- Đưa ra quyết định trong các cuộc họp đánh giá chiến lược kinh doanh. Đồng thời, ghi lại các quyết định này và nghiêm túc nhắc nhở mỗi cá nhân chịu trách nhiệm với nó.

Bước 2: Đo lường và đánh giá các yếu tố mục tiêu trong BSC

Để đánh dấu các yếu tố mục tiêu khác nhau, bạn có thể quy ước một hệ thống ký hiệu hoặc màu sắc. Ví dụ:

  • Màu đỏ: Yếu tố mục tiêu cần bổ sung thêm tài nguyên hoặc cần có sự trợ giúp đến từ bên ngoài để mọi thứ trở lại đúng hướng ban đầu.
  • Màu vàng: Yếu tố mục tiêu gần như đã đi đúng hướng hoặc gặp một chút trở lại có thể tự xử lý.
  • Màu xanh lục: Yếu tố mục tiêu đang đi đúng hướng.

Bước 3: Gán KPI tương ứng với các yếu tố mục tiêu

Nếu Thẻ điểm cân bằng (BSC) là công cụ quản lý chiến lược dựa vào kết quả đo lường và đánh giá thì KPI chính là công cụ quản lý hiệu suất. Mục đích là giao trách nhiệm cho nhân viên và đánh giá xem họ đã làm theo đúng chiến lược đó hay chưa. Một nhà quản trị thông thái sẽ lựa chọn sử dụng đồng thời BSC và KPI.

Tương ứng với mỗi mục tiêu, hãy đặt ra các KPI tương ứng. KPI càng sát với tình hình thực tế mà bạn đo lường và đánh giá thì hiệu quả càng rõ rệt. Dựa theo đánh giá KPI định kỳ, doanh nghiệp sẽ xác định được khoảng cách giữa hiệu suất làm việc thực tế của doanh nghiệp và mục tiêu đã đặt ra. Từ đó có kế hoạch điều chỉnh sao cho hợp lý.

Bước 4: Kết nối các yếu tố mục tiêu với nhau

Nên sử dụng mũi tên 1 chiều để kết nối và thể hiện mối quan hệ giữa các yếu tố mục tiêu. Bạn có thể linh hoạt kết nối hai mục tiêu trong cùng thước đo, gom 2 mục tiêu lại thành nguyên nhân của một mục tiêu khác hay một mục tiêu dẫn tới hai mục tiêu khác, … Miễn là không mục tiêu nào đứng riêng một mình.

3. Doanh nghiệp sử dụng BSC như thế nào?

Thẻ điểm cân bằng (BSC) mang đến cho các nhà quản lý và các thành viên cấp cao trong tổ chức một cái nhìn cân bằng hơn về toàn bộ hoạt động đang diễn ra. BSC là một hệ thống quản lý và hoạch định chiến lược mà các tổ chức sử dụng để:

  • Truyền đạt những điều họ đang cố gắng thực hiện.
  • Sắp xếp công việc hàng ngày của mọi nhân viên được hoạch định bởi chiến lược.
  • Ưu tiên các dự án, sản phẩm và dịch vụ cần thiết.
  • Đo lường và giám sát tiến trình hướng tới các mục tiêu chiến lược của tổ chức.

Bên cạnh đó, Thẻ điểm cân bằng giúp kết nối những yếu tố của bức tranh chiến lược, bao gồm:

  • Sứ mệnh (mục đích của bạn) và tầm nhìn (những gì bạn mong muốn)
  • Các giá trị cốt lõi (những gì bạn tin tưởng)
  • Lợi thế cạnh tranh, phạm vi cạnh tranh và nguồn lực chiến lược
  • Các mục tiêu chiến lược (những hoạt động cải tiến liên tục),
  • Chỉ tiêu hiệu suất trọng yếu (KPI)
  • Sáng kiến đột phá (một dự án nào đó giúp bạn đạt được mục tiêu).

Lời kết,

Mô hình Thẻ điểm cân bằng (BSC) là công cụ quản trị mạnh mẽ giúp cải thiện tình hình hiện tại của doanh nghiệp và định hướng tới các mục đích quan trọng và khả thi. Mong rằng với bài viết viết này, bạn đã hiểu hơn về cách áp dụng BSC để đạt hiệu quả cao nhất trong doanh nghiệp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *