OKR và KPI là hai công cụ dùng để đánh giá quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đánh giá hiệu quả công việc của nhân viên. Nghe có vẻ giống như nhưng thực chất chúng vẫn có những điểm khác biệt. Vậy hãy cùng Blognhansu thực hiện so sánh OKR và KPI để xem điểm khác nhau là gì nhé!
1. Tổng quan về OKR và KPI - Hai công cụ quản trị hiệu suất hàng đầu trong doanh nghiệp
Trước khi so sánh OKR và KPI, chúng ta cần nắm những thông tin cơ bản về hai chỉ số này. Vậy cụ thể KPI là gì và OKR là gì?
1.1 OKR là gì?
OKR hay “Objectives and Key Results” là một phương thức quản lý biến thể của Quản lý theo mục tiêu với mục đích kết nối tổ chức, bộ phận và cá nhân để đảm bảo tất cả mọi thành viên trong tổ chức đi theo đúng hướng đã đưa ra.
OKR là một hệ thống buộc bạn phải tách biệt những gì thực sự quan trọng với phần còn lại và đặt ra các ưu tiên rõ ràng. Để làm được điều này, cần phải học cách sắp xếp thứ tự ưu tiên trong công việc, đồng thời, gạt bỏ những điều gây ảnh hưởng đến đích đến cuối cùng của bạn.
Đặc trưng của phương pháp OKR:
- Tính tham vọng: Objective luôn được thiết lập cao hơn ngưỡng năng lực hiện có.
- Tính đo lường được: Key Result thường được gắn với các mốc có thể đo lường được.
- Tính minh bạch: Tất cả thành viên từ CEO đến thực tập sinh đều có thể thấy và theo dõi OKR của tổ chức.
- Tính hiệu suất: OKR không được dùng để đánh giá hiệu quả, hiệu suất làm việc của nhân viên.
1.2 KPI là gì?
KPI hay “Key Performance Indicators” là chỉ số đo lường hiệu suất, hiệu quả, chất lượng thực hiện công việc của mỗi cá nhân hoặc của toàn doanh nghiệp. Nhìn vào KPI chúng ta có thể hiểu rõ một công ty, một đơn vị kinh doanh hay một cá nhân đang thực hiện công việc gì và kết quả thực tế ra sao so với các mục tiêu chiến lược đã đề ra.
Đối với tổ chức, KPI đích thị là một loại công cụ đo lường hiệu suất, nhằm đánh giá kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh. KPI được thể hiện qua thống kê, số liệu, bảng biểu về chỉ tiêu và được định lượng một cách cụ thể. Phương pháp này được thiết kế chi tiết để có thể thực hiện hằng ngày và phản ánh hiệu quả hoạt động của tổ chức.
Đặc trưng của phương pháp KPI:
- Hiệu quả của KPI có thể định lượng hay đo lường chính xác bằng số liệu cụ thể.
- KPI nên được lên lịch đo lường hàng ngày, hàng tuần hay hàng tháng.
- Phương pháp KPI không nên được giao chung chung mà phải gắn liền với nhân viên hoặc bộ phận cụ thể.
2. So sánh OKR và KPI - Điểm giống và khác nhau của hai công cụ hiệu suất
Để có thể tìm ra điểm giống và khác nhau của OKR và KPI, Blognhansu sẽ đưa ra ví dụ của hai chỉ số này. Từ đây, bạn có thể dễ dàng so sánh OKR và KPI hơn.
2.1 Ví dụ về chỉ số OKR và KPI
KPI thường được đo bằng các chỉ tiêu định lượng cụ thể. Ở mỗi ngành chỉ số KPI thay đổi khác nhau để phù hợp với đặc thù công việc.
Ví dụ:
+ Phòng Nhân sự: tỷ lệ tuyển dụng thành công, thời gian tuyển dụng trung bình, hiệu suất thực hiện công việc của nhân viên, …
+ Phòng kinh doanh: doanh thu bán hàng, các cuộc gọi đã thực hiện tư vấn, số khách hàng trải nghiệm sản phẩm, …
+ Ngành bán lẻ: doanh thu trên một điểm bán, doanh số bán hàng tại các cửa hàng, doanh số bán hàng trên mỗi nhân viên, …
OKR được xây dựng theo các mục tiêu chính và chỉ tiêu thực hiện đạt được mục tiêu đó. Các mục tiêu OKR có tầm ảnh hưởng lớn được xác định để thúc đẩy nhân viên và công ty phát triển trong ngắn hạn.
Ví dụ :
- Mục tiêu tăng doanh thu lên 30%:
+ Kết quả thực hiện 1: Có được 60 khách hàng mới
+ Kết quả thực hiện 2: Tăng khách hàng tiềm năng lên 20%
+ Kết quả thực hiện 3: Tăng tỷ lệ giữ chân khách hàng lên 80%
- Mục tiêu phát triển công nghệ phần mềm:
+ Kết quả thực hiện 1: Thuê 5 chuyên gia lĩnh vực trí tuệ nhân tạo
+ Kết quả thực hiện 2: Đầu tư thêm 200 triệu đô vào nghiên cứu và phát triển
+ Kết quả thực hiện 3: Triển khai nguyên mẫu vào cuối năm tài chính
2.2 Điểm giống nhau giữa OKR và KPI
Sau khi so sánh OKR và KPI, có thể chỉ ra điểm giống nhau của hai chỉ số này. Cả OKR và KPI đều là những công cụ để đo lường hiệu suất, hiệu quả công việc. Cả Key Result trong OKR hay Key Performance trong KPI đều được thể hiện bằng những chỉ số cụ thể và có thể đo lường, đánh giá được.
2.3 Điểm khác nhau giữa OKR và KPI
Thứ nhất, KPI (Key Performance) và KR (Key Result) đều được đo lường bằng số nhưng kết quả then chốt trong KR thường là tham vọng bạn muốn đạt được. Nói cách khác, KR chính là cầu nối giữa tham vọng và thực tế. Còn KPI sẽ đo lường chính xác kết quả của đầu ra hay một công đoạn của quy trình nào đó.
Thứ hai, KPI thường là số liệu chính xác tuyệt đối, chẳng hạn như doanh số bán hàng, điểm số hài lòng của khách hàng, tỷ lệ sản phẩm lỗi, … Trong đó, KR không dễ dàng đo lường chính xác, đòi hỏi phải có định nghĩa kết quả thế nào là xuất sắc, tốt, khá, trung bình, … Tuy nhiên, những định nghĩa đó đôi khi mang tính chủ quan.
Thứ ba, KPI thường cố định và ít thay đổi trong thời gian dài. Với KR, chỉ số này có thể tồn tại trong thời gian ngắn, thậm chí chỉ xuất hiện một lần duy nhất.
3. OKR hay KPI - Doanh nghiệp nên lựa chọn chỉ tiêu đo lường nào?
Chúng ta vừa tiến hành so sánh OKR và KPI với những quan điểm cụ thể. Vậy với hai công cụ đều hữu ích này, doanh nghiệp nên lựa chọn như thế nào?
Hiện nay, để đo lường và nâng cao hiệu suất làm việc của mỗi cá nhân, bộ phận trong doanh nghiệp, các nhà quản trị thường nghĩ tới KPI. Nhiều doanh nghiệp đã bỏ rất nhiều chi phí xây dựng và triển khai KPI nhưng kết quả thực hiện không đạt được như kỳ vọng. Sự thất bại này đến từ nhiều nguyên nhân và nguyên nhân chính đó là doanh nghiệp không xác định được chính xác mục tiêu của tổ chức trong các giai đoạn khác nhau.
Thực tế, các doanh nghiệp hay các công ty công nghệ cần nhanh chóng thay đổi phạm vi kinh doanh và ra mắt sản phẩm mới nên chỉ tiêu OKR ngắn hạn sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo. Bởi đây là lĩnh vực yêu cầu R&D rất cao và phải thay đổi mô hình liên tục để thích ứng với thị trường. Ngược lại các công ty có định hướng dài hạn, cần đo lường hiệu quả hàng ngày, tuần, tháng, năm thích hợp với chỉ số KPI hơn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể kết hợp OKR và KPI với nhau để đo lường hiệu suất hiệu quả nhất.
Lời kết,
Trong bài viết này, Blognhansu đã đưa ra so sánh OKR và KPI cũng như sơ lược về hai chỉ số này. Mong rằng những thông tin này sẽ giúp ích cho các doanh nghiệp trong quá trình xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh doanh và hiệu suất làm việc của nhân viên.