Cuối năm up lại bài này để mọi người cùng đọc: So sánh giữa hợp đồng lao động có thời hạn và hợp đồng cộng tác viên
A. Hợp đồng lao động theo Bộ luật lao động 2012
Hợp đồng cộng tác viên được xem là hợp đồng lao động và tùy theo thời hạn ký kết hợp đồng mà xác định đó là hợp đồng lao động xác định thời hạn (từ đủ 12 tháng đến 36 tháng), hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
Như vậy, tùy theo loại hợp đồng lao động mà người lao động được hưởng những quyền lợi nhất định.
I. Đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng:
1. Thế nào là HĐLĐ thời vụ?
HĐLĐ thời vụ là sự thỏa thuận giữa NLĐ và NSDLĐ về việc làm có trả lương theo mùa vụ hoặc công việc nhất định có tính chất không thường xuyên, có thời hạn dưới 12 tháng, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
2. NSDLĐ được phép ký kết HĐLĐ thời vụ trong trường hợp nào?
HĐLĐ thời vụ được ký kết trong trường hợp giao kết công việc giữa NSDLĐ và NLĐ là công việc có tính chất tạm thời, không thường xuyên, hoặc công việc có thể hoàn thành trong thời hạn 12 tháng.
Không được giao kết HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác.
Trường hợp vị phạm, NSDLĐ sẽ bị xử phạt hành chính từ 500.000 – 20.000.000 đồng tùy theo số lượng NLĐ mà họ vi phạm theo Khoản 1 Điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ-CP.
3. NLĐ ký kết HĐLĐ thời vụ được hưởng những ưu đãi gì?
Khi ký kết HĐLĐ thời vụ, NSDLĐ phải đảm bảo các quyền lợi sau đây cho NLĐ:
- Được tham gia BHTN kể từ ngày 01/01/2015, do vậy được hưởng đầy đủ quyền lợi khi đáp ứng các điều kiện được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
- Được tham gia BHXH kể từ ngày 01/01/2016, do vậy cũng được hưởng đầy đủ các chế độ thai sản, chế độ hưu trí, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Được bảo vệ quyền lợi chính đáng như không bị đuổi việc vô cớ, được trả lương đúng hạn,riêng với lao động nữ được hưởng chế độ thai sản, được nghỉ ngơi trong thời gian hành kinh…. theo quy định pháp luật lao động.
Ngoài ra, khi có xảy ra tranh chấp giữa NSDLĐ và NLĐ thì NLĐ có cơ sở để Tòa án giải quyết quyền lợi cho NLĐ.
4. Trường hợp đã ký kết HĐLĐ thời vụ 02 lần thì có được phép ký tiếp HĐLĐ thời vụ không?
Pháp luật lao động chưa hạn chế số lần ký kết HĐLĐ thời vụ.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, công việc được giao kết HĐLĐ thời vụ phải là công việc có tính chất tạm thời, không thường xuyên.
Giải thích rõ trường hợp này như sau:
- Nếu công ty ký HĐLĐ thời vụ, sau khi hết hạn HĐLĐ này, 02 bên (NSDLĐ và NLĐ) chấm dứt HĐLĐ. Sau một thời gian, công ty lại ký HĐLĐ thời vụ, thì việc ký kết HĐLĐ này vẫn đúng quy định pháp luật vì công việc đó mang tính chất thời vụ. Và như vậy, việc ký kết HĐLĐ như vậy là đúng quy định, không phụ thuộc vào số lần ký kết.
- Nếu công ty ký HĐLĐ thời vụ, sau khi hết hạn HĐLĐ này, 02 bên (NSDLĐ và NLĐ) lại tiếp tục ký kết HĐLĐ thời vụ thì như vậy, rõ ràng công việc này không mang tính chất thời vụ nữa, việc ký kết này vi phạm quy định của Bộ luật lao động 2012.
5. HĐLĐ thời vụ có bắt buộc phải theo mẫu quy định không? Nếu có thì có mẫu HĐLĐ này được quy định tại văn bản nào?
Vì HĐLĐ là sự thỏa thuận giữa NSDLĐ với NLĐ nên HĐLĐ không nhất thiết phải theo mẫu quy định.
Tuy nhiên, HĐLĐ thời vụ phải đảm bảo đầy đủ các nội dung quy định theo pháp luật về lao động (được đề cập bên dưới).
Các bạn có thể tham khảo mẫu HĐLĐ thời vụ tại đây: NS - 21 - BM01 - Hop dong thoi vu mau thuvienphapluat
6. HĐLĐ cần phải có những nội dung gì?
Vì HĐLĐ thời vụ là một trong ba loại HĐLĐ do pháp luật lao động quy định nên nội dung của HĐLĐ thời vụ phải đảm bảo có đủ các nội dung sau:
- Tên và địa chỉ NSDLĐ hoặc của người đại diện hợp pháp.
+ Tên doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình thuê mướn, sử dụng lao động theo HĐLĐ theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định thành lập cơ quan, tổ chức; trường hợp là cá nhân thuê mướn sử dụng lao động thì ghi họ và tên NSDLĐ theo CMND hoặc hộ chiếu được cấp.
+ Địa chỉ của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân thuê mướn, sử dụng lao động theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định thành lập cơ quan, tổ chức theo quy định pháp luật;
+ Họ và tên, ngày tháng năm sinh, số CMND hoặc hộ chiếu, địa chỉ nơi cư trú, chức danh trong doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình thuê mướn, sử dụng lao động của người giao kết HĐLĐ bên phía NSDLĐ theo quy định.
- Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số CMND hoặc giấy tờ hợp pháp khác của NLĐ.
+ Số CMND hoặc số hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền cấp của NLĐ.
+ Số giấy phép lao động, ngày tháng năm cấp, nơi cấp giấy phép lao động của cơ quan có thẩm quyền cấp đối với lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
+ Văn bản đồng ý việc giao kết HĐLĐ của người đại diện theo pháp luật đối với người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi.
+ Họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số CMND hoặc số hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi.
+ Văn bản của người dưới 15 tuổi đồng ý để người đại diện theo pháp luật của mình giao kết HĐLĐ.
- Công việc và địa điểm làm việc.
+ Công việc: Công việc mà người lao động phải thực hiện.
+ Địa điểm làm việc của NLĐ: Phạm vi, địa điểm NLĐ làm công việc đã thỏa thuận; trường hợp người lao động làm việc ở nhiều địa điểm khác nhau thì ghi các địa điểm chính NLĐ làm việc.
- Thời hạn của HĐLĐ: Thời gian thực hiện HĐLĐ (số tháng hoặc số ngày), thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc thực hiện HĐLĐ.
- Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
+ Mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định theo quy định.
+ Hình thức trả lương xác định theo quy định
(Bao gồm trả lương theo thời gian, sản phẩm, theo khoán, hình thức trả lương phải được duy trì trong một thời gian nhất định, nếu có thay đổi phải báo trước cho NLĐ ít nhất 10 ngày. Tiền lương được trả bằng tiền mặt hoặc qua tài khoản ngân hàng, nếu trả thông qua tài khoản ngân hàng thì giữa NSDLĐ và NLĐ phải thỏa thuận về các loại phí liên quan đến việc mở, duy trì tài khoản)
+ Kỳ hạn trả lương do hai bên xác định theo quy định.
(Đối với NLĐ hưởng lương giờ, ngày, tuần thì lương được trả sau giờ, ngày, tuần làm việc đó hoặc được trả gộp do 02 bên thỏa thuận nhưng ít nhất 15 ngày phải trả gộp 01 lần.
NLĐ hưởng lương tháng thì được trả lương tháng 01 lần hoặc nửa tháng 01 lần và phải trả ngay trong tháng làm việc.
NLĐ hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán thì được trả lương theo thỏa thuận của 02 lên, nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hàng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.)
- Chế độ nâng bậc, nâng lương.
Điều kiện, thời gian, thời điểm, mức lương sau khi nâng bậc, nâng lương mà hai bên đã thỏa thuận.
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.
+ Thời giờ làm việc trong ngày, trong tuần; ca làm việc; thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc của ngày, tuần hoặc ca làm việc; số ngày làm việc trong tuần; làm thêm giờ và các điều khoản liên quan khi làm thêm giờ.
+ Thời gian, thời điểm bắt đầu, thời điểm kết thúc nghỉ trong giờ làm việc; thời gian nghỉ hằng tuần, nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương.
- Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động
Ghi cụ thể số lượng, chủng loại, chất lượng và thời hạn sử dụng của từng loại trang bị bảo hộ lao động theo quy định của NSDLĐ.
- BHXH, BHYT
+ Tỷ lệ % tính trên tiền lương tháng đóng BHXH, BHTN, BHYT thuộc trách nhiệm của NSDLĐ và của NLĐ theo quy định pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT.
+ Phương thức đóng, thời gian đóng BHXH, BHTN, BHYT của NSDLĐ và của NLĐ.
- Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Quyền, nghĩa vụ của NSDLĐ và NLĐ trong việc đảm bảo thời gian, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
- Các nội dung khác liên quan đến thực hiện nội dung mà hai bên thỏa thuận.
7. Thu nhập của NLĐ làm việc theo HĐLĐ thời vụ có chịu thuế thu nhập cá nhân không?
Vì khoản thu nhập này có tính chất là khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công nên thu nhập của NLĐ làm việc theo HĐLĐ thời vụ vẫn phải chịu thuế TNCN.
Lưu ý: thu nhập tính thuế được xác định bằng thu nhập chịu thuế trừ các khoản:
- Các khoản đóng góp bảo hiểm bắt buộc như: BHXH, BHYT, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành, nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc và các khoản bảo hiểm bắt buộc khác theo quy định pháp luật.
- Các khoản giảm trừ gia cảnh (Trong đó, khoản giảm trừ gia cảnh cho bản thân là 9 triệu đồng/tháng, cho người thân là 3.6 triệu đồng/tháng)
- Các khoản đóng góp vào quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học.
8. Ký kết HĐLĐ thời vụ có phải trải qua thời gian thử việc không?
Ký kết HĐLĐ thời vụ không phải thử việc. (theo Khoản 2 Điều 26 Bộ luật lao động 2012)
9. Muốn nghỉ việc trước thời hạn, NLĐ ký kết HĐLĐ thời vụ có phải báo trước cho NSDLĐ không?
NLĐ làm việc theo HĐLĐ thời vụ phải báo trước cho NSDLĐ khi nghỉ việc trước thời hạn trong HĐLĐ. Tùy từng trường hợp mà NLĐ phải báo trước thời hạn quy định cho NSDLĐ:
- Ít nhất 3 ngày làm việc với trường hợp: không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong HĐLĐ; không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong HĐLĐ; bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động; bị ốm đau, tai nạn đã điều trị ¼ thời hạn hợp đồng mà khả năng lao động chưa được hồi phục.
- Ít nhất 03 ngày làm việc đối với các trường hợp: bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện HĐLĐ, được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước.
- Đối với trường hợp lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì thời hạn phải báo trước cho NSDLĐ tuỳ thuộc vào thời hạn do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định.
Ngược lại, trong trường hợp NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ thì thời hạn báo trước: Ít nhất 03 ngày làm việc
10. Trong trường hợp NLĐ làm việc theo HĐLĐ thời vụ đơn phương chấm dứt HĐLĐ, người lao động có được hưởng các khoản hỗ trợ nào không?
Trong trường hợp NLĐ làm việc theo HĐLĐ thời vụ đơn phương chấm dứt HĐLĐ, NLĐ không được hưởng trợ cấp thôi việc.
II. Đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn, không xác định thời hạn
1. Về việc ký kết hợp đồng lao động
Khi ký kết hợp đồng lao động xác định thời hạn cần phải lưu ý vấn đề sau:
Hết thời hạn hợp đồng lao động mà vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, 02 bên phải ký kết hợp đồng lao động mới.
Nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng lao động xác định thời hạn trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Nếu đã ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng lao động xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó, nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
2. Mẫu hợp đồng lao động
Không bắt buộc phải theo mẫu nhất định nào. Tuy nhiên, mẫu hợp đồng lao động vẫn phải đảm bảo có đủ các nội dung sau:
- Tên và địa chỉ người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp.
- Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động.
- Công việc và địa điểm làm việc.
- Thời hạn của hợp đồng lao động.
- Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
- Chế độ nâng bậc, nâng lương.
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.
- Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động.
- Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.
- Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Dưới đây là một số mẫu hợp đồng, các bạn có thể tham khảo:
- Hợp đồng lao động dành cho đối tượng cộng tác viên
- Hợp đồng lao động
3. Những quyền lợi được hưởng
- Không bị đuổi việc một cách vô cớ, không có lý do chính đáng.
- Trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động cũng phải báo trước cho người lao động biết trước ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn, và ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn.
- Được hưởng các chế độ trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định.
- Người sử dụng lao động phải đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động và người lao động ký kết 01 trong 02 loại hợp đồng này được hưởng đầy đủ các chế độ thai sản, ốm đau, hưu trí, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Đối với lao động nữ được hưởng các chính sách như được nghỉ 30 phút mỗi ngày và tối thiểu 3 ngày làm việc trong 01 tháng trong thời gian hành kinh, lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút để nghỉ ngơi, vắt, trữ sữa, cho con bú…
- Được hưởng tiền lương không thấp hơn lương tối thiểu vùng theo quy định pháp luật (xem chi tiết lương tối thiểu vùng hiện nay).
- Khi có tranh chấp giữa người sử dụng lao động và người lao động xảy ra, đây là cơ sở để Tòa án căn cứ giải quyết bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
4. Về nghĩa vụ của người lao động
- Phải thực hiện các nghĩa vụ về thuế thu nhập cá nhân.
- Trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người sử dụng lao động, người lao động phải báo trước cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất:
+ Đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn: 45 ngày.
+ Đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn:
03 ngày làm việc với trường hợp không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong HĐLĐ; không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong HĐLĐ; bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động; bị ốm đau, tai nạn đã điều trị ¼ thời hạn hợp đồng mà khả năng lao động chưa được hồi phục.
30 ngày đối với các trường hợp còn lại.
5. Thời gian thử việc
Tùy vào trình độ và khả năng chuyên môn của người lao động mà thời gian thử việc được quy định như sau:
- Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên.
- Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.
Lưu ý: Thời gian thử việc, người lao động phải được hưởng tối thiểu 85% mức lương chính thức của công việc đó.
6. Một số chế tài dành cho người sử dụng lao động nếu vi phạm
Xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền hay buộc khắc phục hậu quả:
- Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với công việc có thời hạn trên 03 tháng hoặc không giao kết đúng loại hợp đồng lao động: 500.000 – 20.000.000 đồng.
- Thử việc quá 01 lần hoặc quá thời gian quy định, hoặc mức lương thử việc thấp hơn quy định: 2.000.000 – 5.000.000 đồng.
- Không trả lương đúng thời hạn: 5.000.000 – 50.000.000 đồng.
- Trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng: 20.000.000 – 75.000.000 đồng.
- Không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh: 500.000 – 1.000.000 đồng.
- Không đóng BHXH bắt buộc, BHTN cho người lao động: 18 - 20% tổng số tiền BHXH bắt buộc phải đóng...
Có thể xem chi tiết tại Nghị định 95/2013/NĐ-CP, Nghị định 88/2015/NĐ-CP.
Xử lý hình sự:
- Buộc người lao động thôi việc trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
- Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 10 năm.
Xem chi tiết tại Bộ luật hình sự 1999.
B. Hợp đồng cộng tác viên theo Bộ luật dân sự 2005
Hợp đồng cộng tác viên được xem là hợp đồng dịch vụ, trong đó, bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc là cộng tác viên và bên thuê dịch vụ là bên nhận cộng tác viên làm việc, đồng thời phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ này.
1. Quyền và nghĩa vụ của bên thuê dịch vụ (bên thuê cộng tác viên)
- Phải cung cấp cho cộng tác viên những thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để làm việc và trả tiền cho cộng tác viên theo thỏa thuận.
- Đồng thời có quyền yêu cầu cộng tác viên phải hoàn thành đúng số lượng, chất lượng, thời hạn công việc được giao.
- Trong trường hợp phía cộng tác viên vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ đã giao kết thì bên thuê cộng tác viên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng này và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
2. Quyền và nghĩa vụ của bên cộng tác viên
- Thực hiện công việc đúng số lượng, chất lượng, thời hạn được giao,.
- Không được giao cho người khác thực hiện thay mình trừ trường hợp bên thuê cộng tác viên đồng ý.
- Phải bảo quản và giao lại các tài liệu, phương tiện được giao sau khi hoàn thành công việc.
- Báo ngay cho bên thuê cộng tác viên về thông tin, tài liệu, phương tiện không đủ dẫn đến không đảm bảo hoàn thành đúng số lượng, chất lượng và thời hạn công việc được giao.
- Phải bồi thường thiệt hại nếu làm mất mát, hư hỏng tài liệu, phương tiện được giao hoặc tiết lộ bí mật thông tin.
- Được thay đổi điều kiện làm việc, công việc… vì quyền lợi của bên thuê cộng tác viên mà không nhất thiết phải chờ ý kiến của bên thuê, nếu chờ thì sẽ gây thiệt hại cho bên thuê, nhưng phải báo ngay cho bên thuê.
- Được quyền yêu cầu bên thuê cộng tác viên trả tiền.
3. Trả tiền cho cộng tác viên
- Theo thỏa thuận giữa đôi bên.
- Nếu không thỏa thuận sẽ căn cứ vào giá thị trường tại cùng thời điểm giao kết hợp đồng.
- Bên thuê cộng tác viên phải trả tiền dịch vụ này tại địa điểm thực hiện công việc khi hoàn thành công việc nếu không có thỏa thuận khác.
- Trong trường hợp phía cộng tác viên không đảm bảo đúng số lượng, chất lượng và thời hạn công việc được giao thì bên thuê có quyền giảm tiền này và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
4. Mẫu hợp đồng cung ứng dich vụ
Tuỳ theo từng loại hợp đồng, các bên có thể thoả thuận về những nội dung sau đây:
- Đối tượng của hợp đồng là công việc phải làm.
- Số lượng, chất lượng.
- Giá, phương thức thanh toán.
- Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng.
- Quyền, nghĩa vụ của các bên.
- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
- Phạt vi phạm hợp đồng;
- Các nội dung khác.
5. Đơn phương chấm dứt hợp đồng
- Nếu tiếp tục thực hiện công việc không có lợi cho bên thuê thì bên thuê có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng, nhưng phải báo cho bên cộng tác viên biết trước một thời gian hợp lý.
Đồng thời, bên thuê phải trả tiền phần công việc đã thực hiện cho cộng tác viên và bồi thường thiệt hại.
- Nếu bên thuê không thực hiện nghĩa vụ của mình hoặc không đúng theo thỏa thuận thì bên cộng tác viên được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
6. Thời hạn thực hiện hợp đồng
Nếu đã kết thúc thời hạn hợp đồng mà công việc chưa hoàn thành hoặc bên cộng tác viên vẫn tiếp tục thực hiện công việc, còn bên thuê biết nhưng không phản đối thì hợp đồng đương nhiên được tiếp tục theo nội dung đã thỏa thuận cho đến khi công việc được hoàn thành.
7. Nghĩa vụ về thuế
Trong trường hợp cung ứng dịch vụ của mình, cộng tác viên phải thực hiện nghĩa vụ về thuế thu nhập cá nhân, trong đó là thuế thu nhập từ hoạt động cung ứng dịch vụ. Tuy nhiên, thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở xuống sẽ không phải chịu thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động cung ứng dịch vụ này. (Theo Luật sửa đổi các Luật về thuế 2014)
8. Vi phạm thực hiện hợp đồng
Trong trường hợp vi phạm hợp đồng, bên vi phạm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo thỏa thuận trong hợp đồng, mà không bị xử lý hành chính, xử lý hình sự.
Nguồn: Thư viên pháp luật | nguyenanh1292
em cảm ơn anh bài viết hữu ích, như vậy nghĩa là HĐ cộng tác viên thì người thuê k phải đảm bảo chế độ BHXH cho bên được thuê đúng không a
Đúng rồi! Hợp đồng dịch vụ thì không cần phải đóng BHXH.
Em cảm ơn anh!. Vậy thời gian làm việc trên HĐCTV có phải giới hạn dưới 3 tháng không? Thù lao cho CTV vẫn để chung trên bảng lương của cả công ty chứ ạ? Hay cần phải làm bảng thù lao cho CTV riêng k ạ?
Kính gửi anh Cường,
Cảm ơn anh đã gửi chỉ dẫn giúp em.
Tuy nhiên, theo em thấy để hỗ trợ cho NLĐ không phải tham gia BHXH thì nội dung hợp đồng CTV như trong file tài liệu chưa thực sự chặt chẽ và đảm bảo vì có nội dung vẫn thể hiện quan hệ ràng buộc về mặt quản lý lao động. Trong một buổi Hội thảo do Tiến sĩ Luật Đỗ Ngân Bình – Một trong những người tham gia xây dựng các Dự thảo Luật cho Nhà nước đã tư vấn thì Hợp đồng CTV hoặc HĐ khoán sẽ phải đảm bảo đủ 4 điều kiện sau thì sẽ tránh được việc NLĐ phải tham gia BHXH:
DK1: Chi phí dịch vụ được trích từ chi phí sản xuất
DK2: Công ty không được quản lý, điều hành người/cá nhân thực hiện hoạt động dịch vụ
DK3: Các “dịch vụ” được mô trả trong Hợp đồng cần phải là những dịch vụ do Bên nhận khoán độc lập thực hiện và bàn giao kết quả cho Công ty.
DK4: Mẫu Hợp đồng và các văn bản kèm theo được ký giữa Công ty và người/cá nhân cộng tác phải theo đúng quy định của Luật dân sự, không áp dụng Luật Lao động.
Do em chưa thực sự tự tin vào nội dung của Hợp đồng CTV em đã soạn nên mạn phép nhờ anh Cường tư vấn thêm ạ.
Nguồn Lý Đào