Nghệ thuật giữ người – Làm khó nhân viên, công ty phát triển – p2 ?

Bài tiếp theo tôi nghĩ đến khi nhận được tình huống này:

"Sau một thời gian làm việc em thấy công ty có rất nhiều vấn đề.
- Mọi người đều chán nản môi trường làm việc
+ Lương không cao, không có tính kích thích người mới và người cũ, người giỏi người trung bình,...
+ Chế độ tương đối đầy đủ nhưng không cao, không đủ ( hiểu môn na là cái gì cũng có nhưng không ra gì).
+ Do những mâu thuẫn trong sinh hoạt và công việc mà các phòng ban không thích, không hòa thuận với nhau. Tuy không tranh cãi trước mặt nhưng lại nói xấu sau lưng nhau làm cho mâu thuẫn ngày càng lớn và cảm giác chẳng thể hòa giải.
+ Do bản thân người lãnh đạo: hối thúc người lao động làm việc, có mặt 8/8h để giao việc, NLĐ sẽ không có thời gian nghỉ khi chưa hết việc này đã bị giao việc khác.
+......
- Gần đây NLĐ thi nhau nghỉ việc. Gần 1 năm cũng nghỉ, 2 tháng cũng nghỉ và 2 3 ngày đến 1 tuần cũng nghỉ. Những người mới nghỉ do những người trong phòng nói công ty thế này thế kia, sếp thế này thế kia,...hoặc có thể do những lý do nào đó mà em chưa nắm được. :(
--> Anh có thể cho em biết những vấn đề công ty em đang gặp phải và hướng giải quyết như thế nào không ạ??
"

là bài: LÀM KHÓ ANH EM NHÂN VIÊN, CÔNG TY PHÁT TRIỂN! của anh Do Xuan Tung . Bài này tương ứng với vấn đề 4 (bản thân lãnh đạo) trong nhóm 1. Mạn phép anh được up lên đây để mọi người cùng đọc:

LÀM KHÓ ANH EM NHÂN VIÊN, CÔNG TY PHÁT TRIỂN!

Tôi từng đề cập vấn đề áp dụng kỷ luật tại công ty, đặc biệt là ở đội sales trong một số bài viết trước. Tuy nhiên, gần đây, được chứng kiến câu chuyện đang xảy ra ở những ngành kinh doanh mà mỗi doanh nghiệp có doanh thu hàng chục, trăm tỷ mỗi tháng, tôi thấy mình nhấn mạnh chưa đủ!

Câu biện minh thường thấy của các doanh nghiệp loại này là cứ áp kỷ luật thì anh em thấy khó chịu, không muốn làm. Vâng đúng vậy, không có kỷ luật, thì anh em không khó chịu nữa, nhưng cũng sẽ chả nỗ lực nữa! Trong clip của anh Vượng Vincom và anh Hùng Vietel mọi người hay thích phân tích những đoạn hai đại gia nói về chiến lược lớn, cuộc chơi lớn, mà quên mất quan điểm của anh Vượng ngay tầm 5 phút trong bài nói của anh ấy. Đó là “nếu không bị ép thì chả ai chủ động làm cả, ngay cả tôi!”. Điều này nhỏ nhưng biết sử dụng sẽ là động lực quan trọng của mọi tổ chưc doanh nghiệp.

Tổ chức luôn phải có sức ép lên tất cả các thành viên của nó nếu muốn họ hoạt động hết công suất. Công ty nào mà sales hoặc quản lý sales thoải mái nói rằng kỷ luật không áp dụng vì nó làm anh em khó chịu, thì chỉ có thể khẳng định một điều, là giám đốc công ty đó đang không kiểm soát được tình hình và có thể do thiếu kinh nghiệm về sales mà để anh em làm theo kiểu tự phát, ngoài tầm kiểm soat của mình. Nếu họ nhìn xa hơn sẽ thấy, theo đúng vòng vận động của các bộ phận trong công ty. Sales không có kỷ luật thì kéo theo là doanh số không ổn định, trồi sụt liên tục mà lần nào cũng có lý do “hợp lý” theo kiểu không có số liệu minh chứng. Để đảm bảo doanh số, công ty phải nhập hàng tồn kho nhiều hơn mức trung bình, phải chiều chuộng đại lý cho họ nợ và chiết khấu lớn hơn để họ tiếp tục duy trì bán hàng mà không kêu than lúc hàng thiếu hụt. Kế toán không dám thúc công nợ, vậy là bên tài chính không tài nào tính được vòng quay. Không hoạch định được thì công ty không dám mở rộng quy mô, vay thêm tiền. Cái vòng luẩn quẩn ấy cứ lặp đi lặp lại, qua những gì tôi thấy, nhiều khi chính vì sales không có kỷ luật mà kéo theo vô số hệ luỵ và cứ thế công ty chỉ dừng ở mức quy mô nhỏ hay siêu nhỏ. Trong nhiều ngành sản xuất, hiện tượng diễn ra là không có ông to nào, mà toàn một series các ông nhỏ tranh giành thị trường và làm nát nó với vô số nhãn hiệu.

Sales không có kỷ luật còn tạo ra một thứ văn hoá rất hài hước, đầu tiên chúng ta không bắt họ đi làm đúng giờ và đủ ngày được. Số lượng thì là như thế, còn về chất lượng thì họ ngày càng làm theo ý họ muốn. Tới mức doanh số tăng hay giảm là do ý họ muốn. Giám đốc thì không nắm được thực lực trên địa bàn. Chỉ biết quay ra nịnh nọt anh em cố gắng.
Sau cùng, từ nhân viên, đội sales thành mấy ông cộng tác viên, thích thì làm không thích thì nghỉ. Dám nói năng lung tung với sếp, kiểu :” Anh phải làm sao để thương hiệu, quảng cáo, công dụng sản phẩm của mình phải cao hơn thằng khác, còn giá, chế độ, lương phải tốt hơn thằng khác!” Đủ cả 6 mục hơn tất cả các công ty còn lại, thì e hơi khó nếu không nói là vô phương!

Càng không được thoả mãn, sales càng hiểu rõ sếp cần mình, và sợ mình. Tôi từng gặp các doanh nghiệp, mà tại đó anh chủ tự hào khoe rằng “Doanh số của anh trước và trong lúc khủng hoảng làm thị trường giảm đi tới 50% vẫn giữ vững, đó là điều đáng mừng!” Vâng đáng mừng với tư duy giữ lợi nhuận ổn định bằng mọi giá của anh, còn thực tế cái việc doanh số giữ nguyên không thay đổi trước và trong khủng hoảng chỉ có thể là do từ trước tới nay, doanh nghiệp này làm kém hơn hẳn so với mức năng lực thực tế của họ! Thậm chí chỉ đạt có 20-30% thực lực. Nếu làm đúng mức tức là đạt doanh số so với năng lực tầm 70% trở lên, thì hiển nhiên họ sẽ phải chịu ảnh hưởng khi thị trường đi xuống. Với tầm nhìn như thế, bảo doanh nghiệp phát triển tiếp rất khó!

Đỗ Xuân Tùng - Giám đốc Công ty Tư vấn và Đào tạo Nhân Việt
Chú thích ảnh: Đội hình mu rùa tuân theo kỷ luật chặt chẽ của người La Mã giúp họ phát triển từ một làng nhỏ thành một đế quốc hùng mạnh thời trung cổ!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *