Sáng nay, họp đầu tuần, bạn trợ lý nói. Em xem lại bản khảo sát mức độ hài lòng của học viên các lớp thấy có anh H viết nội dung "Lớp học buồn ngủ". Tôi thấy lạ quá nên nghiêm túc kiểm điểm bản thân và sẽ cải tiến để khác phục. Xong tôi bảo bạn rằng liên hệ lại với anh H rồi hỏi han kỹ và mời anh ý học lại. Bạn trợ lý nói tiếp: "Em rõ ràng chăm sóc anh ý và thấy anh ý khen lớp học thế. Vậy mà khảo sát thì ra như vậy. Các học viên khác trong lớp thì mọi người khen, anh ạ. Em xem lại kỹ thì thấy là có thể do anh H đã phỏng vấn để tham gia tư vấn với anh. Và trong quá trình phỏng vấn anh hay ra kết luận. Em nhớ có đoạn anh ra kết luận là anh ý chưa đủ kiến thức để đi tư vấn. Thế là anh ý khựng lại mất mấy giây."
Trao đổi của bạn trợ lý làm tôi suy nghĩ quá. Suy nghĩ về việc làm thế nào để lớp học online sôi nổi hơn mà vẫn đạt được mục tiêu của khóa học. Và cũng suy nghĩ cả về việc phỏng vấn. Trong phỏng vấn, tôi hay có thói quen như kiểu bệnh nghề nghiệp là đưa ra kết luận. Ví dụ tôi sẽ hỏi: "Em có biết phỏng vấn dựa trên khung năng lực là gì không?". Sau đó ứng viên nói vòng vòng kiểu như dựa vào mô tả công việc để hỏi và đánh giá chất lượng ứng viên. Nghe câu trả lời là biết ứng viên không biết khung năng lực là gì nên sau khi ứng viên trả lời xong tôi chốt: "Nghe em trả lời anh xin phép đánh giá là em chưa biết gì nhé?". Có lẽ kiểu kết luận đó làm cho ứng viên sốc. Nhất là các ứng viên đang trong tuổi tự tin hay trên "đỉnh của ngọn đồi vô tri". Và thế là họ không ưa mình.
Trước tôi rút kết luận là "không nên khuyên bảo gì ứng viên" thì giờ rút thêm kinh nghiệm là: "cũng không nên kết luận gì ứng viên cả".
Kinh nghiệm của tôi có vẻ như sẽ trái ngược với 1 số anh chị em làm tuyển dụng. Vì tôi thấy có người từng viết bài kể về việc được ứng viên cám ơn khi họ đưa ra những lời khuyên cho họ. Từ ắy, người đồng nghiệp đó thấy nghề tuyển dụng rất nhân văn và đam mê.
Liệu có ai có thể giúp tôi biết cách khiến ứng viên vừa biết họ ở đâu mà vừa muốn làm việc với tôi không?