Không thích nghe phê bình

Tôi chán cái công ty của tôi lắm rồi. Vì vậy trong lần hội nghị người lao động năm nay, tôi quyết định... phát biểu ý kiến. Đúng như dự tính của tôi, hai tuần lễ sau, trưởng phòng nhân sự mời tôi lên “làm việc”, thực chất là để “thương lượng chấm dứt hợp đồng”.

Trước khi ký vào bản thỏa thuận, tôi hỏi cắc cớ: “Chừng nào tới lượt chị? Tôi nhớ ngày xưa chị cũng thẳng tính lắm mà?”. Chị trưởng phòng im lặng, vài giây sau mới lên tiếng: “Giám đốc không muốn nghe lời nói trái tai. Bất kỳ ai có ý kiến phê phán các chính sách của công ty thì trước sau gì cũng phải ra đi. Tôi còn mẹ già, con nhỏ nên chỉ biết im lặng làm theo...”.

Chị trưởng phòng không nói thì tôi cũng biết điều đó. Tại hội nghị người lao động cách đây 2 năm, một anh trưởng xưởng phát biểu rất hăng về việc công ty chưa quan tâm cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân. Anh dẫn chứng có những hôm nhiệt độ trong xưởng lên đến 40 độ C. Việc bố trí đèn chiếu sáng cũng không hợp lý. Hôm đó có các cơ quan, ban ngành của quận xuống dự nên giám đốc nghiêm túc tiếp thu nhưng một thời gian sau thì anh trưởng xưởng bị điều sang làm việc ở bộ phận vệ sinh công nghiệp, đi tưới cây, móc cống... Bức xúc, anh nộp đơn xin nghỉ việc.

khong-thich-nghe-phe-binh

Năm ngoái, khi công ty tổ chức đối thoại, chủ tịch đoàn mời mãi mới có 1 người đứng lên phát biểu. Đó là một nữ công nhân. Chị phản ánh công ty có đông lao động nữ mà không có buồng vệ sinh riêng cho chị em theo quy định; công ty cũng chưa thực hiện chế độ giảm giờ làm cho các chị đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi; nhiều chị có bầu hơn 7 tháng vẫn bị bắt tăng ca, làm đêm... Khi chị phát biểu, công nhân vỗ tay rầm rầm. Ít lâu sau, khi chuẩn bị đại hội Công đoàn, mọi người định giới thiệu chị ứng cử chức chủ tịch nhưng không thấy chị đâu. Hỏi ra mới biết chị bị điều lên làm tạp vụ khu vực văn phòng công ty, chị không đồng ý nên “thỏa thuận nghỉ việc”.

Đến lần đối thoại năm nay, do đã có ý định nghỉ việc nên tôi hăng hái giơ tay phát biểu. Tôi nói về bữa ăn giữa ca của công nhân quá tệ. Với giá cả hiện nay, bữa ăn có giá 10.000 đồng, qua nhiều tầng phết phẩy thì phần cơm của công nhân chẳng còn lại gì; chưa kể không bảo đảm an toàn - vệ sinh... Khi tôi phát biểu, giám đốc gật gù, sau đó quyết ngay là tăng thêm 2.000 đồng. Nửa tháng sau, tôi bị phòng nhân sự “mời” lên để “bàn về việc chấm dứt hợp đồng”.

Vậy đó, ở công ty của tôi, cách tốt nhất để nghỉ việc mà không phải bồi thường hợp đồng là phát biểu về những hạn chế của công ty. Các đồng nghiệp của tôi cho biết họ cũng sẽ áp dụng “chiêu” này khi muốn dứt áo ra đi...

Hữu Tuấn
nld.com.vn

One thought on “Không thích nghe phê bình

  1. Khi bạn thấy công việc hoặc môi trường Cty không phù hợp thì cứ đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo luật thôi, với hợp đồng, 30 ngày báo trước với HĐ từ 1 – 3 năm và 45 ngày báo trước với hợp đồng vô thời hạn. Mình làm đúng luật thì có gì phải sợ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *