Thang bảng lương là gì? Cách xây dựng thang bảng lương trong doanh nghiệp

Chắc hẳn khi đi phỏng vấn hay tìm việc làm, bạn đã từng nghe đến các thuật ngữ như "lương cơ bản", "phụ cấp", hay "thưởng hiệu suất". Tuy nhiên, ít ai thực sự hiểu rõ về cấu trúc và nguyên lý hoạt động của hệ thống lương thưởng trong một doanh nghiệp. Một trong những công cụ cốt lõi để quản lý điều này chính là thang bảng lương. Vậy, thang bảng lương là gì và làm thế nào để xây dựng một hệ thống lương hiệu quả? Cùng Blognhansu tìm hiểu nhé.

Thang bảng lương là gì?

“Thang bảng lương là tài liệu bắt buộc mà doanh nghiệp cần xây dựng để làm căn cứ xác định mức lương và các tiêu chí lao động. Đây cũng là cơ sở quan trọng trong việc tuyển dụng và thỏa thuận với người lao động, đồng thời được quy định rõ ràng trong hợp đồng lao động.”

Quy định về thang bảng lương trong doanh nghiệp

1. Nguyên tắc xây dựng thang bảng lương

Căn cứ theo Điều 93, Luật Lao động 2019, việc xây dựng thang bảng lương và định mức lao động phải tuân theo các quy định sau:

- Người sử dụng lao động phải xây dựng thang bảng lương và định mức lao động để làm cơ sở tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương theo chức danh hoặc công việc được ghi trong hợp đồng lao động.
- Mức lao động phải là mức trung bình bảo đảm số đông người lao động thực hiện được mà không phải kéo dài thời giờ làm việc bình thường và phải được áp dụng thử trước khi ban hành chính thức.
- Người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động.

Lưu ý: Thang bảng lương phải được công bố rộng rãi đến toàn thể người lao động trước khi đi vào áp dụng. Điều này nhằm đảm bảo sự đồng thuận về thang bảng lương, tránh những hiểu lầm hoặc tranh cãi không mong muốn.

2. Hồ sơ đăng ký xây dựng thang bảng lương

Căn cứ theo quy định trong Bộ Luật lao động, khi xây dựng thang bảng lương, doanh nghiệp sẽ cần phải tự xây dựng thang bảng lương của riêng mình và công bố công khai thông tin này cho toàn thể nhân viên trước khi thực hiện.

Hồ sơ và thủ tục xây dựng thang bảng lương bao gồm các loại thông tin sau:

  • Hệ thống thang bảng lương (do doanh nghiệp xây dựng).
  • Quyết định ban hành hệ thống thang bảng lương (từ ban lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp).
  • Biên bản tham khảo và tổng kết ý kiến của đại diện lao động (nếu doanh nghiệp có tổ chức đại diện người lao động, Công đoàn).
  • Bảng quy định điều kiện áp dụng và các tiêu chuẩn liên quan tới chức vụ, công việc…
  • Quy chế lương thưởng, phụ cấp.

Cách xây dựng thang bảng thương trong doanh nghiệp

1. Bước 1: Thiết lập hệ thống thang bảng lương

Khi xây dựng thang bảng lương, cần đảm bảo rằng mức lương khởi điểm cho từng chức danh hoặc vị trí không được thấp hơn mức lương tối thiểu do pháp luật quy định. Theo Điều 91 Bộ luật Lao động 2019, mức lương tối thiểu là mức thấp nhất được trả cho lao động thực hiện công việc đơn giản trong điều kiện bình thường, nhằm đáp ứng nhu cầu sống cơ bản của họ và gia đình.

Mức lương tối thiểu được điều chỉnh theo vùng, áp dụng theo tháng hoặc giờ, dựa trên các yếu tố như mức sống tối thiểu, chỉ số giá tiêu dùng, tình hình kinh tế, và khả năng chi trả của doanh nghiệp. Hằng năm, Chính phủ sẽ ban hành mức lương tối thiểu vùng mới, và các doanh nghiệp cần cập nhật thang lương, bảng lương để đảm bảo tuân thủ quy định.

2. Bước 2: Tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động

Theo Điều 41 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, khi doanh nghiệp có tổ chức đại diện người lao động, người sử dụng lao động phải gửi văn bản lấy ý kiến về thang lương, bảng lương và định mức lao động. Tổ chức đại diện sẽ tổng hợp ý kiến, phản hồi để hai bên thảo luận, đối thoại, và kết quả sẽ được lập thành văn bản. Nội dung chính phải được công khai trong vòng 3 ngày làm việc sau khi đối thoại kết thúc.

Trường hợp doanh nghiệp không có tổ chức đại diện, việc tham khảo ý kiến công đoàn cấp trên là không bắt buộc.

3. Bước 3: Công khai thang bảng lương

Công khai thang bảng lương là yêu cầu bắt buộc nhằm đảm bảo tính minh bạch trong việc trả lương và quản lý lao động. Doanh nghiệp phải công khai thang lương, bảng lương tại nơi làm việc trước khi áp dụng, giúp người lao động nắm rõ các quy định liên quan đến mức lương và điều kiện lao động. Thang bảng lương có thể được công khai bằng văn bản, thông báo giấy hoặc thư điện tử tới người lao động.

4. Bước 4: Theo dõi, quản lý việc thực hiện thang bảng lương

Việc theo dõi và quản lý chặt chẽ thang bảng lương giúp doanh nghiệp đảm bảo thực hiện đúng các quy định pháp luật và duy trì tính minh bạch trong trả lương. Hồ sơ liên quan đến thang lương, bảng lương cần được lưu trữ đầy đủ để phục vụ kiểm tra, đối chiếu khi cần thiết, đồng thời làm cơ sở xử lý các tranh chấp hoặc khiếu nại liên quan đến quyền lợi của người lao động.

Lời kết

Một thang bảng lương được xây dựng khoa học, công bằng và minh bạch sẽ là động lực thúc đẩy tinh thần làm việc, thu hút nhân tài, đồng thời đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật lao động. Hi vọng rằng, những thông tin trong bài viết này đã giúp bạn đọc có cái nhìn rõ nét hơn về tầm quan trọng và cách thức xây dựng một hệ thống lương hiệu quả, góp phần tạo dựng một môi trường làm việc chuyên nghiệp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *