Mình đã từng nhiều lần thấy và đôi khi cũng vô thức hành xử thế này.
- Làm chưa xong deadline thì nói do team khác phản hồi chậm.
- Kết quả không tốt thì bảo là do khách hàng đổi ý liên tục.
- Tại sếp giao việc không rõ.
- Tại team thiếu người và thấy scope không công bằng.
- Tại cái hệ thống quy trình này không rõ ràng.
- Em tưởng chưa cần gấp.
- Tại họ khó, gì cũng không vừa ý chứ đâu phải tại em.
Thậm chí có thể là... im luôn, đợi tới lúc mọi chuyện vỡ ra thì nhờ sếp vào xử lý.
Tệ nhất, là những lần nói dối, một cách vô tình hay cố ý. Có thể là phóng đại nỗ lực của mình, che giấu một lỗi nhỏ, hoặc tạo ra một lý do nghe dễ chấp nhận nhất.
Không lớn lắm.
Không nghiêm trọng.
Nhưng như một cơ chế tự động, trong lòng sếp, mình đã bị trừ điểm.
Không phải trừ vì tức giận, mà trừ vì mất niềm tin.
Và số điểm bị trừ đó không nhỏ chút nào.
Đến khi mình làm sếp, giờ đây mình mới thấy rõ:
- Không ai trả lương để mình giải thích vì sao không làm được mà người ta chỉ muốn biết: Giờ xử lý sao?
- Còn nếu không xử lý được thì cần làm gì để không lặp lại nữa?
Mình cũng bắt đầu hiểu vì sao ngày xưa, sếp mình có lúc lạnh lùng, có lúc ngắn gọn, có lúc không hỏi han cảm xúc gì cả.
Vì có thể… sếp đang vừa cắm đầu cho deadline, vừa trả lời cho 3 team khác, vừa loay hoay gỡ cái trái bom mình vô tình ném cho sếp, còn nguyên và nóng hổi trên tay.
Giờ mình cũng đứng ở vị trí đó và bắt đầu hiểu rằng
- Làm sếp không có nghĩa là mình đúng hết.
- Mà là người phải chịu trách nhiệm hết.
Trách nhiệm đó bắt đầu từ việc không đổ lỗi, dù là lỗi của ai đi nữa.
Mình viết mấy dòng này không phải để nói "hồi đó mình không tệ như mấy bạn trẻ bây giờ” hay “bây giờ mình là một người sếp chịu trách nhiệm”, mà là để chia sẻ lại với những bạn trẻ đang đi làm rằng:
- Mỗi lần mình đổ lỗi hay bào chữa là một lần mình đánh rơi điểm tin tưởng từ người khác mà mình không nhận ra.
- Và mỗi lần mình dám nhận trách nhiệm, trung thực và chủ động là mình đang tạo dựng một vốn quý cho chính mình: vốn niềm tin. Chưa kể, nó là cả một bầu trời cơ hội cho việc học hỏi và chuyển mình.
Và khi mình thật sự làm sếp, mình hiểu lý do tại sao sếp có yêu cầu cao đối với mình, đơn giản là vì họ cũng nhận được những yêu cầu không hề thấp một chút nào từ sếp của họ.
Viết cho những ai đang đi làm và sẽ một ngày làm sếp, để đỡ bỡ ngỡ, và để hiểu nhau hơn.