Mao Lu bước vào xưởng dệt gia đình, tiếng máy khâu, mùi vải cùng sự tập trung của hàng trăm công nhân khiến cô cảm thấy áp lực đè nặng.
"Tất cả như lời nhắc về những gì bố mẹ tôi đã dành cả cuộc đời để xây dựng", cô gái 27 tuổi, nói. Mao có trách nhiệm gìn giữ doanh nghiệp trị giá hàng triệu USD của gia đình ở tỉnh Giang Tô, dù nó chưa từng nằm trong kế hoạch đời cô.
Cô từng du học Mỹ và theo đuổi sự nghiệp trong ngành quảng cáo ở Thượng Hải. Trong năm đầu, những đêm thức khuya và áp lực đã khiến cô sụt 8 kg trong khi lương chỉ vài nghìn tệ mỗi tháng.
"Tôi cảm thấy dù có làm việc chăm chỉ đến đâu thì bản thân chỉ là một bánh răng trong cỗ máy khổng lồ", Mao kể. Hồi tháng 4, cô bỏ việc về với gia đình, làm việc ở văn phòng nơi cha cô đã quản lý nhà máy trong nhiều thập kỷ.
Mao và bố ở nhà máy thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: SixthTone
Nhưng Mao nhanh chóng hối hận. Sự bùng nổ mua sắm trực tuyến đã định hình lại cách người tiêu dùng mua hàng gia dụng, gây áp lực cho các đại lý truyền thống. Họ dần mất khách hàng trung thành. Doanh số nhà máy gia đình Mao đã giảm 15% trong năm nay.
Ở khắp Trung Quốc, hàng nghìn công ty gia đình như nhà cô đang đứng trước ngã ba đường, vật lộn với làn sóng chuyển giao thế hệ lớn nhất.
Chang erdai là thuật ngữ mô tả thế hệ làm chủ thứ hai đang đứng trước áp lực và thử thách khôi phục doanh nghiệp gia đình, tiếp cận người tiêu dùng trẻ. Họ phải thích nghi và phát triển trong thị trường đang thay đổi nhanh hơn bao giờ hết. Sự thống trị của thương mại điện tử đang buộc các chủ nhà máy phải thay đổi hoặc bị tụt hậu.
Công nghiệp sản xuất là xương sống của nền kinh tế Trung Quốc. Trong số hơn 100 triệu doanh nghiệp tư nhân tại Trung Quốc, hơn 80% là công ty gia đình và 1/3 trong số đó tập trung vào sản xuất truyền thống.
"Bố tôi cứ nghĩ sản phẩm đã có trên kệ sẽ tự bán được", Mao kể. Ông đã từng thất bại trong việc bán hàng trực tuyến bởi đánh giá thấp quảng cáo mạng xã hội. Ông cũng không mấy quan tâm đến câu chuyện thương hiệu mà cô đang cố gắng viết để giới thiệu cho khách. Mao phải thiết kế lại bao bì, cải tiến cửa hàng trực tuyến và tạo tài khoản mạng xã hội.
Liang Qiang, trưởng khoa kinh doanh Đại học Shantou ở Quảng Đông, cho rằng môi trường điều hành doanh nghiệp gia đình đã thay đổi đáng kể trong những năm gần đây.
Nhiều thập kỷ trước, thành công phụ thuộc vào sự can đảm và các mối quan hệ xã hội. "Miễn là bạn sản xuất được sản phẩm với chi phí tối thiểu, bạn có thể cạnh tranh hiệu quả trên thị trường", ông nói.
Nhưng cuộc chơi đã thay đổi. Một số ngành công nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn và suy thoái. Thế hệ kế nghiệp phải chịu đựng áp lực và tìm cơ hội tăng trưởng, dù nhu cầu tiêu dùng đang giảm.
Huang Xiyi, người thừa kế nhà máy thiết bị cơ khí ở Quảng Đông, nổi tiếng trên mạng xã hội Xiaohongshu sau khi chia sẻ về cuộc sống của mình. Cô gặp nhiều căng thẳng trong quá trình hiện đại hóa nhà máy, xung đột với gia đình và bị cô lập trong công ty.
Bài đăng thu hút hàng nghìn lượt tương tác và đồng cảm của thế hệ kế nghiệp. Nó dẫn dắt Huang thành lập cộng đồng trực tuyến để những chang erdai trao đổi ý tưởng và hỗ trợ lẫn nhau.
"Chúng tôi thường xuyên bị xung đột giữa ý tưởng cũ và mới", Huang nói.
Nhóm Chang erdai GoGoGo đã có hơn 4.700 thành viên. Nền tảng đã trở thành trung tâm chia sẻ tài liệu, tổ chức diễn đàn và hợp tác trong các dự án kinh doanh.
Mao nhận ra cuộc chiến của cô không chỉ trên thương trường mà còn ở nhà. Bố cô, ông Yonghui, 52 tuổi, đã lắc đầu ngay khi cô đề xuất thiết kế mới cho sản phẩm giường ngủ hoặc chăn gối cho thú cưng.
Ông xuất thân là người bán hàng rong và khởi nghiệp năm 22 tuổi, trách con gái không hiểu sự khổ cực mà mình đã trải qua.
"Bố tôi rất nghiêm khắc", Mao kể. Ông nhận xét mọi thứ từ quần áo đến cuộc sống của cô. Một lần, ông chỉ trích con gái mặc áo sơ mi nhăn nheo, gọi đó là thiếu chuyên nghiệp.
Mỗi ngày, Mao vật lộn với áp lực của việc quản lý nhà máy và đáp ứng kỳ vọng của bố. Cô không có bạn bè, sống trong căn phòng cạnh bố mẹ, gần nhà máy.
"Tôi chỉ có chó và mèo bầu bạn", Mao nói. Hai tuần một lần, cô xin bố nghỉ hai ngày để đến Thượng Hải nghỉ ngơi.
Hu Yue, 38 tuổi, ở Thượng Hải đã phải đối mặt với sự phản đối của công nhân nhà máy sản xuất giấy ở Tân Cương. Hu tiếp nhận doanh nghiệp gia đình từ năm 2017, quyết tâm hiện đại hóa.
Anh triển khai các công cụ tự động hóa văn phòng và thiết kế bảng dữ liệu chi tiết để công nhân ghi lại số liệu sản xuất.
"Công nhân phản đối bởi họ cảm thấy thoải mái với cách làm cũ, ngay cả khi chúng không hiệu quả", anh kể.
Báo cáo của công ty tư vấn quản lý Boston Consulting Group cho thấy trong số 100 doanh nghiệp gia đình hàng đầu của Trung Quốc, 31% được truyền lại cho các thành viên gia đình, 54% được quản lý bởi giám đốc đào tạo nội bộ và chỉ 15% được giám sát bởi người quản lý bên ngoài. Việc giao phó doanh nghiệp cho người không thuộc gia đình thường được quyết định miễn cưỡng.
Mao vẫn đang chật vật trong việc trở thành người kế nghiệp. Cô quyết tâm hiện đại hóa và hy vọng mở rộng đến Thượng Hải.
"Tôi ước hòa hợp được với sự kỳ vọng của gia đình", Mao nói.
Ngọc Ngân (Theo Sixth Tone) | Vnexpress