(ĐTCK) Đứng trước làn sóng chuyển giao thế hệ diễn ra ngày một mạnh mẽ khi những nhà sáng lập đã và đang chuẩn bị bước vào tuổi nghỉ hưu, giải pháp nào cho các doanh nghiệp gia đình có tầm ảnh hưởng tại Việt Nam giải quyết bài toán chọn đúng người đúng việc cho thế hệ lãnh đạo kế vị?
Thời điểm chuyển giao đã bắt đầu?
Làn sóng chuyển giao đang diễn ra một cách mạnh mẽ trước thực tế tới năm 2029, tất cả thế hệ Baby Boomers (sinh năm 1946 - 1964) sẽ bước sang ngưỡng 65 tuổi trở lên. Đến năm 2050, số lượng nhân sự từ 60 tuổi sẽ tăng lên hơn 25%, kéo theo tình trạng già hoá dân số cùng một loạt hiệu ứng thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao và dày dạn kinh nghiệm.
Làn sóng chuyển giao quyền lực trong các doanh nghiệp gia đình đang diễn ra mạnh mẽ. Việc chọn ra những người lãnh đạo có thực tài, thực tâm cho sự phát triển của doanh nghiệp đang là bài toán được quan tâm hàng đầu.
Tại các tập đoàn đang bước vào giai đoạn chuyển giao thế hệ, mối lo trước áp lực thời cuộc và những khác biệt về văn hoá với lực lượng lao động ở độ tuổi rất trẻ hiện tại cũng gây ra thách thức cho các nhà lãnh đạo đời đầu. Đứng trước bước chuyển mình quan trọng có ảnh hưởng lớn tới cả cơ đồ và doanh nghiệp, bài toán kế nhiệm cần phải được xây dựng vững vàng để sẵn sàng cho việc tiếp nhận dàn lãnh đạo ưu tú tương lai. Trong khi đó, theo nghiên cứu của PwC, chỉ có 15% doanh nghiệp gia đình có kế hoạch chuyển giao quyền quản lý. Nghiên cứu của The Boston Consulting Group cũng chỉ ra rằng có hơn 40% doanh nghiệp gia đình chưa chuẩn bị đẩy đủ cho việc kế nhiệm.
Diện mạo mới của doanh nghiệp sau những cuộc dịch chuyển
Tại các nước phát triển trên thế giới, cuộc chuyển giao quyền lực trong các công ty, tập đoàn lớn đã đến thế hệ thứ 3-4 như ông Lee Jae-yong của Tập đoàn Samsung (sinh năm 1968, đời thứ 3), Doug McMillon của Walmart (sinh năm 1966, đời thứ 4), John Donahoe của Nike (sinh năm 1960, đời thứ 4).
Trong khi đó ở Việt Nam, sự chuyển giao quyền lực mới chỉ bước sang đời thứ 2 là con cái của những nhà sáng lập. Đồng nghĩa với việc, bài toán tìm kiếm người tài tại các công ty gia đình Việt Nam mới ở bước sơ khởi và cần nhiều quy chiếu về cách hài hòa mục tiêu, tính minh bạch, duy trì danh tiếng doanh nghiệp trên thương trường, phát huy niềm tin của các nhà đầu tư...
Tại Việt Nam, hiện có hơn 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động với 98% là doanh nghiệp tư nhân. Trong đó, có tới 70% doanh nghiệp sở hữu bởi gia đình và 100 doanh nghiệp lớn nhất cả nước chiếm 25% tổng GDP, mang tầm ảnh hưởng và tạo ra động lực tăng trưởng quan trọng cho nền kinh tế quốc gia.
Bên cạnh sự tăng trưởng của các “ông lớn” này qua các thời kỳ hình thành và phát triển lâu dài, mọi sự chú ý đổ dồn vào những người kế cận tiếp theo chèo lái doanh nghiệp khi những nhà sáng lập hiện tại đã bước sang tuổi 6x, 7x. Thực tế, các cuộc chuyển giao quyền lực đã và đang diễn ra tại các tập đoàn gia đình có tầm ảnh hưởng lớn như Nova Group, ACB, Thành Thành Công, REE, Bitis, Minh Long... với những bước ngoặt thay đổi tư duy.
Trong lĩnh vực ngân hàng, ông Trần Hùng Huy là một cái tên không thể bỏ qua khi kế nghiệp cả bố lẫn mẹ. Năm 2013, ông Huy đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) khi mới ở tuổi 34. Đúng thời điểm ngân hàng này đang trong giai đoạn khó khăn bủa vây sau sự kiện ông Nguyễn Đức Kiên cùng một số lãnh đạo vướng vòng lao lý vào tháng 8/2012. Sau hơn một thập kỷ tiếp quản, ông Huy đã điều hành ACB bước qua hàng loạt khó khăn và lấy lại thị phần, duy trì mức tăng trưởng dương về lợi nhuận và quy mô.
Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy
Tại lĩnh vực nông nghiệp, bà Huỳnh Bích Ngọc - Chủ tịch HĐQT CTCP Thành Thành Công – Biên Hoà (TTC AgriS), đồng thời là một trong hai nhà sáng lập tập đoàn Thành Thành Công cùng với chồng là ông Đặng Văn Thành - đã thành công chuyển giao quyền quản lý TTC AgriS sang con gái Đặng Huỳnh Ức My, hiện đang là Phó Chủ tịch TTC AgriS.
Sau 10 năm dưới sự quản trị mới, TTC AgriS giữ vững vị thế số 1 Việt Nam khi chiếm lĩnh gần 50% thị phần đường và gia nhập thành công thị trường hàng hoá thế giới. Các sản phẩm mang thương hiệu TTC AgriS hiện đã tiếp cận hơn 50 thị trường xuất khẩu, bao gồm cả châu Âu, Úc… Bà My cho thấy tư duy kinh tế nổi trội để thay thế tiêu chuẩn của nền nông nghiệp cũ, thông qua lối quản trị hiện đại, ứng dụng công nghệ số để hướng tới các hoạt động phát triển nông nghiệp tuần hoàn.
Với kinh nghiệm gần 20 năm trong lĩnh vực tài chính, bà My đã thành công thiết lập mối quan hệ chiến lược cho TTC AgriS với các định chế hàng đầu về quản trị và vốn xanh. Trong năm 2023, chỉ trong vòng 1 tháng đơn vị này đã huy động được các khoản tài trợ vốn thương mại với tổng giá trị lên đến hơn 140 triệu USD từ các định chế tài chính quốc tế hàng đầu như IFC, SMBC, Ngân hàng FCB, cùng Nhóm các định chế tài chính lớn… Có thể thấy, nữ doanh nhân đã tạo ra những cú bật lớn cho cả doanh nghiệp mình làm chủ và đóng góp cho sự tăng trưởng bền vững của Tập đoàn Thành Thành Công.
Bà Đặng Huỳnh Ức My, Phó Chủ tịch TTC AgriS.
Tập đoàn Thành Thành Công hiện cũng đang là cái tên điển hình cho các cuộc chuyển giao mạnh mẽ từ nhiều năm nay khi giao phó thế hệ F2 là ông Đặng Hồng Anh, bà Đặng Huỳnh Ức My, ông Đặng Huỳnh Anh Tuấn gánh vác các mảng kinh doanh trong tập đoàn (bất động sản, nông nghiệp, năng lượng).
Mới đây từ ngày 23/4/2024, bà Huỳnh Bích Ngọc trước đó là thành viên hỗ trợ cốt cán cho mảng bất động sản với vị trí Chủ tịch HĐQT CTCP Địa ốc Sài Gòn thương tín (TTC Land), cũng đã chính thức từ nhiệm và chuyển giao cho con trai Đặng Hồng Anh tiếp quản toàn bộ công việc quyền điều hành và quản lý hoạt động của doanh nghiệp niêm yết này cùng các thành viên HĐQT.
Ông Đặng Hồng Anh, Phó Chủ tịch TTC Land, cũng được biết đến là Shark Đặng Hồng Anh
Biti’s – Thương hiệu giày, dép “quốc dân” một thời huy hoàng tưởng chừng bị lãng quên trong suốt một thập kỉ nay chuyển mình và “bừng tỉnh”. Thổi hồn tư duy và diện mạo mới cho nhãn hiệu này chính là Tổng giám đốc Vưu Lệ Quyên đã giúp thương hiệu vượt qua những giai đoạn khủng hoảng nhất. Bà là một trong 2 người con gái nối nghiệp gia đình tiếp quản thương hiệu giày Biti's của Công ty TNHH Sản xuất Hàng tiêu dùng Bình Tiên để tạo ra những chiến dịch quảng bá, phân phối mới giúp hãng giành lại được thị phần rộng lớn và trở thành thương hiệu giày Việt Nam được ưa chuộng nhất.
CEO Biti’s Vưu Lệ Quyên – Con gái cả của nhà sáng lập Biti’s Vưu Khải Thành
Ngoài những gương mặt “cha truyền con nối” như trên, còn có các thế hệ F2 được chuyển giao ở các đế chế quyền lực khác như bà Lê Thu Thủy (con gái bà Nguyễn Thị Nga), Phó chủ tịch HĐQT SeABank; con trai bầu Hiển là ông Đỗ Quang Vinh, hiện là Phó tổng giám đốc SHB, hay ông Lê Viết Hiếu, con trai ông Lê Viết Hải cũng được xây dựng, đào tạo để tiếp tại Tập đoàn Hòa Bình…
Có thể thấy, trong bối cảnh hội nhập cạnh tranh đầy khốc liệt hiện nay, chuyển dịch lãnh đạo đồng nghĩa với việc mở ra trang mới trong mục tiêu phát triển dài hạn của tổ chức, để tiếp nối sự nghiệp đã được xây dựng trong nhiều năm. Dưới làn sóng chuyển giao của thế hệ 6x tại Việt Nam sang nhân tài trẻ, những “người nối nghiệp” dần chứng minh được thành quả nổi bật trong tiến trình “chọn người” để vượt qua được cái bóng “khổng lồ” của thế hệ đi trước. Tuy vậy, trách nhiệm lựa chọn nhân sự kế cận và việc tạo điều kiện để các nhà lãnh đạo trẻ phát triển tài năng còn phụ thuộc rất lớn vào khả năng tiếp nhận của người kế thừa đủ tâm – tài, có khả năng dẫn dắt công ty đồng thời đóng góp tích cực cho nền kinh tế xã hội.
Tác giả H.Minh báo Báo Đầu tư 28/04/2024