Tôi thường hay viết sách. Các bước làm của tôi như sau. Đầu tiên là viết bài lên blog chia sẻ online hoàn toàn miễn phí để cộng đồng cùng đọc. Sau đó tập hợp các bài viết rồi sắp xếp, biên tập lại cho đúng logic. Cuối cùng là xin phép xuất bản. Vì thế nhiều độc giả cứ hỏi tôi là có bản mềm không và hay nhận được câu trả lời: Anh chị cứ chụp mục lục rồi lên mạng tìm kiếm bài là ra.
Đợt này viết sách về hệ thống đãi ngộ 3P nên tôi có chia sẻ lên mạng. Rồi tôi nhận được câu hỏi: "Hi anh. Anh có thể tư vấn hệ thống lương 2P không ạ? Em thấy bài trên group về 3P nên em muốn tìm hiểu thêm hệ thống lương 2P." Quá trình tôi đi chia sẻ về mô hình lương 3P cho các đối tác thì nhận được kha khá phản hồi nói rằng chính sách lương của họ cũng giông giống nhưng chỉ có 2P. Tôi cũng chưa thực sự hiểu ý hệ thống lương 2P mà chủ nhân câu hỏi đang nói đến là gì nên hi vọng sẽ hệ thống đó sẽ như tôi chia sẻ dưới đây.
Phần nhiều các doanh nghiệp hiện nay đang duy trì hình chính sách lương hỗn hợp có 2 phần: Phần 1 lương cứng theo thời gian + phần 2 là thưởng (lương mềm). Khi so sánh với lương 3P, phần lương cứng đó có thể tương ứng với lương P1 + lương P2 và lương mềm là thưởng P3.
1. Chính sách lương 3P như nào?
Chính sách lương 3P là nguyên tắc, đường lối, cách thức, quy định trả lương theo mô hình 3P (trả lương theo giá trị công việc P1 - Position, trả lương theo năng lực P2 - Person, trả thưởng theo kết quả công việc P3 - Performance)
1.1 Lương P1 gắn với giá trị công việc. Lương P1 = Hệ số giá trị công việc * Đơn giá tiền lương. Tùy vào quan điểm mà chúng ta có:
- Nếu công ty không muốn gắn thâm niên vào P1:
+ Không dùng P1 để đóng BHXH: Lương P1 bậc 1 = lương P1 bậc 2 = ... Hệ số giá trị công việc * Đơn giá tiền lương
+ Có dùng P1 để đóng BHXH: Lương P1 đóng BHXH bậc 1 = lương P1 đóng BHXH bậc 2 = ... Hệ số giá trị công việc * Mức lương tối thiểu theo luật
- Nếu công ty muốn gắn thâm niên vào P1:
+ Không dùng P1 để đóng BHXH: Lương P1 bậc i = Hệ số lương bậc i * Lương P1 bậc 1. Hệ số lương bậc i = Hệ số lương bậc (i-1) * Hệ số khoảng cách. Hệ số khoảng cách = căn bậc (n-1) của Bội số lương. Bội số lương = mức lương cao nhất của vị trí/ mức lương thấp nhất của vị trí. N là số bậc lương. Mức lương cao nhất = x% * Lương P1 theo giá trị công việc. Mức lương thấp nhất = y% * Lương P1 theo giá trị công việc.
+ Có dùng P1 để đóng BHXH: Lương P1 đóng BHXH bậc i = Hệ số đóng BHXH bậc i * Mức lương tối thiểu theo luật. Hệ số đóng BHXH bậc i = Lương P1 theo giá trị công việc bậc i / Lương P1 theo giá trị công việc thấp nhất (min).
Để biết rõ hơn cách làm P1 và các hướng triển khai, bạn vui lòng tìm đọc các bài viết về P1: Các phương án xây thang lương P1 trong quá trình tái tạo hệ thống thu nhập (lương) 3P
1.2 Lương P2 gắn với năng lực. Nếu gắn với thị trường, Lương P2 bậc i = Lương theo thị trường bậc i - lương P1 bậc i. Trong trường hợp không thì Lương P2 = a% * lương P1.
Nếu dùng P2 đóng BHXH:
- Nếu không tối ưu theo luật: Lương đóng BHXH = lương P1 + lương P2.
- Nếu tối ưu theo luật: Lương đóng BHXH = Lương P1 + 1 phần lương của P2 (nếu có). Phần lương thừa P2 = thưởng năng lực hoặc tối ưu khác.
Nếu không dùng dùng P2 để đóng BHXH:
- Nếu tối ưu 1 phần: Lương đóng BHXH = lương P1 dùng để đóng BHXH.
- Nếu tối ưu theo luật: Lương đóng BHXH = Phần đóng BHXH. Phần lương thừa P1 + lương P2 = thưởng năng lực hoặc tối ưu khác.
Lưu ý: Phần tiền dùng để đóng BHXH luôn lớn hơn hoặc bằng lương tối thiểu.
1.3 Thưởng P3 gắn với hiệu quả công việc. Thưởng P3 = Tỷ lệ % lương mềm / Tỷ lệ % lương cứng * (Lương P1 + Lương P2). Tỷ lệ % lương mềm = Tổng các khoản thưởng năm cũ / tổng thu nhập năm cũ. Tỷ lệ % lương cứng = Tổng các khoảng cố định năm cũ / tổng thu nhập năm cũ.
Trong một số trường hợp, có đơn vị xác định Thưởng P3 = b% * Lương P1.
Chi tiết cách tính P3, vui lòng xem: Cách và logic chia thưởng P3 thế nào?
2. Chính sách lương 2P ra sao?
Do nhiều công ty thấy việc làm lương P2 phức tạp ở phần xây dựng hệ thống đánh giá năng lực nên họ sẽ chọn hướng:
- Hướng 1: Coi chính lương 3P là 2P nhưng không có đánh giá năng lực mà coi như nhân viên đạt 100% lương P2. Việc lên bậc lương P2 dựa vào thâm niên hoặc thái độ hoặc mức độ hoàn thành công việc hoặc cả 3.
- Hướng 2: Chính sách lương 2P có lương P1 và thưởng P3. Trong đó P1 lựa chọn theo hướng có biến đổi giữa các bậc. Việc lên bậc P1 có thể quy định luật chơi như hướng 1: dựa vào thâm niên hoặc thái độ hoặc mức độ hoàn thành công việc hoặc cả 3.
Cả 2 hướng này tôi đều gọi là chính sách lương 2P.
3. Hệ thống lương 2P là gì?
Hệ thống là tập hợp các yếu tố. Cho nên hệ thống lương 2P là tập hợp các yếu tố về lương theo mô hình 2P. Các yếu tố này bao gồm: Chính sách lương thưởng và các loại phụ cấp phúc lợi, bảng lương, các biểu mẫu, quy trình tính lương... Vì thế khi làm được chính sách lươgn 2P rồi thì sẽ hoàn thiện nốt các yếu tố khác để tạo ra hệ thống. Cói thể tạm coi Hệ thống lương 2P là hệ thống đãi ngộ theo mô hình lương 2P.
Cụ thể, hệ thống bao gồm:
- Thang lương P1
- Bảng lương 2P
- Chính sách lương 2P
- Quy trình tính lương
- Thông báo lương
4. Cách làm hệ thống lương 2P
Về cơ bản, chúng ta đi giống như làm chính sách lương 3P tùy vào hướng xây như ở phần trên:
- Hướng 1: Cứ xây dựng lương 3P nhưng không xây hệ thống đánh giá P2 mà coi như nhân viên đạt 100%. Việc lên bậc P2 dựa vào thâm niên hoặc thái độ hoặc mức độ hoàn thành công việc hoặc cả 3.
- Hướng 2: Chỉ xây P1 và P3. Trong đó P1 lựa chọn theo hướng có biến đổi giữa các bậc. Việc lên bậc P1 có thể quy định luật chơi như hướng 1.
Chi tiết các bước làm hệ thống lương 3P như sau. Bạn cứ theo các hướng ở trên để lược bỏ 1 số bước:
Giai đoạn 1 - Xác định thượng tầng và quan điểm quản trị
Bước 1: Xác định chiến lược doanh nghiệp và chiến lược nhân sự nói chung, chiến lược đãi ngộ nói riêng
Bước 2: Phân bổ chi phí nhân sự (quỹ lương) và ước tính định biên nhân sự
Giai đoạn 2 - Xây dựng hệ thống Đãi ngộ tài chính 3P
Giai đoạn 2.1. Tiến hành nâng cấp hệ thống đãi ngộ tài chính trực tiếp 3p
1. Thang và chính sách lương theo vị trí P1
Bước 1: Thống nhất các vị trí trí và mô tả công việc
Bước 2: Thống nhất bảng xếp hạng giá trị công việc
Bước 3: Xây dựng thang và chính sách lương P1
2 Thang và chính lương theo năng lực P2
Bước 1 Khảo sát lương và định vị phân khúc lương
Bước 2 Xác định thang và chính sách lương P2
Bước 3 Hoàn thiện chính sách đánh giá năng lực
3 Thang và chính sách thưởng theo hiệu quả P3
Bước 1 Xác định thang và chính sách thưởng P3
Bước 2 Hoàn thành chính sách đánh giá hoàn thành công việc
4 Phụ cấp
5 Phúc lợi trực tiếp bằng tiền
6 Hoàn thiện chính sách lương 3P
Giai đoạn 2.2. Xây dựng hệ thống Đãi ngộ tài chính gián tiếp
Giai đoạn 3: Áp dụng các chính sách đãi ngộ tài chính vào thực tế
Giai đoạn 4: Tiếp tục xây dựng hệ thống đãi ngộ phi tài chính
Nếu quan tâm chi tiết hơn, bạn vui lòng xem bài: Tổng thể các bước xây dựng hệ thống Tổng đãi ngộ theo mô hình lương 3P (total reward)
Nguyễn Hùng Cường (kinhcan24)