Thúc đẩy động lực làm việc trong nhân viên là một trong những mong muốn của các tổ chức. Và đây cũng là chủ đề nhiều nhà khoa học cũng như chuyên gia nghiên cứu và đưa ra các học thuyết. Theo tôi:
- Nghiên cứu bề mặt nhất là những nghiên cứu theo hướng liên kết giữa hành vi tổ chức (trong đó có những hành vi tốt) với các bối cảnh tác động (có thể là chính sách hoặc lãnh đạo hoặc môi trường hoặc văn hóa). Sau khi xác định được mối liên hệ sâu hoặc nông thì các nhà nghiên cứu sẽ đưa ra kết luận và gọi đó là lý thuyết. Ví dụ như tổ chức có chính sách A thì nhân viên đa phần sẽ có hành vi B. Công thức của nhóm là: Bối cảnh - Hành vi
- Nghiên cứu sâu hơn là các nghiên cứu về mối quan hệ giữa tâm lý (suy nghĩ bên trong) và hành vi trong tổ chức. Các nghiên cứu này sẽ đi vào lý giải hành vi bằng các lý thuyết về tâm lý. Lúc này chúng ta có xu hướng coi con người như là cỗ máy tính với hàng loạt các thuật toán (tổ hợp các đặc điểm bên trong). Với từng tình huống, môi trường hay lãnh đạo, thuật toán tâm lý sẽ được kích hoạt và thúc đẩy con người đưa ra các hành vi tương ứng (trong đó có hành vi tốt). Các thuật toán tâm lý đôi khi còn được gọi là các hiệu ứng tâm lý. Có lẽ, ẩn sau các thuật toán hay hiệu ứng tâm lý chính là nhu cầu. Nhu cầu kết hợp với bối cảnh kích hoạt các hiệu ứng tâm lý từ đấy thúc đẩy các hành vi của con người. Công thức tổng kết là: Bối cảnh + Nhu cầu - Hiệu ứng tâm lý - Hành vi
- Nếu chúng ta tiếp tục tìm hiểu sâu hơn, có một nhóm nghiên cứu khác về động lực và hành vi là nghiên cứu về sinh học hành vi. Câu hỏi đặt ra cho các nghiên cứu này là liệu các yếu tố sinh học bên trong con người có tác động gì đến hành vi của con người trong tổ chức? Câu hỏi này thoạt tưởng nghe ngớ ngẩn vì ai cũng biết não điều khiển hành vi con người và động vật. Nhưng đi sâu hơn, chúng ta sẽ thấy rằng còn rất nhiều điều để tìm hiểu. Công thức của những nghiên cứu sinh học như sau: Bối cảnh + Nhu cầu + Yếu tố sinh học - Hiệu ứng tâm lý - Hành vi.
Tôi đã có ít nhất 2 bài nói về chủ đề sinh học hành vi này và giờ tiếp tục bài nữa có tiêu đề "Dopamine - hóc môn hạnh phúc tạo ra động lực làm việc". Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sự tác động của hóc môn hạnh phúc đến hành vi con người.
Các nhà khoa học đã tiến hành khá nhiều thí nghiệm trên chuột để quan sát và đánh giá hành vi liên quan đến Dopamine. Một trong số đó là thì nghiệm về việc cắt hóc môn này trên chuột. Cụ thể thí nghiệm như sau: Người ta nhốt một con chuột vào trong cái lồng và có gắn thiết bị theo dõi nồng độ dopamine. Trong chiếc lồng, để gần con chuột là cái nút. Chỉ cần chạm vào nút là thức ăn rơi ra. Con chuột chỉ cần làm việc (chạm nút) là có đồ ăn. Lúc đầu, con chuột làm việc bình thường. Tức cứ khi đói (có nhu cầu) + dopamine bình thường, nó chạm nút, thức ăn rơi ra. Khi ăn (thỏa mãn nhu cầu), nồng độ dopamine trong não con chuột được tiết ra và tăng cao (làm con chuột hưng phấn) rồi giảm dần.
Sau đấy, các nhà khoa học tìm cách triệt tiêu, không để cho não chuột sản sinh ra dopamine nữa. Họ tiếp tục theo dõi con chuột. Con chuột đến thời điểm đói (có nhu cầu) nhưng nó không chịu chạy ra bấm nút để có đồ ăn. Nó chỉ nằm yên một chỗ cho đến khi chết đói.
Như vậy con chuột làm việc và chăm chỉ vì dopamine được bơm liên tục kết hợp với bối cảnh và nhu cầu. Và nếu chúng ta có bối cảnh (nút bấm ra thức ăn), nhu cầu (đói) mà không có yếu tố sinh học (dopamine) thì hiệu ứng tâm lý (thuật toán) sẽ đưa ra trong não là không cần hành động, từ đó hành vi nằm im một chỗ xuất hiện.
Vậy dopamine là gì?
Dopamine là “hormone hạnh phúc”, tạo cảm giác thích thú, hưng phấn, tràn đầy cảm hứng. "Khi hormone hạnh phúc dopamine trong cơ thể được giải phóng với số lượng lớn, bạn sẽ có cảm giác thích thú, hưng phấn, tràn đầy cảm hứng. Ngược lại, mức độ dopamine thấp sẽ làm giảm động lực, giảm sự nhiệt tình, giảm khả năng tập trung và hạn chế điều chỉnh các chuyển động của cơ thể."
Cách dopamine tác động đến não?
Dopamine được sản sinh bởi não giữa và được truyền tới các phần của khác não thông qua các neuron (nơ ron) dopamine. Các nơ ron này có phần thân nằm ở não giữa với các bó sợi thần kinh (sợi trục) kéo dài đến nhiều khu vực khác nhau của não. Chúng còn được gọi là các đường truyền dopamine.
Các đường truyền dopamine sẽ truyền dopamine đến:
- Phần vỏ não trước trán ảnh hưởng đến khả năng giải quyết vấn đề, tư duy phức tạp, trí nhớ, trí thông minh và ngôn ngữ.
- Hạch hạnh nhân có vai trò quan trọng trong quá trình xử lý cảm xúc và kiểm soát trí nhớ của não bộ. Khi dopamine truyền đến, hạch hạnh nhân sẽ tạo ra cảm xúc vui và cảm giác hưng phấn tức thời, khiến con người muốn có được nó nhiều hơn. Từ đó nó kiểm soát động lực và cảm giác “tưởng thưởng”, khích lệ cho chủ thể.
Cách tạo ra dopamine như thế nào?
Cách 1: Tác động từ bên ngoài cơ thể. Sử dụng chất kích thích, thực phẩm và thuốc uống:
+ Trong rượu bia và các chất kích thích có cocain, nicotin chứa một hàm lượng dopamine đáng kể.
+ Trong trà xanh có chứa hoạt chất L Theanine có thể làm tăng mức dopamine trong cơ thể, (hoạt chất này chỉ tìm thấy trong trà) giúp cải thiện tâm trạng, cân bằng cảm xúc. Bạn nên uống 2 cốc trà xanh mỗi ngày.
+ Ngoài ra các thực phẩm như hạt bí đỏ, dưa hấu, đậu xanh, táo và chuối cũng chứa nhiều dopamine.
+ Chiết xuất từ thảo dược Ginkgo biloba cũng có thể ngăn ngừa sự lo lắng, thiếu tập trung, mệt mỏi và trầm cảm. Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu bạn muốn sử dụng loại chiết xuất này.
Cách 2: Tác động từ bên trong cơ thể.
- Để não có thể tự sản sinh ra dopamine thì chúng ta có thể sử dụng các chất kích thích não:
+ Để tăng cường sản xuất dopamine trong cơ thể, bạn nên bổ sung các loại thực phẩm như socola, sữa chua, hạnh nhân, bơ, củ cải đường, nghệ và rau lá trong chế độ ăn uống hàng ngày.
+ Curcumin có trong nghệ cũng có thể thúc đẩy sản xuất dopamine tự nhiên.
+ Các lợi khuẩn đường ruột (probiotic) cũng có tác động tới quy trình sản xuất dopamine nên cần lưu ý bổ sung nhiều thực phẩm giàu lợi khuẩn probiotic trong khẩu phần ăn hàng ngày.
+ Một số vitamin và khoáng chất bao gồm sắt, niacin, folate và vitamin B6 có thể giúp tạo ra hormone hạnh phúc dopamine. Nếu cơ thể thiếu một hoặc nhiều chất dinh dưỡng này, bạn có thể gặp khó khăn trong việc tạo ra đủ lượng dopamine đáp ứng nhu cầu cơ thể.
- Ngoài ra chúng ta có thể sử dụng các hành động giúp não cũng tự sản sinh dopamine:
+ Vận động thường xuyên đều đặn mỗi tuần là một cách hiệu quả nhất để kích thích cơ thể sản xuất dopamine, tạo cảm giác vui vẻ và cải thiện cảm xúc. Một số hoạt động như tập thể dục, yoga, làm vườn, chạy bộ….sẽ giúp hoạt động tiết hormone dopamine sẽ diễn ra đều đặn hơn.
+ Các hoạt động thiên về thư giãn tâm trí như thiền, vẽ tranh, âm nhạc, nhiếp ảnh, khiêu vũ cũng giúp tăng mức hormone dopamine và cải thiện tâm trạng, đặc biệt hữu ích đối với những người đang có vấn đề về tinh thần, ức chế cảm xúc.
+ Thường dopamine sẽ được giải phóng với số lượng lớn vào buổi sáng và giảm dần vào buổi tối trước giờ đi ngủ. Tuy nhiên việc thiếu ngủ sẽ phá vỡ nhịp điệu tự nhiên này, gây sụt giảm trầm trọng dopamine trong não vào hôm sau. Việc duy trì chất lượng giấc ngủ, ngủ đủ và sâu giấc sẽ tác động đến não và giữ cho mức dopamine được cân bằng.
+ Tắm nắng buổi sớm, hoạt động này sẽ giúp cơ thể bạn sản sinh nhiều hormone hạnh phúc dopamine hơn.
+ Dopamine còn tạo ra từ não bằng cảm giác hoàn thành, hân hoan khi đạt được một thành tựu nào đó. Quá trình nảy sinh mong muốn và nỗ lực đạt được mục tiêu đề ra sẽ làm gia tăng mức độ hài lòng, tức lượng dopamine trong cơ thể. Vì vậy con người có xu hướng muốn đạt được nhiều thành công, hoàn thành càng nhiều mục tiêu thì càng cảm thấy thỏa mãn, hạnh phúc.
Bài có sự tham khảo từ nguồn Vinmec.
Nguyễn Hùng Cường