Liệu bạn có biết chỉ cần dựa vào hành vi văn hóa, ta có thể xác định được hệ thống và quan điểm quản trị của tổ chức và người lãnh đạo? Biết điều này, chúng ta sẽ hiểu nhiều điều. Người làm Quản trị Nhân sự nên biết để công việc được suôn sẻ hơn. Dưới đây là một bài viết đưa cho chúng ta các biểu hiện hành vi về văn hóa. Tôi sẽ phân tích để anh chị em thấy được nhiều điều về Quản trị Nhân sự.
***
Nuno Santo bị Tot sa thải. Điều này tôi đã có cảm giác chỉ là sớm hay muộn. Vì ngay từ khi biết tin Spurs mời Nuno ngồi vào cái ghế Mou để lại tôi đã thấy có gì đó sai sai.
Nó sai sai vì một phần chiếc áo HLV Tottenham khá rộng so với Nuno, một phần vì nó hào nhoáng, bóng bẩy hơn vẻ chân chất, thô záp của một người có xuất thân là một cậu nhóc đường phố hàng ngày chơi bóng trên bãi biển Sao Tome & Principe, một hòn đảo ở châu Phi vốn là thuộc địa của Bồ Đào Nha. Và phần còn lại, “người ta” lại nói phong cách phòng thủ phản công của Nuno không phải thứ DNA thuộc về Spurs. Mou (thầy cũ của Nuno) là bậc thầy của phòng thủ phản công và dù đã có những ngày lên đỉnh cùng Tot nhưng rồi vẫn phải ra đi khá tức tưởi vì người ta cũng cho rằng Mou quá an toàn, thậm chí là hèn nhát vì không dám tấn công. Mặc cho thực tế, Tot của Mou thua chủ yếu là do hàng thủ quá kém cỏi còn cặp đôi Son - Kane dưới sự dẫn dắt của Người đặc biệt là cặp song sát hay nhất của EPL 1 thập niên trở lại đây.
Như vậy cái sai sai là ở Mou, ở Nuno hay ở chính Levy và bộ sậu Spurs?!
Tại sao mong muốn đội bóng của mình chơi cống hiến, tấn công đẹp mắt mà lại đi chọn hai đại diện của trường phải phòng thủ phản công thực dụng? Levy đang mâu thuẫn trong chính mong muốn của mình. Thành tích hay phong cách hay cả hai?! Với đội hình hiện tại và khả năng chi tiêu trên thị trường trong những năm qua, thật khó để một HLV nào đó có thể đáp ứng tiêu chuẩn kép này của Levy. Một đội bóng từ thượng tầng đã không định hình triết lý, bản sắc, lối chơi, không rõ ràng mục tiêu chiến lược (ưu tiên thành tích hay phong cách) thì HLV làm sao có phương hướng.
Nhưng, chuyện có vẻ không chỉ có/ như thế. Năm ngoái Mou mất ghế sau khi rộ lên những thông tin rằng học trò không thích phong cách huấn luyện và cách bố trí đội hình của ông. Và cái sự không thích, không ưa này lại nhanh chóng lặp lại với Nuno. Mới trải qua 10 vòng đấu, trong đó cả một tháng 8 bay cao, thế mà các cầu thủ Tottenham đã ngay lập tức “cả thèm chóng chán” với phương pháp Nuno. Điều này cơ bản là sự lặp lại tình trạng của Mou mùa trước, chỉ có điều là nó đến chóng vánh hơn. Vậy nên đổ hết những trận đấu có kết quả tồi lên đầu HLV hay cần phải đặt dấu hỏi về khả năng thích nghi, tiếp thu, kiên nhẫn của cầu thủ? Hay bây giờ HLV sinh ra chỉ để chiều theo gu của cầu thủ?
Với một người cái tôi lớn, trọng kỷ luật, đòi hỏi cao như Mou, có thể các cầu thủ thấy ngột ngạt mà đâm ra mệt mỏi, chán ghét. Nhưng Nuno Santo theo báo chí từng mô tả thì hoàn toàn không giống người tiền nhiệm đồng hương.
Nuno luôn đề cao tinh thần tự giác của các cầu thủ. Ông xác định với họ ngay từ đầu: "Các bạn không đá cho tôi, không đá cho CLB mà đá cho chính các bạn. Các bạn có muốn hưởng lương cao hơn không, có muốn CLB của mình cán đích ở vị trí tốt nhất không, có muốn sang một CLB hàng đầu không? Vậy thì tự mà nỗ lực đi".
"Tôi không bao giờ phạt các cầu thủ vì họ đến muộn. Khi có một ai đó đến muộn, tôi cho toàn đội tập muộn", ông lấy ví dụ. "Có một lần, tôi cho các cầu thủ chờ đợi dưới tiết trời rét buốt khủng khiếp, mặc cho mọi người sốt ruột, tôi cứ đợi cầu thủ kia. Khi anh ta đến, tôi nói 'Này, chúng tôi đợi cậu mãi. Giờ thì tập được rồi'. Tự cầu thủ đến muộn sẽ cảm thấy xấu hổ và sau đó, họ sẽ không đi muộn nữa".
Một người nhân trị, không bao giờ thích nói về bản thân, luôn nhường lại vinh quang cho các học trò sau những chiến thắng còn mình thì lặng thầm chuẩn bị cho trận đấu tiếp theo, sửa soạn xem cần phải nói gì với các cầu thủ dự bị… thế mà vẫn bị cầu thủ không ưa, không thích thì có lẽ “gu” của họ quá lạ và tiêu chuẩn của họ quá cao chăng?!
Liệu có sự dung túng nào của Levy cho các cầu thủ Tottenham ở đây không? Nếu có thì việc mang được Conte về đội bóng Bắc London cũng không lấy gì đảm bảo thành công.
Spurs hãy nhìn sang sân Old Trafford mà học tập về tính kiên nhẫn của MU. Một Ole mờ tịt về đường nét, tàng hình về trường phái, thiếu vắng tinh thần Quỷ, không sao cả, ông thầy Na Uy vẫn có mùa thứ 3 tại vị mà không thấy có cầu thủ nào thái độ. Hay Ole là bậc thầy sân tập và phòng thay đồ? Nếu đúng thế, có khi Levy nên chuyển hướng qua Ole mới là chuẩn!
Bích Hiệp
***
Phân tích: Trong quản trị Nhân sự, nếu chúng ta thấy các biểu hiện hành vi:
1."Nuno luôn đề cao tinh thần tự giác của các cầu thủ. Ông xác định với họ ngay từ đầu: "Các bạn không đá cho tôi, không đá cho CLB mà đá cho chính các bạn. Các bạn có muốn hưởng lương cao hơn không, có muốn CLB của mình cán đích ở vị trí tốt nhất không, có muốn sang một CLB hàng đầu không? Vậy thì tự mà nỗ lực đi".
"Tôi không bao giờ phạt các cầu thủ vì họ đến muộn. Khi có một ai đó đến muộn, tôi cho toàn đội tập muộn", ông lấy ví dụ. "Có một lần, tôi cho các cầu thủ chờ đợi dưới tiết trời rét buốt khủng khiếp, mặc cho mọi người sốt ruột, tôi cứ đợi cầu thủ kia. Khi anh ta đến, tôi nói 'Này, chúng tôi đợi cậu mãi. Giờ thì tập được rồi'. Tự cầu thủ đến muộn sẽ cảm thấy xấu hổ và sau đó, họ sẽ không đi muộn nữa".
Một người nhân trị, không bao giờ thích nói về bản thân, luôn nhường lại vinh quang cho các học trò sau những chiến thắng còn mình thì lặng thầm chuẩn bị cho trận đấu tiếp theo, sửa soạn xem cần phải nói gì với các cầu thủ dự bị… thế mà vẫn bị cầu thủ không ưa, không thích thì có lẽ “gu” của họ quá lạ và tiêu chuẩn của họ quá cao chăng?!"
Dựa vào các biểu hiện này tôi thấy:
- Đây là những người theo Quan điểm nhân trị: Con người sinh ra vốn tính tốt, việc của chúng ta là giáo hóa giáo huấn, hướng con người tới tính thiện.
- Họ thích áp dụng thuyết tạo động lực 3.0: Con người sẽ hành động một cách có động lực khi được: Tự trị, tự chủ, tự đích (có mục đích)
- Chính vì thế họ hay xây dựng tổ chức theo Mô hình xanh ngọc (Hợp tác xã + khoán 10)
- Trong mô hình xanh ngọc sẽ chú trọng nhiều đến đào tạo, họp hành theo phong cách kiểu dân chủ, quyết định theo đa số.
- Phong cách dân chủ không hợp trong giai đoạn khủng hoảng.
2. "Mou (thầy cũ của Nuno) là bậc thầy của phòng thủ phản công và dù đã có những ngày lên đỉnh cùng Tot nhưng rồi vẫn phải ra đi khá tức tưởi vì người ta cũng cho rằng Mou quá an toàn, thậm chí là hèn nhát vì không dám tấn công. Mặc cho thực tế, Tot của Mou thua chủ yếu là do hàng thủ quá kém cỏi còn cặp đôi Son - Kane dưới sự dẫn dắt của Người đặc biệt là cặp song sát hay nhất của EPL 1 thập niên trở lại đây.
...
Với một người cái tôi lớn, trọng kỷ luật, đòi hỏi cao như Mou, có thể các cầu thủ thấy ngột ngạt mà đâm ra mệt mỏi, chán ghét."
Dựa vào những dòng viết ở trên, tôi đồ rằng:
- Có lẽ Mou theo hướng ngược lại, theo quan điểm pháp trị: Con người sinh ra vốn tính xấu, việc của chúng ta là dựng ra hành lang pháp luật để tất cả mọi người đi theo.
- Người theo thuyết pháp trị thích dùng thuyết tạo động lực: cây gậy và củ cà rốt (thuyết 2 yếu tố).
- Tổ chức sẽ được xây dựng theo mô hình màu cam (hình tháp + có chỉ huy)
- Mô hình màu cam chú trọng đến hiệu quả hiệu suất và chính sách lương thưởng, họp hành có người quyết theo hướng độc đoán.
- Phong cách độc đoán hợp với giai đoạn thịnh nhất của tổ chức hoặc khủng hoảng nhất.
Nguyễn Hùng Cường (kinhcan24)
Tư vấn xây dựng Hệ thống Quản trị Nhân sự